Xét xử công khai là một nguyên tắc bảo đảm cho tính dân chủ và sự hiệu quả của hoạt động xét xử, được ghi nhận trong các Điều 131 Hiến pháp năm 1992 và Điều 18 BLTTHS 2003. Theo nguyên tắc này, việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham gia phiên tòa. Tòa án chỉ có thể xử kín trong những trường hợp đặc biệt, cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc cần giữ bí mật của đương sự.v.v.. Khi xử kín, những người không nhiệm vụ và không được triệu tập sẽ không được tham dự phiên tòa đối với toàn bộ hay một phần của vụ án. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp Tòa án phải tuyên án công khai.
Nguyên tắc xét xử công khai tạo điều kiện cho mọi người có thể tham dự phiên tòa, góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật của nhân dân; để nhân dân có thể giám sát hoạt động xét xử của Tòa án, nâng cao tinh thần trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm trong việc thực hiện hoạt động xét xử.
Nguyên tắc xét xử công khai tất yếu đòi hỏi việc xét xử tại phiên tòa phải được tiến hành trực tiếp, bằng lời nói và liên tục trước nhân dân. Chỉ có như vậy, những người tham dự phiên tòa mới có thể theo dõi, nắm bắt và nhớ được toàn bộ những diễn biến của phiên tòa, quá trình xem xét, đánh giá chứng cứ của Tòa án và
những người tham gia phiên tòa. Qua đó, giúp họ nhận thức được tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hiểu được các quy định của pháp luật, kiểm tra, giám sát được tính có căn cứ và hợp pháp trong hoạt động xét xử của Tòa án.
Như vậy, nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa là cách thức, phương pháp hiệu quả nhất để thực hiện nguyên tắc xét xử công khai, giúp nguyên tắc này có thể được hiện thực hóa trong thực tiễn xét xử. Mặt khác, nguyên tắc xét xử công khai cũng góp phần nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán và Hội thẩm trong việc tuân thủ nguyên tắc xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục tại phiên tòa. “…rõ ràng là khi nhân dân bỉết, nhân dân bàn, kiểm tra hoạt động tố tụng thì tất cả những ai tiến hành các hoạt động tố tụng đều phải xét lại mình, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao và không thể không tôn trọng pháp luật” [32, tr.126].