Rousseau khẳng định rõ đối tượng giáo dục ở giai đoạn thứ nhất của đời người là trẻ em từ 0 đến 2 tuổi. Ở lứa tuổi này, những bước phát triển đầu tiên của tuổi thơ hầu như diễn ra tất cả đồng thời: trẻ tập ăn, tập nói, tập đi gần như cùng một thời gian; trẻ chưa thể có một ý tưởng nào, nó chỉ hơi cảm giác một chút; trẻ không cảm thấy ngay cả sự tồn tại của chính nó. Trên cơ sở các đặc điểm tâm sinh lý của trẻ ở lứa tuổi này, tác giả đã đề ra nội dung, phương pháp, quy tắc giáo dục trẻ sao cho phù hợp; cũng như nhấn mạnh đến các tác nhân ảnh hưởng trong quá trình giáo dục trẻ trở thành “người công dân lý tưởng”
Tự nhiên - Con đường giáo dục dành cho tuổi thơ
Khởi đầu của một đời người bắt đầu bằng việc là trẻ thơ, trong khi đó “Mọi thứ từ bàn tay Tạo hoá mà ra đều tốt: mọi thứ đều suy đồi biến chất trong bàn tay con người”[28, tr. 31]. Với một nền giáo dục chỉ biết đào tạo ra con người vì xã hội chứ không phải vì chính bản thân họ thì sẽ chỉ khiến cho con người ngày càng bị thụ động do mải chạy theo xã hội, đáp ứng xã hội. Đặc biệt, với những con người bị phó mặc cho bản thân giữa những người khác ngay từ khi ra đời như những trẻ sơ sinh, lọt lòng, sẽ là kẻ bị biến dạng nhiều nhất. Các thành kiến, uy quyền, sự cần thiết, tấm gương, mọi thể chế xã hội, trong đó đứa trẻ bị chìm ngợp, sẽ bóp nghẹt bản tính tự nhiên ở anh ta. Chính vì thế, điều đầu tiên Rousseau bàn đến trong giáo dục tuổi thơ là cần phải xác định cho đúng con đường giáo dục trẻ.
Theo ông, để đào tạo ra những người công dân có ích cho xã hội, những tác nhân cải tạo xã hội thì giáo dục phải có sứ mạng là làm cho cái “thiên chân” trong con người được phát huy tối đa; giáo dục phải đào tạo con người vì con người. Muốn vậy, “Các vị hãy quan sát tự nhiên, và hãy đi theo con đường mà tự nhiên vạch ra cho các vị. Tự nhiên rèn luyện trẻ em không
ngừng; tự nhiên làm cho tính tình chúng cứng rắn lên bằng đủ loại thử thách; tự nhiên sớm dạy cho chúng biết thế nào là khổ sở và đau đớn”[28, tr. 41]. - Đó là quy tắc của tự nhiên.
Trong trật tự xã hội, nơi mọi vị trí đều được đánh dấu, mỗi người phải được giáo dưỡng cho vị trí của mình. Nhưng, vì tính biến động của sự thế, của vạn vật, vì sự bất an của xã hội nên có phương pháp nào vô lý hơn là việc dạy dỗ một đứa trẻ như thể nó sẽ không bao giờ ra khỏi vị trí, địa vị của nó? Trong thực tế, mọi người chỉ nghĩ đến bảo tồn con mình, sử dụng nhiều cách để phòng ngừa nó đừng chết; như thế không đủ, cần dạy cho nó tự bảo tồn khi là người trưởng thành, dạy nó chịu đựng những khó khăn của số phận. Vấn đề là làm cho trẻ sống hơn là ngăn cản nó chết. Quy tắc tự nhiên trong giáo dục sẽ đảm bảo thực hiện điều đó.
Nội dung giáo dục
Giáo dục thể chất
Trên cơ sở đánh giá cao sức khoẻ thân thể của con người: thân thể phải có sức mạnh để tuân theo tâm hồn. Mọi đam mê nhục dục đều cư ngụ trong thân thể ẻo lả; thân thể yếu đuối làm bạc nhược tâm hồn. Giống như J.Locke, khi bàn đến nội dung giáo dục trẻ em ở giai đoạn tuổi thơ, J.J Rousseau cũng đặc biệt tập trung bàn đến vấn đề giáo dục thể chất đối với trẻ và đặt vấn đề này lên hàng đầu. Ngay từ khi được sinh ra, đứa trẻ đã buộc phải phó mặc bản thân cho những người khác - nhận thức rõ điều này, Rousseau yêu cầu phải làm cho cơ thể của trẻ cứng rắn trước những thất thường bất lợi của thời tiết, của khí hậu, của các yếu tố thiên nhiên, trước cái đói, cái khát, cái mệt,...Nói chung, phải rèn luyện cho trẻ về những xâm hại mà một ngày kia chúng sẽ phải chịu đựng[Xem: 28, tr. 46].
Từ việc khẳng định vai trò của giáo dục thể chất, Rousseau chỉ ra những tác nhân làm ảnh hưởng đến thể chất của trẻ.
Trong quan niệm của ông, y học và thầy thuốc đem lại những bệnh thật ác hại cho con người: bệnh hèn nhát, bệnh nhu nhược, nó chữa cho chúng ta khỏi bệnh ít hơn là truyền cho chúng ta niềm kinh sợ bệnh tật. Trong khi đó, theo tự nhiên, con người biết đau khổ một cách kiên nhẫn và chết một cách bình an. Vì vậy, muốn tìm thấy những con người thực sự can đảm, khoẻ mạnh hãy tìm kiếm họ ở những nơi nào không hề có thầy thuốc. J.Locke đã dành một phần cuộc đời để học ngành y, thường dặn dò kỹ đừng bao giờ cho trẻ dùng thuốc, cho dù chỉ để phòng ngừa hay vì những chứng khó nhẹ. J.J Rousseau còn đi xa hơn, và khẳng định rằng do chẳng bao giờ gọi thầy thuốc cho mình, nên cũng sẽ không bao giờ gọi thầy thuốc cho học trò mình, trừ phi sự sống của nó bị nguy hiểm hiển nhiên[Xem: 28, tr. 57].
Rousseau nhận định, “các thành phố là vực thẳm của loài người. Sau vài thế hệ, nòi giống tiêu vong hoặc thoái hoá; phải đổi mới nòi giống, và nông thôn bao giờ cũng cống hiến cho sự đổi mới ấy”[28, tr. 63]. Sở dĩ Rousseau đưa ra nhận định đó là vì ông cho rằng: Không khí tác động đến thể chất của trẻ, đặc biệt trong những năm đầu đời. Nó làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến thân thể mới nảy nở. Không khí trong lành ở nơi thôn quê tốt hơn không khí độc hại của thành thị, nó có tác động lớn đối với sự phát triển của trẻ. Mặt khác, thành phố là nơi tập trung rất đông người, con người vốn không được tạo nên để chen chúc, mà để phân tán trên mặt đất; những tàn tật của thân thể, những thói xấu của tâm hồn là kết quả không sao tránh khỏi của sự tụ hội quá đông đảo. Trong khi đó, nông thôn là nơi hợp với nòi giống một cách tự nhiên hơn; sống ở đó, những thú vui gắn liền với bổn phận tự nhiên sẽ nhanh chóng làm cho con người quên đi những thú vui không liên quan đến bổn phận ấy. Từ tất cả những lý giải trên, có thể nhận định rằng, với Rousseau, sống ở những vùng thôn quê sẽ đảm bảo cho việc bảo tồn bản tính tự nhiên của trẻ.
Để trẻ có được sự cường tráng nguyên sơ, cũng cần phải lưu ý đến nước tắm cho trẻ. Đối với hoạt động đơn giản nhất này, Rousseau cũng yêu cầu cần phải tuân thủ theo tự nhiên: thiên nhiên không sản sinh ra một thứ gì lên men giống như nước ấm mà người ta thường pha để tắm cho trẻ, vì thế chỉ nên dùng nước tự nhiên để tắm cho bé. “Hãy giảm dần độ ấm của nước, cho tới khi cuối cùng tắm được cho chúng mùa hè cũng như mùa đông bằng nước lạnh, thậm chí lạnh giá”[28, tr. 63]. Làm quen và duy trì thỉnh thoảng tắm với nước lạnh ở mọi độ có khả năng chịu được và thường thường tắm với nước nóng ở mọi độ có thể, sẽ giúp cho trẻ thích ứng với các nhiệt độ khác nhau của không khí.
Trang phục, quần áo mà trẻ mặc cũng là một trong những tác nhân đối với quá trình phát triển thể chất của trẻ. Bàn về vấn đề này, trước Rousseau, J.Locke cũng cho rằng để mỗi người có một thân thể khoẻ mạnh, thì một trong những điều cần làm là không mặc ấm, không mặc quần áo gò bó, chỉ mặc những quần áo giản dị. Kế thừa quan điểm đó, trong tác phẩm “Émile hay là về giáo dục”, Rousseau chỉ trích việc đứa trẻ vừa ra khỏi bụng mẹ, vừa mới được tự do động đậy và duỗi chân tay là người ta lại bó chặt nó trong tã nịt, đủ loại quần áo, vải vóc quấn xung quanh nó, không cho nó thay đổi tư thế. Ông khẳng định việc làm đó khiến cho xung động của những bộ phận bên trong thân thể đang muốn tăng trưởng gặp một trở lực không thể vượt qua, từ đó làm cản trở đứa trẻ tăng trưởng, và thể chất nó xấu đi. Vì vậy, “Vào khoảnh khắc đứa trẻ hít thở khi ra khỏi những lớp bọc của nó, xin đừng để người ta cho nó các lớp bọc khác khiến nó bị chật chội hơn. Không dải mũ ghìm đầu, không băng đai, không tã nịt; tã rộng và bồng bềnh, để tứ chi nó thoải mái,...Hãy so sánh nó với một đứa trẻ cùng độ tuổi được quấn bó kỹ càng, các vị sẽ ngạc nhiên vì sự khác biệt trong những tiến bộ của chúng”[28, tr. 64]. Ít bị trở ngại trong các cử động, trẻ sẽ ít khóc hơn; ít bị doạ nạt, hay ít
được nựng nịu thường xuyên, trẻ sẽ ít sợ sệt, ít ương ngạnh, và sẽ giữ được bản tính tự nhiên nhiều hơn.
Ngoài những điều trên, Rousseau còn đặc biệt nhấn mạnh đến lợi ích của lao động chân tay và luyện tập thân thể làm cho tính tình và sức khoẻ của trẻ thêm mạnh mẽ. Ông nói : “Sự tiết độ và lao động là hai thầy thuốc thực thụ của con người: lao động kích thích sự ngon miệng, còn tiết độ ngăn con người lạm dụng sự ngon miệng”[28, tr. 58]. Từ quan niệm này, Rousseau đã rút ra phương châm trong giáo dục thể chất để giúp trẻ ở vững trên con đường tự nhiên: “Trẻ em chẳng có sức lực thừa, thậm chí không có đủ sức lực cho tất cả những gì mà tự nhiên đòi hỏi ở chúng; vậy cần phải để cho chúng sử dụng mọi sức lực do tự nhiên ban cho chúng và chúng sẽ không thể lạm dụng những sức lực đó”[28, tr. 75]. Tinh thần của quy tắc này là chấp nhận cho trẻ nhiều tự do thực sự hơn, để chúng tự làm lấy nhiều hơn và đòi hỏi người khác ít hơn. Ở đây, quan điểm về giáo dục thể chất của Roussseau cũng thể hiện rõ nguyên tắc giáo dục tự nhiên, tự do - Đó lại là một tư tưởng mới mẻ của ông.
Tư tưởng này của Rousseau đã đem đến sự đồng cảm của Lepeletier (1760-1793), nhà giáo dục học người Pháp trong thời kỳ Cách mạng tư sản Pháp. Trong thảo án về giáo dục, hệ thống giáo dục của Lepeletier chịu ảnh hưởng sâu sắc của Rousseau. Một trong những biểu hiện cho sự ảnh hưởng đó là Lepeletier rất coi trọng lao động; yêu cầu trẻ em phải hiểu mọi thứ lao động và tự làm lấy mọi công việc. Trên cơ sở đó, bồi dưỡng trẻ em thành những người khoẻ mạnh, thích lao động, trọng kỷ luật[Xem: 14, tr. 92].
Sang thế kỷ XIX, tiếp nối tinh thần đề cao vai trò của lao động trong quá trình hoàn thiện con người, trong tác phẩm “Biện chứng của tự nhiên”, Ph. Ăngghen đã khẳng định: lao động sáng tạo ra bản thân con người; nhờ có lao động mà các cơ quan giác quan của con người ngày càng có sự hoàn thiện
(đôi bàn tay, bàn chân trở nên khéo léo hơn,...), cũng nhờ có lao động mà con người có ý thức; và vì vậy mà con người khác con vật về bản chất.
Giáo dục về trí lực
Sự giáo dục con người bắt đầu từ khi anh ta ra đời; trước khi nói, trước khi nghe thấy, con người đã học tập và thu nhận rồi. Kinh nghiệm đến trước các bài học. Để tri thức, trí lực của trẻ phát triển hoàn thiện, điều đầu tiên có liên quan là rèn luyện các giác quan cho trẻ ngay ở giai đoạn tuổi thơ.
Ngay từ thế kỷ XVII, với sự khẳng định cảm giác là nguồn gốc của mọi quan niệm, nhận thức; J.Locke cho rằng trong giáo dục trí lực cho trẻ, cần phải đưa việc rèn luyện giác quan vào làm nội dung giáo dục. Trước đó, Comenxki cũng nhấn mạnh đến việc rèn luyện giác quan của trẻ mẫu giáo (từ 0 đến 6 tuổi) để chúng có thể nhận thức được thế giới bên ngoài.
Kế tiếp các tư tưởng đó, Rousseau nói: “Ở bước đầu đời khi trí nhớ và tưởng tượng còn chưa hoạt động, đứa trẻ chỉ chú ý đến những gì hiện đang ảnh hưởng đến giác quan nó; do các cảm giác là vật liệu đầu tiên của hiểu biết nơi đứa trẻ, nên việc đem lại cho trẻ các cảm giác theo một trật tự thích hợp, đó là chuẩn bị cho trí nhớ của trẻ một ngày nào đó sẽ cung cấp các vật liệu này cho trí năng theo trật tự giống như thế; nhưng bởi trẻ chỉ chú ý đến các cảm giác của mình, nên thoạt đầu chỉ cần cho trẻ thấy thật rõ mối liên lạc của chính những cảm giác ấy với các đối tượng gây ra cho chúng”[28, tr. 69-70].
Với Rousseau, những cảm giác đầu tiên của trẻ đơn thuần thuộc cảm tính, chúng chỉ cảm nhận thấy niềm thích thú và sự đau đớn. Sự cảm nhận cảm tính đặt trẻ dưới sự chi phối của thói quen. Vì vậy, để rèn luyện giác quan, hãy rèn luyện cho trẻ một thói quen duy nhất là “không nhiễm bất kỳ thói quen nào; đừng bế trẻ bên cánh tay này nhiều hơn bên cánh tay kia; đừng làm cho trẻ có thói quen chìa bàn tay này nhiều hơn bàn tay kia, sử dụng bàn tay nọ thường xuyên hơn bàn tay kia,...”[28, tr. 68]. Để trẻ không bị nhiễm
một thói quen nào, cần phải cho trẻ quen với tự do và sử dụng sức lực của nó, bằng cách để thân thể nó có thói quen tự nhiên, đặt nó trong trạng thái luôn được tự chủ, được làm mọi điều theo ý muốn.
Với chủ trương thiết lập một nền giáo dục phòng vệ cho trẻ ngay từ ban đầu; để trẻ sớm làm quen, tiếp xúc với những khó khăn và nỗi sợ hãi sẽ giúp trẻ miễn trừ những điều đó khi gặp phải sau này, nên trong quá trình rèn luyện các giác quan ở trẻ (thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác,...), theo Rousseau, cần chủ động cho trẻ trải nghiệm nhiều cảm nhận, xúc cảm khác nhau. Chẳng hạn: để trẻ không kinh hãi bất kỳ con vật nào, ngay trước khi biết nói, biết nghe, phải dần dần cho trẻ quen nhìn thấy từ xa những đồ vật mới, con vật xấu xí, kỳ cục (con cóc, con tôm, con rắn, mặt nạ...); để trẻ không sợ sấm sét, phải chủ động tạo ra và cho trẻ quen dần với những âm thanh như tiếng súng, tiếng trái phá, tiếng nổ kinh khủng nhất.
Với một sự tiệm tiến thong thả và cẩn trọng, sẽ khiến người lớn và trẻ con dạn dĩ, gan góc với mọi sự.
Đối với việc tập nói của trẻ, Rousseau khuyên không nên dạy trẻ tập nói sớm. Việc quá vội cho trẻ tập nói sẽ tạo ra một hiệu quả trái ngược với hiệu quả mà người lớn mong đợi. Những đứa trẻ bị thúc giục nói sớm quá sẽ không có thời gian hiểu rõ những gì người ta bảo chúng nói, nếu để trẻ tự làm lấy, thì thoạt tiên chúng tập nói với những vần dễ phát âm nhất. Vì vậy, khi dạy trẻ tập nói, “những phát âm đầu tiên người ta cho trẻ nghe phải thưa thớt, dễ dàng, rành rõ, lặp lại nhiều lần và những từ ngữ được các phát âm này diễn tả chỉ liên quan đến các sự vật hữu hình mà trước hết người ta có thể chỉ ra cho trẻ. Hãy luôn luôn nói năng thật chính xác trước mặt trẻ. Ngôn ngữ của chúng sẽ dần dà tự thanh lọc theo ngôn ngữ của các vị”[28, tr. 77-78].
Sau tất cả những kiến giải về giáo dục tuổi thơ, Rousseau kết luận: “hãy dò xét lâu dài tự nhiên, hãy quan sát kỹ học trò trước khi nói với nó tiếng đầu
tiên, thoạt tiên hãy để cho mầm mống của tính cách trẻ được phô bày một cách tự do, đừng bó buộc nó trong bất cứ điều gì, để thấy được rõ hơn toàn bộ con người trẻ. Các vị thấy rằng thời gian tự do ấy phí hoài với nó ư? Ngược lại, thời gian đó sẽ được sử dụng tốt nhất. (...). Hãy hy sinh ở tuổi thơ ban đầu một thời gian mà các vị sẽ lấy lại được với lời lãi gấp bội ở độ tuổi lớn hơn”[28, tr. 110].
Tóm lại, tư tưởng nổi bật nhất của Rousseau trong giáo dục tuổi thơ là: