Giới hạn của việc xét xử (Điều 196 BLTTHS 2003)

Một phần của tài liệu Nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 74)

Giới hạn xét xử là một chế định quan trọng, có liên quan mật thiết với nhiều quy định khác của BLTTHS, trong đó có nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa. Theo quy định tại Điều 196 BLTTHS 2003 phạm vi xét xử sơ thẩm bị giới hạn bởi nội dung truy tố (cáo trạng) của VKSND và quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án. Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố”. Quy định này thể hiện sự phân định chức năng, mối quan hệ chế ước và phối hợp giữa Tòa án và VKSND, cũng như bảo đảm đảm nguyên tắc nhân đạo và quyền bào chữa của bị cáo.

Trong khi đó, nguyên tắc xét xử trực tiếp và nguyên tắc xét xử bằng lời nói tại phiên tòa yêu cầu phiên tòa phải là cuộc điều tra công khai và đầy đủ về vụ án. Tại phiên tòa, HĐXX phải độc lập và khách quan, trực tiếp kiểm tra tất cả các chứng cứ, lắng nghe ý kiến của những người tham gia phiên tòa, để xác định chính xác và đầy đủ nhất các tình tiết của vụ án. Bản án chỉ được căn cứ vào các chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa. Do đó, kết quả xét xử có thể khẳng định việc truy tố của VKSND là đúng đắn, nhưng cũng có thể cho thấy hành vi bị cáo đã thực hiện là phạm tội khác, có thể nặng hơn hoặc nhẹ hơn tội danh mà VKSND đã truy tố. Điều đó là phù hợp với nội dung của chức năng xét xử và nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tuy nhiên, giới hạn xét xử không cho phép Tòa án xét xử bị cáo về những tội danh nặng hơn tội danh mà VKSND đã

truy tố và Tòa án đã đưa ra xét xử. Tòa án chỉ có thể xét xử bị cáo về những tội danh khác bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà VKSND đã truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.

Chúng tôi nhận thấy, quy định không cho phép Tòa án xét xử bị cáo đối với hành vi mà VKSND đã truy tố nhưng về tội danh khác nặng hơn là không hợp lý. Bởi vì, trong trường hợp này, “Tòa án vẫn thực hiện chức năng của mình trên cơ sở và trong phạm vi chức năng buộc tội.” [32, tr.214] HĐXX không xét xử những người phạm tội mới, những hành vi phạm tội mới mà vẫn xét xử những bị cáo và những hành vi đã bị VKSND truy tố. Do đó, quyền bào chữa của bị cáo vẫn được bảo đảm, bị cáo và những người bào chữa vẫn có điều kiện bào chữa cho bị cáo tại phiên tòa. “Việc bào chữa này là dựa trên cơ sở chứng cứ và hành vi phạm tội mà Viện kiểm sát đã truy tố và quan trọng hơn là dựa trên cơ sở pháp luật, không thể dựa trên cơ sở tội danh và thực chất tội danh là sự “quy ước” của các nhà làm luật (hành vi phạm tội bị dán nhãn)” [18, tr.214]. Vì vậy, Điều 196 BLTTHS 2003 cần sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng giới hạn xét xử, cho phép Tòa án xét xử bị cáo theo những tội danh nặng hơn tội danh mà VKSND truy tố và Tòa án đã có quyết định đưa ra xét xử.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 74)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(143 trang)