Nguyên nhân và điều kiện về tâm lý xã hộ

Một phần của tài liệu Đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu ở nước ta - thực trạng và giải pháp (Trang 64)

1. Đối tượng buôn lậu

2.2.2. Nguyên nhân và điều kiện về tâm lý xã hộ

Nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tình hình tội phạm buôn lậu xét từ góc độ kinh tế xã hội, quản lý kinh tế có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình hình thành ý thức phạm tội của người phạm tội buôn lậu. Tuy nhiên, con người sinh ra không phải để trở thành kẻ phạm tội buôn lậu mà họ chỉ thực hiện tội phạm khi trong họ đã chứa đựng sẵn những đặc điểm tâm lý - xã hội tiêu cực mà những đặc điểm này được hình thành trong quá trình sống và trưởng thành dưới những điều kiện nhất định. Như vậy, nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tình hình tội phạm buôn lậu còn được xem xét ngay bên trong người phạm tội thể hiện bằng những đặc điểm tâm lý - xã hội tiêu cực.

Ở nước ta, mặc dù người dân đang sống trong môi trường xã hội mới nhưng do những tàn dư của xã hội cũ mà nhiều người vẫn chứa đựng trong mình thói quen coi thường pháp luật. Thêm vào đó, trong những năm qua, công tác giáo dục tư tưởng, quản lý báo chí, văn nghệ... cũng có nhiều bất cập, lỏng lẻo đã góp phần làm nảy sinh những đặc điểm tâm lý - xã hội tiêu cực như: thói quen vô tổ chức kỷ luật, thói vị kỷ, vụ lợi... Hơn nữa, do ảnh hưởng của cơ chế thị trường mà trong xã hội dễ hình thành tâm lý theo đuổi mục tiêu lợi nhuận bằng bất kể phương pháp, cách thức nào. Buôn lậu là con đường làm giàu ngắn nhất bởi nó đem lại lợi nhuận cao.

Trong xã hội có những người mang tâm lý tiêu cực vụ lợi mà biểu hiện cụ thể của nó là sự tham lam, vị kỷ, mong muốn thoả mãn những nhu cầu vật chất cá nhân bằng bất cứ giá nào, khát vọng làm giàu bằng mọi cách, ý thức coi thường pháp luật. Có thể nói đây luôn luôn là động lực của hành vi phạm tội buôn lậu, là nguyên nhân và điều kiện trực tiếp của tội phạm buôn lậu.

Tâm lý tiêu cực thể hiện bằng khát vọng làm giàu bằng mọi giá, bất chấp pháp luật, đạo đức xã hội còn đi cả vào đội ngũ cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước, các lực lượng có chức năng đấu tranh phòng, chống buôn lậu. Chính vì thế, đã có không ít cán bộ, Đảng viên bị mua chuộc, lôi kéo tiếp tay hoặc làm ngơ cho bọn tội phạm buôn lậu hoạt động (ví dụ như vụ Mai Văn Huy, vụ Tân Trường Sanh, vụ Hang Dơi...). Đồng thời, tâm lý tiêu dùng của người dân cũng có những tác động nhất định đến sự phát sinh và tồn tại của tội phạm buôn lậu. Đa số người dân Việt Nam có tâm lý ưa chuộng hàng ngoại nhập, giá cả phải chăng... . Mặt khác, mặt bằng dân trí ở nước ta còn thấp, nhất là ở các vùng miền núi, các vừng giáp biên, các hủ tục và tệ nạn chậm được khắc phục, thậm chí có nơi tệ nạn xã hội đang có xu hướng phát triển trở lại như nghiện hút, cờ bạc. Trình độ dân trí thấp khiến cho ý thức pháp luật bị hạn chế, dễ dẫn đến vi phạm pháp luật, trong đó có tội phạm buôn lậu.

Một phần của tài liệu Đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu ở nước ta - thực trạng và giải pháp (Trang 64)