Giáo dục là một quá trình

Một phần của tài liệu Quan niệm của J.J. Rousseau về giáo dục trong Émile hay là về giáo dục (Trang 39)

Xuyên suốt toàn bộ triết lý giáo dục của mình, Rousseau đã lấy trẻ em làm tiêu điểm thực hiện quá trình giáo dục. Quả thực như vậy, tác phẩm Émile

là sản phẩm của trí tưởng tượng, là nơi mà một tư tưởng giáo dục có thể được truyền tải và bộc lộ thông qua những hành vi ứng xử của Émile.

Trước khi bàn đến quan điểm của Rousseau về quá trình giáo dục, cần thiết phải đề cập một cách ngắn gọn, khái quát một số nội dung thứ yếu sau:

Đối tượng giáo dục mà Rousseau bàn đến trong tác phẩm là một cậu học trò giả tưởng con nhà giàu, gia đình dòng dõi. Ở đây, không nên vội vàng kết

luận rằng Rousseau bị chi phối bởi thế giới quan giai cấp, hay quan điểm của ông đại diện cho ý chí của giai cấp giàu có trong xã hội. Bởi vì, trên cơ sở phê phán giáo dục trong xã hội đương thời, Rousseau cho rằng hoàn cảnh của người nghèo và người giàu có sự khác biệt hoàn toàn. Với hoàn cảnh của mình, người nghèo không cần phải giáo dục, chính hoàn cảnh sống của họ đã giáo dục họ. Sự giáo dục tự nhiên ắt phải làm cho con người thích hợp với mọi thân phận, do đó một người nghèo có thể tự mình thành người được. Trong khi đó, người giàu sống ở nơi diễn ra nhiều nhất sự thị phi, đồi bại; họ lại đang nhận được sự giáo dục của một nền giáo dục ít thích hợp nhất cho cả bản thân họ và cho cả xã hội, nên họ cần phải được giáo dục một cách hợp lý. Mặt khác, theo tỷ lệ cảnh huống thì số người phá sản nhiều hơn số người phất lên, do đó hãy chọn kẻ giàu để giáo dục; chí ít ta cũng chắc chắn là đã đào tạo được thêm một con người[Xem: 28, tr. 54]. Trước Rousseau, khi phân chia quá trình giáo dục thành các giai đoạn khác nhau, nhà giáo dục học lỗi lạc Comenxki đã chia thành 4 giai đoạn, tương ứng với mỗi giai đoạn là những độ tuổi khác nhau: giáo dục trẻ em trong gia đình cho đến 6 tuổi là giai đoạn Trường mẫu giáo; từ 7 đến hết 12 tuổi là giai đoạn dạy trẻ em trong Trường Quốc ngữ; từ 13 đến hết 18 tuổi là giai đoạn dạy học sinh trong Trường Latinh; từ 18 đến 24 tuổi là dạy thanh niên trong Trường Đại học.

Là người chịu ảnh hưởng nhiều từ những quan điểm giáo dục của Comenxki, Rousseau cũng có những điểm tương đồng với nhà giáo dục học người Tiệp Khắc này khi phân chia quá trình giáo dục trẻ thành các giai đoạn, nhưng lại khác ở việc phân chia độ tuổi cho từng giai đoạn. Với Rousseau, quá trình giáo dục được chia thành các thời kỳ: từ lúc lọt lòng đến 2 tuổi - đây là giai đoạn giáo dục trẻ sơ sinh; từ 2 đến 12 tuổi - thời kỳ lý trí ngủ, tuổi thơ chấm dứt; từ 12 đến 15 tuổi - thời kỳ giáo dục về trí tuệ; từ 15 đến 20 tuổi - thời kỳ dạy đạo đức.

Một phần của tài liệu Quan niệm của J.J. Rousseau về giáo dục trong Émile hay là về giáo dục (Trang 39)