Một trong những hình thức quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với vấn đề thực hiện sự hợp tác của các quốc gia là việc ký kết các điều ước quốc tế. Quốc gia tồn tại và phát triển trong cộng đồng quốc tế, quan hệ mọi mặt giữa các quốc gia với nhau và với các chủ thể khác trong cộng đồng đó được điều chỉnh cơ bản và chủ yếu bằng các điều ước quốc tế. Do đó việc ký kết, tham gia và thực hiện các điều ước quốc tế đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động quốc tế của mỗi quốc gia. Mặt khác, ký kết điều ước quốc tế là một trong những thuộc tính cơ bản, chủ yếu của chủ quyền quốc gia. Chỉ có quốc gia độc lập, có chủ quyền mới có chức năng này.
Trong lĩnh vực bảo vệ các quyền dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động... các quốc gia đã cùng nhau ký kết, gia nhập nhiều văn bản điều ước quốc tế nhằm thừa nhận quyền công dân, pháp nhân nước này trên lãnh thổ nước khác tạo điều kiện cho các công dân, pháp nhân thực hiện được việc bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Vì vậy các quốc gia đã ký kết, tham gia các điều ước quốc tế quan trọng như:
- Công ước La Hay ngày 15/04/1958 về công nhận và thi hành các quyết định về cấp dưỡng (đa số các nước Châu Âu tham gia). Theo công ước này, quyết định của Tòa án nước tham gia Công ước này sẽ được công nhận và thi hành tại nước tham gia công ước kia mà không phải xem xét lại thực chất vụ việc. Để công nhận bản án dân sự nước ngoài loại này, ngoài những yêu cầu về tính hợp thức cần thiết phải bảo đảm tuân theo qui tắc thẩm quyền xét xử quốc tế và không vi phạm trật tự công cộng.
- Công ước La hay ngày 15/04/1958 về thẩm quyền theo hợp đồng đối với các vụ việc về mua bán ngoại thương các động sản. Công ước này cũng có qui định về thi hành án dân sự nước ngoài.
- Công ước New York ngày 20/06/1956 về trích tiền cấp dưỡng cho người ở nước ngoài. Công ước không qui định việc công nhận và thi hành án dân sự nước ngoài đối với các vụ kiện về cấp dưỡng, nhưng có qui định về thể thức giải quyết vụ kiện nhằm đơn giản hóa thủ tục trích tiền cấp dưỡng ra nước ngoài.