2.1.3.1. Nguyên nhân về kinh tế xã hội
Từ khi Đảng và Nhà nước ta thực hiện đường lối chuyển đổi cơ cấu
kinh tế từ tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa thì nền kinh tế – xã hội nước ta có những biến đổi nhanh chóng. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng phải
gánh chịu những ảnh hưởng do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường. Đó là sự phân hoá giàu nghèo, tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp gia tăng, sự xuống cấp về đạo đức…
Dưới góc độ kinh tế, sự phân hoá giàu nghèo trong một chừng mực nhất định góp phần tạo động lực kích thích nền kinh tế thị trường phát triển, làm cho con người năng động trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đứng về mặt xã hội, sự phân hoá giàu nghèo cũng mang lại nhiều biến đổi sâu sắc về tâm lý trong xã hội. Các đặc điểm tâm lý tiêu cực này là một trong những nguyên nhân làm biến dạng hành vi xử sự của con người, phát sinh tội phạm nói chung và tội trốn thuế nói riêng.
Việc thừa nhận quyền tự do kinh doanh trong nền kinh tế thị trường là sự phù hợp giữa pháp luật và kinh tế trong đường lối đổi mới của Đảng. Thực tế cho thấy, kinh doanh dù được tồn tại ở hình thức nào, chế độ nào đều có chung một mục đích tìm kiếm lợi nhuận tối đa. Các chủ thể kinh doanh không chỉ sử dụng những bí quyết chuyên môn như công nghệ, khả năng liên doanh, liên kết, sự nhạy cảm trong việc tìm kiếm đối tác bạn hàng, khả năng nắm bắt nhu cầu của thị trường… mà sẵn sàng sử dụng những mánh khoé để cạnh tranh không lành mạnh hoặc lợi dụng sơ hở trong hệ thống pháp luật vì mục đích tối đa hoá lợi nhuận. Do vậy, trong bất kỳ nền kinh tế thị trường nào, tự do kinh doanh cũng có nguy cơ dẫn đến tình trạng buôn lậu, làm hàng giả, trốn lậu thuế, lừa đảo. Yêu cầu đặt ra là cần có cơ chế kiểm tra, quản lý và giám sát các hoạt động kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Cơ chế này ở Việt Nam còn chưa hoàn thiện.
2.1.3.2. Nguyên nhân về tâm lý
Do ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, một số người chạy theo lối
sống hưởng thụ, chay theo vật chất và lợi nhuận, tìm mọi cách làm giàu để khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Các đặc điểm tâm lý tiêu cực này là
một trong những nguyên nhân làm biến dạng hành vi xử sự của con người, phát sinh tội phạm nói chung và tội trốn thuế nói riêng.
Đất nước ta đi lên từ nền nông nghiệp lạc hậu, do đó nhận thức về pháp luật nói chung của người dân không cao. Vì vậy, chúng ta phải quan tâm chú trọng đến công tác giáo dục pháp luật. Thực tế cho thấy, trong những năm qua công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật của các tổ chức xã hội, đoàn thể, quần chúng chưa nhiều, không thu hút đông đảo mọi người tham gia, hiệu quả đạt được chưa cao. Do đó, nhận thức về pháp luật của người dân còn thấp, ý thức chấp hành pháp luật còn yếu, tư tưởng coi thường kỷ cương phép nước dẫn tới các vi phạm pháp luật vẫn còn xảy ra.
Công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách thuế chưa đi vào chiều sâu, còn mang tính hình thức. Do đó, người dân chưa hiểu rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, chưa tự giác nộp thuế.
Trong nhận thức của nhiều người dân, so với các tội phạm khác như cướp tài sản hay trộm cắp, giết người, trốn thuế được đánh giá là một trong những tội ít gây hại nhất, không xâm phạm quyền và lợi ích của các cá nhân. Mặt khác, trong kinh doanh ai cũng muốn có được lợi nhuận tối đa, Do đó, nhiều doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh tìm mọi cách trốn thuế, thu lời bất chính.
2.1.3.3. Nguyên nhân do cơ chế quản lý
Bước sang nền kinh tế thị trường, các thành phần kinh tế được tự do
sản xuất kinh doanh và cạnh tranh theo pháp luật. Đồng thời, việc liên doanh, liên kết trong các lĩnh vực, ngành nghề không ngừng được mở rộng, phát triển. Bộ phận kinh tế ngoài quốc doanh ở nước ta phát triển mạnh, không ngừng tăng lên cả về số lượng doanh nghiệp mà cả về hình thức, ngành nghề kinh doanh. Trong khi đó, công tác quản lý kinh tế – xã hội bộc lộ nhiều sơ
hở, không đồng bộ trong việc quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát. Loại hình doanh nghiệp công ty TNHH và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển nhanh chóng, đa dạng song kinh nghiệm quản lý vĩ mô vừa yếu lại vừa thiếu. Hệ thống chính sách chế độ quản lý hoạt động của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thiếu sự đồng bộ thống nhất, còn nhiều sơ hở, thiếu sót, lại chậm được sửa đổi, bổ sung tạo điều kiện cho bọn tội phạm lợi dụng để hoạt động.
Trình độ năng lực cán bộ quản lý của các doanh nghiệp hoạt động trong cơ chế thị trường còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, dẫn đến những hành vi lệch lạc, vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp chưa được phát hiện và xử lý kịp thời. Một khía cạnh khác là sự phân công trách nhiệm và phối hợp giữa các lực lượng ban ngành trong công tác quản lý doanh nghiệp sau khi thành lập còn chưa rõ ràng, chưa có biện pháp hoạt động hữu hiệu. Vì thế ở nhiều nơi, doanh nghiệp sau khi được thành lập đi vào hoạt động không có một cơ quan nhà nước nào nắm được thực chất tình hình sản xuất kinh doanh, nhất là hoạt động tài chính của doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, lâm vào tình trạng phá sản nhưng cũng không bị phát hiện. Những doanh nghiệp này để duy trì hoạt động thường tìm cách làm ăn phi pháp để kiếm siêu lợi nhuận như buôn lậu, lừa đảo, trốn thuế…
Công tác quản lý giáo dục cán bộ, công nhân viên, kiểm tra giám sát việc thực hiện nguyên tắc chế độ quản lý kinh tế của nhà nước trong nhiều doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và tổ chức tín dụng chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện chưa được thường xuyên, nghiêm túc. Vì thế, có tình trạng nguyên tắc chế độ quản lý kinh tế, tài chính được thực hiện tuỳ tiện, không đầy đủ, những vi phạm không được phát hiện kịp thời. Không ít cán bộ có chức vụ, quyền hạn quản lý tài sản của nhà nước và tập thể đã sa ngã, biến
chất, bị mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo vào con đường làm ăn phi pháp, thực hiện hoặc gián tiếp giúp đỡ bọn tội phạm kinh tế trong đó có tội phạm trốn thuế. Một thực tế đã xảy ra ở nhiều địa phương là sự thoái hoá, biến chất của một số cán bộ ngành thuế đã tiếp tay cho nhiều chủ doanh nghiệp thường xuyên trốn thuế với số lượng lớn. Do vậy, để phòng ngừa tốt tội phạm trốn thuế, các cơ quan chức năng của Nhà nước phải quan tâm thường xuyên đến công tác quản lý giáo dục cán bộ nhân viên và làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện chế độ quản lý kinh tế tài chính, phát hiện kịp thời các sơ hở thiếu sót trong quản lý kinh tế, thực hiện chính sách thuế, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.
2.1.3.4. Nguyên nhân do chính sách pháp luật
Luật pháp và chính sách kinh tế trong thời gian qua đã thực sự tạo môi trường thông thoáng, khuyến khích được nguồn đầu tư theo hướng phát triển nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Hệ thống pháp luật nói chung và các quy định pháp luật về thuế nói riêng đã được đổi mới về cơ bản, kịp thời thể chế hoá đường lối chủ trương của Đảng, đảm bảo Nhà nước có pháp luật để quản lý xã hội và đấu tranh phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, trong quá trình xây dựng và thực hiện, hệ thống pháp luật cũng bộc lộ không ít những tồn tại, Điều đó được thể hiện ở việc xây dựng văn bản pháp luật còn chậm trễ, chưa đáp ứng được sự phát triển với tốc độ nhanh chóng của nền kinh tế thị trường. Trong đó, hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế chưa hoàn thiện, thiếu sự đồng bộ và còn nhiều sơ hở. Điển hình như những quy định của Luật thuế về diện thu thuế, miễn giảm thuế còn nhiều (thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với 8 mặt hàng, thuế nhập khẩu còn quy định miễn thuế trên diện rộng, giảm thuế doanh thu với cơ sở sản xuất kinh doanh ở miền núi hải đảo) tạo ra rào cản hạn chế tác động quản lý của công cụ thuế.
Mặt khác, thuế suất còn cao dẫn tới người sản xuất kinh doanh tìm mọi cách để trốn thuế, do đó sẽ kích thích hiện tượng trốn thuế lậu.
Việc Việt Nam liên tục cắt giảm các loại thuế nhập khẩu cho phù hợp với cam kết quốc tế khi gia nhập WTO cũng là một yếu tố thức đẩy gia tăng của hành vi trốn thuế. Các doanh nghiệp trong nước do mất lợi thế cạnh tranh, nếu không đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thì sẽ bị tụt hậu dẫn đến nguy cơ phá sản. Để hạn chế tình trạng này, chủ doanh nghiệp sẽ tìm mọi cách để trốn thuế, gian lận trong kinh doanh với mục đích vừa thu được lợi nhuận, vừa giữ vững được doanh nghiệp.