- Nhà nước cần phải thiết lập một kênh thông tin hiệu quả giữa các ngành, địa phương, giữa khối doanh nghiệp với các nhà hoạch định chính sách để giúp cho các cấp, các ngành và địa phương thông suốt và quán triệt đầy đủ hơn nữa mục tiêu, ý nghĩa của việc cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước. Chỉ tiêu về CPH giao cho các bộ, các địa phương phải mang tính pháp luật. Đồng thời phải coi nhiệm vụ triển khai về CPH DNNN nói riêng và sắp xếp, đổi mới và phát triển DNNN nói chung là công việc thường xuyên, trọng tâm trong việc sắp xếp và cơ cấu lại DNNN, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập chung vào nền kinh tế toàn cầu. Có như vậy, mục tiêu về CPH DNNN mới có thể thực hiện đúng tiến độ, mới thực hiện được các cam kết quốc tế. Vì CPH DNNN là một vấn đề kinh tế xã hội phức tạp, nên các ngành địa phương cũng như khối doanh nghiệp phải: Nắm vững các thông tư về hoạt động của các DNNN trong danh mục CPH; phân tích sâu sắc khả năng chuyển DN thành công ty cổ phần để có biện pháp thích hợp; nắm vững các phương thức thực hiện cổ phần hóa; dự báo về triển vọng sản xuất kinh doanh khi DN thành công ty cổ phần, lập ngân quỹ để thực hiện cổ phần hóa.
- Tăng cường tuyên truyền phổ biến các kiến thức cơ bản và lợi ích của việc CPH DNNN trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi đối tượng
trong xã hội hiểu được ý nghĩa, mục đích của CPH. Đối với cấp lãnh đạo DNNN cần quán triệt đầy đủ và thống nhất về việc tham gia cổ phần hóa. Nhất là ở giai đoạn cổ phần các DNNN có quy mô lớn theo lộ trình đã xác định. Đối với người lao động và toàn xã hội thì cần hiểu rõ: CPH DNNN không phải là tư nhân hóa mà là quá trình chuyển đổi doanh nghiệp từ sở hữu Nhà nước thành đa sở hữu, trong đó có sở hữu Nhà nước. Cổ phần hóa DNNN không dẫn tới làm suy yếu kinh tế Nhà nước mà là biện pháp hữu hiệu để cơ cấu lại doanh nghiệp, lợi ích của các cổ đông, lợi ích của người lao động, lợi ích của Nhà nước gắn liền. Xét trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế quốc dân, tài sản của Nhà nước không bị giảm đi mà có khả năng tăng thêm nhờ lợi tức cổ phần của Nhà nước ở các công ty cổ phần và các công ty cổ phần làm ăn có lãi sẽ gia tăng mức đóng góp vào Ngân sách Nhà nước.
- Củng cố, chấn chỉnh lại bộ máy giúp việc cho công tác CPH từ trung ương đến địa phương, chú trọng đến năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ trong bộ máy. Nâng cao hơn nữa năng lực của cơ quan nghiên cứu, ban đổi mới doanh nghiệp của Chính phủ, các Bộ, ngành. Để làm được như vậy Nhà nước cần phải có chế độ đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ làm công tác CPH tạo ra được một đội ngũ cán bộ chuyên trách vừa có năng lực, trình độ, vừa có nhiệt tình hướng dẫn tư vấn cho các DN trong quá trình chuyển đổi sở hữu nói chung và CPH nói riêng. Phát huy vai trò của các trường đại học, chuyên nghiệp để bồi dưỡng về nghiệp vụ chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Nhà nước cần phải chuẩn bị một nguồn tài chính đủ mạnh để giải quyết hàng loạt các vấn đề liên quan đến chương trình cổ phần hóa: các khoản trợ cấp cho lao động thất nghiệp; chi phí đào tạo nghề mới, đào tạo lại, các chi phí cho bảo hiểm xã hội; chi phí quảng cáo, thông tin, dịch vụ buôn bán cổ phiếu.
Nhà nước phải qui định cụ thể, rõ ràng nhiệm vụ và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc xử lý các vướng mắc trong doanh nghiệp để tạo điều kiện cho cán bộ các cấp các ngành có thể giải quyết nhanh chóng các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện CPH ở từng doanh nghiệp.