Phân biệt tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với một số tội phạm khác

Một phần của tài liệu Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 63)

- Thời kỳ Pháp thuộc: Sau khi cùng Anh, Mỹ buộc triều đình Mãn Thanh (Trung Quốc) ký Hiệp ước Thiên Tân, thực dân Pháp kéo quân viễn

2.1.2. Phân biệt tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với một số tội phạm khác

với một số tội phạm khác

* Phân biệt tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước (Điều 144)

Điều 144 BLHS qui định về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước như sau:

1). Người nào có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản của Nhà nước, vì thiếu trách nhiệm mà để mất mát, hư hỏng, lãng phí, gây thiệt hại co tài sản của Nhà nước có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2) Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm. 3). Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm. 4). Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản của Nhà nước từ một năm đến năm năm [42].

Như vậy, hành vi "thiếu trách nhiệm" là hành vi không làm hoặc làm không hết trách nhiệm nên đã để mất mát, hư hỏng, lãng phí gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước do mình trực tiếp quản lý.

Điểm giống nhau cơ bản giữa hai tội phạm này là người phạm tội có hành vi khách quan duy nhất là thiếu trách nhiệm. Thiếu trách nhiệm là không làm hoặc làm không hết nhiệm vụ được giao nên mới gây thiệt hại. Đồng thời cùng với hành vi thiếu trách nhiệm là hậu quả gây thiệt hại đã xảy ra. Đây là hai tội được thực hiện với lỗi vô ý. Chủ thể của tội phạm đều là chủ thể đặc biệt, việc xác định tư cách chủ thể của cả hai tội đều là việc làm đầu tiên khi xác định hành vi phạm tội.

Điểm khác nhau cơ bản giữa hai tội phạm này là khách thể của tội phạm, cụ thể: Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của Nhà nước với đối tượng tác động là tài sản của Nhà nước bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; còn Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức nhà nước. Mặt khác, về mặt khách quan, hậu quả của tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước chỉ gây ra thiệt hại đến tài sản của Nhà nước do chính người phạm tội trực tiếp quản lý, ngoài ra không có thiệt hại nào khác. Còn hậu quả của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì không những là thiệt hại về tài sản mà còn là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người khác; tài sản bị thiệt hại do hành vi thiếu trách nhiệm không phải là tài sản do người phạm tội đang

trực tiếp được giao quản lý. Thực tế xét xử các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có liên quan đến những người có chức vụ, Tòa án gặp nhiều khó khăn trong việc định tội danh giữa tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản nhà nước.

Ví dụ: L.V.T là Kế toán trưởng Phòng tài chính kế hoạch thuộc

UBND huyện LM, trong thời gian từ năm 2000 đến năm 2002, lợi dụng sơ hở của L.V.Q (trưởng phòng) và N.V.B (phó trưởng phòng), L.V.T đã đưa các lệnh chi chưa ghi nội dung hoặc nội dung không đầy đủ để L.V.Q và N.V.B ký. L.V.Q và N.V.B đã ký 40 lệnh chi không có nội dung hoặc nội dung không đầy đủ với tổng số tiền là 8.370.000.000 đồng để L.V.T giả danh UBND huyện LM mượn tài khoản của một số doanh nghiệp tư nhân, ghi vào lệnh chi đã được ký khống UBND huyện thanh toán cho các doanh nghiệp trên rồi mang sang kho bạc huyện LM thanh toán. Tại kho bạc huyện LM, theo qui định thì L.T.V.S (kế toán chi ngân sách) tiếp nhận và kiểm tra các lệnh chi tiền, rồi chuyển cho L.N.U (kế toán trưởng) kiểm tra lại, sau đó L.N.U chuyển cho V.A.Q (phó giám đốc) hoặc T.Q.T (giám đốc kho bạc huyện LM) ký duyệt để thanh toán. Trong quá trình kiểm tra, L.T.V.S và L.N.U chỉ kiểm tra tính hợp lệ của Lệnh chi tiền (dấu, chữ ký, số tiền ghi bằng chữ, bằng số, số dư tài khoản...), không kiểm tra các tài liệu liên quan đến tính chất từng khoản chi kèm theo lệnh chi tiền. Trước khi ký duyệt, T.Q.T và V.A.Q cũng không kiểm tra, đối chiếu lệnh chi tiền với các tài liệu kèm theo nên không phát hiện sự gian dối của L.V.T, nên đã ký thanh toán cho L.V.T số tiền 8.370.000.000 đồng. Bản án hình sự sơ thẩm và bản án hình sự phúc thẩm đã quyết định xử phạt L.T.V.S, L.N.U,V.A.Q, T.Q.T về tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Tại quyết định giám đốc thẩm của TANDTC đã nhận định cơ quan tài chính cùng kho bạc nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý, kiểm tra, cấp phát, thanh toán, sử dụng kinh phí Nhà nước; không phải là chủ thể có nhiệm vụ trực tiếp trong công tác quản lý tài sản nhà nước như

qui định tại điều 144 BLHS, như vậy hành vi của L.T.V.S, L.N.U, V.A.Q, T.Q.T phạm vào tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, do đó đã hủy bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm để xét xử lại theo hướng thay đổi tội danh đối với các bị cáo trên.

* Phân biệt tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 235), tội thiếu trách nhiệm để người đang bị giam, giữ trốn (Điều 301)

Điều 235 BLHS qui định về tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

Người nào được giao vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ mà thiếu trách nhiệm để người khác sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.

1. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt

nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.

2. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ,

cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm [ ].

Điều 301 BLHS qui định về tội thiếu trách nhiệm để người đang bị giam, giữ trốn như sau:

1. Người nào trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam giữ mà thiếu trách nhiệm để người đó trốn gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

2. Phạm tội để người đang bị giam giữ về một tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng, thì bị phạt tù hai năm đến bảy năm.

3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm, chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm [ ].

So sánh các tội phạm này thấy rằng: điểm giống nhau giữa ba loại tội này là đều có hành vi khách quan là "thiếu trách nhiệm" và ý thức chủ quan của người phạm tội được thực hiện với lỗi vô ý.

Điểm khác nhau giữa ba loại tội này là khách thể xâm phạm, chủ thể thực hiện tội phạm và hậu quả. Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng là tội xâm phạm đến trật tự, an toàn cộng cộng, tính mạng, sức khỏe của công dân, tài sản của Nhà nước, các tổ chức và công dân. Đối tượng tác động của tội phạm là vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Tội phạm được quy định nhằm đấu tranh phòng chống những hành vi thiếu trách nhiệm trong việc giữ gìn vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, bảo đảm an toàn xã hội, tính mạng, sức khỏe của nhân dân, bảo vệ tài sản nhà nước, các tổ chức và công dân. Tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn là tội xâm phạm đến hoạt động tư pháp nên khách thể của nó là sự xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của của cơ quan tư pháp, gây tác hại trực tiếp đến uy tín cũng như việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp mà còn xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, công dân.

Về chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng không phải là người trực tiếp quản lý tài sản, còn chủ thể của tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng, tội thiếu trách nhiệm để người bị giam giữ trốn đều là

những người được trực tiếp giao quản lý vật liệu, người bị giam giữ...Chủ thể của tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng là người có năng lực hành trách nhiệm hình sự (từ đủ 16 tuổi trở lên, không có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần) được giao giữ vũ khí hợp pháp (ví dụ: dân quân, tự vệ, công an, quân nhân...). ở một mức độ nào đấy thì chủ thể của tội này cũng là người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhưng không phải là người có chức vụ quyền hạn như Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Chủ thể của tội thiếu trách nhiệm để người bị giam, giữ trốn là những người trực tiếp quản lý, canh gác, dẫn giải người bị giam, giữ. Thực tế thì những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này chỉ là cán bộ, chiến sĩ trong ngành công an hoặc quân sự, và chỉ có họ mới có thể là chủ thể của tội phạm. Đối với những người tham việc dẫn giải theo chuyên môn riêng của mình như lái xe chở người bị giam trên đường dẫn giải...mà thiếu trách nhiệm để người bị giam trốn thì không phải là chủ thể của tội phạm này, bởi họ không có trách nhiệm trực tiếp trong việc dẫn giải. Nếu hành vi thiếu trách nhiệm của họ làm người bị dẫn giải trốn gây hậu quả nghiêm trọng thì họ có thể bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Hậu quả của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng rộng hơn rất nhiều so với các tội còn lại. Hậu quả của các Tội thiếu trách nhiệm trong việc giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ gây hậu quả nghiêm trọng, tội thiếu trách nhiệm để người bị giam giữ trốn chỉ là vũ khí vật liệu nổ hoặc làm người bị giam giữ bỏ trốn trong khi đó hậu quả của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng bao gồm tài sản, tính mạng, sức khỏe và uy tín, lòng tin của nhân dân đối với hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước. Ví dụ vụ án tham ô tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế xảy ra tại PMU18 thuộc Bộ Giao thông - Vận tải: trong vụ án này ông N.V.T, nguyên thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải bị khởi tố về các tội cố ý

làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau khi kết thúc điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã đình chỉ vụ án đối với ông N.V.T về hai Tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, riêng đối với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng ông N.V.T được miễn trách nhiệm hình sự với lý do: trong quá trình chỉ đạo thực hiện các nguồn vốn ODA, ông N.V.T đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, thiếu kiểm tra đôn đốc dẫn đến nhiều sai phạm tại PMU18. Tuy nhiên, căn cứ vào các yếu tố khách quan và thời điểm xảy ra vụ án, sai phạm chính thuộc về lãnh đạo ban quản lý PMU18. Việc quản lý, khai thác vốn ODA là lĩnh vực kinh tế liên quan đến trách nhiệm nhiều ngành, nhiều dự án thực hiện đan xen nhau, lượng vốn lớn, thực hiện trong nhiều giai đoạn, bản thân ông N.V.T có nhiều đóng góp trong việc khai thác nguồn vốn ODA. Do vậy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã miễn trách nhiệm hình sự đối với ông N.V.T. Như vậy, quá trình điều tra đã không làm rõ được hành vi cố ý làm trái và lợi dựng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của ông N.V.T nhưng riêng đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì ông N.V.T vẫn vị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng được miễn trách nhiệm hình sự, vì hành vi của ông N.V.T không những chỉ gây hậu quả thiệt hại về kinh tế trong quá trình sử dụng vốn ODA mà còn gây hậu quả xấu trong dư luận quần chúng nhân dân về hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, gây mất uy tín cho Bộ Giao thông - Vận tải.

Một phần của tài liệu Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)