phẩm Émile hay là về giáo dục, có thể bước đầu đưa ra một số đánh giá, nhận xét về tư tưởng giáo dục của ông trong tác phẩm như sau:
1. Giá trị và một số hạn chế trong quan niệm của J.J. Rousseau về giáo dục giáo dục
1.1. Giá trị
Nói chung chủ trương giáo dục của J.J.Rousseau có nhiều điểm mới lạ và tiến bộ so với thời đại của ông:
Có cái nhìn tổng thể về giáo dục: nội dung, chương trình giáo dục đi kèm với phương pháp giáo dục.
Có ý kiến cho rằng, một trong những hạn chế của Rousseau là ông chia cắt các giai đoạn giáo dục một cách máy móc, gò bó và hình thức. Đây không hẳn là một hạn chế, bởi lẽ, mặc dù giữa các giai đoạn đó, nội dung giáo dục và phương pháp giáo dục là không giống nhau do đối tượng giáo dục có đặc điểm tâm sinh lý khác nhau, nhưng tất cả các giai đoạn đó lại có mối tương tác với nhau, giáo dục ở giai đoạn trước làm nền tảng, cơ sở cho giáo dục ở giai đoạn sau
Ông đã đấu tranh chống lại tư tưởng phong kiến; chống chủ nghĩa kinh viện, chủ nghĩa giáo điều; phản đối kỷ luật roi vọt
Ông tuyên bố tôn trọng cá tính của trẻ em, bênh vực quyền lợi của trẻ em, đề cao tính sáng tạo và tính tích cực của trẻ em
Về phương pháp giáo dục: chú ý đến nguyên tắc trực quan, phương pháp thực nghiệm, kết hợp giảng dạy với thực tế, thực hành
Rousseau đặc biệt chú ý đến giáo dục các giác quan, giáo dục ý thức lao động, nêu bật tầm quan trọng của thể dục. Đòi hỏi một nội dung giáo dục sát với thực tế.
Sáng kiến thiên tài, sự độc đáo trong cách tiếp cận nghiên cứu của Rousseau là: ông nhìn nhận giáo dục như một dạng mới của thế giới, một thế giới vốn đã đang biến vị mang tính lịch sử. Tại nơi mà mô hình giáo dục đương thời đang được một số người rất tin tưởng, nơi mà nhiều danh nhân trí tuệ được phát hiện,..., Rousseau lại bác bỏ tất cả các phương pháp và phá vỡ tất cả các khuôn mẫu khi tuyên bố rằng trẻ em sinh ra không phải để trở thành một cái gì đó khác ngoài những gì mà số phận đã định đoạt. Chưa bàn đến kết quả của giáo dục theo lối mới của Rousseau tốt đẹp ra sao, nhưng chỉ riêng việc ông dũng cảm đứng lên thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, nhược điểm trong giáo dục đương thời đã thể hiện một tư tưởng táo bạo và một bản lĩnh phi thường của Rousseau. Điều đó thật đáng trân trọng.
Tuy nhiên, tư tưởng giáo dục của Rousseau còn thể hiện những nhược điểm, hạn chế nhất định.
1.2. Một số hạn chế
Hệ thống giáo dục của Rousseau được xây dựng trên cơ sở duy tâm Đánh giá quá cao kinh nghiệm của trẻ em. Với quan điểm cho rằng, những điều dạy dỗ cần được đưa ra sớm hơn hay muộn hơn, tuỳ bản tính thuần hoà hay hiếu động của học trò thôi thúc hay trì hoãn nhu cầu dạy dỗ; vì vậy, Rousseau đã coi nhẹ tri thức có hệ thống.
Tuyệt đối hoá vai trò của tự nhiên - người thày thứ nhất của con người, Rousseau đã coi nhẹ tác dụng chủ đạo của người thày - người dạy dỗ, mặc dù luôn yêu cầu người thày phải đi kèm học sinh từ lúc lọt lòng đến lúc trưởng thành.
Còn có ý kiến lạc hậu đối với vấn đề giáo dục phụ nữ.
Với chủ trương thiết lập một nền giáo dục phòng vệ, giáo dục con người bằng cách: cách ly họ khỏi môi trường xã hội - cho thấy tính chất không tưởng và bất khả thi trong lý luận giáo dục của Rousseau. Giáo dục con người
bằng cách đưa trở về nông thôn là ngược với xu thế phát triển tất yếu của lịch sử, thể hiện tính bi quan lịch sử. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh “trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hoà những quan hệ xã hội”[21, tr. 376], nghĩa là con người không phải và không thể là một cá thể cô lập trừu tượng, mà bao giờ cũng là con người tồn tại trong xã hội. Hơn nữa, con người không phải là sản phẩm của xã hội nói chung, mà bao giờ cũng là sản phẩm của một hình thái xã hội nhất định. Đưa con người ra khỏi xã hội, để rồi sau đó lại đưa con người đó trở lại cải tạo xã hội là quan niệm hoàn toàn sai lầm, và không tưởng. Bởi lẽ, ngay khi con người bị bóc tách ra khỏi xã hội – môi trường sống Là Người duy nhất, thì họ không còn là CON NGƯỜI nữa.
Một tư tưởng bất cập nữa trong học thuyết giáo dục của Rousseau là, ông đã phác hoạ ra một hình mẫu người thày quá lý tưởng. Xét về mặt tư tưởng, và nguyện vọng, thì đó là tiến bộ; song về thực tiễn, rất khó có thể thực hiện, không có thật một “tấm gương” tốt đẹp như vậy dành cho học trò. “Con người làm thay đổi hoàn cảnh, bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục”[21, tr. 375]. Nói cách khác, muốn có người được giáo dục thì phải có người giáo dục. Nhưng, trong xã hội đầy rẫy những bon chen, thói hư tật xấu mà Roussseau đã phê phán kịch liệt,…liệu tác giả có tìm được người thày hoàn hảo mà không bị ảnh hưởng từ phía xã hội?
Rousseau đã gán cho giáo dục sức mạnh quyết định mà theo đó chỉ cần giáo dục, tuyên truyền, đào tạo ra người công dân lý tưởng là có thể có một xã hội dân chủ lý tưởng, tiêu diệt được xã hội cũ, nghĩa là xem giáo dục là “cẩm nang” giải quyết mọi vấn đề xã hội phức tạp. Một lần nữa cho thấy, Rousseau chưa vạch ra được con đường hiện thực để giải phóng loài người hiện thực.
Được xem là một trong những nhà khai minh hàng đầu của thế kỷ, Rousseau để lại tầm ảnh hưởng rộng rãi và sâu đậm đối với hậu thế. Mặc dù còn những thiếu xót, nhưng học thuyết giáo dục của ông đã góp phần hình
thành các phương pháp sư phạm khoan dung, xem trọng tâm lý lứa tuổi của nền giáo dục hiện đại (thuyết phát triển, thuyết tiến hoá tự nhiên…) với tên tuổi của nhiều nhà cải cách giáo dục lừng danh: Friedrich Frobel; J.H.Pestalozzi; John Dewey; Maria Montessori;….Ngoài ra, quan điểm giáo dục của Rousseau còn ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà giáo dục trong thời kỳ Cách mạng tư sản Pháp (1789-1794) như: Lepeletier, Lavoisier,…
Cho dù còn có những hạn chế trong học thuyết giáo dục của mình, song Rousseau đã khẳng định khả năng thiên bẩm của ông về tầm nhìn đối với một nền giáo dục trong tương lai. Không phải chờ đến thế kỷ XXI, khi Unesco đưa ra thông điệp về giáo dục trong thế kỷ mới của nhân loại, thì tinh thần “học để biết, học để làm, học để làm người và học để chung sống với nhau” mới được nhắc đến. Mà ngay từ thế kỷ XVIII, Rousseau cũng đã luôn nhấn mạnh con người chỉ có một nghề duy nhất được phép học, đó là: học làm người, học để thành người.