Khái niệm đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu

Một phần của tài liệu Đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu ở nước ta - thực trạng và giải pháp (Trang 26)

Đấu tranh với tội phạm là một yêu cầu khách quan của mọi chế độ xã hội được phân chia thành giai cấp và nhà nước. Tuy nhiên đang có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung đấu tranh với tội phạm. Có quan điểm cho rằng, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm là hai phạm trù khác nhau. Đấu tranh chống tội phạm là phát hiện, điều tra xử lý tội phạm. Còn phòng ngừa tội phạm là các biện

pháp ngăn chặn, thủ tiêu nguyên nhân và điều kiện phạm tội, không để cho tội phạm xảy ra. Do vậy, không phải ngẫu nhiên trong Lời nói đầu của Bộ luật hình sự năm 1999 đặt ra yêu cầu chủ động phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh chống tội phạm. Nếu hiểu như vậy cũng không sai, nhưng theo chúng tôi có thể chưa chính xác mà cần phải hiểu toàn diện hơn. Cần hiểu, đấu tranh với tội phạm chứa đựng hai nội dung cơ bản: Thứ nhất, phát hiện, điều tra, khám phá kịp thời mỗi khi tội phạm xảy ra nhằm đảm bảo không tội phạm nào không bị phát hiện và xử lý, không một người phạm tội nào có thể tránh khỏi hình phạt của pháp luật. Cho nên, trong nhiều tài liệu của Đảng và nhà nước ta đều nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, trừng trị kịp thời mọi hành động phá hoại của bọn phản cách mạng và tội phạm khác, bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn tốt trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền lợi, tính mạng tài sản của công dân. Thứ hai, bằng mọi biện pháp không để cho tội phạm xảy ra, không để cho một thành viên nào của xã hội phải chịu hình phạt của pháp luật, ngăn chặn kịp thời mọi hậu quả của tội phạm, đảm bảo cho xã hội bình yên, đảm bảo sự ổn định về chính trị - xã hội của đất nước, cuộc sống của người dân được an toàn. Do vậy, phòng ngừa tội phạm chiếm vị trí rất quan trọng trong cuộc đấu tranh với tội phạm. Trong hai nội dung của cuộc đấu tranh này không thể coi nhẹ nội dung nào do tội phạm hàng ngày vẫn xảy ra, vẫn cần phải phát hiện, điều tra, khám phá, xử lý. Nhưng do bản chất của nhà nước ta không bao giờ mong muốn cho bất kỳ người nào phải chịu hình phạt nghiêm khắc của pháp luật mà nội dung phòng ngừa tội phạm mang đặc tính nhân đạo cao cả.

Đấu tranh phòng chống tội phạm buôn lậu cũng có nội dung cơ bản nêu trên. Do tội phạm buôn lậu vẫn diễn ra hàng ngày, mà điều tra, khám phá, xử lý tội phạm này là cấp thiết để bảo vệ nền kinh tế đất nước. Nhưng cần chú trọng nhiều hơn đến công tác phòng ngừa tội phạm buôn lậu để hạn chế mức độ, phạm vi, tính chất nguy hiểm, thiệt hại do tội phạm buôn lậu gây ra cho xã hội ta hiện nay. Có thể nói, phòng ngừa tội phạm buôn lậu là hoạt động của các cơ quan nhà nước, lực lượng chức năng, tổ chức xã hội và cá nhân công dân nhằm tác động

lên những yếu tố là nguyên nhân, điều kiện thực hiện tội phạm hoặc có nguy cơ làm phát sinh những nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm buôn lậu nhằm làm giảm thiểu tội phạm này và hạn chế những tác hại, hậu quả do tội phạm buôn lậu gây ra.

Đấu tranh chống tội phạm buôn lậu phải là hoạt động đồng bộ, có hệ thống, có sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các tập thể và cá nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh tội phạm này. Với hai nội dung phòng và chống trong cuộc đấu tranh với tội phạm nói chung và tội phạm buôn lậu nói riêng thì phòng ngừa luôn được Đảng và Nhà nước ta đặt lên hàng đầu. Hoạt động phòng ngừa tội phạm buôn lậu là hoạt động mang lại hiệu quả từ xa. Quá trình thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm buôn lậu là quá trình liên tục không ngừng thực hiện các biện pháp kinh tế - xã hội, giáo dục, pháp luật và nghiệp vụ trên tất cả các phương diện của đời sống xã hội.

Từ tất cả những điều đã trình bày có thể hiểu, đấu tranh phòng, chống tội

phạm buôn lậu là những hoạt động đồng bộ, có hệ thống, có sự phối hợp tương trợ chặt chẽ giữa các biện pháp và các chủ thể dưới sự lãnh đạo thống nhất của Đảng và Nhà nước nhằm khắc phục, tiến tới loại bỏ những nguyên nhân và điều kiện của tình trạng phạm tội buôn lậu và phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh tội phạm buôn lậu.

Một phần của tài liệu Đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu ở nước ta - thực trạng và giải pháp (Trang 26)