Đẩy mạnh khai thác lâm thổ hải sản

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Lịch sử - Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng đối với vùng đất Quảng Nam (Trang 45)

Chương 2 VAI TRÒ, ĐÓNG GÓP CỦA CHÚA NGUYỄN HOÀNG ĐỐI VỚI VÙNG ĐẤT QUẢNG NAM (1570 1613)

2.3.3.Đẩy mạnh khai thác lâm thổ hải sản

Quảng Nam được đặt trong chiến lược xây dựng, phát triển của chúa Tiên Nguyễn Hoàng từ sớm. Nhận thấy vùng đất mới có nhiều tiềm năng nhưng chưa được khai thác nhiều, nơi đây còn khá mới mẽ hoang sơ mặc dù đã thuộc vào Đại Việt từ lâu. Nếu chú trọng khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lợi thiên nhiên ưu đãi sẽ góp phần cải thiện đời sống vật chất, tạo sức hấp dẫn trao đổi với bên ngoài. Khơi dậy, phát triển tiềm năng vừa có tác dụng phát triển để ổn định vùng đất. Mặt khác ổn định để có điều kiện phát triển và tất nhiên phát triển cũng là để đảm bảo ổn định.

Chúa Tiên thấy Quảng Nam được thiên nhiên ưu đãi có tiềm năng dồi dào “núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối”. Đi lên núi hay hướng ra biển đều có tiềm năng dồi dào gọi mời khai thác. Sự phong phú dồi dào của sản vật tự nhiên được chúa Tiên chú ý

khai thác tạo ra những nguồn hàng xuất khẩu có giá trị thu hút sức mua của thương nhân nước ngoài. Quảng Nam nằm dựa lưng bên dãy Trường Sơn hùng vĩ, ngoảnh mặt ra biển Đông rộng lớn, vừa giáp núi, giáp biển, giáp sông vì thế nên sản vật đa dạng, phong phú và có nhiều loại quý hiếm. Quảng Nam có hàng trăm thứ mà các xứ khác không có hoặc không thể sánh bằng như: Cau, hồ tiêu, hạt sa nhân, thảo quả, gỗ mun, tê giác, yến sào, gân hươu, tôm khô, đồi mồi, ngà voi, vàng, thiếc, sắt, trầm hương, kỳ nam, trân châu... Vậy nên khai thác các nguồn lợi này là hoạt động sôi nổi đan xen, hỗ trợ nhau từ đồng bằng, trung du đến miền núi. Ở vùng biển nghề đánh cá, nghề muối, làm mắm, khai thác yến sào đem lại nguồn lợi lớn. Các nguồn hải sản chủ yếu được khai thác có khối lượng lớn hằng năm như: tôm, cá, mực. Đặc biệt không chỉ đánh bắt cá người dân còn làm nước mắm phổ biến, nước mắm thơm ngon và nổi tiếng ở Nam Ô. Khai thác yến sào - một đặc sản rất quý vì tính bổ dưỡng, (là tổ của chim yến sống ở những hốc đá ở ngoài hải đảo, tổ yến do chim yến nhả nước bọt mà làm thành) diễn ra sôi nổi ở Cù Lao Chàm, Quy Nhơn, Khánh Hòa. Đặc biệt, ở vùng rừng núi có trầm hương, đây là “thứ lạ nhất…thả xuống nước thì chìm, xứng là bậc nhất của nhân gian”

có nhiều ở Bình Khương, Diên Khánh và Phú Yên. Ngoài ra, “hạt hồ tiêu cũng là thứ độc tôn trong thiên hạ” cùng với các loại lâm thổ hải sản khác được chúa Nguyễn Hoàng chú trọng khai thác và tạo điều kiện khai thác. “Đoan quận công Nguyễn Hoàng thường sai khiến người y theo giá cả mua hồ tiêu trở vào, rồi đem hồ tiêu cùng với vây cá, yến sào bán cho khách buôn, để đổi chác lấy các hàng hóa khác, lâu ngày thành ra lệ thường. Vào thượng tuần tháng 5 hằng năm họ Nguyễn sai đội trưởng

thuyền tân nhất cùng với tinh binh thân hành tới từng địa phương sai dân tùy theo vườn cây trồng hồ tiêu nhiều hay ít và trao cho mỗi nhà mấy cái bao để lấy hồ tiêu rồi

hội chính định giá mua hồ tiêu, cứ mỗi tạ là năm quan tiền để chuyên chở về”

[21,tr.383-381]. Quảng Nam không giàu có khoảng sản như nhiều nơi phía Bắc, loại khoáng sản có số lượng đáng kể nhất là vàng. Đến thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên việc khai thác vàng được đẩy mạnh hơn so với thời chúa Nguyễn Hoàng, các “liêm hộ

thuộc” được thành lập, mỗi liêm hộ gồm 400 thôn được miễn trừ quân dịch và thuế để tìm kiếm vàng, hằng năm đến ngày mông 5 tháng 5 tiến hành thu nộp vàng.

Nhờ có nguồn sản vật giàu có và quý hiếm cùng với những nỗ lực của chúa Nguyễn Hoàng để đưa ra chính sách khai thác hiệu quả nên Quảng Nam ngày càng có sức hút lớn đối với các thương nhân nước ngoài. Khai thác thế mạnh lâm thổ hải sản tạo ra những nguồn hàng xuất khẩu có giá trị đem đi trao đổi buôn bán với thương nhân nước ngoài vừa thu nguồn lợi lớn đồng thời có tác dụng thu hút ngoại lực, thúc đẩy ngoại thương phát triển và tăng thêm tiềm lực cho vùng đất.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Lịch sử - Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng đối với vùng đất Quảng Nam (Trang 45)