Chính sách thương nghiệp 1 Nội thương

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Lịch sử - Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng đối với vùng đất Quảng Nam (Trang 47)

Chương 2 VAI TRÒ, ĐÓNG GÓP CỦA CHÚA NGUYỄN HOÀNG ĐỐI VỚI VÙNG ĐẤT QUẢNG NAM (1570 1613)

2.3.4.Chính sách thương nghiệp 1 Nội thương

2.3.4.1. Nội thương

Sau khi làm chủ đất Quảng Nam, chúa Nguyễn Hoàng đã tìm mọi cách để chiêu dụ những người hiền tài, khuyến khích dân di cư, tích cực khai phá vùng đất mới. Quá trình khám phá và tìm tòi giúp chúa Tiên nhận thấy sức mạnh tiềm tàng của dải đất miền Trung hợp với những ngành kinh tế phi nông nghiệp. Hiểu được thế mạnh của vùng đất, chúa Nguyễn Hoàng đã nhanh chóng lựa chọn, tôn vinh,“trọng” thương nghiệp bao gồm cả nội thương và ngoại thương để giúp nó có điều kiện phát huy thế mạnh và kéo theo những ảnh hưởng mới khác. Để có tầm nhìn và đi đến quyết định này là cả một vấn đề, chúa Nguyễn Hoàng đã vượt qua được tư tưởng truyền thống vốn ăn sâu thành nếp định kiến đối với thương nghiệp. Kinh tế Đại Việt qua các triều đại đều không mặn mà gì với thương nghiệp, chính sách “trọng nông ức thương” ăn sâu, thương nghiệp không được trọng còn thương nhân bị nằm ở hạng cuối cùng trong xã hội “sĩ, nông, công, thương”. Chính quyền Lê - Trịnh không mấy thiện cảm trước sự sôi động của hoạt buôn bán đã nói “bọn hào phú và những kẻ tiểu nhân đua nhau làm nghề ngọn, ít kẻ chuyên chú vào nghề nông”[69,tr.42].

Khi đến với đất Quảng Nam, trước đó là đất Thuận Hóa, chúa Nguyễn Hoàng đã có cái nhìn mới về thương nghiệp, gắn cho thương nghiệp vai trò quan trọng, chú tâm đẩy mạnh hoạt động thương nghiệp, chúa thể hiện cái nhìn bao la và tư duy thoáng hơn

“phi thương bất phú”. Đẩy mạnh hoạt động thương nghiệp nói chung nhưng chúa Tiên dành quan tâm đặc biệt đến ngoại thương và có tầm nhìn hướng biển sáng suốt. Đó là quyết định vừa hợp với xu thế thời đại vừa hợp với hoàn cảnh thực tế. So với Đàng Ngoài thì Đàng Trong là vùng đất mới, nhiều tài nguyên thiên nhiên chưa được khai thác, trong khi nhân lực tại chỗ vô cùng thiếu thốn. Để đối phó với họ Trịnh ở phía

Bắc, Nguyễn Hoàng và các chúa Nguyễn đời sau phải tìm phương cách làm cho Đàng Trong nhanh chóng giàu mạnh, đó là phát triển thương mại, mở rộng ngoại thương.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử dân tộc, sự thịnh vượng quốc gia tùy thuộc vào thương nghiệp chứ không chỉ riêng nông nghiệp. Li Tana đã nhận xét: “xứ Đàng Trong

ra đời đúng thời buổi trong một thời đại thương nghiệp. Chúng ta có thể nói một cách hoàn toàn đảm bảo rằng chính thương nghiệp đã làm cho vương quốc mới của Việt Nam chỉ trong vòng ít thập niên đã trở nên giàu có và đủ mạnh để duy trì nền độc lập

của mình đối với phía Bắc và mở rộng về phía Nam” [41,tr.85]. Sự phát triển thương nghiệp không chỉ giúp Đàng Trong trở thành vùng đất giàu có, tạo động lực phát triển các yếu tố khác mà còn có thế và lực vững vàng để tự vệ, để mở rộng ảnh hưởng.

Về nội thương: Sự phát triển mạnh mẽ của nông nghiệp, thủ công nghiệp thúc đẩy hoạt động thương nghiệp trong nền kinh tế hàng hóa tiền tệ. Các sản phẩm nông, lâm,thổ, hải sản và thủ công được khai thác, sản xuất hàng loạt với khối lượng ngày càng nhiều vượt ra khỏi nhu cầu tự cung tự cấp, vượt ra khỏi sự trao đổi mua bán trong phạm vi nhỏ hẹp của làng được thông qua mạng lưới chợ với nhiều loại hình với nhiều mức độ như: chợ làng, liên làng, chợ chùa, chợ huyện, chợ phủ. Tuyến buôn bán đường sông, đường biển hình thành, các tuyến giao thương đường sông biển và đất liền có sự phối hợp phát triển thúc đẩy nền kinh tế hàng hóa ngày một nhôn nhịp.

Hình thức buôn bán chủ yếu là buôn bán nhỏ ngoài ra có buôn bán xa với phương tiện vận tải thuyền bè. Người miền xuôi thường chở thóc gạo, muối, hải sản, hàng thủ công nghiệp lên cho miền núi và đổi lấy các thứ lâm sản quý, gỗ về. Trao đổi giữa miền xuôi, miền ngược thường được người Quảng Nam ví von nhắc đến “mít non gửi xuống - cá chuồn gửi lên”. Hiện tượng “kẻ bán, người buôn, đi về khắp chốn”, “nhiều nơi thuyền bè chen chúc nhau” rất phổ biến ở giữa thế kỷ XVI, hoạt động buôn bán khá tấp nập, náo nhiệt, thường thì “người dậy đi chợ lúc gà gáy”, nhưng chợ không đông từ lúc sáng sớm mà “chợ đông lúc mặt trời đứng bóng” [1,tr.44-66]. Hoạt động buôn bán truyền thống của người Việt thường diễn ra ở các chợ làng. Đến thế kỷ XVI – XVIII được coi là giai đoạn bùng phát của hệ thống các chợ.

Dưới thời chúa Tiên, hệ thống các làng được thành lập ở nhiều nơi, dân cư đông đúc hơn, nhu cầu trao đổi tăng dần lên nên dần dần hình thành mạng lưới chợ liên làng,

vùng, miền đa dạng, phong phú. Bên cạnh chợ làng còn có thêm chợ tổng, chợ huyện, chợ phủ họp theo phiên, mỗi phủ có từ 4-5 chợ lớn. Xuất hiện các luồng lưu thông buôn bán rộng lớn giữa các vùng. Đó là luồng buôn bán giữa miền xuôi - miền ngược, luồng buôn bán giữa các trung tâm buôn bán lớn như Thăng Long, Phố Hiến, Hội An. Phương tiện vận chuyển hàng hóa thường chỉ bằng thuyền nhưng nội thương đã được lan rộng ra nhiều nơi và thiết lập hệ thống đa dạng xuất phát từ nhu cầu trao đổi hàng hóa ngày càng trở nên sâu rộng. Tuyến giao thương phổ biến là dọc theo các triền sông, từ đầu nguồn miền Trường sơn xuống các thị tứ vùng ven biển. Trong đó tuyến giao thương sôi động nhất là ven biển với Hội An làm trung tâm tập kết và địa điểm trung chuyển vươn đến Thanh Hà, Phú Xuân, Nước Mặn… Các mặt hàng trao đổi thì “không có thứ gì là không có”: trầm hương, hồ tiêu, vải lụa, vàng bạc, hải sản, thuốc bắc… Xuất phát từ nhu cầu trao đổi cộng với những thuận lợi của điều kiện tự nhiên ở một số nơi đã hình thành nên những phố cảng sầm uất như Nước Mặn, Hội An... kinh tế hàng hóa được thúc đẩy phát triển nhộn nhịp.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Lịch sử - Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng đối với vùng đất Quảng Nam (Trang 47)