Đánh giá giá trị khu di tích

Một phần của tài liệu uần thể khu di tích Hành cung Tức Mặc - Thiên Trường (Trang 108)

- Bài trí tượng thờ tại Hậu điện

3.3. Đánh giá giá trị khu di tích

Bằng nhiều nguồn sử liệu khác nhau, chúng ta đều biết được dòng họ Trần đã dấy nghiệp từ vùng đất Tức Mặc. Người xưa đã coi đây là vùng đất địa linh, nơi sản sinh ra những nhân kiệt nổi tiếng võ công văn trị ở thời đại nhà Trần, một giai đoạn phát triển tới đỉnh cao của văn minh Đại Việt. Sau khi thay vương triều Lý, dòng họ Trần đã nắm triều chính và quản lý quốc gia Đại Việt từ 1226 – 1400. Gần hai thế kỷ, với những đức anh quân, văn thần võ tướng, vương triều Trần đã cùng nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ và xây dựng lãnh thổ Đại Việt, giữ vững độc lập dân tộc, đề cao ý thức tự lập, tự cường. Những bài học lịch sử về xây dựng chính quyền, đoàn kết dân tộc, sử dụng nhân tài, kinh tế, giáo dục và nhất là kinh nghiệm chống giặc ngoại xâm

qua 7 thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị thời sự, có tính lý luận và thực tiễn cao đối với nhiều thời đại sau này.

Kể từ năm 1239 vua sai quan Nhập nội Thái phó Phùng Tá Chu về Tức Mặc xây dựng cung điện rồi đến năm 1262 đổi hương Tức Mặc thành phủ Thiên Trường, xây dựng cung Trùng Hoa, Trùng Quang thì nơi đây đã trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá sau kinh đô Thăng Long. Cũng chính nơi đây, sau khi các vua Trần nhường ngôi làm Thái Thượng hoàng về ở ẩn, bên ngoài thì sống cuộc đời tu hành nhàn hạ, nhưng bên trong thì tâm trí vẫn lãnh đạo việc nước và hướng dẫn, chỉ đạo vua nối nghiệp quản lý đất nước trên mọi phương diện. Bao bọc khu cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa là hệ thống các dinh thự, điền trang thái ấp của các hoàng thân quốc thích của triều đình như: Bảo Lộc của An Sinh vương Trần Liễu, Cao Đài của Trần Quang Khải, Lựu Phố của Trần Thủ Độ, rồi các cung Đệ Nhất, Đệ Nhị, Đệ Tam, Đệ Tứ là nơi dành các cung tần mỹ nữ . Các làng Văn Hưng, Liễu Nha, Phương Bông được coi là ngoại thành của cung điện, và là nơi bình thơ, xướng hoạ của Thượng hoàng và bá quan văn võ, nơi bình giảng và nghiên cứu phật học…

Với vị trí quan trọng đó, trong ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông, cung điện Thiên Trường đều là căn cứ địa quan trọng để triều đình, tôn thất rút lui từ kinh thành Thăng Long về ẩn náu và bàn kế sách phản công chiến lược, dẫn đến những thắng lợi oanh liệt của dân tộc, đánh bại ý chí xâm lược của một đế quốc hùng mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.

Sau gần 7 thế kỷ giặc giã, bão lụt, thiên tai, cung điện Trùng Quang, Trùng Hoa đều không còn. Thật khó xác định được quy mô kiến trúc hai cung điện này ở tầm cỡ mức nào. Tuy nhiên những di tích lịch sử văn hoá đền – chùa cùng các nguồn tư liệu được lưu giữ trong dân gian vẫn được nhân dân quan tâm giữ gìn cùng những lễ hội linh thiêng, sôi động diễn ra hàng năm đã khẳng định vị trí của một vương triều trong tâm thức người dân. Đặc biệt các cuộc khai quật khảo cổ học, những thành tựu nghiên cứu gần đây đều đã có những chỉ dẫn căn

cứ khoa học về bình đồ kiến trúc của hai cung điện này. Từ những bình đồ kiến trúc mặt bằng hiện nay, với trên 200 chân tảng cánh sen có niên đại Trần vẫn còn định vị, sắp xếp theo kiểu nội công ngoại quốc, tương tự như bình đồ kiến trúc của chùa Phổ Minh hiện nay có thể cho thấy đây là bình đồ kiến trúc hoàn chỉnh và sớm nhất trong kiến trúc cung điện, chùa chiền Việt Nam. Điều đáng quan tâm hơn nữa là những vật liệu xây dựng dùng trong kiến trúc như gạch cỡ lớn (50cm x 70cm), gạch lát nền có hoa văn nổi (33cm x 33cm), các đầu rồng, đầu phượng, đầu đao, ngói lá đề, ngói nóc tráng men, hệ thống cống thoát nước, các kiến trúc gỗ được chạm khắc tinh xảo đã chứng tỏ mức độ tráng lệ cùng sự quan tâm đặc biệt của vua quan nhà Trần

Nghiên cứu di sản văn hoá thời Trần ở Việt Nam, rõ ràng không nơi đâu lại có các dấu ấn phong phú và đậm sắc như vùng đất Thiên Trường. Khác với kinh đô Thăng Long, trải qua bao biến cố lịch sử, dấu vết khó xác định, thì trái lại, nơi đây việc tìm hiểu lại có nhiều thuận lợi với các bằng chứng đáng tin cậy.

Giờ đây, khu di tích này đang được nhân dân cả nước quan tâm gìn giữ. Trong tương lai không xa, nơi đây sẽ trở thành một trung tâm du lịch văn hoá, đặc biệt là văn hoá thời Trần ở Việt Nam và khu vực. Du khách hành hương muôn phương sẽ có cơ hội tìm hiểu về mảnh đất phát tích của một vương triều đồng thời được sống lại một thời kỳ lịch sử huy hoàng của dân tộc.

Một phần của tài liệu uần thể khu di tích Hành cung Tức Mặc - Thiên Trường (Trang 108)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)