Người thày vai trò và nhiệm vụ trong quá trình giáo dục trẻ em

Một phần của tài liệu Quan niệm của J.J. Rousseau về giáo dục trong Émile hay là về giáo dục (Trang 106)

Tư tưởng đề cao quy luật tự nhiên trong nội dung và phương pháp giáo dục của Rousseau cũng chi phối đến quan điểm của ông khi bàn về người thày trong quá trình giáo dục trẻ. Ở chỗ, ông cho rằng: sự giáo dục bắt đầu cùng với sự sống, khi đứa trẻ sinh ra nó nhanh chóng trở thành đồ đệ, không phải đồ đệ của người dạy dỗ, mà của tự nhiên. Mỗi đứa trẻ có hai người thày; người thày thứ nhất là tự nhiên, người thày thứ hai là người dạy dỗ. Người dạy dỗ chỉ học tập, nghiên cứu dưới ông thày thứ nhất và làm sao cho sự chăm sóc của ông thày tự nhiên không bị cản trở[Xem: 28, tr. 65]. Quan điểm này của Rousseau, sau này đã được nhà giáo dục học người Pháp là Lavoadie tiếp tục khẳng định.

Với vai trò là người dạy dỗ, đào tạo trẻ trở thành người công dân, quá trình thực hiện vai trò đó của người thày luôn được đặt dưới sự hướng dẫn của tự nhiên. Để đào tạo một con người, trước hết, bản thân thày phải tự làm

người, phải tự thấy mình xứng đáng là một tấm gương để học trò noi theo. Người thày phải khiến cho mình được tất cả mọi người tôn trọng, yêu mến mình, hoà giải những người đang bất hoà với nhau, là người bảo vệ những kẻ bất hạnh, công bình, nhân ái, nghĩa hiệp,…Nói tóm lại, để là thày của đứa trẻ, trước hết, người thày phải là thày của tất cả những gì bao quanh trẻ[Xem: 28, tr. 111].

Để tiếp cận, dạy dỗ và giáo dục trẻ có hiệu quả, người thày phải làm cho học trò của mình cảm nhận được tình cảm, sự trìu mến, sự đồng cảm của thày dành cho cậu ta. Tình cảm đó của thày, phải được thể hiện cả trong cách giải quyết các tình huống mà thày không giữ được sự bình tĩnh, ôn hoà. Nếu thày đối xử nghiêm khắc và khô khan với học trò của mình, tự thày sẽ đánh mất lòng tin của học trò và chẳng mấy chốc, anh ta sẽ giấu giếm mọi việc.

Theo Rousseau, người thày phải luôn luôn sát cánh cùng với học trò ở mọi lúc, mọi nơi; phải quan sát trẻ nhưng không để trẻ phát hiện ra sự quan sát đó; phải đoán trước mọi cảm nghĩ của nó, và phòng ngừa mọi cảm nghĩ mà nó không nên có. Đặc biệt, khi trẻ ở lứa tuổi dậy thì, thày giáo phải cảnh báo cho anh ta những nguy hiểm mà anh ta đang lâm vào, chỉ cho anh ta thấy rõ và để cho anh ta cảm nhận được, nhưng không nói quá mức cần thiết, không cáu giận, nhất là không để sự cảnh báo đó thành mệnh lệnh.

Ngay cả khi, cậu học trò đến tuổi yêu đương, tuổi hôn nhân, thì sự xuất hiện của người thày cùng với vai trò dìu dắt của ông vẫn là điều không thể thiếu. Rousseau cho rằng, tự nhiên sẽ làm công việc gả vợ cho Émile - học trò của ông, còn công việc của ông là tìm ra sự lựa chọn mà tự nhiên đã làm. Khi yêu, các cậu học trò thay đổi tính cách mạnh mẽ: anh ta để cho những người đàn bà điều khiển, ý muốn của họ thành luật lệ anh ta phải theo,…vì vậy để quá trình giáo dục trong suốt cuộc đời của anh ta đạt kết quả tốt đẹp, cần phải đặt một vị phó sư bên cạnh họ.

Tuy nhiên, người thày mà Rousseau bàn đến ở trên, chỉ riêng là người thày dành cho các học trò nam; còn đối với các bé gái, ông cho rằng “…các cô chẳng cần đến cả thày lẫn cô, các cô được tự do học hỏi điều mà các cô có nhiều khuynh hướng muốn học” [28, tr. 529]. Điều đó có nghĩa là, chỉ các cậu học trò mới cần có người thày luôn sát cánh kề bên; còn với các cô, quá trình giáo dục dành cho họ là quá trình tự giáo dục, nếu có thêm người chỉ bảo thì đó chính là cha mẹ cô.

Với Rousseau, điều quan trọng là nhà giáo dục phải hiểu rõ về chủ thể giáo dục, hay đối tượng cần được giáo dục – đó là một chủ thể tự do, có sức kháng cự mạnh mẽ với những áp đặt nguyên tắc rằng anh ta phải là người thế này, hay anh ta có khả năng trở thành cái kia.

Như vậy, có thể thấy trong tư tưởng của Rousseau, hình ảnh người thày được phác hoạ khá hoàn hảo: từ tính cách đến trình độ, từ lời nói đến việc làm của thày giáo đều rất tốt đẹp. Tuy nhiên, sự hoàn hảo đó lại hàm chứa rất ít tính khả thi trong thực tiễn. Rất khó có thể tìm kiếm được một thày giáo “toàn vẹn” như trong quan điểm của Rousseau. Hoạt động giáo dục của thày giáo dường như trở thành một nghệ thuật của nhà giáo dục. Nghệ thuật đó thể hiện ở khả năng người thày thực hiện nhiệm vụ của mình theo cách thức nào đó mà không hề áp đặt ý chí của họ lên ý chí của trẻ.

Quan điểm của Rousseau về người thày và vai trò của người thày trong giáo dục trẻ em đã ảnh hưởng không nhỏ đến quan điểm của nhà nữ giáo dục người Ý là M.Montessori. Với cách tiếp cận nhằm giới thiệu “khoa học quan sát”, bà cho rằng các giáo viên và các cá nhân khác tham gia vào quá trình giáo dục phải được đào tào bằng phương pháp quan sát. Giáo viên có thể rút ra khỏi tâm điểm của quá trình giáo dục và gây tác động từ bên ngoài. Nhiệm vụ quan trọng nhất của người giáo viên lúc này là quan sát một cách khoa học và sử dụng trực giác của mình để khám phá những nhu cầu và năng lực mới

của trẻ. M.Montessori đã phác hoạ một hình mẫu giáo viên mới. Đó là: người thày giáo phải học cách giữ im lặng, thay vì nói; phải quan sát, thay vì hướng dẫn; và phải khoác trên mình tấm áo choàng của sự khiêm nhường thay vì thể hiện phẩm giá đáng tự hào của một con người không bao giờ phạm phải sai lầm. Khả năng quan sát một cách tận tâm này không phải là một khả năng tự nhiên, mà chỉ có được qua quá trình rèn luyện [Xem: 2].

Một phần của tài liệu Quan niệm của J.J. Rousseau về giáo dục trong Émile hay là về giáo dục (Trang 106)