theo pháp luật
Khi xét xử, Tòa án có chức năng bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý và công bằng xã hội. Do đó,“Tòa án chỉ có thể xét xử dựa vào công lý, điều đó cũng có nghĩa là khi xét xử Tòa án phải độc lập, chỉ tuân theo pháp luật.” [34, tr.23, 24] Điều 16 BLTTHS 2003 quy định: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.”
Nguyên tắc này bao gồm hai nội dung cơ bản: Thứ nhất, khi xét xử bất kỳ vụ án nào, Thẩm phán và Hội thẩm phải độc lập, không phụ thuộc vào bất kỳ cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân nào trong việc đưa ra các nhận định, đánh giá và phán quyết của mình về vụ án; Tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân không được can thiệp hoặc tác động vào các thành viên của HĐXX để họ phải xét xử vụ án theo ý kiến chủ quan của mình. “Mọi hành động can thiệp dưới bất kỳ hình thức nào đều làm ảnh hưởng tới tính khách quan của vụ án và đều bị coi là bất hợp pháp” [67, tr.29]; Thứ hai, pháp luật là “chuẩn mực để các thành viên HĐXX xem xét đối chiếu với sự việc xảy ra, với hành vi được đưa ra xét xử. Trên cơ sở quy định của pháp luật, HĐXX sẽ đưa ra các phán quyết của mình về sự việc phạm tội và hành vi phạm tội của bị cáo một cách chính xác, phù hợp với diễn biến thực tế của vụ án đã xảy ra” [67, tr.29].
Thẩm phán và Hội thẩm không thể bị ảnh hưởng bởi kết luận của CQĐT và VKSND. “Đối với họ không có một chứng cứ nào có giá trị chứng minh trước” [108, tr.38]. Nếu tại phiên tòa, Tòa án thấy cần thiết phải xử lý khác các ý kiến của các cơ quan trên thì phải căn cứ vào pháp luật mà xử lý chính xác. Tại phiên tòa, HĐXX
phải trực tiếp kiểm tra, đánh giá khách quan, toàn diện tất cả các chứng cứ, ý kiến và yêu cầu của những người tham gia phiên tòa; phải căn cứ vào các chứng cứ, tình tiết đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa, để xác định tội phạm và quyết định hình phạt đối với người phạm tội, không được để cho bất kỳ ai (ngay cả các thành viên khác của HĐXX) và vì bất kỳ lý do gì chi phối mà xử lý không đúng pháp luật.
Như vậy, nguyên tắc này góp phần đảm bảo sự vô tư, khách quan và công bằng của HĐXX trong quá trình trực tiếp kiểm tra, đánh giá chứng cứ, xét hỏi và lắng nghe ý kiến, yêu cầu tại phiên tòa. Do đó, nguyên tắc này là một đảm bảo pháp lý quan trọng cho việc thực hiện đúng đắn nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa. Đồng thời, nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa cũng là những sự thể hiện cụ thể của nguyên tắc Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật