Ngoại thương

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Lịch sử - Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng đối với vùng đất Quảng Nam (Trang 49)

Chương 2 VAI TRÒ, ĐÓNG GÓP CỦA CHÚA NGUYỄN HOÀNG ĐỐI VỚI VÙNG ĐẤT QUẢNG NAM (1570 1613)

2.3.4.2.Ngoại thương

Giai đoạn thế kỷ XV – XVII thế giới có nhiều yếu tố tác động mạnh mẽ tích cực đến tình hình ngoại thương. Sau những phát kiến lớn về địa lý thương nhân Châu Âu ngày càng mở rộng buôn bán sang Châu Á tạo nên một thời kỳ gọi là “thương mại Biển Đông”. Chủ nghĩa tư bản trên đường hình thành không thể phát triển được trong khuôn khổ thị trường Châu Âu chật hẹp dẫn đến những cuộc thám hiểm và phát kiến địa lý vĩ đại. Những chân trời mới mở ra đối với người Châu Âu và một thời đại lịch sử thương mại quốc tế mới cũng mở ra đối với phần lớn thế giới đương thời. Hệ thống mậu dịch Châu Á dần được hình thành với sự có mặt của Trung Quốc, Nhật Bản, Inđônêxia. Vùng Châu Á - Thái Bình Dương hình thành nên tuyến giao thương Bắc Nam và Đông Tây, mà ở cả 2 tuyến Đại Việt đều rơi vào vị trí giao điểm trung chuyển. Châu Á được gõ cửa đánh thức, Đại Việt nói chung và Quảng Nam nói riêng cũng được đánh thức trong bối cảnh đó.

Trong một thế cuộc chính trị hết sức phức tạp và nhạy cảm của bối cảnh lịch sử đương thời, bằng nhãn quan của người có tư duy chiến lược, vừa sáng suốt vừa quyết đoán, chúa Nguyễn Hoàng đã đi đến sự lựa chọn táo bạo mà chính ông chưa từng có

kinh nghiệm đó là đặt cược sự thịnh suy thể chế của mình vào sự hưng vong của kinh tế ngoại thương, quyết định ngả mạnh về hướng biển song song với xu thế hướng Nam mạnh mẽ. Phát triển ngoại thương đã trở thành một chiến lược kinh tế liên quan đến sự sống còn của chính quyền chúa Nguyễn. Tầm nhìn này khởi nguyên từ chúa Nguyễn Hoàng và được các chúa đi sau triệt để khai thác thế mạnh, nắm bắt kịp thời, phát triển mạnh mẽ. Chúa Nguyễn Hoàng xác lập một chiến lược phát triển mới với những bước đi và nhận thức khác biệt nhằm hòa nhập mạnh mẽ hơn với những chuyển biến chung của khu vực. Nhờ đó chỉ trong một thời gian ngắn Đàng Trong đã trở thành một vùng cường thịnh, một trung tâm thương mại lớn ở Đông Nam Á. Sức mạnh của kinh tế ngoại thương không chỉ tạo nên thế đứng vững chắc cho Đàng Trong trước những thử thách chính trị gay gắt mà còn khẳng định được chủ quyền và vị thế của mình trong các mối quan hệ quốc tế đa dạng thời bấy giờ. “Đối với các nước Đông Nam Á khác, vấn

đề ngoại thương có thể chỉ là vấn đề làm giàu, nhưng đối với Đàng Trong và buổi đầu,

đây là một vấn đề sống chết” [41,tr.85]. Trong lúc triều đình nhiều quốc gia châu Á, có cả Đàng Ngoài theo đuổi chính sách “ức thương” thì Nguyễn Hoàng lại khuyến khích việc mua bán, nhất là mua bán với nước ngoài. Bởi đối với Đàng Trong ngoại thương không chỉ đơn thuần đóng vai trò thúc đẩy, thu lợi mà là điều kiện sức mạnh, động lực đảm bảo cho sự tồn tại vững chắc chính quyền chúa Nguyễn, ngoại thương không chỉ dừng lại ở vai trò kinh tế mà còn hơn thế nữa.

Buôn bán với nước ngoài đã trở thành nhu cầu lớn với Quảng Nam trên cơ sở sự phát triển của nông nghiệp, thủ công nghiệp và định hướng phát triển của chúa Tiên. Trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ, Quảng Nam đã giao lưu trao đổi hàng hóa với nước ngoài. Tuy nhiên hoạt động này chủ yếu do nhân dân tự động tiến hành chứ chính quyền chưa nhiệt tình để ý và quan tâm. Thế kỷ XVI – XVII, Quảng Nam có quan hệ buôn bán với nhiều quốc gia trong đó có nhiều quốc gia có nền kinh tế hàng hóa phát triển trên thế giới. Hầu hết các cường quốc kinh tế lúc bấy giờ cả ở châu Á lẫn châu Âu đều đến và thiết lập quan hệ giao thương với chính quyền Đàng Trong. Từ năm 1550 đến 1567 Quảng Nam có quan hệ buôn bán chủ yếu với người Bồ Đào Nha (1550), Nhật Bản (1592) và Trung Quốc (1567). Năm 1567 nhà Minh thay đổi chính sách ngoại thương, bãi bỏ lệnh cấm, cho phép các thuyền Trung Quốc tới buôn bán với các

nước Đông Nam Á, giữ nguyên lệnh cấm đối với Nhật Bản. Đối phó với tình hình mới, Nhật Bản khuyến khích các thương gia trong nước buôn bán với người Trung Hoa thông qua các cảng thị ở Đông Nam Á. Những thay đổi của tình hình tạo điều kiện thuận lợi mới cho ngoại thương ở Đông Nam Á, Đàng Trong, vùng Quảng Nam thành trung tâm trung chuyển. Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đánh dấu bước ngoặt mới khởi sắc nền ngoại thương vùng Quảng Nam. Lo lắng về mối mâu thuẫn với họ Trịnh, sự độc lập của ông ở vùng Thuận Quảng sẽ trở nên nguy khốn nếu ông không thể tìm được giải pháp hiệu quả để đối phó. Sau chuyến ra Bắc lần thứ hai, Nguyễn Hoàng phải cân nhắc những tính toán của mình kỹ lưỡng hơn. Với thái độ quan tâm, cởi mở chúa Nguyễn Hoàng thiết lập nhiều quan hệ với các nước. Thương nhân nước ngoài kích thích sự phát triển của ngoại thương Đàng Trong, trên cơ sở của cảng có từ trước sự xuất hiện thương nhân nước ngoài làm cho hoạt động mậu dịch trở nên thường xuyên hơn. Tính năng động của thương nhân nước ngoài là một phần, nhân tố quan trọng là tầm nhìn hướng biển sáng suốt để tạo nên diện mạo kinh tế khởi sắc, là chính sách cởi mở, khôn khéo của chúa Nguyễn. Nhờ các hoạt động buôn bán, trao đổi với nước ngoài nên kinh tế Quảng Nam trở nên thịnh vượng, nhộn nhịp hẳn lên, tiêu biểu là phố cảng Hội An buôn bán sầm uốt trở thành thương cảng quốc tế vào đầu XVII.

Thương nhân Bồ Đào Nha là người Châu Âu đầu tiên tiếp xúc với Quảng Nam, họ đến buôn bán xuất phát từ trung tâm truyền giáo và căn cứ thương mại Ma Cao, khi có gió mùa Đông Bắc họ tới ở lại buôn bán thu gom hàng hóa cho đến mùa gió Nam năm sau họ lại trở về. Họ mua yến sào, tơ sống, gỗ quý, quế đường; bán cánh kiến, hợp kim đồng kẽm chì, đồ sành sứ.

Thương nhân Trung Quốc vốn là bạn hàng truyền thống của Đại Việt nhưng từ thế kỷ XIV – XV do chính sách hải cấm của nhà Minh nên việc buôn bán gần như bị ngưng trệ. Khi Minh Mục Tông bãi bỏ lệnh cấm, hoạt động buôn bán của các thương nhân Trung Quốc lại trở nên sôi động, ở Quảng Nam họ chủ yếu buôn bán ở Hội An và Nước Mặn.

Trong quan hệ buôn bán với Nhật Bản thể hiện rõ nét nhất tài giao thương của chúa Nguyễn Hoàng. Giữa chúa Nguyễn và Tokugawa hằng năm thư từ trao đổi đều đặn với nhau thúc đẩy hoạt động buôn bán giữa hai nước, chúa “Nguyễn Hoàng luôn tỏ

ra là người ban đồng hành hăm hở và thường đóng vai trò chủ động”.[42,tr.88].Trong vòng 6 năm, chúa Nguyễn Hoàng gửi cho chính quyền Tokugawa 8 bức thư, hai lần gửi tặng phẩm và được nhận lại 6 bức thư. Giao thương với Nhật Bản “đem lại cho chính quyền Đàng Trong một cơ hội bằng vàng vào chính lúc họ cần hơn hết và các nhà lãnh đạo thực dụng của họ Nguyễn cũng đủ khéo léo để chộp lấy cả hai”

[41,tr.93]. Năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng gửi cho tướng quân Nhật Bản Tokugawa Ieyasu một bức thư nhằm thanh minh với tướng quân Tokugawa về việc thủy quân chúa Nguyễn tấn công nhầm vào tàu buôn của thương nhân Nhật tên là Bạch Tần Hiển Quý năm 1585. Nguyễn Hoàng cho rằng Hiển Quý là một thương nhân do chính quyền Tokugawa gửi tới, chúa xem sự hiện diện của Hiển Quý là cơ hội thuận lợi để thiết lập quan hệ thân thiện tốt đẹp với Nhật Bản. Trong thư chúa Nguyễn Hoàng có bày tỏ “lần này tôi được phong chức Đô đốc nguyên soái, vẫn muốn có thông thương giữa hai nước như từ trước đến nay” [33,tr.171]. Chúa lấy làm tiếc vì không biết Hiển Quý là thương gia tốt, chúa cũng mong “ngài - Tokugawa hiểu cho tâm tình của tôi- chúa Nguyễn Hoàng, bỏ qua những việc đã xảy ra” [33,tr.172].Đồng thời nhờ các thương nhân chuyển quà biếu cho Mạc Phủ, quà biếu gồm năm loại: một khối kỳ nam (nặng 3 cân 10 lượng), 3 tấm lụa trắng,10 bình mật ong chúa, 100 cây gỗ lôi, 5 con chim khổng tước (công).Trong thư hồi âm cho chúa Nguyễn Hoàng vào tháng 10 năm 1601, tướng Tokugawa khẳng định Hiển Quý không phải là phái viên của chính phủ, đồng thời bày tỏ cảm ơn đối với cách xử sự đầy thiện chí, nhân từ của chúa Nguyễn Hoàng, cảm ơn những món quà quý chúa Nguyễn gửi sang nhân tiện thông báo cho chúa Nguyễn biết về các châu ấn thuyền, gửi tặng chúa Nguyễn một ít vũ khí. Trong thư bày tỏ chính quyền Mạc phủ "... đã thu nhận các di sản của quý quốc, thật là quý hiếm ở chốn xa. Nay nước tôi bốn biển đều ổn định, các nơi thanh bình, thương nhân lui tới buôn bán

trên biển và đất liền, không thể làm trái với chính sách, nên cũng an tâm. Thuyền của nước tôi ngày sau đến vùng này, lấy ấn trong thư làm tin, thuyền không có dấu ấn này thì không chấp nhận. Binh khí của nước tôi làm ra xin gởi tặng, vật ít nhưng tình sâu...[25,tr.65].

Những bức thư cấp nhà nước như trên ghi dấu mối quan hệ giao thương giữa chúa Nguyễn và Mạc phủ Tokugawa trong khoảng thời gian từ 1601-1635, các văn thư

ấy là những hiệp nghị thương mại đầu tiên giữa chính quyền Đàng Trong và chính phủ Nhật Bản mà chúa Nguyễn Hoàng là người viết những nét đầu tiên. Qua nội dung các bức thư, chúng ta biết nhiều điều về cung cách giao thương khôn khéo của chúa Nguyễn Hoàng và người kế vị chúa là Nguyễn Phúc Nguyên. Sự chủ động mời gọi với lời lẽ nhún nhường mềm dẻo luôn là ý cơ bản. Nhằm tạo sự thuận lợi trong việc mua bán, chúa Nguyễn đã nắm bắt tâm lý và tranh thủ lấy lòng Mạc phủ Tokugawa bằng việc gởi tặng sản vật quý hiếm thường xuyên theo những đợt xuất cảng. Điều đáng lưu ý là danh mục tặng phẩm luôn có kỳ nam, một mặt hàng cực quý và có lẽ rất hiếm hoi ở đất Nhật. Trong thời điểm này Mạc phủ gởi cho quốc vương Chiêm Thành 3 bức thư liên hệ việc mua bán trao đổi kỳ nam, và không hiểu vì lý do gì mà không thấy Chiêm Thành hồi âm. Cử chỉ hào phóng của chú Nguyễn có lẽ đã tác động mạnh đến công cuộc doanh thương của hai xứ. Cùng với nhiều lý do khác, Chiêm Thành bị quên lãng dần và cảng thị Hội An trở thành nơi xuất khẩu và điểm trung chuyển hấp dẫn đối với thương thuyền Nhật Bản. Năm 1604, trong một bức thư, Nguyễn Hoàng viết: "Từ nay

thuyền buôn hàng năm nên đến nước tôi để tiện việc buôn bán. Nhưng ở Thanh Hóa và Nghệ An vốn thù địch với tôi, rất mong quốc vương vì mối giao tình vốn có với tôi nên theo lý cần cấm chỉ các thương thuyền đến những nơi đó. Chớ để mất lòng tin..."

[17,tr.89]. Mạc phủ đã theo lời yêu cầu đó, trước đấy đã cấm thuyền buôn đến phố Hiến, Đông Kinh sau lại rất hạn chế việc cấp thông hành đến Hưng Nguyên - Nghệ An, vùng kinh tế của Đàng Ngoài.

Như vậy, ngoài việc tranh thương với Champa và Đàng Ngoài, chúa Nguyễn đã thành công khi yêu cầu bạn hàng Nhật Bản phải chiều mình. Lợi nhuận thương mại từ phía Nhật khá lớn. Việc xây dựng và phát triển thành công kinh tế và thường mại đã đưa chúa Nguyễn từ vai trò nhận lãnh trách nhiệm đi trấn thủ xứ Thuận - Quảng, trở thành thống lĩnh của xứ Đàng Trong. Số "Châu ấn thuyền" đến Đàng Trong là 86 chuyến (Đàng Ngoài 36 chuyến, Champa 5 chuyến); mỗi thuyền buôn chở theo một lượng bạc giá trị từ 4 đến 5 triệu; mỗi chân ấn thuyền mang theo số vốn tối thiểu trị giá 400 kan (400.000 đồng tiền đồng) và tối đa 1.620 kan (1.620.000 đồng tiền đồng). Hàng hóa thuyền buôn Nhật thu mua gồm: tơ, vải thô, lụa đa mát, lô hội, gỗ trầm

hương, da cá mập, đường phổi, mật ông, tiêu, vàng, song mây... Hàng đem đến bán gồm đồng, lưu huỳnh, gươm giáo, áo giáp, sơn...

Từ cuối thế kỷ XVI đã có thương nhân Nhật Bản tới buôn bán tại Quảng Nam nhưng thời kỳ buôn bán thịnh đạt nhất là khoảng 30 năm đầu thế kỷ XVII (thời kỳ Châu ấn thuyền). Từ năm 1604 - 1635 số thuyền được cấp giấy phép đến Đại Việt là 120 trong đó Đàng Ngoài là 47, Đàng Trong là 73 thuyền. Số giấy phép nói trên của chính phủ Nhật Bản thực tế chưa phản ánh đầy đủ tình hình buôn bán giữa thương nhân Nhật Bản với Đàng Trong bởi bên cạnh thương thuyền có giấy phép còn có những thương thuyền không có giấy phép. Dưới đây là bảng số lượng thuyền đến giao thương:

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Lịch sử - Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng đối với vùng đất Quảng Nam (Trang 49)