* Vị trí, chức năng, vai trò, và nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn hiện nay (liên quan đến công tác quản lí tài chính)
Như chúng ta đều biết, giáo dục đào tạo có một vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống con người trên nhiều lĩnh vực và trong mọi điều kiện thời gian khác nhau. Đó là tồn tại tất yếu, gắn liền với sự ra đời và phát triển của loài người trên thế giới. Có thể nói giáo dục đã đóng góp một phần quan trọng vào lịch sử văn minh nhân loại.
Dân tộc Việt Nam tự hào với truyền thống hiếu học, từ xưa ông cha chúng ta đã coi trọng vấn đề khoa cử, qua đó đề cao học vấn con người, kết quả của sự dày công học tập, đèn sách tu dưỡng bản thân. Quan hệ thày - trò, môi trường giáo dục cũng luôn là nơi tôn nghiêm, cao quí nhất.
Ngày nay giáo dục và đào tạo đã được Đảng và nhà nước ta xác định là "quốc sách hàng đầu" nhằm tôn vinh cũng như khẳng định tầm quan trọng của giáo dục. Đảng và nhà nước ta đã xác định nguồn lực con người là quan trọng nhất, giữ vai trò quyết định đưa đất nước đi lên, thực hiện chiến lược đi tắt, đón đầu để dần khẳng định vị thế của mình trong khu vực và trên thế giới. Nguồn lực con người ở đây có thể hiểu là hướng tới những tiêu chí sau: có thể chất cường tráng, tâm hồn lành mạnh, có tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, và đặc biệt là có tri thức cao.
Để thực hiện điều đó đòi hỏi ngành giáo dục đào tạo phải được quan tâm đặc biệt với tư cách là một ngành đặc biệt: đào tạo ra con người mới, toàn diện, có tri thức, phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Chức năng, nhiệm vụ của các Sở Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn hiện nay: Nghị định số 166/2004/NĐ-CP của Chính phủ, ra ngày 16/09/2004 qui định trách nhiệm quản lí nhà nước về giáo dục đã nêu ra 3 nguyên tắc sau:
- Nguyên tắc 1: Bảo đảm tính thống nhất và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lí nhà nước về giáo dục.
- Nguyên tắc 2: Phân cấp quản lí nhà nước về giáo dục phải bảo đảm tương ứng giữa nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm, nguồn lực tài chính, nhân sự và các điều kiện cần thiết để thực hiện được các công việc được phân cấp.
- Nguyên tắc 3: Xác định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành, của uỷ ban nhân dân các cấp đối với sự nghiệp giáo dục, đồng thời bảo đảm tính chủ động, sáng tạo, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ quan quản lí giáo dục các cấp trong việc quyết định và thực hiện các nhiệm vụ được phân công, phân cấp.
Từ những nguyên tắc về trách nhiệm quản lí nhà nước trong giáo dục như trên, nghị định đã qui định cụ thể chi tiết đối với các Bộ, ngành liên quan.
Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lí đầu ngành về giáo dục ở các tỉnh, thành phố, thực hiện chức năng giúp Uỷ ban nhân dân quản lí nhà nước về giáo dục đối với hệ thống các trường trong phạm vi tỉnh, thành phố mình.
Liên quan đến công tác quản lí tài chính, trong nội dung số 7, điều 6 của Nghị định, cũng như trong Thông tư liên tịch số 21/2004/TTLT/BGD&ĐT- BNV ngày 23/07/2004 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo - Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ của Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố (nội dung
số 9 phần nhiệm vụ, quyền hạn) cùng thống nhất Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ "Tổ chức lập dự toán ngân sách giáo dục hàng năm của tỉnh gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, lập dự toán chi các chương trình, mục tiêu quốc gia theo qui định của pháp luật. Sau khi được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao dự toán ngân sách, phối hợp với Sở Tài chính phân bổ và giao dự toán chi ngân sách, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện."
Thông tư còn nêu rõ: Sở Giáo dục và Đào tạo có chức năng "quản lí tài chính, tài sản được giao và thực hiện ngân sách được phân bổ theo qui định của pháp luật và phân cấp của Uỷ ban nhân dân tỉnh". Như vậy bên cạnh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ đã được qui định rõ trong nghị định, thông tư về công tác quản lí tài chính, thì công tác quản lí ở mỗi tỉnh, thành phố còn phụ thuộc vào tình hình phân cấp quản lí cụ thể của địa phương.
Về nguồn tài chính, ngoài kinh phí quản lí nhà nước cấp cho cơ quan Sở, Sở giáo dục và đào tạo còn thực hiện chức năng quản lí tài chính đối với các trường và cơ quan quản lí giáo dục cấp dưới. Theo qui định về cơ cấu tổ chức của Sở giáo dục và Đào tạo hiện nay, bao gồm: văn phòng; thanh tra; các phòng nghiệp vụ chuyên môn; các đơn vị sự nghiệp (ở đây các đơn vị sự nghiệp của Sở do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định)
Để xây dựng và duyệt dự toán cho các đơn vị, đối với các trường trong ngành Giáo dục trên địa bàn các tỉnh, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Tài chính để hướng dẫn, kiểm tra và duyệt dự toán đầu năm cho từng đơn vị trực thuộc cụ thể và từng quận huyện. Trên cơ sở dự toán được duyệt, các đơn vị dự toán cấp II (Phòng giáo dục và Phòng Tài chính các Quận, huyện) lại hướng dẫn và xét duyệt cho đơn vị dự toán cấp III là các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tại các quận huyện.
Đối với kinh phí quản lí hành chính cơ quan Sở, thủ trưởng là tự chủ và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của cơ quan thông qua việc quản lí biên chế và kinh phí hành chính trên cơ sở hoàn thành nhiệm vụ, chức năng được giao.
*Vai trò và ảnh hưởng của cơ chế quản lí tài chính cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo đối với việc phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo tại các địa phương
Cơ chế quản lí tài chính là nội dung cốt lõi và quan trọng nhất trong các nội dung của quản lí tài chính ở các Sở Giáo dục và Đào tạo. Như chúng ta đã biết các Sở Giáo dục và Đào tạo hiện nay có một vị trí quan trọng trong công tác quản lí tài chính đối với toàn ngành giáo dục đào tạo các tỉnh, thành phố. Vì vậy cơ chế quản lí tài chính của các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có vai trò quyết định và ảnh hưởng trực tiếp đến ngân sách và công tác quản lí tài chính đối với toàn ngành giáo dục đào tạo các địa phương trong tình hình hiện nay. Cơ chế quản lí tài chính trong các Sở Giáo dục và Đào tạo được đặc trưng bởi:
- Bộ máy quản lí tài chính - kế toán tại văn phòng Sở, thực hiện chức năng quản lí ngân sách ngành giáo dục theo phân cấp quản lí hiện nay; và nội dung chi hành chính cơ quan Sở.
- Hệ thống các phương thức tổ chức công tác lập, chấp hành, và quyết toán ngân sách toàn ngành giáo dục, được qui định theo Luật Ngân sách mới;
- Cơ chế phân cấp quản lí về tài chính ngành giáo dục đào tạo, trên cơ sở phối hợp về thẩm quyền, trách nhiệm quản lí nguồn lực tài chính, nhân sự và các điều kiện cần thiết để thực hiện được các công việc được phân cấp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với các ban, ngành khác ở các tỉnh, thành phố (Hội đồng nhân dân; Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Kế hoạch đầu tư, Uỷ ban nhân dân và Phòng Tài chính của các quận, huyện, thị xã,...) trong các khâu lập dự toán chi ngân sach, các chương trình, mục tiêu quốc gia theo qui định của pháp luật; phối hợp với Sở Tài chính phân bổ và
giao dự toán chi ngân sách, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện cho các đơn vị trong ngành...
Cơ chế quản lí tài chính tại Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến việc tính toán và phương thức giao dự toán cho các quận, huyện, các trường phổ thông trung học và các đơn vị trực thuộc.
(Các định mức để tính dự toán ngân sách; phương thức và trình độ tính toán phân bổ ngân sách cho các đơn vị trong toàn ngành; thanh quyết toán và kiểm tra tài chính trước, trong và sau quá trình chấp hành dự toán ngân sách tại các đơn vị...)
Ngoài ra cơ chế quản lí tài chính cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo còn ảnh hưởng đến số thu và cơ cấu phân bổ các nguồn thu tại các đơn vị, trường.