- Bài trí tượng thờ tại Hậu điện
3.2.7. Đình Phương Bông
Đình Phương Bông thuộc thôn Phương Bông, xã Mỹ Trung, huyện Mỹ Lộc. Di tích được xây dựng trên một khu đất cao ráo nằm về phía tây của làng, cách di tích đền Trần- chùa Tháp Phổ Minh khoảng hơn 1 km về phía đông bắc. Bên trái di tích là dòng sông Vĩnh cùng quần thể di tích đình Tây Đệ Nhị, chùa Quỳnh Đô, nơi thờ Hoàng hậu, vương phi và danh tướng thời Trần.
Qua khảo sát các nguồn tư liệu Hán nôm hiện lưu giữ tại di tích cùng truyền thuyết tại địa phương thì vùng đất này là nơi vương triều nhà Trần giành cho các ca công, vũ nữ cư ngụ, là nơi để Thượng hoàng đến chơi thăm và xem múa hát. Sau cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ hai, Thái sư Trần Quang Khải đã sáng tác ra điệu múa bài bông để ăn mừng chiến thắng. Tên gọi Hương Bông, sau này là Phương Bông cũng từ đó mà ra. Điệu múa Bài bông là một điệu múa cung đình do các vũ công chuyên nghiệp trình diễn. Múa Bài bông là một loại hình vũ đạo kết hợp giữa múa và hát, phong cách biểu diễn rất linh hoạt và phong phú. Tại đình Phương Bông hiện còn lưu giữ được nhiều câu đối, đại tự có nội dung liên quan đến quá trình truyền dạy điệu múa Bài bông của Thượng tướng Thái sư chiêu minh đại vương Trần Quang Khải.
“ Phương địa ức niên lưu pháp khúc Vĩnh Giang thiên cổ dục linh nguyên”
( Muôn thuở đất Phương Bông còn lưu truyền khúc hát Ngàn năm sông Vĩnh dài mãi nguồn thiêng)
Qua nghiên cứu tìm hiểu về ý nghĩa thờ phụng Thượng tướng Thái sư Chiêu minh đại vương Trần Quang Khải và Phụng Dương công chúa tại đình Phương Bông đã cho ta thấy được tầm quan trọng của địa danh Phương Bông trong khu vực hành cung Thiên Trường xưa của nhà Trần. Đặc biệt là việc truyền dạy điệu múa Bài bông của Thái sư cho nhân dân địa phương qua thời gian vẫn còn mang đầy ý nghĩa, hiện đang được bổ sung, sưu tầm, gìn giữ làm phong phú thêm cho kho tàng văn hoá dân tộc.