- Bài trí tượng thờ tại Hậu điện
2.4.4 Lễ hội chùa Phổ Minh
Là một công trình tôn giáo nên đa số các lễ nghi của chùa Phổ Minh đều mang yếu tố tôn giáo với các khoá lễ diễn ra trong các ngày Phật đản, sóc vọng…Hầu như tất cả các ngày lễ lớn của chùa Phổ Minh đều chỉ có phần lễ mà không có các trò chơi dân gian giống như đền Thiên Trường và đền Cố Trạch.
Tuy nhiên, ngoài việc là một công trình tôn giáo, chùa Phổ Minh còn thờ các nhân vật khác, do đó các ngày huý kỵ của các nhân vật này đều được nhà chùa tổ chức tế lễ một cách trọng thể, trang nghiêm. Đối với Phật hoàng Trần Nhân Tông, ngày 03 tháng 11 âm lịch là ngày giỗ của ông cũng chính là ngày lễ lớn nhất trong năm của chùa. Để chuẩn bị cho ngày đại lễ đó, trước đó một tuần, nhà chùa mỗi ngày phải làm 5 mâm cỗ chay để dâng lễ, đồng thời phải đọc kinh cầu ngày ba lần vào sáng – trưa – tối. Ngày 03 tháng 11 là ngày chính giỗ, toàn thể nhân dân làng Tức Mặc sẽ tập trung tại nhà chùa tham gia khoá đại lễ và
thưởng thức cỗ chay tại nhà chùa. Những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu của nhân dân, mỗi năm nhà chùa phải chuẩn bị từ 300 – 400 mâm cỗ chay cho toàn thể dân làng.
Cũng giống như nhiều làng quê khác của đồng bằng Bắc Bộ, hội làng cũng chính là tiệc làng, là dịp để người dân giao lưu, họp hành chuyện làng xã. Tuy nhiên đối với dân làng Tức Mặc, không gian và thời gian để đáp ứng nhu cầu đó của nhân dân trong làng lại không phải tại địa điểm đền Thiên Trường, Cố Trạch mà là ngày giỗ vua Trần Nhân Tông tại chùa Phổ Minh. Nguyên nhân là đền Thiên Trường và Cố Trạch là những địa điểm diễn ra các đại lễ mang tính quốc gia, sẽ không thuận tiện cho việc họp làng. Ngoài ra, việc họp làng và tổ chức tiệc làng vào thời điểm và không gian chùa Phổ Minh đã là một tập tục cổ truyền thể hiện lòng ngưỡng mộ của người dân nơi đây đối với một vị tổ của một thiền phái bình dị, dân dã.
2.5. Tiểu kết