Nền giáo dục tốt nhất là nền giáo dục phòng vệ

Một phần của tài liệu Quan niệm của J.J. Rousseau về giáo dục trong Émile hay là về giáo dục (Trang 109)

Trước thế kỷ XVIII, nền giáo dục trong xã hội đương thời là nền giáo dục chủ động. Ở đó, giáo dục nhằm đào tạo tinh thần quá sớm và muốn bắt trẻ em phải biết những nghĩa vụ của người lớn, đứa trẻ được đối xử như những người lớn tập sự. Phê phán gay gắt lối giáo dục đương thời, trong tác phẩm

Émile hay là về giáo dục, Rousseau đã trình bày quan điểm của mình về toàn

bộ quá trình giáo dục một con người từ khi sinh ra cho đến khi trở thành người công dân. Trong đó, tinh thần giáo dục xuyên suốt là xây dựng, thiết lập nền giáo dục trái ngược hoàn toàn với nền giáo dục chủ động, đó là giáo dục phòng vệ. Nền giáo dục phòng vệ có thể phác hoạ qua một số đặc trưng cơ bản sau:

- Để tạo ra người công dân lý tưởng, đứa trẻ ngay từ khi sinh ra cần phải được phát triển bản tính tốt bằng chính trải nghiệm về sức lực của nó, nghĩa là tự mình, không cần sự hướng dẫn của người lớn; chính đời sống “giáo dục” nó. Theo Rousseau, đời sống đó do người thày “sắp đặt” và “cách ly” khỏi mọi ảnh hưởng xấu xa của xã hội: một cuộc sống cách ly xã hội nên gọi là “phòng vệ”, nhưng lại do người thày bí mật sắp đặt nên nó mang tính “chủ động”. Tuy nhiên, sự khác biệt cơ bản với lối giáo dục chủ động ở chỗ: ảnh hưởng giáo dục được tiến hành một cách gián tiếp, người thày không xuất hiện một cách trực tiếp và cần làm cho đứa trẻ tin rằng mọi điều xảy ra với nó là “tự nhiên”. Chẳng hạn việc dạy cho trẻ học chạy để rèn luyện thân thể khi

đang ở lứa tuổi từ 3 đến 12 tuổi, lứa tuổi đề cao thể dục, Rousseau khéo léo tổ chức một cuộc thi hết sức tình cờ, từ đó tạo hứng thú học chạy ở cậu học trò của mình: “Buồn bực vì luôn thấy người ta ăn ngay trước mắt những chiếc bánh ngọt mà mình rất thèm, cuối cùng cậu công tử bèn nghĩ rằng chạy giỏi cũng có thể được việc gì đó, và thấy mình cũng có cặp giò, cậu ta bắt đầu bí mật thử tập. Tôi giữ gìn để không nhìn thấy gì hết; nhưng tôi hiểu rằng mưu kế của mình đã thành công. Khi cậu ta cho rằng mình đã khá giỏi, và tôi biết ý nghĩ của cậu trước cả cậu, cậu vờ quấy rầy tôi để được chiếc bánh còn lại. Tôi từ chối, cậu ta khăng khăng, và cuối cùng bảo tôi với vẻ bực bội: Nào! thầy để bánh lên hòn đá, thầy đánh dấu đường đua, rồi ta sẽ thấy.(…). Ta hiểu rằng đã đi được bước đầu tiên rồi. Chẳng bao lâu cậu ta hứng thú tập luyện môn này đến mức, chẳng cần ưu ái, cậu cũng hầu như chắc chắn thắng…”[28, tr. 179].

Sang giai đoạn thứ ba (từ 12 đến 15 tuổi), lứa tuổi đề cao trí dục, Rousseau cho rằng, phải để trẻ tự học cách vẽ bản đồ trong môn địa lý: “Chắc hẳn cũng phải hướng dẫn nó chút ít, nhưng rất ít thôi, mà không tỏ ra là hướng dẫn. Nếu nó nhầm lẫn các vị cứ để cho nó làm, chớ sửa chữa các sai lầm của nó, hãy lặng lẽ đợi nó thấy được và tự sửa chữa lấy, hoặc nhiều lắm thì trong một dịp thuận tiện, các vị tạo ra một hoạt động nào đó làm nó cảm thấy những sai lầm ấy”[28, tr. 222].

- Trong giáo dục phòng vệ, cần phải giáo dục học trò phù hợp với sự phát triển tự nhiên, tự do của nó. Ở độ tuổi khi lý trí chưa giữ vai trò hướng dẫn mà còn nhường chỗ cho bản tính tự nhiên, khi đó chưa cần có các quan hệ xã hội giữa người với người. Sự phát triển tự do của trẻ không phải là sự thoát ly khỏi tự nhiên bằng lý tính, mà là muốn làm cái mình có thể, và chỉ làm những gì phù hợp với mình. Tuổi thơ có cách nhìn, cách suy nghĩ, cảm nhận riêng thuộc về nó; không có gì kém hợp lý hơn bằng việc muốn đem cách nghĩ của người lớn thay cho những cách nghĩ ấy, và đòi đứa trẻ phải biết xét

đoán. Rousseau khẳng định: “Lý trí là máy hãm sức lực, mà trẻ con không cần máy hãm này”[28, tr. 105].

Đến tuổi thanh niên, khi tính xã hội trở thành tất yếu, lý tính giữ vị trí hàng đầu; làm cho con người hiểu biết, từ đó gián tiếp làm cho lương tâm yêu điều thiện. Trước hết nó thể hiện ở ham muốn nhục thể mới được khơi dậy: sự thèm khát người khác giới. Sự quan tâm bắt đầu chuyển dịch từ bản thân sang mối quan hệ với người khác. Rousseau có cái nhìn tinh tế về mối quan hệ nội tại giữa đam mê và việc rèn luyện lý tính: Émile biết yêu nhưng không được thoả mãn tình yêu một cách tức thì. Hầu như trong tâm trạng của kẻ đang yêu, Émile bắt đầu học cách trải nghiệm cuộc sống, xã hội và tình cảm liên đới với con người.

- Trong nền giáo dục phòng vệ, phải rèn luyện cho trẻ về những xâm hại mà một ngày kia chúng sẽ phải chịu đựng; phải nghĩ trước hết đến tương lai khi chăm lo bảo tồn trẻ, phải trang bị cho trẻ vũ khí chống lại những tai hoạ của tuổi thanh xuân trước khi trẻ đạt đến tuổi ấy. Rousseau khẳng định: “Khi ra khỏi trạng thái thiên nhiên, chúng ta buộc đồng loại của chúng ta cũng phải ra khỏi trạng thái ấy,(...), định luật đầu tiên của thiên nhiên là sự lo toan tự bảo tồn. Ngay khi Émile vừa biết được thế nào là sự sống, thì mối lo toan đầu tiên của tôi sẽ là dạy cho nó biết bảo tồn sự sống ấy”[28, tr. 255].

Ở tuổi dậy thì, để đảm bảo cho trẻ tránh được những cạm bẫy của nhục cảm, thông thường người ta khiến thanh niên ghê tình yêu và sẵn sàng coi việc nghĩ đến tình yêu ở độ tuổi này là một tội lỗi. Nhưng với Rousseau, ông chọn con đường ngược lại và chắc chắn hơn: không né tránh những vấn đề liên quan đến nhục cảm, mà sử dụng chính nhục cảm để giáo dục về nhục cảm; và chính là phải luôn luôn xuất phát từ bản thân tự nhiên mới tìm ra được những phương tiện đặc hiệu để điều chỉnh nó. Ông cho rằng: “Để hướng dẫn một người trưởng thành cần phải làm ngược lại với mọi điều mà bạn đã

làm khi hướng dẫn một đứa trẻ. Đừng do dự gì hết khi dạy cho anh ta về những điều bí ẩn nguy hiểm mà bạn đã giấu anh ta quá lâu với biết bao cẩn trọng”[28, tr. 446].

Đối với giáo dục thiếu nữ ở tuổi cập kê, để các cô từ bỏ những thú vui khi lấy chồng cũng cần phải cho các cô trải nghiệm các thú vui đó. Nhằm cho các cô nhìn thấy rõ bức tranh lừa phỉnh; trang bị tâm thế đầy đủ cho các cô chống lại những ảo tưởng.

Có thể nhận thấy nền giáo dục phòng vệ mà Rousseau bàn đến được thiết lập trên nền tảng của nguyên lý giáo dục tự nhiên và tự do. Do đó, với giáo dục phòng vệ, sứ mạng giáo dục sẽ được đảm bảo thực hiện, đó là không phải đào tạo con người cho xã hội, mà phải đào tạo con người vì con người; giáo dục phải làm cho cái “thiên chân” trong con người được phát huy tối đa.

Kết luận chương 2

Qua câu chuyện giả tưởng về cậu bé Émile được người thày dạy dỗ, giáo dục từ lúc mới chào đời cho đến khi lập gia đình và trở thành người công dân

lý tưởng thông qua năm giai đoạn đào tạo, Rousseau phác hoạ một triết lý giáo dục và phương pháp giáo dục cho “con người tự nhiên”: có đủ sức khoẻ

thể chất và nghị lực tinh thần để đương đầu với thử thách trong cuộc đời. Có thể nói học thuyết của Rousseau bắt nguồn từ những trải nghiệm đầy cay đắng và dằn vặt của bản thân ông trong bối cảnh xã hội đương thời. Ông chống lại xã hội đương thời vì nó dựa vào lý tính để đè nén bản tính tự nhiên của con người. Nhưng ông chống lại cũng bằng cách dựa vào lý tính để giải phóng bản tính con người ra khỏi những xiềng xích ấy.

Chính từ những trải nghiệm của bản thân, từ sự phê phán gay gắt lối giáo dục đương thời; tác giả đã thiết lập một nền giáo dục được định hướng theo bản tính tự nhiên của con người. Ở đó, quá trình giáo dục diễn ra cùng với sự phát triển tự nhiên và tự do của người học. Một nền giáo dục định hướng theo

bản tính tự nhiên của con người tuyệt nhiên không phải được hiểu như là một tiến trình tự nhiên thuần túy, như thể chỉ phó mặc học trò với tiến trình trưởng thành tự nhiên của họ. Con người buộc phải sống trong xã hội, vậy nên, để phát triển bản tính tự nhiên trong xã hội mà họ sống, thì giáo dục được xem như là yếu tố trung gian được cách ly với xã hội, sẽ thực hiện nhiệm vụ phát triển bản tính tự nhiên của con người. Tiến trình tự nhiên đòi hỏi giáo dục phải lưu ý đến nguyên lý nền tảng: sự tương ứng giữa một bên là các nhu cầu với bên kia là các sức mạnh và năng lực của bản thân đứa trẻ.

Trên nguyên lý nền tảng, cùng với mục tiêu là rèn luyện cho trẻ một nghề duy nhất là nghề sống, dạy trẻ cách học làm người; Rousseau cũng đã đề ra những nội dung giáo dục phải thực hiện: đức, trí, thể, mỹ, lao động. Song, tuỳ theo lứa tuổi mà nội dung giáo dục sẽ nặng về một mặt nội dung nhất định nào đó. Chẳng hạn, ở giai đoạn I và II, giáo dục thể chất được đặc biệt quan tâm đối với sự tồn tại và phát triển của trẻ; sang giai đoạn thứ III, ngoài giáo dục thể chất, còn có giáo dục trí tuệ và giáo dục lao động; đến giai đoạn thứ IV, tập trung giáo dục đức dục và giáo dục giới tính cho trẻ khi trẻ đang trải qua một sự khủng hoảng về mặt tâm sinh lý.

Cùng với nội dung, tác giả đã đặt ra nhiều phương pháp giáo dục khác nhau trong quá trình giáo dục trẻ ở từng giai đoạn phát triển của nó. Rousseau không hề đề cập tới bất cứ hình thức giáo dục nào dựa trên nguyên tắc quyền lực, bắt ý chí, nguyện vọng của trẻ phải phụ thuộc vào ý chí, nguyện vọng của người có quyền lực cao hơn. Theo ông, dạy học phải tạo hứng thú cho trẻ, phải làm cho trẻ được trải nghiệm các kiến thức, lý thuyết mà chúng tiếp nhận. Trên cơ sở tư tưởng giáo dục tự nhiên - tự do, Rousseau coi trọng việc phát triển sự tự hoạt động, quan sát, và rút ra kinh nghiệm của trẻ. Đồng thời ông cũng lên án lối giáo dục theo sách vở, học thuộc; thay vào đó hãy trao cho trẻ một công việc tay chân nào đó.

Về giáo dục phụ nữ, Rousseau có nhiều tư tưởng tiến bộ, song cũng có những ý kiến lạc hậu.

KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Quan niệm của J.J. Rousseau về giáo dục trong Émile hay là về giáo dục (Trang 109)