Tùy theo mức độ phức tạp và chuyên môn hóa mà ngành công nghiệp chế tạo và lắp ráp ôtô của Việt Nam tồn tại các hình thức lắp ráp như sau:
- Phƣơng pháp lắp ráp dạng CBU: Xe được nhập về dưới dạng nguyên chiếc, các cụm chi tiết, khung gầm, thùng vỏ, cabin đã được lắp ráp, liên kết và sơn hoàn chỉnh. Mức độ phức tạp không có.
- Phƣơng pháp lắp ráp dạng SKD: Phương pháp này lắp ráp từ các chi tiết là các cụm bán tổng thành được nhập từ nước ngoài hoàn toàn. Tại nơi lắp ráp sẽ được tiến hành lắp thành từng cụm tổng thành và cuối cùng hoàn chỉnh thành sản phẩm. Một số chi tiết phụ tùng trong quá trình lắp sẽ do trong nước sản xuất. Phương pháp này có độ phức tạp cao hơn phương pháp lắp ráp dạng CBU.
- Phƣơng pháp lắp ráp dạng CKD: Ở phương pháp này, các cụm chi tiết được nhập về có mức độ tháo rời cao hơn ở phương pháp dạng SKD và chưa sơn. Vì vậy, các xí nghiệp lắp ráp phải trang bị các dây chuyền hàn và sơn. Phương pháp này được chia làm hai loại CKD1 và CKD2 với mức độ khó tăng dần. Ở dạng CKD1, các chi tiết được cung cấp ở dạng cụm tháo rời nhưng ở điều kiện không cần phải lắp ráp thêm trước khi lắp hoàn chỉnh và thùng xe đã qua sơn lót. Còn ở dạng CKD2, các chi tiết sẽ được tiếp tục tháo nhỏ, do đó cần phải lắp ráp thêm trước khi lắp ráp hoàn chỉnh, đối với thùng xe thì ở dạng rời chưa hàn và chưa sơn lót. Điểm nổi bật chủ yếu của CKD2 là công nghệ lắp ráp và sơn cao hơn rất nhiều so với CKD1.
- Phƣơng pháp lắp ráp dạng IKD: Phương pháp này lắp ráp sản phẩm từ các chi tiết rời được nhập từ nước ngoài. Một tỷ lệ đáng kể các chi tiết trong sản phẩm sẽ do nền sản xuất trong nước cung cấp. Phương pháp này là bước chuẩn bị cho việc lắp ráp sản phẩm từ 100% chi tiết được sản xuất trong nước với bản quyền về kỹ thuật được chuyển giao từ hãng sản xuất gốc.
Hầu hết các liên doanh mới chỉ dùng công nghệ lắp ráp ở dạng CKD1 và CKD2 với các dây chuyền công nghệ gần giống nhau hoặc ở dạng IKD giá trị tỷ lệ nội địa hoá sản xuất thấp; trình độ lắp ráp đạt mức trung bình so với các nước trong khu vực. 90% bộ linh kiện được nhập khẩu từ công ty mẹ hoặc đối tác của các liên doanh ở các nước trong khu vực.
Các Công ty không chú trọng đến đầu tư dây chuyền sản xuất linh kiện, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực. Các hoạt động này mới chỉ dừng lại ở mức phục vụ cho lắp ráp. Các liên doanh đại diện cho các nhà sản xuất ôtô trên thế giới với bí quyết công nghệ khác nhau nên không có sự hợp tác sản xuất.
Bốn Tổng công ty được Nhà nước hỗ trợ vốn hiện đang đầu tư hoặc khai thác các dây chuyền sản xuất kín. Dây chuyền này được đầu tư và trang bị đồng bộ từ khâu tiếp nhận bộ linh kiện tổ chức lắp ráp cụm, lắp ráp tổng thành, hệ thống sơn sấy, băng thử kiểm định, kiểm tra sản phẩm, hiệu chỉnh hoàn thiện đến bàn giao sản phẩm cho khách hàng đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đúng tiêu chuẩn nhà sản xuất (đối tác). Một số đơn vị có công nghệ lạc hậu, không đạt tiêu chuẩn của Quyết định 115. Các dự án mới được triển khai theo quy hoạch có trình độ công nghệ khá hiện đại được chuyển giao từ Hàn Quốc, Nga. Transico là nhãn hiệu xe của Vinamotor được sản xuất từ dây chuyền công nghệ của Daewoo.
Kết quả đợt kiểm tra cuối năm 2005 của Bộ công nghiệp đối với 36 doanh nghiệp (hầu hết là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh) theo 5 tiêu chuẩn đối với các doanh nghiệp lắp ráp ôtô tại Việt Nam trong Quyết định 115 của Bộ Công nghiệp: 10 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn (chủ yếu ở các dự án lắp ráp xe tải < 5 tấn), 24 doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn (thậm chí không có cả dây chuyền sơn điện ly), 2 doanh nghiệp xin tự nhận chưa đạt. Gần như 100% dây chuyền được chuyển giao công nghệ từ Trung Quốc, giá trị đầu tư chỉ khoảng 500 triệu đồng/dây chuyền. Trong các doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn, một số công ty có sự tập trung nắm bắt những công nghệ tiên tiến trong sản xuất ôtô như dây chuyền sản xuất khung xe, dây chuyền dập vỏ xe, sử dụng sơn điện ly (công nghệ sơn chống han gỉ cao phù hợp với khí hậu Việt Nam). Tỷ lệ nội địa hóa của doanh nghiệp này đạt khá cao.