Khảo tả di tích:

Một phần của tài liệu uần thể khu di tích Hành cung Tức Mặc - Thiên Trường (Trang 69)

- Tại gian đệ nhất:

2.4.2. Khảo tả di tích:

Mặt bằng tổng thể bao gồm tam quan là cổng chùa có 3 lối vào được bố trí ở phía ngoài cùng, sát đường đi. Nền tam quan được tôn cao hơn mặt đường đi 0,50m. Mặt nền được lát bằng gạch vuông đỏ kính thước 0,30m x 0,30m. Trước tam quan là bậc thềm ba cấp, được lát bằng đá xanh khối hình chữ nhật phẳng và nhẵn. Trên bậc thềm , ở giữa có hai thành bậc đá chạm sấu chia thềm bậc thành ba lối đi lên tương ứng với ba cửa. Sấu được chạm chạy dọc suốt cạnh dốc của thành bậc và đang ở tư thế lao chạy từ trên xuống dưới…Mình sấu tròn lẳn, đầu sấu ngẩng cao, miệng ngậm ngọc, mũi cao, mắt tròn, mang xoáy, cổ đeo nhạc, bờm trải ngược phủ xuống tận lưng, đuôi to, tỉa mượt thành nếp uốn cong lên ở cuối.

Tam quan được làm theo kiểu hai tầng bốn mái, lợp ngói nam, cao 7,05m, mặt tiền rộng 8,43m. Bộ khung được tạo dựng bởi hệ thống tường xây kết hợp với các kết cấu bằng gỗ. Bộ vì nóc được làm theo kiểu giá chiêng, đặt trên một quá giang, kết hợp với cột trốn. Hệ thống kẻ và bẩy chia vì nhà thành hai lớp: lớp trên kẻ nối thượng lương với cột trốn được đỡ bởi hệ thống con rường chồng ở hai bên giá chiêng. Lớp dưới kẻ phối hợp hệ thống bẩy bằng mộng luồn đưa bộ mái rộng ra che kín toàn bộ hiên nhà. Gánh đỡ toàn bộ tam quan là hệ thống tường xây bổ trụ vuông cao 3,05m tạo thành 3 gian: gian giữa rộng 3,72m, hai gian bên rộng 2,38m, hai bên hồi xây bít đốc. Thẳng hai hồi về phía trước tam quan, cách mép thềm 2m có hai cột hoa biểu xây bằng gạch trát vữa. Cạnh hai cột hoa biểu là hai tượng hộ pháp được đắp bằng vữa, dáng vẻ uy nghi, mình mặc giáp trụ, đầu đội mũ kim khôi. Bên ngoài hình hộ pháp được đắp hình hai con hổ. Dáng hổ hiện thực, mình thon, đuôi dài, da có vằn. Hổ đang ở tư thế gồng mình, mặt hướng ra ngoài.

Qua tam quan là một con đường được lát gạch đỏ rộng 3,2m nối, dài 28m nối thẳng tới ngôi tháp Phổ Minh.

Hai bên đường là hai chiếc ao sen hình tròn đường kính 10m. Quanh ao được kè đá, xây lan can bằng chắn song con tiện.

Bên cạnh hai ao sen là hai nhà bia. Nhà bia cao 6,38m có mặt bằng hình vuông (4m x 4m) xây gạch trát vữa kiểu hai tầng tám mái. Bốn mặt thông phong, góc bổ trụ vuông. Các đầu đao uốn cong mềm mại, đắp hoạ tiết rồng, phượng.

Sân chùa: chỉ tính phần lát gạch có dáng hình chữ nhật dài 27m; rộng 9m. Trên sân chùa có nhiều kiến trúc khác nhau như tháp, 02 kinh đá, 02 cây hương đá, 01 bát hương đá cùng 12 chân tảng đá hoa sen kép được xếp theo hình vuông. Xen kẽ giữa những chân tảng đá này có những 4 khối đá hình vuông (0,18m x 0,18m), giữa khối đá có lỗ đường kính 0,07m. Theo truyền thuyết thì xưa kia, nơi này chính là nơi đặt vạc Phổ Minh, một trong tứ đại khí của nước Nam thời Lý – Trần.

Hành lang, các điện thờ, và tường cùng các ngách, phủ thờ, nhà tăng nối liền nhau tạo thành một khung hình chữ nhật bọc kín cụm kiến trúc chùa chính ở giữa, tạo cho mặt bằng chùa chính được bố cục theo kiểu nội công ngoại quốc.

Cuối cùng là các công trình phụ của chùa như nhà bếp, giếng nước, ao sau và một nền đất vuông cao to, tương truyền đó là tháp chuông ba tầng của chùa đã bị phá huỷ.

Năm 1968, Bảo tàng Nam Hà còn phát hiện dưới lòng đất cách khuôn viên chùa 26m về phía tây có một giếng cổ hình tròn. Phát hiện giếng cổ này cho thấy khu nội tự dưới thời Trần rộng hơn khuôn viên hiện nay rất nhiều[64].

Kiến trúc chùa chính bao gồm ba đơn nguyên kiến trúc là tiền đường, thiêu hương, thượng điện phối hợp với nhau theo kiểu chữ công.

Tiền đường có mặt bằng hình chữ nhật dài 24,93m, rộng 8,22m. Nền tiền đường cao hơn mặt sân 0,75m, tạo thành ba cấp bằng đá xanh nguyên khối để lên xuống. ở khoảng giữa các bậc thềm phía trước có ba cặp lan can thành bậc đá chạm rồng. Thành bậc có dạng hình thang vuông. Hai thành bậc giữa cách nhau 3m, có kích thước lớn nhất : dài 2,20m; rộng 0,20m; cao 0,58m. Hai bậc bên được bố trí cách nhau 2,50m, kích thước nhỏ hơn dài 1,17m, cao 0,36m, dày 0,15m. Các con rồng đều mang phong cách nghệ thuật thời Trần với thân hình tròn mập, các khúc uốn hình sin khá đều. Hai con rồng ở giữa to lớn nhất, hai con hai bên nhỏ hơn. Cả bốn con rồng đều ở dạng vận động từ phía trên xuống, cổ rồng vươn cao, đầu hướng thẳng về phía trước. Trong bốn con rồng thì có tới ba con bị chặt mất đầu, chỉ còn một con rồng nhỏ còn khá nguyên vẹn. Chính nhờ con rồng nhỏ này mà ta có thể hiểu được hoàn chỉnh toàn bộ hình tượng rồng trên thành bậc. Thân rồng phủ vảy, miệng ngậm ngọc, mào lửa dài, mang xoáy, má dài, bờm lượn mềm mại trải dọc theo sống lưng, các chân có ba móng, lông đuôi tỉa dài và thưa.

Toàn bộ tiền đường được chia thành 9 gian, có kích thước đăng đối tương ứng như nhau: Gian giữa rộng 3,92m; bốn gian tiếp theo rộng 3,15m; bốn gian ngoài cùng rộng 2,32m. Tại các gian đều làm hệ thống cửa chân quay bằng gỗ lim. Đặc biệt tại bốn cánh cửa gian giữa các nghệ nhân xưa đã trang trí một chủ đề quan trọng là rồng uốn mình trong chiếc lá đề. Đây là một trong những bộ cánh cửa hiếm hoi có niên đại Trần còn tồn tại nguyên vẹn. Mỗi cánh cửa có một con rồng cuốn trong nửa chiếc lá đề. Hai cánh cửa giữa khi khép lại tạo thành một lá đề hoàn chỉnh. Hai cánh cửa bên khi khép lại tạo ra hai nửa lá đề đối xứng hai bên gợi cảm giác có nhiều hình tượng con rồng, lá đề trên bộ cánh cửa. Các con rồng được bố cục với đầu ngẩng cao hướng về hình mặt trời mọc trên đài sen, thân rồng uốn khúc vòng xuống phía dưới rồi lượn sát diềm lá đề,

đuôi chụm về phía đỉnh lá đề. Thân rồng tròn, thon không có vảy, mào lửa dài, vây lưng nhỏ, sắc và đều. ở hai bên khung chạm đường diềm bằng loại hoa sen cánh nhỏ, thẳng có múi ở đầu, ở trên cùng là một lớp mây hình khánh.

Bộ khung nhà tiền đường gồm có 10 bộ vì được làm theo kết cấu thượng chồng rường giá chiêng, hạ bẩy kẻ. Trong đó 8 vì ở gian giữa là vì tứ hàng chân. Mỗi bộ vì gồm có 4 cây cột lim: hai cột cái có chiều cao 4,30m, đường kính 0,38m; hai cột quân cao 3,3m, đường kính 0,33m.

Hai bộ vì giáp hồi cũng được liên kết giống 8 bộ vì ở giữa. Điểm khác duy nhất đây là bộ vì hai hàng chân. Vì chỉ có hai cột quân cao 3m, đường kính 0,38m. Quá giang bắc qua đầu hai cột này dài 7,80m cũng là điểm chịu lực, gánh đỡ hai cây cột cái được làm theo kiểu trốn cột. Cách kết cấu của vì hai hàng chân làm cho không gian ở hai hồi nhà thoáng rộng hơn, nhưng vẫn đảm bảo kích cỡ cho sự liên kết thống nhất giữa các vì tạo khung nhà. Ngoài ra hai bộ vì này làm cách tường hồi 0,40m đã làm cho sức nặng của toàn bộ mái được dồn lên chân cột. Kết cấu này không cần đến hệ thống tường chịu lực. Bức tường hồi chỉ có tác dụng chính là che chắn.

Phần chạm khắc ở tiền đường được gia công đơn giản với đường chỉ kép, bào trơn tạo sự mộc mạc, chắc chắn. Tiền đường là nơi bài trí hai pho tượng Hộ pháp cùng các pho tượng Thánh tăng, Thổ địa, Đức ông, Bồ đề - Đạt Ma. Tất cả đều có niên đại thời Nguyễn (TK XIX).

Thiêu hương theo nghĩa thông dụng cho kiến trúc chùa cổ truyền là nơi dành cho nhà sư đốt hương, tụng kinh, gõ mõ. Đây cũng là nơi bài trí tượng phật nên còn gọi là gian Tam bảo. Thiêu hương chùa Phổ Minh là gian nằm giữa tiền đường với thượng điện. Nền thiêu hương cùng độ cao với tiền đường. Bộ khung được liên kết với tiền đường bởi kỹ thuật giao mái bắt vần. Hai cột cái của hai vì gian giữa tiền đường được tạo thành một vì giả bằng cách chồng lên trên xà thượng một giá chiêng. Từ đầu giá chiêng và đầu cột cái này có các xà nóc, xà

tạo nên một gian nhỏ có kích thước rộng 1,90m. Bộ khung của thiêu hương gồm có 3 bộ vì được làm theo kiểu tứ hàng chân giống như tiền đường. Toà thiêu hương là nơi bài trí 20 pho tượng, được chia thành 7 lớp trên hai bên xây trát vữa cao dần từ ngoài vào trong: bệ ngoài cao 0,70m; bệ ở trong giật hai cấp, cấp một cao 1,10m, cấp hai cao 1,34m.

Thượng điện là nơi thờ tự trang nghiêm nhất của chùa Phổ Minh. Nền cao hơn thiêu hương 0,80m, được lát gạch đỏ. Mái thượng điện và thiêu hương được ngăn cách bởi hệ thống máng nước. Bộ khung của thượng điện và thiêu hương cũng không có liên kết gì với nhau mà được tách hẳn ra bằng một tường xây kín có trổ hai cửa cao 1,90m, rộng 1,36m để đi từ thiêu hương lên thượng điện. Bốn vì của bộ khung thượng điện được kết cấu chỉ có ba hàng chân: hai cột cái và một cột quân ở phía sau gác lên tường. Trong đó cột cái cao 4,50m, đường kính 0,45m; cột quân cao 3m, đường kính 0,35m. Khi liên kết, nửa vì phía trước có cấu trúc tương tự như vì tứ hàng chân ở thiêu hương và thượng điện. Còn ở phía sau, bẩy hiên được ăn thẳng vào đầu cột cái dưới quá giang, đầu kia gắn lên tường hoặc cột trốn. Thượng điện có 6 pho tượng được chia thành hai lớp trên hai bậc vữa. Lớp thứ nhất là tượng Trần Nhân Tông niết bàn, hai bên là Huyền Quang và Pháp Loa. Lớp thứ hai là Phật Thích Ca và A Nan, Ca Diếp.

Mặt bằng tháp Phổ Minh có hình vuông (5,20m x 5,20m) nằm giữa một sân nhỏ hình vuông (8,60m x 8,60m). Sân tháp được đào sâu xuống thấp hơn mặt sân chùa 0,45m, lát kín sân tháp là các tảng đá nhiều kích thước khác nhau. Xung quanh sân tháp có tường xây thấp bao quanh phân cách sân tháp với sân chùa. Tường hoa cao 1m xây bằng gạch trát vữa. Bốn góc tường xây bốn trụ đèn lồng cao 1,72m. Chính giữa các tường xây, có để bốn cửa ra vào rộng 1,58m, hai bên cửa có bậc cấp đi xuống, các thành bậc được đắp sấu, rồng. Tại hai góc phía tây nam và đông nam của sân tháp có hai cột mốc bằng đá ghép sát với tường bao. Hai cột này có phần đáy tạc liền khối vuông, góc ngoài tạo hình thước thợ được lồng khít vào một phiến đá lát hình vuông có kích thước 0,36m x0,36m.

Tháp Phổ Minh cao 19,51m, được chia thành 14 tầng. Tháp là một công trình được xây dựng bằng gạch và đá, càng lên cao diện tích mặt bằng càng thu hẹp. Các tầng đều trổ cửa bốn mặt, bao gồm có tất cả 56 cửa. Các vòm cửa này đều làm bằng đá, phía trên được làm theo hình bán nguyệt. Riêng cửa của tầng dưới cùng được làm với kích thước cao 1,29m; rộng 0,77m, có thể dễ dàng đi vào trong lòng tháp. Tại chính giữa lòng tháp có một phiến đá hình vuông kẻ bàn cờ, phía trên là một tấm đá hình tròn, chạm hai con rồng đang chầu một viên ngọc ở chính giữa. Rồng thân mảnh, mình uốn khúc, bờm, mào dài…mang phong cách nghệ thuật thời Trần.

Tầng đế tháp được làm bằng hoàn toàn bằng đá xanh. Bốn góc của tầng đế là cột đá, mặt cắt hình vuông (0,22m x 0,22m) được gia công kỹ, mặt phẳng và nhẵn. Đặt trên bốn cột là bốn thanh xà đá. Mỗi thanh xà dài 4,20m, tiết diện hình chữ nhật (0,38m x 0,26m), các đầu xà uốn cong và nhô ra ngoài tường tháp 0,50m. Tầng đế là tầng được gia công chạm khắc chi tiết nhất với các hoạ tiết hoa sen, hoa cúc dây, hoa mai, sóng nước cùng các loại lá, nét chạm mảnh, nét và chi tiết.

Phía trên tầng đá là 13 tầng tháp được làm bằng gạch, được trát vữa kín. Khi sắp hết mỗi tầng, người ta xây nhô ra một số hàng gạch với nhiều lớp, cấp

để làm diềm mái đồng thời tạo nên một thế cân bằng cho toàn cây tháp. Những diềm mái này đều được uốn cong về phía các góc để tạo thành các đầu đao. Tất cả các lớp mái với những đầu đao vươn lên đã làm cho công trình nhẹ nhàng thanh thoát bớt được cảm giác nặng nề.

Đỉnh tháp là một khối đá tạo dáng hình bông sen. Đỉnh búp sen thuôn mập, bao gồm năm lớp cánh sen ngửa, chụm, trong đó lớp cuối cùng có viền kép và có đường sống nổi ở giữa. Các lớp cánh sen dưới cùng úp xuống và đều là dạng cánh có viền kép, dáng sem hơi mập. Toàn bộ búp sen được đặt trên một khối đất nung dáng thuôn phình hai tầng màu đỏ.

Có thể thấy tháp Phổ Minh là một công trình được xây dựng không chỉ hài hoà với khung cảnh không gian làng Tức Mặc mà còn đảm bảo sự bền vững qua thời gian. Điều đáng lưu ý là chỉ với một diện tích 27m2, nhưng theo tính toán của Viện khoa học kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng, tháp có trọng lượng rất lớn, xấp xỉ 400 tấn. Vậy mà cho đến nay tung độ biến dạng đo được là 0,06% (khoảng 10). Đây là độ nghiêng cho phép đối với công trình kiến trúc cao tầng. Điều đó khiến cho cây tháp đứng vững được suốt hơn 7 thế kỷ qua, chứng tỏ nền móng tháp được nghệ nhân Trần xử lý rất tốt[62]. Năm 1993, do yêu cầu chống lún, trùng tu bảo vệ cây tháp, Bảo tàng Nam Hà phối hợp với Xí nghiệp tu sửa di tích trung ương tiến hành nghiên cứu cấu tạo địa tầng và kỹ thuật xây dựng móng nền tháp bằng phương pháp khảo cổ học (đào thám sát) với các phương pháp hiện đại (khoan xuyên tĩnh và khoan lấy mẫu) tại nhiều vị trí quanh chân tháp. Kết quả thu được như sau[25];[40];[45]:

Từ chân tháp cho đến hết phần cấu kết đá gồm hai bậc đá giật cấp giống như các bậc đá thấp. Tiếp theo là một tảng đá đặt thẳng đứng. Phần kết cấu này dày 0,80m.

Tiếp theo là lớp đất sét nâu, sét nâu vàng pha sỏi cuội dày 0,80, trong đó lớp đất đầu tiên dày 0,25m là loại đất sét nên có lẫn sỏi.

Tiếp theo nữa là lớp đất sét màu vàng trộn sỏi dày 0,42m. Lượng sỏi ở đây được trộn nhiều hơn, đậm đặc hơn và hầu hết là loại sỏi có kích thước 1cm x 2cm.

Lớp cuối cùng là đất sét màu đen trộn sỏi dày 0,32m. Dưới lớp đất sỏi này là đất sét pha cát.

Tổng hợp lại có thể thấy để xây móng tháp, người ta đã đào sâu xuống đất khoảng 2,40m và gia cố móng thành hai lớp: Lớp móng bằng đá và lớp móng tạo bởi đất sét trộn sỏi nện chặt. Lớp đất sét cũng lần lượt được chia thành nhiều lớp: Lớp dưới cùng là sỏi trộn với đất sét đen. Hai lớp trên là sỏi trộn đất sét vàng, nâu vàng. Độ dày 1,52m của lớp đất sỏi nèn chặt này tạo ra lớp móng đầu tiên rất vững chắc.

Trên lớp móng này, người ta xây lớp móng bằng đá khối có kích thước khá lớn với kích thước trung bình là 1,60m x 1,40m x 0,80m. Các khối đó này đều được mài nhẵn, ghép kín mạch, bằng phẳng tạo nên một mặt bằng khá kiên cố hình vuông mỗi chiều rộng 5,50m.

Như vậy toàn bộ móng nền tạo thành một khối có thể tích 7,10m x 7,10m x 2,40m. Trên mặt móng nền bằng đá, bắt đầu xây dựng đế tháp và các tầng tháp. Có thể thấy phương pháp dùng sỏi trộn đất sét và nện chặt là một phương pháp dùng phổ biến trong các công trình lớn thời kỳ này. Trong cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long, tại tầng văn hoá Lý – Trần cũng đã phát lộ

Một phần của tài liệu uần thể khu di tích Hành cung Tức Mặc - Thiên Trường (Trang 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(172 trang)