Luật hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Một phần của tài liệu Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 42)

- Thời kỳ Pháp thuộc: Sau khi cùng Anh, Mỹ buộc triều đình Mãn Thanh (Trung Quốc) ký Hiệp ước Thiên Tân, thực dân Pháp kéo quân viễn

1.3.1.Luật hình sự của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa

Trung Hoa là quốc gia có ảnh hưởng lớn đến phong tục, tập quán, văn hóa, lịch sử Việt Nam. Do tương đồng về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa nên pháp luật hình sự Trung Hoa có nhiều nét tương đồng với pháp luật hình sự Việt Nam. BLHS Trung Hoa lần đầu tiên được thông qua ngày 01/7/1997, có hiệu lực từ ngày 01/01/1980, có 192 điều, 8 chương và 2 phần. Phần chung gồm 4 chương qui định về tội phạm và hình phạt, phần các tội phạm gồm 8 chương qui định các nhóm tội phạm cụ thể, trong đó có các tội phản cách mạng, các tội xâm phạm an toàn công cộng, các tội xâm phạm trật tự kinh tế xã hội chủ nghĩa, các tội xâm phạm quyền thân thể và quyền của công dân, các tội xâm phạm quyền sở hữu, các tội phá hoạt trật tự xã hội, các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình và các tội chức vụ.

Quá trình mở cửa kinh tế của Trung Hoa diễn ra sớm hơn và mạnh mẽ hơn Việt Nam khá nhiều, do vậy BLHS năm 1979 của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không còn phù hợp với sự phát triển của đất nước. Năm 1997, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa IX của nước cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã thông qua BLHS năm 1997 với các nguyên tắc xuyên suốt là: Nguyên tắc qui định thống nhất và pháp điển hóa hoàn chỉnh BLHS; nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và nguyên tắc qui định chính xác về tội danh nhất là hình phạt tương ứng với các tội nghiêm trọng và ít nghiêm trọng. Cơ sở lý luận và thực tiễn của BLHS mới sửa đổi là do chưa được nghiên cứu kỹ

lưỡng và do phân tích chưa đầy đủ, BLHS 1979 qui định về một số tội phạm còn chưa cụ thể, còn nhiều lỗ hổng làm cho việc vận dụng còn mang tính tùy tiện, đặc biệt đối với các tội phạm về chức vụ, tội lưu manh và tội đầu cơ. Do vậy cần sửa đổi, qui định cần cụ thể và chính xác. Mặt khác, một số tội phạm đã phổ biến hơn, nay cần thiết phải tăng hình phạt.

Về tổng thể, BLHS năm 1997 gồm hai phần là phần chung và phần các tội phạm. Phần chung có 5 chương, 101 điều qui định về nhiệm vụ, nguyên tắc, thời hiệu, tội phạm, hình phạt...; phần các tội phạm có 10 chương, 350 điều qui định về các nhóm tội phạm bao gồm: Tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội xâm phạm an toàn lao động, tội xâm phạm trật tự kinh tế thị trường, tội xâm phạm quyền tự do thân thể, quyền dân chủ của công dân, tội xâm phạm tài sản, tội xâm phạm trật tự quản lý xã hội, tội gây nguy hại cho lợi ích quốc phòng, tội tham ô, hối lộ, tội không làm tròn trách nhiệm và tội vi phạm chức trách của quân nhân.

Nhìn chung, về cơ cấu và nội dung, BLHS của Việt Nam và Trung Hoa có nhiều nét tương đồng do giống nhau về hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội. Về kỹ thuật lập pháp, BLHS Trung Hoa không xây dựng thành các khoản, điểm như trong BLHS Việt Nam. Riêng đối với phần tội phạm về chức vụ, tại BLHS Việt Nam được qui định thành chương riêng, trong đó bao gồm các tội có liên quan đến hành vi tham ô, nhận hối lộ, hành vi thiếu trách nhiệm, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn... của cán bộ công chức nhưng BLHS Trung Hoa chia thành hai chương riêng biệt là Chương 8: tội tham ô, hối lộ và Chương 9 tội không làm tròn trách nhiệm. Đặc biệt với hành vi thiếu trách nhiệm, BLHS của Việt Nam được qui định rải rác trong các điều luật khác nhau và tại các chương khác nhau của Bộ luật (Điều 144, Điều 235, Điều 285, Điều 301) thì hành vi này tại BLHS Trung Hoa được qui định tại chương 9 (tội không làm tròn trách nhiệm). Việc qui định tội không làm tròn trách nhiệm thành một chương riêng xuất phát từ thực tế của xã hội Trung Hoa:

Xuất hiện tình trạng các quan chức nhà nước lợi dụng chức quyền, vô trách nhiệm, gây thiệt hại nghiêm trọng cho lợi ích của nhân dân và của quốc gia, Bộ luật hình sự 1997 hình sự hóa trách nhiệm đối với các hành vi xem thường chức vụ, gian trá kiếm lời trong các qui định của Bộ luật dân sự, kinh tế, hành chính từ mười mấy năm nay... [20, tr. 11].

BLHS năm 1979 cũng qui định các tội không làm tròn chức vụ (7 điều), nhưng qua lần pháp điển hóa này được bổ sung lên thành 23 điều, mức hình phạt cũng tăng lên, "hình phạt đối với các tội phạm loại này cũng được sửa

đổi bổ sung theo hướng tăng nặng, đặc biệt trong những trường hợp cố tình bẻ cong pháp luật" [20, tr. 11]. Chương 9 BLHS năm 1997 của Trung Hoa

bao gồm 23 điều (từ Điều 397 đến Điều 419), qui định hành vi không làm tròn trách nhiệm của cán bộ trong các lĩnh vực tư pháp, thuế, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường, y tế, hải quan, nhân viên của các cơ quan giám định, kiểm dịch, cấp hộ chiếu thị thực... nếu so sánh với BLHS Việt Nam sẽ tương ứng với các tội phạm được qui định tại các chương khác nhau của BLHS. Trong đó đáng chú ý nhất là Điều 397 có nội dung giống Điều 285 BLHS Việt Nam năm 1999.

Điều 397 qui định:

Nhân viên trong các cơ quan nhà nước lạm dụng chức quyền hoặc không chấp hành nghiêm qui định, gây tổn thất lớn cho tài sản công cộng, lợi ích quốc gia và nhân dân, sẽ bị phạt tù đến 3 năm hoặc cải tạo lao động; nếu có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Trường hợp Bộ luật này còn có những qui định khác, thì dựa theo các qui định đó.

Nhân viên trong các cơ quan nhà nước có hành vi gian trá, phạm tội nêu trên sẽ bị phạt tù đến 5 năm hoặc cải tạo lao động; nếu có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng thì sẽ bị phạt tù từ 5 năm đến

10 năm. Trường hợp Bộ luật này còn có những qui định khác, thì dựa theo những qui định đó [20].

Nhìn vào cơ cấu điều luật nhận thấy Điều 397 qui định hai hành vi: hành vi lạm dụng chức quyền và hành vi thiếu trách nhiệm không chấp hành nghiêm qui định. So sánh với BLHS Việt Nam thì thấy hai hành này được qui định tại hai điều luật khác nhau (Điều 281 và Điều 285), và hành vi lạm dụng chức quyền trong khi thi hành công vụ bị xử phạt nặng hơn hành vi thiếu trách nhiệm trong khi thi hành công vụ (Điều 281 có mức hình phạt cao hơn Điều 285). Đồng thời, trong tình tiết định khung cũng quy định tình tiết định khung tăng nặng, đó là "nếu có tình tiết đặc biệt nghiêm trọng" thì mức hình phạt sẽ cao hơn.

Tình tiết "có hành vi gian trá" là tình tiết định khung tăng nặng của BLHS Trung Hoa khác với tình tiết "phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng" của BLHS Việt Nam cho thấy ở tình tiết định khung tăng nặng, các nhà làm luật Trung Hoa không coi hành vi thiếu trách nhiệm của Điều 397 là lỗi vô ý, khác với Điều 285 của BLHS Việt Nam luôn luôn là lỗi vô ý.

Nhận xét về Điều 397 của BLHS Trung Hoa ta thấy về ưu điểm, điều luật có phạm vi điều chỉnh rộng hơn Điều 285 của BLHS Việt Nam, tuy nhiên do phạm vi điều chỉnh rộng nên cũng gây khó khăn cho người áp dụng pháp luật, đồng thời việc quy định tình tiết tăng nặng "có hành vi gian trá" cũng sẽ dẫn đến sự tranh chấp khi áp dụng điều luật. Mặt khác, Điều 397 không quy định hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ sẽ gây ra lỗ hổng khi áp dụng pháp luật.

Một phần của tài liệu Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 42)