Các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu

Một phần của tài liệu Đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu ở nước ta - thực trạng và giải pháp (Trang 28)

Do tội phạm là hiện tượng xã hội, phát sinh và tồn tại trong xã hội mà các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung phải mang tính xã hội, có nghĩa phải tổng hợp tất cả các biện pháp có thể và động viên toàn xã hội tham gia. Tội phạm buôn lậu phản ánh rất rõ đặc tính xã hội mà đấu tranh phòng chống tội phạm này phải tổng thể các biện pháp. Theo chúng tôi, đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu được tiến hành bằng nhiều biện pháp khác nhau sau đây:

Thứ nhất là biện pháp kinh tế. Biện pháp này xuất phát từ nhận thức buôn lậu và tội phạm buôn lậu có nguồn gốc kinh tế, xuất hiện từ khi có hàng rào thuế quan; bọn tội phạm buôn lậu luôn tìm mọi phương thức thủ đoạn để thực hiện hoạt động buôn bán hàng hoá trái phép qua biên giới quốc gia thu lợi nhuận. Do đó, đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu có hiệu quả thông qua biện pháp về kinh tế trước hết là phải chú ý phát triển kinh tế về mọi mặt, trong đó phải đảm bảo các yêu cầu cấp bách về giải quyết việc làm, giải quyết tốt vấn đề công bằng xã hội và sự phân hoá giàu - nghèo. Đồng thời, quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh của hàng hoá được sản xuất trong nước. Nâng cao khả năng thu hút đầu tư, có chính sách hợp lý trong phát triển kinh tế vùng, miền, đảm bảo sự phát triển đồng đều trên mọi lĩnh vực kinh tế, ở mọi khu vực theo từng thế mạnh vốn có của mỗi vùng, miền.

Biện pháp kinh tế phải được coi là biện pháp hàng đầu trong đấu tranh phòng, chống buôn lậu.

Thứ hai là biện pháp pháp luật. Trong nhà nước pháp quyền, pháp luật có vai trò rất quan trọng trong việc điều chỉnh mọi hoạt động xã hội. Biện pháp về pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu đòi hỏi chúng ta phải có một hệ thống pháp luật hoàn thiện và đồng bộ, đặc biệt là các quy định của pháp luật về thuế, thủ tục hải quan, chính sách xuất nhập khẩu, pháp luật hình sự... . Đồng thời, xác định rõ quyền hạn và trách nhiệm, sự phối kết hợp của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, các lực lượng chức năng và công dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu. Mặt khác, việc thực hiện pháp luật cũng đòi hỏi phải có sự nhất quán, với những hướng dẫn cụ thể, chi tiết, tránh việc áp dụng pháp luật tuỳ tiện, dễ tạo ra kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để buôn lậu.

Thứ ba là biện pháp tuyên truyền giáo dục. Trong nền kinh tế thị trường, những mặt trái nội tại của nó đang hàng ngày, hàng giờ tác động lên lối sống, suy nghĩ của mỗi cá nhân. Nhiều tổ chức, thậm chí cả một bộ phận các cán bộ, công chức Nhà nước có lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, tha hoá về

phẩm cách. Do đó, đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu rất cần có sự đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục. Có thể nói, tuyên truyền, giáo dục là một biện pháp mang tính phòng ngừa trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu. Tuyên truyền, giáo dục là những tác động lên ý thức cá nhân nhằm mục đích làm cho họ nhận thức được mặt trái của cơ chế thị trường cũng như sự phản ứng tiêu cực của Nhà nước đối với hành vi buôn lậu và tội phạm buôn lậu. Đồng thời, biện pháp này cũng giúp cho các nhân có những định hướng hình thành tâm lý tích cực trong cách xử sự.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu muốn đạt hiệu quả cần phải được thực hiện trên một cơ sở xã hội tốt với nền tảng là các giá trị xã hội, giá trị đạo đức... nhưng cũng không thể thiếu các quy phạm pháp luật. Do vậy, tuyên truyền giáo dục giữ một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành ở mỗi cá nhân, công dân ý thức tuân theo pháp luật, phát huy các giá trị xã hội tích cực. Điều này đòi hỏi phải thường xuyên tuyên truyền, cập nhật thông tin pháp luật thông qua các phương tiện thông tin đại chúng nhằm phổ biến kiến thức pháp luật, đặc biệt là các quy định pháp luật liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu. Để biện pháp này đạt được hiệu quả cao, Nhà nước cũng cần bảo đảm phát huy vai trò và hiệu lực của các phương tiện thông tin đại chúng tạo nên sự kiểm soát của dư luận xã hội để trấn áp tội phạm buôn lậu. Đồng thời các phương tiện thông tin đại chúng cần hướng dẫn quần chúng, tỏ rõ quan điểm ủng hộ các cơ quan bảo vệ pháp luật trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu.

Nhìn chung, công tác tuyên truyền giáo dục phải hướng đến mục đích nâng cao ý thức tự giác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu trong nhân dân, trong đó, tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật là công tác trọng tâm.

Thứ tư là biện pháp hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước, quản lý kinh

tế và quản lý xã hội. Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu,

biện pháp về cơ chế quản lý có mối quan hệ chặt chẽ với biện pháp kinh tế. Quản lý cần được hiểu bao gồm cả quản lý kinh tế, quản lý xã hội, quản lý nhà

nước và các cơ chế về chính sách. Biện pháp về cơ chế quản lý bao gồm các nội dung dưới đây: nhà nước thống nhất và tăng cường quản lý xã hội bằng pháp luật; đảm bảo về cơ cấu tổ chức Bộ máy Nhà nước tinh giản, gọn nhẹ, vận hành đồng bộ và thông suốt từ Trung ương đến địa phương trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực quản lý kinh tế. Khắc phục mọi sơ hở thiếu sót trong quản lý kinh tế; làm tốt công tác quản lý thị trường, lưu thông hàng hoá; hoàn thiện công tác tổ chức cán bộ phải đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của nền kinh tế và toàn xã hội. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức, phẩm chất đối với độ ngũ cán bộ, công chức nhà nước; quản lý tốt mọi lĩnh vực xã hội, trong đó có sự quản lý chặt chẽ về con người, nắm vững sự biến động về dân số, nhân khẩu ở từng địa phương, nhất là trên các địa bàn trọng điểm về buôn lậu và đấu tranh phòng, chống buôn lậu.

Thứ năm là biện pháp tổ chức điều tra, khám phá, xử lý tội phạm buôn lậu được thực hiện bởi các cơ quan tư pháp hình sự, các lực lượng có chức

năng đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu. Đấu tranh phòng, chống tội

phạm buôn lậu là nhiệm vụ chung của toàn xã hội, trong đó, cơ quan tư pháp và các lực lượng chức năng giữ vị trí hàng đầu. Nội dung của biện pháp này bao gồm: các cơ quan tư pháp cũng như các lực lượng chức năng được tổ chức thống nhất, tạo nên sức mạnh trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan tư pháp, các lực lượng chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu trên các tuyến biên giới (trên bộ, trên biển, đường hàng không và đường bưu điện quốc tế); xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp lành nghề, trong sạch và vững mạnh, kiên quyết trong công tác phát hiện và xử lý tội phạm.

Đấu tranh phòng, chống buôn lậu phải được tập trung vào những địa bàn, khu vực là điểm nóng, trọng điểm của tội phạm buôn lậu...; tập trung đánh vào bọn buôn lậu có tổ chức thành các đường dây lớn số cầm đầu, đầu nậu, chủ hàng; đi đôi với việc làm đó là hoạt động vận động tuyên truyền nhân dân không tham gia, tiếp tay cho bọn buôn lậu. Gắn đấu tranh chống tội phạm buôn lậu với

đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, nạn hối lộ và nhận hối lộ... Thông thường trong những vụ buôn lậu lớn bị phát hiện đều có sự tiếp tay của một số cán bộ, công chức tha hoá, biến chất trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước...

Đấu tranh một một hiện tượng tiêu cực xã hội nói chung và tệ nạn buôn lậu tại nước ta nói riêng, trong đó có tội phạm buôn lậu là vấn đề không đơn giản một chút nào, nhất là khi nước ta nằm trong khu vực các nước xung quanh có khối lượng hàng hoá dư thừa, lại rất rẻ về giá cả, bền đẹp, phù hợp với sự tiêu dùng của người Việt Nam, trong khi đó, hàng Việt Nam sản xuất ra có giá thành cao hơn, mẫu mã không đẹp. Do vậy, chỉ có thể đấu tranh phòng chống tội phạm buôn lậu có hiệu quả khi áp dụng tổng thể các biện pháp và điều quan trọng, cần có sự thống nhất quan điểm từ các cơ quan trung ương đến các địa phương mới có thể thực hiện được các yêu cầu đấu tranh với loại tội phạm có tính phổ biến này trong tình hình hiện nay.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH TỘI PHẠM BUÔN LẬU Ở NƯỚC TA TRONG 5 NĂM (TỪ 1998 - 2002)

Một phần của tài liệu Đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu ở nước ta - thực trạng và giải pháp (Trang 28)