3 Xem ảnh 6, ảnh 7, ảnh 8 tại phụ lục II.
2.2.1. Lịch sử xây dựng đền Cố Trạch
Đền Cố Trạch nằm phía tây đền Thiên Trường. Đây là di tích thờ Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn. Tên gọi Cố Trạch theo nghĩa chữ Hán nghĩa là nền nhà cũ. Văn bia “Trùng kiến Hưng Đạo thân vương cố trạch bia ký” soạn khắc năm Thành Thái thứ 9 (1897) hiện đang lưu giữ tại đền viết: “Đại vương làm tướng nhà Trần, trung thành suốt mặt trời, mặt trăng, khí tiết cảm động ý quỷ thần. Năm Mậu Thìn niên hiệu Tự Đức thứ 21 (1868), khi quan tỉnh sửa lại miếu nhà Trần đào thấy ở bên đông có mảnh bia vỡ, trên trán bia có sáu chữ: Hưng Đạo thân vương cố trạch (nhà cũ Hưng Đạo thân vương). Tương truyền Tức Mặc là nơi giáng sinh ra vương, đất này chính là nhà cũ”. [16]
Văn bia “Nam Mặc miếu trạch bia ký”[16] soạn khắc năm Duy Tân thứ 2(1908) cũng đã ghi: “Đất Tức Mặc vốn là quê hương của vua Trần, có miếu thờ tự ở đó. Phía đông miếu có ngôi nhà cũ là nơi Hưng Đạo thân vương lúc sống cư trú”[16]. Văn bia này cũng đã ghi lại sự kiện năm Thành Thái thứ 6 (1894), người trong họ là Trần Trọng Hàng xin xây dựng đền thờ Hưng Đạo đại vương theo kiểu cách gia từ nhà Trần, nhưng bề thế kém hơn, chỉ có chính tẩm và trung đường, hành lang không có, mà chỉ dựng 5 gian cho thủ từ ở phía bên trái. Năm 1908, Hiệp biện Đại học sĩ giữ chức Tổng đốc là Phạm Văn Toán quyết định tu sửa lại đồng thời xây thêm kinh đàn (siêu hương) và tiền tế, việc xây dựng đến ngày 21 tháng chạp cùng năm thì hoàn thành.[16]
Là một vị tướng tài ba, đứng đầu quân đội nhà Trần, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã sống qua 4 triều vua Trần từ Trần Thái Tông đến Trần Anh Tông. Cuộc đời của ông là cả một sự nghiệp hiển hách, anh hùng cứu dân cứu nước. Do đó cũng như tục thờ cúng tổ tiên, tục thờ cúng tôn vinh người có công dựng làng giữ nước là một tập tục tốt đẹp, một nét lành mạnh trong sinh hoạt văn hoá của nhân dân ta nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và lòng biết ơn sâu sắc đối với Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn-vị anh hùng kiệt xuất-nhà chiến lược lỗi lạc của dân tộc ta, đã làm nên những võ công hiển
hách trong ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông. Ngoài ra việc thờ tự đó còn xuất phát từ sự tin sùng về sự linh dị của Đức Thánh Trần. Trải qua thời gian, người ta vẫn tin rằng Đức thánh Trần luôn luôn có mặt ở mọi nơi, mọi lúc sẵn sàng trừ tà diệt ác để cứu dân cứu nước, ông vẫn gần gũi và sống mãi trong tâm thức của người đời. Cũng chính vì thế mà trên địa bàn tỉnh Nam Định có tới 194 di tích thờ tự Đức Thánh Trần. Những di tích này vừa mang ý nghĩa lịch sử vừa mang yếu tố tâm linh, tín ngưỡng bao gồm cả đình, đền, miếu, điện, phủ và thậm chí ở cả trong các chùa làng. Trình quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm đã viết về ông như sau: “Khiêm tôi từng duyệt qua “Vạn Kiếp bí thư lục” biết đại vương ta xét việc rất minh, tấm lòng nhân hậu không những là cột đá cho thời bấy giờ mà còn làm gương mẫu cho đời mai sau, thế thì công của đại vương chẳng lớn sao. Còn về thờ tự hoặc để báo lại ơn nhuần, hoặc là để cầu đảo thần thánh, miếu ở đó, nhà cũng ở đó vậy”.[16]
Di tích đền Cố Trạch được xây dựng lùi sâu khoảng 3m so với đền Thiên Trường. Bao quanh công trình cũng là hệ thống tường gạch cao 2m. Trước cửa đền là hệ thống nghi môn được xây dựng uy nghi, đăng đối. Chính giữa nghi môn là hai cột đồng trụ cao 5,25m có thân vuông, tạo khung để nhẫn câu đối, đỉnh đắp hoạ tiết nghê chầu. Hai bên cột đồng trụ là hai nhà bia cao 3,5m được xây kiểu hai tầng tám mái, lợp giả ngói ống, đầu đao được uốn cong mềm mại. Giáp đốc là hai cổng đi vào xây cuốn vành mai, cao 2,33m. Qua hệ thống nghi môn là một khoảng sân rộng khoảng 300m2, được lát gạch đỏ bằng phẳng.
Đền Cố Trạch được xây dựng theo bình đồ kiến trúc nội công ngoại quốc. Tiền đường có mặt tiền rộng 14,5m; sâu 5,5m; cao 5m. Toàn bộ ngôi đền được xây cao hơn mặt sân khoảng 0,30m có tạo bậc lên xuống. Tiền đường được chia thành 5 gian. Ba gian giữa có tạo cửa ra vào bằng gỗ lim kiểu thượng song hạ bàn, chân quay. Hai gian giáp đốc xây bít gạch tạo cửa sổ hoa văn hoa thị cùng hai bức đại tự ghi chữ “Trung”, “Hiếu” bằng chữ Hán.
Hệ thồng vì gỗ tại tiền đường được làm theo kết cấu thượng vì kèo, hạ bẩy kẻ, xà đinh trốn cột nên toàn bộ 5 gian, 4 bộ vì chỉ xử dụng 2 cột cái, 8 cột quân. Kết cấu vì như vậy đã tăng thêm diện tích sử dụng của tiền đường. Tham gia chịu lực gánh vác bộ vì gỗ là hai bức tường hồi, nơi đặt hai đầu hoành mái hình vuông. Phần chạm khắc tại các cấu kiện gỗ tại bộ vì tiền đường được gia công đơn giản, chủ yến là bào trơn, đóng bén đảm bảo độ chắc chắn, cân xứng. Tuy nhiên vẫn được chú ý đến sự mềm mại, thể hiện phong cách kiến trúc cổ truyền của đền chùa Việt Nam.
Tiếp nối toà tiền đường là toà siêu hương được xây theo kiểu phương đình 4 mái, bốn mặt thông phong, không tạo cánh cửa. Siêu hương cao 4,51m, rộng 16m2. Bộ mái được giằng giữ bằng hệ thống xà đai và bốn kẻ góc nâng phần mái cong về bốn phía, đầu đao được đắp hoạ tiết đầu rồng. Gánh đỡ toàn bộ siêu hương là bốn cây cột lim có đường kính 0,30m. Hai bên siêu hương là
hai dãy giải vũ có diện tích 12m2, được làm theo kết cấu thượng quá giang trốn cột, hạ bẩy kẻ, hồi xây bít đốc.
Sau cùng là hai toà nội cung được xây theo hình chữ đinh. Toà đệ nhị có mặt tiền rộng 13,5m; sâu 5,5m; cao 4,69m. Toà đệ nhị được chia thành 5 gian, cánh cửa bức bàn chân quay bằng gỗ lim. Ngưỡng cửa cao hơn nền 0,60m, buộc mỗi người bước qua để vào gian tối linh phải co gối, cúi đầu tỏ sự khiêm nhường, cung kính. Kết cấu mái của toà đệ nhị gồm có 6 bộ vì gỗ được làm theo kiểu tứ hàng chân, thượng vì kèo, hạ bẩy kẻ. Toàn bộ toà đệ nhị có 12 cột cái bằng gỗ lim, đường kính 0,30m; 12 cột quân có đường kính 0,25m, tất cả đều được đặt trên các chân tảng đá xanh thắt cổ bồng. Phần chạm khắc tại cung đệ nhị không nhiều, chỉ xen kẽ trên phần bẩy kẻ, đầu dư những hoạ tiết lá lật được chạm nhẹ, nét mảnh. Tại gian giữa toà đệ nhị có đặt tượng Đức Thánh Trần được đặt trong khám kính. Tượng cao 2,2m, được tạc trong tư thế ngồi trên long ngai, tay phải đặt trên đầu gối, tay trái cầm ngọc tròn, hai chân đặt trên mình hai con sư tử, đầu đội mũ triều vương, mình mặc áo chạm khắc rồng, phượng, vân ám.
Toà đệ nhất gồm 3 gian được ngăn cách với toà đệ nhị bởi hệ thống cửa gỗ lim chân quay. Toà đệ nhất cao 4,81m; mặt tiền rộng 5,55m; sâu 4,11m. Bốn bộ vì làm theo vì kèo, bẩy kẻ, đứng trên một hệ thống bốn hàng cột bao gồm bốn cột cái ở trong, bốn cột quân ở ngoài. Các hàng cột chạy song song, toàn bộ được đặt trên một hệ thống chân tảng bằng đá. Những mảng chạm khắc ở nhà tiền tế chỉ là những mảng chấm phá, tạo nên một sự hoàn chỉnh của không gian bên trong. Những đường lượn, những cụm vân mây, những hoa lá cách điệu được điểm xuyết ở các góc, các đầu bẩy, đầu xà là để dung hoà sự đơn điệu của những đường thẳng được đặt ngang đặt dọc ở những xà và hoành. Chính giữa toà đệ nhất có treo bức đại tự chữ Hán : “Trần gia đại tộc”, do đó tại gian này có bài trí ngai và bài vị thờ của toàn bộ gia tộc Đức Thánh Trần.
- Bài trí tại tiền đường:
Số 1.“Trần triều nhập nội Thái uý phò mã Đô uý, Nguyễn An Nghĩa vương tôn thần”
Vị tôn thần phò mã Đô uý, Nhập nội thái uý triều Trần là Nguyễn An Nghĩa hay còn gọi là Nguyễn Chế Nghĩa, người đã từng lập nhiều công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai và lần thứ ba.
Số 2. Trần triều Phạm Điện suý thượng tướng quân Quan nội hầu tôn thần.
Bài vị tôn thần Phạm điện suý thượng tướng quân tước Quan nội hầu triều nhà Trần là Phạm Ngũ Lão.
Số3. Trần triều Tham tán quân vụ Phạm tôn thần.
Phạm tôn thần tức là Phạm Ngộ, người đã cùng em trai là Phạm Mại chỉ huy cách quân Thiên Thuộc trấn giữ tại hành cung Đệ Nhất, phủ Thiên Trường. Thời vua Trần Minh Tông, Phạm Ngộ làm quan được thăng tới chức Tham tri chính sự đồng tri thượng thư Tả ty sự. Phạm Ngộ làm quan nổi tiếng thanh liêm thời đó.
- Bài trí thờ tự tại toà siêu hương và tả vu, hữu vu. Tại toà siêu hương có đặt ban thờ công đồng. Hai bên tả vu, hữu vu có tổng cộng 6 bài vị.
- Bài vị bên tả vu có nội dung như sau:
Số1. Văn quan thân thần liệt vị
Bài vị văn thần có công lao
Số 2. Hiệp biện đại học sĩ Nhập nội Hành khiển Trương tôn thần.
Vị văn thần họ Trương chức hiệp biện đại học sĩ Nhập nội Hành khiển chính là Trương Hán Siêu, vị văn thần có tài cao đức trọng dưới triều Trần.
Số 3. Hiệp biện đại học sĩ lĩnh Định An Tổng đốc Phạm Thiện Nhân.
Tổng đốc tỉnh ghép Định An Phạm Thiện Nhân là người có công lớn trong việc xây dựng đền vua, đền thánh theo kiểu hiện nay.
- Bài vị bên hữu vu có nội dung như sau:
Số 1. Võ quan thân thần liệt vị
Bài vị võ thần có công lao.
Số 2. Phả hệ Trần công tự Phạm Cự Trần Phạm Cự là một người trong họ Công đồng 1 2 3 4 5 6
Bài vị các hệ chính tông của họ Trần.
- Bài trí thờ tự tại cung đệ nhị. Cung đệ nhị có đặt ba bài vị:
Số 1. “Trần triều Thái sư Thượng phụ Thượng quốc công Nhân võ Hưng Đạo đại vương thượng đẳng thần”. Sau bài vị là tượng thờ Trần Hưng Đạo. Tượng cao1,75m, tạc trong tư thế ngồi, đầu đội mũ triều vương, đặt trong khám thờ lồng kính. Cả tượng và bài vị được đặt ở vị trí chính giữa.
Số 2. Trần triều thánh tử tứ vị đại vương tôn thần chi vị
Đây là bài vị bốn vị đại vương tôn thần là con của Đức Thánh Trần. Bài vị được đặt tại ban thờ phía bên trái của cung đệ nhị.
Số 3. Trần triều điện suý thượng tướng quân.
Đây là bài vị của Phạm Ngũ Lão.