Theo kế hoạch phát triển tổng thể của ngành CNPT của bộ Công Thương, trong thời gian tới, cả nước có 30 ngành kinh tế kỹ thuật cần đến
CNPT, những lĩnh vực then chốt cần được thúc đẩy điện tử-công nghệ thông tin-viễn thông, dệt may, da giày, cơ khí chế tạo và lắp ráp ôtô. Tuy nhiên nhân lực phục vụ CNPT hiện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của các ngành công nghiệp chính cả về số lượng và chất lượng. Nguyên nhân chủ yếu do suất đầu tư thấp, doanh nghiệp và nhà trường chưa liên kết hợp tác để đào tạo nhân lực: cần bao nhiêu, trình độ gì, trong lĩnh vực nào….
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa gắn kế hoạch phát triển nguồn nhân lực với mục tiêu phát triển sản xuất nên có sự hẫng hụt về đội ngũ, không chủ động được nguồn nhân lực cho việc triển khai kế hoạch sản xuất của đơn vị. Chất lượng đào tạo thấp đã ảnh hưởng đến chất lượng các công trình nghiên cứu khoa học ứng dụng, chất lượng kỹ sư, công nghệ viên, kỹ thuật viên và công nhân. Lực lượng kỹ sư có trình độ trung cấp đến cao cấp, kỹ sư tốt nghiệp đại học được tuyển dụng có đủ năng lực đáp ứng các nhu cầu về quản lý rất thiếu. Một phần của thực trạng này là việc đào tạo thực hành khoa học và kỹ thuật trong các trường đại học còn rất yếu. Các chương trình đào tạo của Việt Nam lạc hậu hơn so với thế giới 1-2 năm. Nhìn chung nguồn nhân lực nước ta còn thiếu các kỹ năng mềm như kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng làm việc sáng tạo.
Chính sự yếu kém về nguồn nhân lực cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới sự kém phát triển của CNPT cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô của Việt Nam. Trong thời gian tới, nguồn nhân lực giá rẻ sẽ không còn là một lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút FDI của Việt Nam khi các thỏa thuận về miễn giảm thuế nhập khẩu chính thức được áp dụng. Vấn đề cần phải quan tâm lúc này là cần phải đào tạo được nguồn nhân lực có khả năng quản lý, sản xuất ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao.
Để giải quyết bài toán nhân lực từ đó thúc đẩy sự phát triển của CNPT cho ngành sản xuất, lắp ráp ôtô, trước hết Chính phủ cần làm rõ lĩnh vực công nghiệp mục tiêu và chiến lược phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam, từ đó tiến hành đào tạo nguồn nhân lực cả về công nghệ sản xuất và quản lý kinh doanh. Nhà nước hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn ngân sách hoặc vốn ODA cho các khoa chuyên ngành của trường đại học, cao đẳng để đào tạo nguồn lực cho ngành công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao tại Việt Nam. Ưu đãi và tạo điều kiện gắn kết các cơ sở đào tạo với các hoạt động doanh nghiệp, đổi mới trang thiết bị, chương trình đào tạo, gắn liền giữa kỹ thuật thực hành và thực tiễn. Cần phải cải cách triệt để đào tạo đại học theo cả hai hướng, đó là phần cứng (bằng trang thiết bị) và phần mềm (chương trình đào tạo và phương thức giảng dạy), và có một khối lượng lớn kỹ sư có thể làm việc trong các ngành CNPT. Các chương trình liên thông giữa các trường đại học và các tổ chức học thuật, ví dụ như chương trình thực tập ngắn hạn, cần phải có hiệu quả để sinh viên có điều kiện nâng cao kỹ năng thực hành và có thái độ đúng đắn với môi trường làm việc của một doanh nghiệp sản xuất. Ngoài ra, việc mở rộng các trường cao đẳng kỹ thuật và các trung tầm đào tạo nghề là điều hết sức cần thiết.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú ý công tác đào tạo tay nghề cho đội ngũ lao động và bồi dưỡng trình độ chuyên môn cho cán bộ, chuyên viên kĩ thuật nhằm nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm, đẩy mạnh liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp. Trong điều kiện hạn chế của đào tạo trong nước, các doanh nghiệp cần có chính sách đào tạo cán bộ ở nước ngoài kết hợp với hoạt động khảo sát thị trường về lâu dài.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng việc đào tạo nhân lực dàn trải trên mọi lĩnh vực cũng như phát triển sản xuất tất cả mọi linh kiện và nguyên vật liệu cho một sản phẩm có thể dẫn tới sử dụng lãng phí lớn về thời gian và tài nguyên.
Các doanh nghiệp Việt Nam nên chọn cách tiếp cận chọn lọc và tập trung trong việc đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư đào tạo vào những lĩnh vực mà Việt Nam đang thiếu và yếu.