Trong 5 năm qua, từ 2005 đến 2009, tình hình trốn thuế xảy ra khắp mọi nơi, trên hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh. Nổi bật trong thời gian gần đây là tội phạm trốn thuế liên quan đến hoàn thuế gia tăng, loại tội phạm này diễn ra hết sức phức tạp và khá phổ biến ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, đặc biệt là ở những địa bàn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Cà Mau, Bà Rịa- Vũng Tàu, Thừa Thiên Huế..., nhiều vụ án trốn thuế có tính tổ chức, móc nối, câu kết với nhau thành đường dây chặt chẽ, liên quan đến nhiều cá nhân, doanh nghiệp ở địa phương. Để thực hiện hành vi trốn thuế, các doanh nghiệp mua hoá đơn giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, tiếp tay cho các doanh nghiệp này trốn thuế là một số công ty ma lập ra để mua hoá đơn giá trị gia tăng, mới đây đã nhiều lần bị cơ quan chức năng phát hiện và khởi tố, điều tra làm rõ.
Theo số liệu thống kê của Cục cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, trong 5 năm qua, từ năm 2005 đến 2009 trên địa bàn cả nước đã phát hiện được 4.288 vụ trốn thuế, số tiền trốn thuế lên tới 158,524 tỉ đồng, mỗi năm trung bình có 858 vụ trốn thuế bị phát hiện. Ngoài ra, các lực lượng chức năng còn phối hợp xử lý hành chính 4.873 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế vận tải, tài nguyên, thuế trên khâu lưu thông với số tiền gần 13 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vấn đề xử lý hình sự đối với tội trốn thuế rất hạn chế. Theo số liệu của Cục thống kê tội phạm Viện kiểm sát nhân dân tối cao trên phạm
vi toàn quốc trong 5 năm từ năm 2005 đến 2009, toàn quốc đã khởi tố điều tra 201 vụ, 413 bị can, với số tiền trốn thuế lên đến hơn 200 tỷ đồng, một con số rất ít so với số vụ phát hiện vi phạm trong lĩnh vực thuế nhưng số tiền trốn thuế cao rất nhiều (Xem bảng 1 mục 2.1.1).
Điển hình, ngày 26/6/2005, Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam Đặng Văn Thiệu, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty cổ phần vật liệu xây dựng Tiền Phong (Thái Bình) về tội trốn thuế gần 15 tỷ đồng. Đây là vụ trốn thuế lớn nhất từ trước tới nay xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Theo tài liệu của cơ quan công an, từ năm 2000 đến năm 2004, với mục đích trốn thuế và có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, Đặng Văn Thiệu đã chỉ đạo bộ phận nghiệp vụ để ngoài sổ sách kế toán gần 15 tỷ đồng bao gồm tiền từ các nguồn thu như: bán gạch ngói, vôi do công nhân làm thêm giờ (gần 12 tỷ đồng); thu từ việc bán các sản phẩm khác và thu quỹ cán bộ công nhân viên công ty gần 400 triệu đồng.
Tiếp đến, ngày 19 tháng 6 năm 2006, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Bộ Công an) triệt phá một đường dây trốn thuế, mua bán hoá đơn rất nghiêm trọng xảy ra tại cửa hàng kinh doanh vật tư kỹ thuật số 1 thuộc Công ty hoá chất vật liệu điện thành phố Hồ Chí Minh và một số đơn vị khác. Vụ trốn thuế này vốn tồn tại trong một thời gian dài và chỉ bị phát hiện qua đơn thư tố giác của quần chúng về hành vi mua bán hoá đơn của một số đơn vị trên địa bàn thành phố. Quá trình điều tra đã xác định từ tháng 1-2000 tới tháng 8-2003, Cao Thiên Tòng (với chức danh cửa hàng trưởng Cửa hàng kinh doanh vật tư kỹ thuật số 1đã liên hệ mua bán hoá đơn giá trị gia tăng của 7 đơn vị với tổng số 3.519 hoá đơn, trị giá hơn 121,7 tỷ đồng, trong đó thuế VAT là hơn 9,2 tỷ đồng để hợp pháp hoá các mặt hàng hoá chất, vật liệu điện mà cửa hàng đã mua trôi nổi, không có nguồn gốc hợp
pháp. Trong đó có hai doanh nghiệp nhà nước đã tiếp tay cho hành vi trốn thuế của Cao Thiên Tòng với lý do... để đảm bảo doanh thu. Đó là Chi nhánh vật tư Miền Nam (trụ sở trên đường Lý Chính Thắng, quận 3, TP.HCM) thuộc Công ty vật tư và thiết bị toàn bộ (Bộ Công nghiệp), từ tháng 1-2000 đến tháng 8-2004, chi nhánh này đã bán cho cửa hàng 1 hơn 800 hoá đơn VAT gồm những mặt hàng hoá chất với tổng trị giá hơn 28,3 tỷ đồng. Tại cơ quan điều tra, N.H.K (trưởng phòng kinh doanh), T.T.V (kế toán trưởng) của Chi nhánh vật tư miền Nam khai nhận thực tế chi nhánh không kinh doanh, mua bán các mặt hàng hoá chất vật liệu điện với cửa hàng của Cao Thiên Tòng như nội dung của các hoá đơn, nhưng để đảm bảo doanh thu của chi nhánh, theo đề nghị của Tòng, chi nhánh đã xuất hoá đơn VAT khống để hưởng phần tiền 1% đến 1,5% trị giá hoá đơn (với mặt hàng thuế VAT từ 5 đến 10%) do cửa hàng 1 trả. Với số hoá đơn trên, Chi nhánh vật tư miền Nam đã thu lợi bất chính hơn 471 triệu đồng. Còn Công ty cổ phần XNK Nam Hà Nội (Simex), trụ sở trên đường Điện Biên Phủ, quận 3, TP.HCM, cũng xuất 169 hoá đơn VAT gồm các mặt hàng hoá chất, vật liệu điện (vốn không phải mặt hàng kinh doanh của công ty) trị giá hơn 5,3 tỷ cho cửa hàng 1 để được hưởng từ 0,7 đến 1% trị giá hàng hoá trên hoá đơn. Trong số 7 đơn vị bán hoá đơn VAT cho cửa hàng 1, nổi lên 3 công ty: Công ty TNHH Lộc Nghĩa (giám đốc N.T.Ích), Công ty T.D.V, Công ty Được Vinh (giám đốc là Tạ Quang Vinh đã bỏ trốn). Qua điều tra xác minh cho thấy 3 doanh nghiệp này đã mua hoá đơn đầu vào của 75 đơn vị đều là các công ty TNHH tại thành phố Hồ Chí Minh với tổng giá trị hàng hoá trên hoá đơn là hơn 51,7 tỷ đồng. Trong số 75 doanh nghiệp này, qua tài liệu điều tra, cho thấy đa số là các công ty không kinh doanh hàng hoá, chỉ thành lập để mua bán hoá đơn VAT, khi bị cơ quan chức năng phát hiện thì bỏ trốn. Tiêu biểu cho loại doanh nghiệp này là Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ thương mại Hồng Lâm Phát (giám đốc là Tô
Hoàng Thái Lâm, đang bị Bộ Công an truy nã trong vụ mua bán hoá đơn với Trung tâm xuất khẩu Seaprodex), Công ty TNHH Nhật Tín, Công ty TNHH thương mại An Thịnh (cả hai công ty này đều của giám đốc Nguyễn Tấn Sỹ, đang bị Công an tỉnh Đồng Nai truy nã)...
Vụ buôn lậu trốn thuế của Công ty trách nhiệm hữu hạn Đông Nam, TP HCM, đến nay đã xác định được số tiền trốn thuế khoảng 200 tỷ đồng, vận chuyển ngoại tệ trái phép qua biên giới khoảng 20 triệu USD. Cơ quan điều tra đã thu giữ 8.512 máy điện thoại di động các loại, 5.222 đồng hồ, gần 400.000 USD và khoảng 2,3 tỷ đồng. Đã có 5 bị can bị khởi tố về tội buôn lậu và trốn thuế.
Ngày 24/9/2010, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án trốn thuế xảy ra tại khách sạn Equatorial (địa chỉ 242 Trần Bình Trọng quận 5 TPHCM, là liên doanh giữa Công ty Dịch vụ tổng hợp Hoàng Việt và Công ty Planergo - Hồng Kông). Trong quá trình thanh tra, Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại khách sạn này như: không kê khai nộp thuế nhà thầu hơn 6 tỷ đồng, kê khai thiếu tiền thuế phải nộp hơn 8 tỷ đồng. Nhận thấy những sai phạm trên diễn ra trong thời gian dài liên tục, số tiền sai phạm lớn, có dấu hiệu của tội “Trốn thuế” nên Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý.
Ngày 23/3/2010, Viện KSND Tối cao đã tống đạt cáo trạng đến các bị can trong vụ án buôn bán hàng cấm, trốn thuế tại Cửa hàng miễn thuế cảng Sài Gòn. VKSNDTC đã truy tố bị can Nguyễn Thị Thúy Hạnh (Phó Chủ nhiệm Cửa hàng miễn thuế Cảng Sài Gòn), Phan Thuỵ Phượng Uyên (em họ Hạnh là nhân viên bán hàng Cửa hàng miễn thuế) và hai nhân viên hải quan cảng Sài Gòn là Hoàng Ngọc Sanh, Nguyễn Hồng Phấn về tội “Buôn bán hàng cấm” và “Trốn thuế”. Theo hồ sơ điều tra của Bộ Công an và cáo trạng
của Viện KSND Tối cao, Cửa hàng miễn thuế cảng Sài Gòn là đơn vị trực thuộc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu và dịch vụ cảng Sài Gòn - Tổng cục Hàng hải Việt Nam. Tuy chỉ là Phó chủ nhiệm nhưng Nguyễn Thị Thuý Hạnh là người quản lý, chỉ đạo trực tiếp mọi hoạt động tại đây. Theo quy định, cửa hàng được phép nhập khẩu hàng hoá miễn thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để bán cho những đối tượng xuất nhập cảnh nhưng không được phép bán hàng vào thị trường trong nước nếu không được phép của Bộ Thương mại. Tuy nhiên, từ năm 1999 đến 2004, Hạnh đã cung cấp cho các nhân viên hải quan, bộ đội biên phòng làm việc tại cảng Sài Gòn, sau đó chỉ đạo nhân viên hợp thức hoá bằng cách sửa chữa, ghi thêm lượng hàng bán sai quy định vào các hoá đơn bán hàng cho tàu biển và cho ra đời các hoá đơn bán khống. Ngoài ra, Hạnh còn chỉ đạo đồng bọn hợp pháp hoá việc buôn bán hàng cấm bằng cách lập khống các hoá đơn bán lẻ hàng cho khách nước ngoài. Hạnh đã cho nhân viên lập khống các hoá đơn bán hàng và giả chữ ký để lấy hàng tuồn ra ngoài tiêu thụ. Tổng cộng Hạnh và đồng bọn đã ghi thêm 2.558 hoá đơn với tổng số lượng hàng hoá trị giá trên 3,6 triệu USD, tuồn ra ngoài gần 131.000 bao thuốc lá, trên 227.000 chai rượu ngoại và trên 23.000 lon bia ngoại, trốn thuế trên 131 tỷ đồng.
Vụ án Nguyễn Hưng Bình phạm tội trốn thuế. lợi dụng chính sách ân hạn thuế của Nhà nước, năm 2004 Mai Quý Cường đã rủ Nguyễn Văn Hưng đứng ra thành lập Công ty TNHH đầu tư và thương mại Hà Hưng. Sau đó, Mai Quý Cường thuê Ngô Thị Thuý làm dịch vụ thành lập Công ty Hoàng Loan, Công ty Hưng Thịnh với giá 5 triệu đồng một công ty. Sau khi có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của các Công ty trên, Mai Quý Cường và Nguyễn Thanh Hải đã móc nối với Vũ Hưng Bình, Giám đốc Công ty TNHH Phương Trinh ở TP.HCM, sử dụng tư cách pháp nhân của 3 công ty: Công ty Hà Hưng, Công ty Hoàng Loan, Công ty Hưng Thịnh để làm thủ tục nhập
khẩu 93 xe ôtô các loại đã qua sử dụng từ Hàn Quốc về Việt Nam, qua cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 3 TP.HCM và cửa khẩu Cảng Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, qua đó đã chiếm hưởng 13 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Trong số tiền chiếm hưởng này, Mai Quý Cường được 4,3 tỷ đồng, Nguyễn Thanh Hải được 35 triệu đồng và Nguyễn Phát Đạt là người quan hệ với phía Hàn Quốc để mua 82 xe ôtô tải, làm các thủ tục để nhập khẩu xe ôtô; đã được Bình chia cho gần 600 triệu đồng. Còn Vũ Hưng Bình chiếm hưởng trên 8,1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Vũ Hưng Bình còn phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội trong thời gian năm 1999-2000, lợi dụng danh nghĩa Công ty Hoàng Long ở Hà Nội để nhập khẩu hàng hoá rồi đưa vào TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ trốn gần 140 triệu tiền thuế và Bình đã nộp 140 triệu đồng.
VKSNDTC nhận định, các bị can Nguyễn Văn Hưng (Giám đốc Công ty Hà Hưng), Nguyễn Văn Liêm (Giám đốc Công ty Hoàng Loan), Vũ Thị Thanh Loan (Giám đốc Công ty Hưng Thịnh) không bàn bạc và thực hiện việc nhập khẩu 93 xe ôtô để trốn thuế. Bên cạnh đó, các chữ ký của Hưng, Liêm, Loan ở các bộ hồ sơ nhập khẩu xe ôtô là do Mai Quý Cường giả mạo và toàn bộ số tiền trốn thuế Hưng, Liêm, Loan không được ăn chia, hưởng lợi từ số tiền này cùng với các bị can trong vụ án. Do vậy, sau khi nghiên cứu hồ sơ và xét mức độ sai phạm của 3 bị can này, VKSNDTC đã quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can, miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với Ngô Thị Thuý, Mai Lan Anh là những người có liên quan đến việc thành lập Công ty Hà Hưng, Hoàng Loan và Hưng Thịnh nhưng không liên quan đến việc ký hợp đồng ngoại thương, mở tờ khai hàng nhập khẩu, không biết Mai Quý Cường cùng các bị can trên nhập khẩu xe ôtô nhằm mục đích trốn thuế nên không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự.
Ngày 17/10/2008, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Nguyễn Thị Phượng (47 tuổi), nguyên giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn Thanh Tâm và công ty cổ phần Thanh Thanh Tâm mức án 3 năm, 4 tháng, 28 ngày tù về tội "trốn thuế". Theo cáo trạng, Phượng biết rõ việc chi trả tiền thưởng, hoa hồng và khuyến mại của các đơn vị Bưu chính viễn thông khi tiêu thụ số lượng lớn thẻ card điện thoại. Để đẩy nhanh tốc độ bán thẻ, trong quá trình quản lý hoạt động hai công ty của mình (chuyên phân phối thẻ Vinacard), bà giám đốc này đã cho thiết lập và duy trì mạng lưới đại lý thứ cấp để tiêu thụ một số lượng lớn thẻ ra thị trường nhưng không xuất đủ hoá đơn GTGT.
Do vậy, nhằm hợp thức hoá việc bán lẻ thẻ Vinacard và nhận tiền thưởng, hoa hồng, khuyến mại trên, Phượng đã móc nối với một số người để mua bán hoá đơn GTGT. Ngoài ra, bà này còn dùng chính tư cách pháp nhân nơi bán hoá đơn để lập thủ tục mua bán giả. Tổng cộng, Phượng đã mua 144 hoá đơn của 24 doanh nghiệp để ghi xuất khống tiền hoa hồng cho hai công ty, làm sai lệch căn cứ tính thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp, trốn thuế hơn 15 tỷ đồng.