Các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh nội tại của NHTM

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - chi nhánh Hoàng Quốc Việt (Trang 29)

1.3.1.1 Năng lực tài chính

Năng lực tài chính là thước đo sức mạnh của một ngân hàng tại một thời điểm nhất định. Năng lực tài chính thể hiện qua các tiêu chí:

- Quy mô vốn và chất lượng nguồn vốn: Vốn tự có là điều kiện bắt buộc để

ngân hàng có được giấy phép thành lập và hoạt động trước khi có được khoản tiền gửi đầu tiên. Quy mô vốn tự có phản ánh sức mạnh tài chính của một ngân hàng và khả năng chống đỡ rủi ro của ngân hàng đó. Vốn tự có là cơ sở để điều chỉnh mọi hoạt động kinh doanh của ngân hàng: khả năng huy động vốn, mức dư nợ tối đa của một khách hàng, khả năng đầu tư vào tài sản cố định (tạo cơ sở vật chất cho ngân hàng), các hoạt động đầu tư, góp vốn mua cổ phần, ... Những hoạt động này chính là những lợi thế so sánh tạo nên sức mạnh cạnh tranh cho ngân hàng. Quy mô vốn và chất lượng nguồn vốn thể hiện chủ yếu qua chỉ tiêu quy mô vốn điều lệ và hệ số an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio – CAR) được tính bằng vốn tự có/tài sản có rủi ro (%)

- Chất lượng tài sản có: Tài sản của NHTM thể hiện ở bên tài sản có trên

Bảng cân đối kế toán của NHTM đó. Quy mô, cơ cấu và chất lượng tài sản có sẽ quyết định đến sự tồn tại và phát triển của NHTM. Tài sản có bao gồm tài sản sinh lời (chiếm từ 80-90% tổng tài sản có) và tài sản không sinh lời (chiếm từ 10-20% tổng tài sản có). Tài sản sinh lời gồm các khoản cho vay, cho thuê tài chính và các khoản đầu tư vào giấy tờ có giá như chứng khoán, góp vốn liên danh liên kết, ... Chất lượng tài sản có của NHTM là tiêu chí tổng hợp nói lên khả năng bền vững về tài chính, năng lực quản lý của một tổ chức tín dụng. Hầu hết rủi ro trong kinh

23

doanh tiền tệ đều tập trung ở tài sản có. Chất lượng tài sản có thể hiện thông qua các chỉ tiêu: tỷ lệ nợ xấu trên tổng tài sản có, mức độ lập dự phòng và khả năng thu hồi các khoản nợ xấu, mức độ tập trung và đa dạng hóa các danh mục tín dụng, rủi ro tín dụng tiềm ẩn, ...

- Mức sinh lợi: Khả năng sinh lời của NHTM gắn liền với chất lượng tài sản

và hiệu quả sử dụng tài sản của NHTM. Nâng cao chất lượng tài sản, chất lượng nguồn vốn cũng chính là nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của NHTM. Chỉ tiêu mức sinh lời có thể được phân tích thông qua các chỉ tiêu như: giá trị tuyệt đối của lợi nhuận sau thuế, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, cơ cấu của lợi nhuận (cho biết lợi nhuận được hình thành từ nguồn nào, từ hoạt động kinh doanh thông thường hay từ các khoản thu nhập bất thường), tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản có (ROA), các chỉ tiêu về mức sinh lợi trong mối tương quan với chi phí, ...

- Khả năng thanh khoản: là mức độ sẵn sàng chi trả, thanh toán cho khách

hàng của NHTM, khả năng bù đắp tổn thất khi xảy ra rủi ro, được thể hiện thông qua các chỉ tiêu như khả năng thanh toán tức thì, khả năng thanh toán nhanh, đánh giá định tính về năng lực quản lý thanh khoản của các NHTM, đặc biệt là khả năng quản lý rủi ro thanh khoản của các NHTM.

1.3.1.2 Năng lực về công nghệ

Trong lĩnh vực ngân hàng, công nghệ đang ngày càng đóng vai trò như là một trong những nguồn lực tạo ra lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của mỗi ngân hàng. Công nghệ ngân hàng không chỉ bao gồm những công nghệ mang tính tác nghiệp như hệ thống thanh toán điện tử, hệ thống ngân hàng bán lẻ, máy rút tiền tự động ATM ... mà còn bao gồm cả hệ thống thông tin quản lý MIS, hệ thống báo cáo rủi ro... trong nội bộ ngân hàng. Ngoài ra, khả năng nâng cấp và đổi mới công nghệ của các NHTM cũng phản ánh năng lực công nghệ của một ngân hàng. Với tốc độ phát triển rất nhanh của ngành công nghệ thông tin nói chung và công nghệ lĩnh vực ngân hàng nói riêng, nếu chỉ tập trung phân tích vào khả năng công nghệ hiện tại

24

mà không chú ý tới khả năng nâng cấp và thay đổi trong tương lai thì sẽ dễ có nhận thức sai lầm về năng lực công nghệ của các ngân hàng.

1.3.1.3 Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực là yếu tố không thể thiếu khi xem xét năng lực cạnh tranh của một tổ chức. Năng lực cạnh tranh về nguồn nhân lực của một doanh nghiệp nói chung thể hiện ở những yếu tố như: trình độ đào tạo, trình độ thành thạo nghiệp vụ, động cơ phấn đấu, mức độ cam kết gắn bó với doanh nghiệp... Ngân hàng là một ngành đòi hỏi người lao động phải có kinh nghiệm và trình độ cao được tích lũy theo thời gian. Nhân sự của một ngân hàng là yếu tố mang tính kết nối các nguồn lực của ngân hàng đồng thời cũng là cái gốc của mọi cải tiến hay đổi mới.

1.3.1.4 Cơ cấu tổ chức và năng lực quản lý

Cơ cấu tổ chức là một tiêu chí quan trọng phản ánh cơ chế phân bổ các nguồn lực của một ngân hàng có phù hợp với quy mô, trình độ quản lý của ngân hàng, có phù hợp với đặc trưng cạnh tranh của ngành và yêu cầu của thị trường hay không. Cơ cấu tổ chức của một ngân hàng thể hiện ở sự phân chia các phòng ban chức năng, các bộ phận tác nghiệp, các đơn vị trực thuộc... Hiệu quả của cơ chế quản lý không chỉ phản ánh ở số lượng các phòng ban, sự phân công, phân cấp giữa các phòng ban mà còn phụ thuộc vào mức độ phối hợp giữa các phòng ban, các đơn vị trong việc triển khai chiến lược kinh doanh, các nghiệp vụ hàng ngày, khả năng thích nghi và thay đổi của cơ cấu trước những biến động của ngành hay những biến động trong môi trường vĩ mô...

Năng lực quản lý phản ánh năng lực điều hành của hội đồng quản trị cũng như ban giám đốc của một ngân hàng. Năng lực quản lý thể hiện ở mức độ chi phối và khả năng giám sát của hội đồng quản trị đối với ban giám đốc; mục tiêu, động cơ, mức độ cam kết của ban giám đốc cũng như hội đồng quản trị đối với việc duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng; chính sách tiền lương và thu nhập đối với ban giám đốc; số lượng, chất lượng và hiệu lực thực hiện của các chiến lược, chính sách và quy trình kinh doanh cũng như quy trình quản lý rủi ro, kiểm tra kiểm soát nội bộ.

25

1.3.1.5 Hệ thống kênh phân phối và mức độ đa dạng hóa các dịch vụ

Hệ thống kênh phân phối của các NHTM thể hiện ở số lượng các chi nhánh và các đơn vị trực thuộc và sự phân bố các chi nhánh theo địa lý lãnh thổ. Việc triển khai các công nghệ ngân hàng hiện đại đang làm rút ngắn khoảng cách về không gian và làm giảm tác động của một mạng lưới chi nhánh rộng khắp đối với năng lực cạnh tranh của một ngân hàng. Tuy nhiên, vai trò của một mạng lưới chi nhánh rộng lớn vẫn rất có ý nghĩa, đặc biệt là trong điều kiện các dịch vụ truyền thống của ngân hàng vẫn còn phát triển. Hiệu quả của mạng lưới chi nhánh rộng cũng là một tiêu chí quan trọng, thể hiện thông qua tính hợp lý trong phân bổ chi nhánh ở các vùng, miền, cũng như vấn đề quản lý, giám sát hoạt động của các chi nhánh.

Mức độ da dạng hóa các dịch vụ cung cấp cũng là một tiêu chí cho thấy một NHTM có lợi thế cạnh tranh hay không. Sự đa dạng hóa các dịch vụ một mặt tạo cho ngân hàng phát triển ổn định hơn, mặt khác cho phép ngân hàng có thể phát huy lợi thế nhờ quy mô. Tuy nhiên, sự đa dạng hóa các dịch vụ cần phải tương quan phù hợp với các nguồn lực hiện có của ngân hàng. Việc triển khai quá nhiều dịch vụ có thể khiến ngân hàng kinh doanh không hiệu quả do các nguồn lực bị dàn trải quá mức.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - chi nhánh Hoàng Quốc Việt (Trang 29)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)