Nội dung nguyên tắc

Một phần của tài liệu Nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 49)

Điều 184 BLTTHS 2003 quy định nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa bao gồm ba nội dung, tương ứng với ba nguyên tắc, với những nội cụ thể như sau:

* Nguyên tắc xét xử trực tiếp tại phiên tòa

Xét xử trực tiếp tại phiên tòa là việc HĐXX phải xác định các tình tiết của vụ án bằng phương pháp và cách thức trực tiếp xem xét, kiểm tra và đánh giá các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án và chứng cứ, tài liệu mới được bổ sung tại phiên tòa.

“Xét xử trực tiếp là trực tiếp xem xét những chứng cứ của vụ án, chứ không chỉ căn cứ vào hồ sơ vụ án” [107, tr.343]. Chỉ khi đó, HĐXX mới có thể xác định chính xác các tình tiết của vụ án, cũng như kịp thời phát hiện những sai sót, khiếm khuyết trong hoạt động điều tra, truy tố, đảm bảo tính chính xác và toàn diện trong hoạt động xét xử, bảo vệ được các quyền và lợi ích hợp pháp của những người TGTT.

Do đó, Tòa án sẽ không được sử dụng các chứng cứ chưa được trực tiếp xem xét tại phiên tòa, để ra những kết luận về các tình tiết của vụ án, cũng như ra phán quyết giải quyết vụ án, ngay cả khi những chứng cứ đó đã được thu thập và lưu giữ

trong hồ sơ vụ án. Sự vi phạm yêu cầu này sẽ khiến cho phương pháp xét xử trực tiếp không được thực hiện đầy đủ, vi phạm các quyền tố tụng của những người tham gia phiên tòa, có thể dẫn đến những sai lầm và thiếu xót trong việc giải quyết vụ án.

Nguyên tắc xét xử trực tiếp được thực hiện bằng cách hỏi và nghe ý kiến của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giám định, xem xét vật chứng và xem xét tại chỗ; cũng như nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự tại phiên tòa. Do đó, xét xử bằng lời nói chính là một cách thức để thực hiện nguyên tắc xét xử trực tiếp. Ngược lại, xét xử trực tiếp sẽ không thể thực hiện được, nếu HĐXX và những người tham gia phiên tòa không sử dụng lời nói.

* Nguyên tắc xét xử bằng lời nói tại phiên tòa

Nguyên tắc xét xử bằng lời nói quy định phương pháp, cách thức mà HĐXX sử dụng để trực tiếp kiểm tra và xem xét các chứng cứ, xác định các tình tiết của vụ án tại phiên tòa. HĐXX phải hỏi và nghe ý kiến của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người làm chứng, người giám định về các tình tiết và các vấn đề của vụ án. Những người được hỏi có quyền hoặc nghĩa vụ trình bày về những tình tiết và vấn đề của vụ án. Trong trường hợp, người cần được xét hỏi vắng mặt tại phiên tòa thì HĐXX phải công bố lời khai của họ tại CQĐT. Bên cạnh đó, Tòa án còn phải nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia phiên tòa khác. Đó có thể là những ý kiến về việc xem xét, đánh giá và sử dụng chứng cứ, về các tình tiết của vụ án hoặc những ý kiến về việc áp dụng pháp luật. Tòa án phải căn cứ vào những lời khai, ý kiến đó để kiểm tra, đánh giá đầy đủ về các chứng cứ, xác định chính xác các tình tiết của vụ án và ra phán quyết giải quyết vụ án.

Xét xử bằng lời nói là cách thức, phương pháp của xét xử trực tiếp. Chính vì HĐXX phải trực tiếp kiểm tra, đánh giá các chứng cứ nên HĐXX phải sử dụng lời

nói để trực tiếp xét hỏi và lắng nghe ý kiến của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người làm chứng, để trực tiếp kiểm tra, xem xét các chứng cứ là lời khai của họ; hỏi và nghe ý kiến của người giám định để kiểm tra về các vấn đề mà người đó được giao giám định. Chỉ khi trực tiếp nghe những người này bằng lời nói trình bày về những chứng cứ và tình tiết của vụ án, HĐXX mới có thể trực tiếp thẩm tra, đánh giá lại tính đúng đắn và hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc mới xuất trình tại phiên tòa. Trong trường hợp những người được hỏi vắng mặt, hoặc không khai tại phiên tòa, hoặc đã chết, HĐXX phải công bố lời khai của họ tại CQĐT, để HĐXX và những người tham gia phiên tòa có thể trực tiếp xem xét, đánh giá lời khai của họ tại CQĐT.

Mặt khác, phiên tòa còn là nơi thể hiện đầy đủ nhất của ba chức năng cơ bản của TTHS, đó là chức năng xét xử, chức năng buộc tội và chức năng bào chữa. Chức năng buộc tội là hoạt động “nhằm xác định tội phạm và người phạm tội, buộc kẻ phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật” [24, tr.35]. Chức năng này do Kiểm sát viên được giao nhiệm vụ thực hành quyền công tố nhà nước tại phiên tòa thực hiện là chủ yếu. Thực hiện hoạt động này là quyền và nghĩa vụ của Kiểm sát viên. Thông qua các hoạt động: đọc cáo trạng, trình bày bản luận tội, tham gia xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải làm rõ các tình tiết buộc tội, tăng nặng và giảm nhẹ TNHS của bị cáo, chứng minh việc truy tố của VKSND là đúng đắn. Đối trọng với chức năng buộc tội là chức năng bào chữa. Chức năng này được thực hiện bởi bị cáo, người bào chữa là chính, nhằm “xác định các tình tiết minh oan hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người bị buộc tội” [38, tr. 7]. Ngoài ra, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án và người đại diện của họ, người bảo vệ quyền lợi cho đương sự cũng có thể thực hiện việc buộc tội hay bào chữa đối với bị cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong TTHS nói chung và tại phiên tòa nói riêng, sự tồn tại song song của chức năng buộc tội và chức năng bào chữa sẽ tạo ra cơ chế kiểm tra chéo giữa các chứng cứ, cọ sát giữa các quan điểm khác nhau. “Chỉ có sự song song tồn

tại hai chức năng nêu trên mới tạo ra sự tranh tụng giữa các bên, điều kiện cần thiết để xác định chân lý khách quan của vụ án” [56, tr.35].

Dưới sự điều khiển của HĐXX, Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc sẽ đưa ra các chứng cứ và bằng lời nói trình bày về các chứng cứ, đưa ra các lý lẽ để chứng minh cho quan điểm của mình hoặc phản biện quan điểm của người khác về các chứng cứ, các tình tiết của vụ án, và đưa ra những yêu cầu liên quan đến việc giải quyết vụ án. Những ý kiến của họ là những “dữ liệu” quan trọng, giúp HĐXX có thể đánh giá và sử dụng đúng đắn các chứng cứ, xác định chính xác và đầy đủ sự thật khách quan của vụ án, tránh việc xét xử phiến diện, một chiều, dễ dẫn đến oan, sai.

Do đó, Điều 184 BLTTHS 2003 quy định HĐXX phải trực tiếp lắng nghe và xem xét, đánh giá khách quan, công bằng ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự và những người tham gia phiên tòa khác về các chứng cứ, các tình tiết của vụ án, cũng như những yêu cầu của họ. Đó là những “dữ liệu” quan trọng, để HĐXX có thể xác định chính xác sự thật khách quan của vụ án và ra bản án hoặc quyết định giải quyết vụ án có căn cứ và đúng pháp luật.

Tuy nhiên, Điều luật lại chỉ yêu cầu “bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa” mà không yêu cầu HĐXX phải căn cứ vào ý kiến của những người tham gia phiên tòa để ra bản án. Do đó, nhiều HĐXX đã không coi trọng đúng mức các ý kiến tranh luận, các yêu cầu của những người TGTT, nhất là của bị cáo và người bào chữa, chưa lấy kết quả tranh tụng tại phiên tòa làm căn cứ để ra bản án, dẫn đến việc giải quyết vụ án thiếu khách quan, không đúng đắn, thiếu thuyết phục. Đồng thời quy định như vậy cũng không đáp ứng được những định hướng của cải cách tư pháp hiện nay: “…. Việc phán quyết của Tòa án phải căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, bị cáo, nhân

chứng, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền, lợi ích hợp pháp khác để ra những bản án, quyết định đúng pháp luật, có sức thuyết phục” [58, tr.3] và “nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”[59, tr.5]. Do đó, theo chúng tôi cần phải bổ sung quy định này, theo hướng các ý kiến và yêu cầu của những người tham gia phiên tòa là căn cứ để HĐXX ra bản án giải quyết vụ án.

* Nguyên tắc xét xử liên tục tại phiên tòa

Khoàn 2 Điều 184 quy định việc xét xử phải được tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ. Điều đó có nghĩa, HĐXX phải tiến hành việc xét xử đối với từng vụ án một cách liên tục, từ khi bắt đầu phiên tòa đến khi tuyên án, trừ thời gian nghỉ theo quy định (nghỉ trưa, nghỉ đêm, nghỉ ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ.v.v..). Thời gian nghị án được coi là thời gian Tòa án làm việc và cũng phải tiến hành liên tục như trên.

Các thành viên HĐXX phải tiến hành xét xử dứt điểm từng vụ án, phải xử xong vụ án này mới được tham gia tố tụng đối với vụ án khác. Điều đó sẽ giúp cho các thành viên HĐXX tập trung tố đa vào vụ án đang giải quyết, có thể kiểm tra, đánh giá đúng đắn và đầy đủ tất cả các chứng cứ, tình tiết của vụ án, nhanh chóng giải quyết dứt điểm từng vụ án. Tuy nhiên, nội dung nguyên tắc xét xử liên tục như quy định tại Điều 184 BLTTHS 2003 là quá khái quát, không thể hiện rõ ràng và cụ thể nội dung này. Do đó, nhiều HĐXX đã không tuân thủ đúng nội dung này, việc làm thủ tục khai mạc chung cho nhiều vụ án, hoặc tuyên án một lúc cho nhiều vụ án vẫn xảy ra. Chính vì vậy, theo chúng tôi cần bổ sung quy định này theo hướng quy định rõ hơn việc các thành viên HĐXX phải liên tục tham gia xét xử đối với một vụ án, phải xét xử xong vụ án đang xét xử mới được tham gia tố tụng đối với vụ án khác.

Hoạt động xét xử tại phiên tòa là quá trình tư duy, nhận thức về các chứng cứ và các tình tiết của vụ án. Do đó, để bảo đảm Thẩm phán và Hội thẩm có thể đánh giá đúng đắn, đầy đủ về các chứng cứ, xác định chính xác sự thật khách quan của vụ án, họ phải có mặt liên tục tại phiên tòa, nắm bắt toàn bộ quá trình xem xét, kiểm tra chứng cứ, chứng minh sự thật khách quan của vụ án tại phiên tòa. Nếu Thẩm phán và Hội thẩm bỏ qua bất kỳ một diễn biến nào của phiên tòa cũng có thể dẫn đến việc

đánh giá không chính xác và đầy đủ về các chứng cứ, dẫn đến sai lầm trong việc xác định các tình tiết của vụ án.

Đối với những vụ án phải xét xử nhiều ngày, Tòa án phải cử Thẩm phán và Hội thẩm dự khuyết để có thể thay thế Thẩm phán và Hội thẩm chính thức không thể tiếp tục tham gia phiên tòa, tránh việc phải hoãn phiên tòa. Để đảm bảo tính liên tục của hoạt động xét xử, các Thẩm phán và Hội thẩm dự khuyết phải tham gia phiên tòa để chứng kiến quá trình xét xử, từ khi bắt đầu phiên tòa đến khi được thay thế các thành viên HĐXX bị khuyết. Chỉ có như vậy, các Thẩm phán và Hội thẩm dự khuyết mới có thể tiếp cận với toàn bộ quá trình xét xử, nắm bắt được toàn bộ các thông tin cần thiết một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ nhất, đó là những cơ sở cần thiết cho việc tiếp tục tiến hành hoạt động xét xử, khi được thay thế các Thẩm phán và Hội thẩm chính thức.

Đồng thời, việc xét xử liên tục cũng yêu cầu trong trường hợp phiên tòa bị hoãn, khi hết thời hạn hoãn phiên tòa, vụ án phải được xét xử lại từ đầu, không được lấy thời điểm hoãn phiên tòa làm mốc để tiếp tục xét xử vụ án. Quy định này tạo điều kiện cho các thành viên HĐXX và những người tham gia phiên tòa có thể nhớ được chính xác, đầy đủ các diễn biến của phiên tòa, có được những nhận thức đúng đắn và toàn diện diện về phiên tòa, cũng như sự thật khách quan của vụ án.

Tuy nhiên, điều đó cũng dẫn đến việc xét xử bị kéo dài, gây lãng phí thời gian và công sức cho HĐXX và những người tham dự phiên tòa. Có nhiều trường hợp việc xét xử lại vụ án là không cần thiết như: việc hoãn phiên tòa trong thủ tục bắt đầu phiên tòa, khi có yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, hoặc yêu cầu đưa thêm vật chứng và tài liệu ra xem xét, hoặc có người TGTT vắng mặt. Trong thủ tục này, phiên tòa chưa đi vào việc chứng minh, xem xét nội dung của vụ án nên việc xét xử lại vụ án từ đầu là không cần thiết; Hoặc trong trường hợp phải thu thập thêm chứng cứ hoặc xác minh chứng cứ, giám định lại hoặc giám định bổ sung; Hay triệu tập thêm nhân chứng mà những việc đó chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, HĐXX và những người tham gia phiên tòa vẫn có thể nhớ được diễn biến phiên tòa trước đó.

Theo chúng tôi trong những trường hợp nêu trên, chỉ cần tạm ngừng phiên tòa. Sau khi việc thu thập, xác minh chứng cứ, giám định lại, giám định bổ sung hoặc triệu tập thêm người làm chứng được hoàn thành, thì phiên tòa sẽ được tiếp tục (bắt đầu từ thời điểm tạm ngừng phiên tòa). Tuy nhiên, để giúp cho HĐXX và những người tham gia phiên tòa có thể nhớ được diễn biến phiên tòa trước đó, thì cần quy định thời gian tạm ngừng phiên tòa trong một thời gian ngắn, tối đa không quá 05 ngày và trước khi tiếp tục phiên tòa, chủ tọa phiên tòa trình bày tóm tắt nội dung diễn biến của phiên tòa trước đó. Thời hạn tạm ngừng phiên tòa do HĐXX quyết định. Nếu thời gian tạm ngừng phiên tòa kéo dài hơn thời hạn nêu trên, thì phiên tòa phải được xét xử lại từ đầu. Việc bổ sung quy định này vừa tạo điều kiện cho những người tham gia phiên tòa có thể nhớ và nắm bắt đầy đủ diễn biến phiên tòa, vừa đảm bảo giải quyết vụ án một cách nhanh chóng, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo và những người có liên quan đến vụ án.

Có thể thấy, ba nguyên tắc trên có mối quan hệ chặt chẽ, thống nhất với nhau, trong đó: Nguyên tắc xét xử trực tiếp là nền tảng, là cơ sở của nguyên tắc xét xử bằng lời nói và nguyên tắc xét xử liên tục. Nguyên tắc xét xử bằng lời nói và nguyên tắc xét xử liên tục là những cách thức, phương pháp và những bảo đảm cần thiết cho việc thực hiện nguyên tắc xét xử trực tiếp tại phiên tòa.

Một phần của tài liệu Nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa trong luật tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 49)