Khai hoang ruộng đất phát triển nông nghiệp

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Lịch sử - Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng đối với vùng đất Quảng Nam (Trang 39)

Chương 2 VAI TRÒ, ĐÓNG GÓP CỦA CHÚA NGUYỄN HOÀNG ĐỐI VỚI VÙNG ĐẤT QUẢNG NAM (1570 1613)

2.3.1.Khai hoang ruộng đất phát triển nông nghiệp

Về vấn đề khai hoang ruộng đất: như chúng ta biết quá trình hình thành và phát triển lãnh thổ dân tộc ta từ xa xưa đến nay luôn gắn liền với công cuộc khẩn hoang, nó xuất hiện như một nhu cầu tất yếu, một lẽ tất yếu. Từ nửa cuối XVI, trong quá trình vươn về phương Nam, Quảng Nam được chúa Nguyễn coi trọng khai hoang đất đai và làm bàn đạp vững chắc để vươn xa hơn. Đất Quảng Nam vốn là địa bàn của người Chăm, đến năm 1471 được sát nhập vào Đại Việt, công cuộc khai phá được đẩy mạnh hơn. Vào trấn giữ Quảng Nam là vấn đề hết sức khó khăn đối với chúa Nguyễn, hàng

loạt vấn đề bức thiết được đặt ra đòi hỏi phải giải quyết nhanh chóng và thuyết phục như việc ổn định cuộc sống, thu phục nhân tâm, hòa hợp dân tộc, phát triển lực lượng để đứng vững và sẵn sàng ứng phó với mọi sự tấn công từ bên ngoài.

Buổi đầu đến với vùng đất mới. chúa Nguyễn Hoàng đã chủ trương khuyến khích tự do khai hoang, tăng gia sản xuất, thu hút lực lượng lao động bằng nhiều hình thức mà có hiệu quả nhất là việc áp dụng hình thức truyền thống. Đó là chiêu dân, đưa tù binh, binh lính, khuyến khích dân cư bản địa tham gia vào cuộc khai hoang. Hình thức này được tiến hành liên tục, bền bỉ, không ồ ạt nhưng được duy trì dai dẳng. Nửa sau thế kỷ XVI, ở Đàng Ngoài phải đương đầu với chiến tranh Trịnh – Mạc và trải qua những đợt thiên tai dày đặc vào các năm 1557, 1559, 1571, 1572, 1577, 1582, 1584, 1585, 1586, 1588, 1589, 1592, 1594, 1595, 1597, 1598, 1599, 1600, 1608… Cảnh đói kém, tang thương lan rộng, nhất là ở hai vùng Thanh Hóa và Nghệ An. Trong tình hình đó cả Thuận Hóa và Quảng Nam nổi lên như một vùng đất đầy hứa hẹn, chúa Tiên thì luôn sẵn lòng đón nhận. Trong số những người di cư vào chủ yếu là dân nghèo tự động đi tìm đất sống. Bên cạnh đó còn có những người tham gia khởi nghĩa đang bị truy tìm, bắt giết và họ đi vào đất Quảng để trốn tránh, bắt đầu cuộc sống mới.

Hơn ai hết chúa Tiên hiểu rõ những tình cảnh đó và “khuya sớm chăm lo nghĩ

việc củng cố căn bản”. Ngay sau đó, hàng loạt hoạt động khai phá liên tục diễn ra, hàng loạt làng mới được thành lập, làng cũ thì được mở rộng thêm như: Đông Bàn, Để Võng, Hoa Phong, Phiến Ái, Đại Thanh, An Lưu, Cổ Lưu, Phong Hồ, Mông Nghị… [67;148]. Dân cư từng lớp được phủ lên những vùng đất mới theo hướng đi từ những nơi thuận lợi đến những nơi điều kiện khó khăn hơn. Họ Nguyễn áp dụng chính sách rất hữu hiệu để khai thác đó là đưa theo bộ tướng và binh lính để khai phá đất đai và sử dụng tù binh bắt được sau các lần giao tranh với kẻ thù. Tiêu biểu như Huỳnh Công Thiệu - một bộ tướng và đồng hương với chúa Nguyễn Hoàng, đầu thế kỷ XVII được chúa Nguyễn Hoàng tin giao cai quản Quảng Ngãi, ông tiến hành tổ chức khai khẩn đến hơn 2000 mẫu, chiêu tập dân khai khẩn, khơi ngòi đắp đập, xây dựng thôn làng, thành lập nên các làng mới như: An Thường, An Trường, Tân Tự (nay thuộc Quảng Ngãi). Thời kỳ cai quản của các chúa Nguyễn là thời kỳ của những thế hệ có tinh thần tiến thủ và ý chí khai thiết trong lịch sử dân tộc, thời kỳ của những công trình mở rộng

cương thổ trên một phần đất quan trọng ở phương Nam, đưa lại gần 3/5 diện tích lãnh thổ hiện tại cho dân tộc Việt Nam. Năm 1611, chúa còn lập ra phủ Phú Yên gồm hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa. Như vậy, bên cạnh tổ chức khai hoang lập làng, tăng diện tích canh tác Chúa Nguyễn Hoàng còn tiếp tục công cuộc mở rộng cương vực lãnh thổ về phương Nam. Đất Quảng Nam được ghi danh vào bản đồ Đại Việt từ thế kỷ XV nhưng nó thực sự có những biến đổi lớn lao kể từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ.

Dưới bàn tay và cái nhìn đầy chiến lược của chúa Nguyễn Hoàng, đất Quảng Nam được khoác áo mới trở thành vùng đất trù phú, là máu thịt của Đại Việt, là bàn đạp vững chắc cho công cuộc Nam tiến trong giai đoạn sau. Việc mở rộng đất đai, phát triển nhân lực đã kích thích sự phát triển sản xuất nông nghiệp cho Quảng Nam. Đồng thời những kinh nghiệm trong quá trình khai hoang đất đai thời chúa Nguyễn Hoàng sau này được các chúa áp dụng hiệu quả khi tiến vào khai mở Nam Bộ.

Về vấn đề phát triển sản xuất nông nghiệp: là vùng đất mới khai phá, đất đai rộng rãi và màu mỡ nên sản xuất nông nghiệp ở Quảng Nam có điều kiện để phát triển. Theo như mô tả của Lê Quý Đôn thì xứ Quảng Nam đất phì nhiêu nhất thiên hạ, thuận lợi cho trồng lúa và các loại nông sản khác. Nếu như Thuận Hóa đất tương đối tốt mỗi mẫu gặt 120 gánh lúa thì ở Quảng Nam hơn thế nhiều. Ruộng chia làm hai vụ chiêm và mùa, vào khoảng tháng 4 tháng 5 lúa chín đầy đồng, gặt hái không kịp. Ở phủ Thăng Hoa và Điện Bàn ruộng đồng rộng rãi, lúa gạo tốt đẹp nhất là ở vùng Thu Bồn. Ở phủ Quảng Ngãi tại Bình Sơn, Phúc Khang, Chương Nghĩa, Phú Xuân, đất đai đều gần sông, đất nước tốt lành, đồng điền rộng rãi, cao mà bằng phẳng, ước hơn nghìn mẫu. Trên các cánh đồng của Quảng Nam người ta cấy đến 26 giống lúa nếp và 23 giống lúa tẻ. Ngoài lúa, nhân dân Quảng Nam còn trồng các cây lương thực, rau quả như khoai, vừng, dưa, bí, mía, lạc, cau, trầu, dâu, bông, thuốc lá, xoài, mít, chuối, mãng cầu, thơm, tiêu, quế... Ở Thăng Bình có giống khoai lang nổi tiếng, củ to, vỏ trắng nhiều bột, mùi thơm. Ở dọc sông Thu Bồn trồng nhiều bắp ngon… Những năm cuối thế kỷ XVI nông nghiệp Quảng Nam có bước khởi sắc.

Lúc chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Quảng Nam, nơi đây ruộng đất công làng xã tồn tại khá phổ biến. Bên cạnh đó có loại đất thuộc quyền sở hữu của nhà nước gọi là “quan đồn điền và quan điền trang” [44,tr.146]. Ngoài ra còn có ruộng đất tư.

Trong quá trình khai hoang, chúa Nguyễn Hoàng sử dụng và kết hợp chặt chẽ các lực lượng như quân đội, tù binh, chiêu mộ dân khai hoang. Mỗi vùng đất sau khi khai hoang xong liền thiết lập làng xã tương ứng và được chuyển giao phần đất đó cho làng xã sở hữu, giữ lại một phần khác cho quân đội và cơ quan chuyên trách khác quản lý. Ruộng đất được khai phá rộng khắp, diện tích ruộng đất công chiếm đa số trong tổng diện tích đất canh tác. Dưới thời chúa Tiên có nhiều làng được hình thành và có quá trình phát triển đặc trưng. Ban đầu là một nhóm người, thường là một dòng họ đi khai phá đất đai, họ lập thành một “bức” (người đứng đầu gọi là Thủ bức, nếu chỉ tập trung trong một dòng họ thì gọi là Tộc bức) về sau “bức” dần phát triển thành “phường khách hộ” rồi “ấp nội phủ” [65,tr.17] và mức cao nhất là hình thành nên xã. Hiện tượng này trở nên phổ biến ở Quảng Nam, trở thành một loại hình quan trọng và chiếm diện tích lớn trên toàn bộ đất canh tác.

Từ cuối thế kỷ XVI nông nghiệp Quảng Nam rất phát triển. Ngay cả những vùng đất ít màu mỡ cũng thu được từ 90 - 120 gánh lúa. Người dân lúc này “giàu có vì lắm thóc, dẫm lúa phải dùng trâu”, và “đất đai màu mỡ và sinh lợi...mỗi năm họ gặt lúa 3 lần, thu được lượng thóc lúa dồi dào đến mức không phải làm gì thêm để kiếm sống” [24,tr.53]. Lúc này Quảng Nam cũng như cả Đại Việt đều lấy nông nghiệp làm chủ đạo. Buổi đầu thế kỷ XVI, ở Quảng Nam có tình trạng “lúa ngoài ruộng quá kỳ chưa thu về”“trâu thả ngoài ruộng cả tuần không chăn dắt”. Lúc này “trâu nhiều vô kể thích hợp hơn bò ở những ruộng bùn lầy”. Cày bừa được cải tiến, “cày thì dùng

đôi trâu, bừa thì dùng tấm phản người đứng lên” [1,tr.68-69]. Về sau có tiếp thu vài yếu tố của người Chăm, cày được bổ sung thêm “náng” để phù hợp với địa hình, ngoài giống lúa nước, họ học hỏi thêm người Chăm để dùng giống lúa khô. Mỗi năm, lúa có hai mùa, vụ hè là chính còn vụ thu là trái. Đất đai Quảng Nam so với Thuận Hóa thì màu mỡ, trù phú hơn “đất Quảng Nam... đồng ruộng rộng rãi, lúa gạo tốt” [21,tr.337]. Ban đầu, chúa Tiên thực thi chính sách ruộng đất giống như vua Lê chúa Trịnh. Ruộng đất mới khai phá thuộc quyền sở hữu của người đứng ra khai phá, 3 năm đầu không thu thuế. Sau một thời gian chúa Tiên biến tất cả ruộng đất đó thành của công nhà nước và cho dân chia nhau cày cấy nộp tô. Chính sách này vô cùng hấp dẫn đối với dân nghèo miền Bắc lưu tán vào.

Thời gian đầu thuế khóa lỏng lẻo và khá nhẹ nhàng. Chúa Tiên “bắt sưu dịch rất ít và tô thuế nhẹ nhàng” [5,tr.12]. Buổi đầu chưa có ngạch thuế nhất định, đến mùa chúa sai người đi khám xét “chiếu số ruộng cày cấy” mà thu thuế, mặc dù hằng năm Chúa vẫn phải đóng nộp thuế đầy đủ cho chính quyền Lê - Trịnh. Mãi đến 1669 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên mới đặt chế độ thuế khóa cụ thể. Một số năm chúa Nguyễn còn xá thuế cho nhân dân vì lý do hạn hán, mất mùa…Điều đó làm cho nhân dân càng hăng hái hơn. Mức thuế thu bình thường thì thuế ruộng công và ruộng tư được đánh thuế như nhau, cụ thể như sau: công điền hạng nhất mỗi năm nhà nước thu 30 thăng lúa, công điền hạng 3 thu 20 thăng lúa. Theo phép đo lường cũ thì cứ 256 hạt thóc làm một toát bằng 1 nhúm tay, cứ 10 toát là một chước, 10 chước là 1 hợp, 10 hợp là 1 thăng, 10 thăng là 1 hộc, 10 hộc là một dũng [21,tr.231]. Mỗi khi thu lúa công 1000 thăng thì các chức cai trưng, cai lại, hầu thuyền, đề đốc, đề lãnh đều được phép thu thêm mỗi người hai tiền và nửa thăng gạo làm lộc riêng. Chúa Nguyễn Hoàng dùng

“phương pháp thổ quân”, tức là chia đồng đều ruộng nương đất đai. Để cho“đâu đâu

người ta cũng được thuận tiện cày cấy, gặt hái, làm nghề trồng trọt và khiến người người đều có thể an cư lạc nghiệp, làm ăn theo sức của mình [29,tr.229].Chúa Nguyễn Hoàng nộp thuế đầy đủ cho vua Lê, tuy nhiên số liệu cụ thể thì chưa có tài liệu nào đề cập cụ thể qua từng năm. Năm 1586, chính quyền Lê - Trịnh cử hiến sát sứ Nguyễn Tạo đến khám những diện tích ruộng đất cày cấy để thu thuế. Tuy nhiên, do sự ứng xử khéo léo của chúa Nguyễn khiến Nguyễn Tạo kính phục và không dám đo ruộng đất. Kết quả mà Nguyễn Tạo mang về cho vua Lê - chúa Trịnh là kết quả các địa phương ở Quảng Nam tự ý kê khai nộp. Như vậy, vấn đề thuế khóa ở Quảng Nam dường như đơn giản trong quan hệ với ngoài Bắc.

Như vậy, vùng Quảng Nam còn khá hoang sơ giữa thế kỷ XVI, dưới sự quản lý của chúa Nguyễn Hoàng đến cuối thế kỷ XVI và đầu XVII được khai phá, mở rộng hơn trở thành một vùng kinh tế có nông nghiệp phát triển trù phú - góp phần mang lại cuộc sống no đủ cho nhân dân đồng thời có tác dụng thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế khác và làm bàn đạp vững chắc cho công cuộc mở mang bờ cõi về phía Nam.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp Lịch sử - Vai trò của chúa Nguyễn Hoàng đối với vùng đất Quảng Nam (Trang 39)