Nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án

Một phần của tài liệu Nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 62)

Xác định sự thật khách quan của vụ án hình sự “không chỉ là mục đích của hoạt động tố tụng mà nó còn thể hiện toàn bộ nội dung bản chất của quá trình chứng minh tội phạm” [11, tr.17], đó cũng là nguyên tắc cơ bản của Luật TTHS được quy định tại Điều 10 BLTTHS 2003, bao gồm hai nội dung cơ bản: Nội dung đầu tiên, là các CQĐT, Viện Kiểm sát và Tòa án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật khách quan của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và những chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ TNHS của bị can, bị cáo. Nội dung thứ hai, khẳng định trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan THTT. Bị can, bị cáo có quyền nhưng không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội, họ không có nghĩa vụ chứng minh sự thật khách quan của vụ án.

Theo nội dung của nguyên tắc này, trong giai đoạn xét xử mà trọng tâm là tại phiên tòa, Tòa án có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp hợp pháp để chứng minh tội phạm, làm sàng tỏ sự thật khách quan của vụ án. Đây là một trong những cơ sở pháp lý cho việc ghi nhận nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa. Nếu nguyên tắc xác định sự thật khách quan của vụ án đề ra nội dung và phương hướng cơ bản cho nghĩa vụ chứng minh tội phạm, xác định sự thật khách quan của vụ án của Tòa án, thì nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục

tại phiên tòa quy định những cách thức, phương pháp cụ thể mà Tòa án có thể áp dụng để thực hiện nhĩa vụ chứng minh tại phên tòa.

Việc quy định Tòa án có trách nhiệm chứng minh sự thật khách quan của vụ án bị chỉ trích là đã giao cho Tòa án chức năng buộc tội, không đúng với bản chất, vai trò của chức năng xét xử. Việc chứng minh tội phạm và làm rõ các tình tiết của vụ án là trách nhiệm của CQĐT và VKSND, không thuộc chức năng xét xử của Tòa án. Quy định Tòa án phải chứng minh tội phạm sẽ ảnh hưởng tới tính trung lập, khách quan và công bằng của thiên chức là người “trọng tài anh minh”, “cầm cân nẩy mực” của Tòa án. “Trong chừng mực nhất định, quy định này đã vi hiến, bởi Hiến pháp 1992 quy định Tòa án không có chức năng nào khác ngoài chức năng xét xử. [46, tr.169]; Và có ý kiến cho rằng, “nên lấy công lý làm tiêu chí của hoạt động xét xử. Như vậy, sát hơn là lấy sự thật khách quan làm tiêu chí. Điều này phù hợp với nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật..” [48, tr.27].

Để làm sáng tỏ vấn đề này cần phải xuất phát từ mục đích và nhiệm vụ của hoạt động xét xử, đó là giải quyết dứt điểm vụ án, đảm bảo rằng kẻ phạm tội bị trừng trị, người vô tội được minh oan, các quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xã hội được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật. Do đó, các phán quyết của Tòa án phải chính xác, phù hợp với các tình tiết thực tế của vụ án và các quy định của pháp luật. Nếu không xác định được hoặc xác định không chính xác chân lý khách quan của vụ án, thì các phán quyết của Tòa án không thể đúng đắn, việc bỏ lọt tội phạm hoặc oan, sai là điều khó tránh khỏi, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể sẽ không thể được bảo vệ. Điều đó đồng nghĩa với công bằng và công lý không thể đạt được, uy tín và hiệu lực của hoạt động xét xử sẽ bị nghi ngờ. Mặt khác, nếu bỏ nghĩa vụ chứng minh của Tòa án sẽ tạo ra sự bất bình đẳng, không cân xứng giữa bên buộc tội và bên bào chữa, nhất là trong điều kiện hiểu biết pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế và tỷ lệ bị cáo có luật sư bào chữa còn thấp như hiện nay. Do đó, Tòa án vẫn phải có nghĩa vụ chứng minh, xác định chân lý khách quan của vụ án.“Trong khi thực hiện chức năng của mình trong TTHS, Tòa án phải làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án (các tình tiết buộc tội và các

tình tiết gỡ tội) nhưng không phải để buộc tội và gỡ tội đối với bị cáo mà nhằm để xác định sự thật khách quan của vụ án, để có quyết định đúng đắn về vụ án, tức để thực hiện chức năng xét xử” [110, tr.12].

Vấn đề đặt ra là phương pháp, cách thức mà Tòa án sử dụng để có được sự thật khách quan của vụ án, phải đảm bảo được bản chất và vai trò là “người trọng tài công minh”, khách quan và công bằng của chức năng xét xử. Vì vậy, việc nhận thức, hoàn thiện và áp dụng đúng đắn nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa có một ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp Tòa án thực hiện chính xác và hiệu quả chức năng xét xử.

2.2.2. Nguyên tắc đảm bảo quyền bào chữa của ngƣời bị tạm giữ, bị can, bị cáo

Quyền bào chữa của người bị buộc tội là một quyền cơ bản của con người được ghi nhận tại các Điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người và trong PLTTHS của đa số các quốc gia trên thế giới. Nguyên tắc này đã được ghi nhận từ rất sớm trong Hiến pháp và PLTTHS Việt Nam. Hiện nay, nguyên tắc này được ghi nhận tại Điều 132 Hiến pháp năm 1992 và Điều 11 BLTTHS 2003.

Quyền bào chữa trong TTHS là “tổng hòa các hành vi tố tụng do người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện trên cơ sở phù hợp với các quy định của pháp luật nhằm phủ nhận một phần hay toàn bộ sự buộc tội của các cơ quan tiến hành tố tụng, làm giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự của mình trong vụ án hình sự” [40, tr.5]. Quyền bào chữa gồm hai quyền cơ bản là quyền tự bào chữa và quyền nhờ người khác bào chữa (luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người đại diện hợp pháp của họ). Đồng thời, nguyên tắc này cũng quy định CQĐT, VKSND và Tòa án có nhiệm vụ bảo đảm cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện quyền bào chữa của họ theo quy định của pháp luật. Trong những trường hợp luật định, các cơ quan THTT phải chỉ định người bào chữa cho bị can, bị cáo (là người chưa thành niên, người có nhược điểm về thể chất, tinh thần, người bị khởi tố có khung hình phạt cao nhất là tử hình).v.v…

Tại phiên tòa, bị cáo và người bào chữa có quyền đưa ra và trình bày các chứng cứ, lý lẽ, yêu cầu và đáp lại ý kiến của người khác, để chứng minh bị cáo vô tội, hoặc xác định các tình tiết giảm nhẹ TNHS cho bị cáo và bị cáo được nói lời sau cùng. Các quyền đó tạo ra sự phản biện cần thiết đối với các chứng cứ, luận điểm buộc tội, loại bỏ sự buộc tội phiến diện, một chiều, giúp cho phiên tòa có thể diễn ra dân chủ, khách quan và công bằng. Qua đó, các chứng cứ, tình tiết của vụ án sẽ được đưa ra xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện từ cả hai phía buộc tội và gỡ tội, giúp cho HĐXX có thể xác định chính xác và toàn diện sự thật khách quan của vụ án, làm cơ sở cho tính có căn cứ và hợp pháp trong phán quyết giải quyết vụ án của Tòa án. Do đó, có thể thấy việc đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo tại phiên tòa có một ý nghĩa vô cùng to lớn, giúp cho HĐXX có thể trực tếp và bằng lời nói kiểm tra đầy đủ nhất các chứng cứ, xác định chính xác các tình tiết của vụ án và giải quyết đúng đắn vụ án.

Ngược lại, theo nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa, HĐXX không chỉ xác định sự thật khách quan của vụ án và ra phán quyết giải quyết vụ án trên cơ sở các chứng cứ, ý kiến buộc tội hoặc tăng nặng TNHS đối với bị cáo mà còn phải căn cứ vào các chứng cứ, ý kiến gỡ tội hoặc giảm nhẹ TNHS cho bị cáo, đó là nghĩa vụ pháp lý của HĐXX. Tại phiên tòa, HĐXX phải trực tiếp xem xét các chứng cứ gỡ tội, lắng nghe những lập luận, lý lẽ bào chữa của bị cáo và người bào chữa, đó là một trong những căn cứ, để HĐXX xem xét, cân nhắc khi ra phán quyết giải quyết vụ án. Vì vậy, nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa là cơ chế, cách thức hữu hiệu đảm bảo quyền bào chữa của bị cáo tại phiên tòa.

Như vậy, nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa và việc bảo đảm quyền bào chữa của bị cáo tại phiên tòa có mối quan hệ chặt chẽ và thống nhất. Nếu quyền bào chữa của bị cáo không được đảm bảo, thì nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa sẽ không thể được thực hiện đúng đắn và đầy đủ. Mặt khác, nếu nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa không được thực hiện chính xác, thì quyền bào chữa của bị cáo tại phiên

tòa sẽ chỉ còn là hình thức. Trong cả hai trường hợp trên, hoạt động xét xử của Tòa án sẽ trở nên phiên diện, thiếu khách quan và không dân chủ, thậm chí có thể dẫn đến oan, sai.

2.2.3. Nguyên tắc không ai bị coi là có tội khi chƣa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật

Nguyên tắc” suy đoán vô tội’ là một nguyên tắc tiến bộ, được đánh giá là thành tựu vĩ đại của văn minh pháp lý, trong việc bảo vệ quyền con người trong TTHS. Nguyên tắc này được ghi nhận phổ biến trong PLTTHS của nhiều quốc gia trên thế giới và tại các Điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người như: Tuyên ngôn chung về quyền con người năm 1948 và Công ước quốc tế về quyền chính trị và dân sự năm 1966 của Liên Hiệp Quốc .v.v..

Theo quy định tại Điều 72 Hiến pháp năm 1992 và Điều 9 BLTTHS 2003 thì nguyên tắc suy đoán vô tội có các nội dung cơ bản sau: Thứ nhất, chỉ duy nhất Tòa án là có quyền phán quyết một người là có tội và áp dụng hình phạt đối với họ. Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo chỉ được coi là người có tội và phải chịu hình phạt, khi đối với họ đã có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của Tòa án; Thứ hai,“mọi sự nghi ngờ trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử phải được giải thích theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo” [92, tr.37].

Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền ra bản án kết tội và áp dụng hình phạt đối với bị cáo. Tuy nhiên, việc kết tội và áp dụng hình phạt đối với bị cáo chỉ được thực hiện sau khi “Tòa án đã xem xét, đánh giá đầy đủ, toàn diện các chứng cứ chính thức tại phiên tòa và có đủ cơ sở để khẳng định hành vi của bị cáo đã cấu thành tội phạm theo các điều, khoản của Bộ luật hình sự bằng bản án” [91, tr. 58]. Nếu sau khi xét xử, các chứng cứ chứng minh bị cáo không phạm tội, hoặc không có đủ chứng cứ chứng minh bị cáo đã phạm tội, thì Tòa án phải tuyên bị cáo không có tội.

Do đó, các chứng cứ và kết luận của CQĐT và VKSND không thể là căn cứ để khẳng định người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là người phạm tội và buộc họ phải chịu hình phạt. Chúng chỉ là những cơ sở, căn cứ cần thiết cho việc truy tố người bị

tình nghi là tội phạm ra trước Tòa án có thẩm quyền. Tòa án phải độc lập, công khai và trực tiếp xem xét, đánh giá lại toàn bộ kết quả điều tra, truy tố; đồng thời, tôn trọng quyền bào chữa của bị cáo, để không chỉ khẳng định lại tính đúng đắn và đầy đủ của hoạt động điều tra và truy tố, buộc người phạm tội phải chịu TNHS mà còn kịp thời phát hiện những sai sót, khiếm khuyết trong hoạt động điều tra và truy tố, minh oan cho người vô tội, bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị buộc tội và những chủ thể có liên quan trong vụ án. Có như vậy, Tòa án mới thực hiên đúng vai trò và vị trí là “người trọng tại công minh”, “người bảo vệ công lý” của chức năng xét xử.

Khi xét xử, HĐXX hay bất kỳ ai cũng không được có định kiến coi bị cáo là người có tội và có những hành vi đối xử với bị cáo như người phạm tội, đến khi hành vi phạm tội của bị cáo được chứng minh đầy đủ và khách quan tại phiên tòa. Nếu HĐXX có định kiến trước là bị cáo có tội, thì HĐXX sẽ mất đi sự khách quan, công bằng và trở nên phiến diện. Vì khi đó, HĐXX sẽ rất dễ coi trọng các chứng cứ buộc tội, coi nhẹ hoặc bỏ qua các chứng cứ gỡ tội, thậm chí coi lời bào chữa của bị cáo là biểu hiện của sự ngoan cố, không thành khẩn.Việc xét xử không còn là cuộc điều tra khách quan, công bằng và đầy đủ về vụ án nữa, mà chỉ còn là thủ tục hợp thức hóa kết quả điều tra và truy tố. Và vì vậy, những nội dung và yêu cầu của nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa không được đảm bảo, dẫn đến bản án hoặc quyết định của Tòa án khó có thể phù hợp với sự thật khách quan của vụ án.

Từ đó, có thể thấy nguyên tắc suy đoán vô tội và nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa có mối quan hệ mật thiết, thống nhất với nhau. Nguyên tắc suy đoán vô tội là cơ sở lý luận, pháp lý và những đảm bảo cần thiết cho việc ghi nhận và thực hiện đúng đắn, đầy đủ nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa. Đồng thời, nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa chính là cách thức, phương pháp thích hợp, để Tòa án có thể thực hiện đầy đủ những nội dung và yêu cầu nguyên tắc suy đoán vô tội tại phiên tòa.

2.2.4. Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trƣớc Tòa án

Nguyên tắc bảo đảm quyền bình đẳng trước Tòa án là một nguyên tắc pháp lý tiến bộ, được coi là một biểu hiện của nền tư pháp dân chủ. Quyền bình đẳng trước Tòa án là một nội dung, một biểu hiện cụ thể của nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, được thể hiện ở giai đoạn xét xử và rõ nét nhất là tại phiên tòa. Điều 19 BLTTHS 2003 quy định: “Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Toà án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.”

Nguyên tắc này xác định sự bình đẳng giữa các chủ thể, không phụ thuộc vào địa vị pháp lý và chức năng tố tụng, các chủ thể thuộc các bên buộc tội và bào chữa đều có quyền ngang nhau trong việc đưa ra các chứng cứ, yêu cầu và tranh luận trước Tòa án. Tòa án có trách nhiệm tôn trọng và tạo điều kiện cho các quyền đó được thực hiện thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật. Tòa án phải xác định

Một phần của tài liệu Nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 62)