Tác phẩm “Émile hay là về giáo dục” Những phác hoạ cơ bản

Một phần của tài liệu Quan niệm của J.J. Rousseau về giáo dục trong Émile hay là về giáo dục (Trang 26)

Émile hay là về giáo dục của J.J Rousseau ra đời tháng 5 năm 1762

(công bố cùng năm với tác phẩm Bàn về khế ước xã hội) được coi là tác phẩm kinh điển mà ở đó, ông luận bàn về giáo dục hết sức sâu sắc. Cuốn “Émile hay

là về giáo dục” của J.J Rousseau mà luận văn nghiên cứu do dịch giả Lê

Hồng Sâm và Trần Quốc Dương dịch, Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu, được ấn hành bởi nhà xuất bản Tri Thức năm 2008. Với nội dung trọng tâm và xuyên suốt toàn bộ tác phẩm là dạy và học làm người, chuyên luận về “nghệ thuật hình thành con người”, Émile hay là về giáo dục được coi như là một triết lý giáo dục hết sức nhân bản. Tác phẩm là sự hoà quyện giữa văn chương và triết lý, cũng có thể coi đó là một tiểu thuyết xã hội – sư phạm với nhân vật hư cấu là cậu bé Émile.

Trước khi đi sâu vào trình bày và phân tích một cách chi tiết và có hệ thống quan niệm giáo dục của Rousseau, cần phải phác hoạ những nét cơ bản về kết cấu và nội dung tác phẩm nhằm đưa ra một bức tranh khái quát nhất về

Émile hay là về giáo dục. Cuốn sách “Émile hay là về giáo dục” được luận

văn sử dụng để nghiên cứu dày 692 trang. Trong đó, gồm: Phần giới thiệu của Bùi Văn Nam Sơn; Lời nói đầu của J.J Rousseau về tác phẩm; phần còn lại là toàn bộ tác phẩm Émile hay là về giáo dục. Nội dung tác phẩm được chia thành 5 quyển:

Quyển I: kể về giai đoạn Émile từ lúc ra đời đến lúc tập nói, tức là khoảng từ 0 đến 2 tuổi. Nội dung cơ bản của quyển I: trên cơ sở chỉ ra các đặc điểm tâm sinh lý của trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 2 tuổi, Rousseau khẳng định rõ đối tượng của giáo dục đối với giai đoạn thứ nhất của đời người. Từ đó, tác giả đã đưa ra nội dung, phương pháp, quy tắc trong giáo dục trẻ. Qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh đến các tác nhân ảnh hưởng đến quá trình giáo dục đứa

trẻ trở thành “người công dân lý tưởng”, đó là: gia đình (cha, mẹ), khí hậu, sức khoẻ, kinh tế, chế độ dinh dưỡng.

Theo Rousseau, ngay ở giai đoạn này, đứa trẻ rất cần sự chăm sóc về sức khoẻ, về thể trạng. Theo ông, thật trái với tự nhiên, khi đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, mới được tự do cử động chân tay đôi chút thì lại bị người ta vội vã “bọc” nó ngay vào tã nịt, lớn hơn một chút, trẻ lại bị gò bó bởi những phương tiện trợ giúp cho việc tập đi, tập đứng, người ta nhốt nó trong một căn phòng tù túng thay vì cho nó chạy nhảy tự do ngoài thiên nhiên, và rồi sau đó đứa trẻ bị nhồi nhét vô số những bài học mang tính giáo điều, những bài học lý luận buồn tẻ, chán ngắt,...Và ông gọi đó là lối giáo dục “dã man”.

Theo Rousseau, giáo dục phải làm cho con người trở thành người công dân, đó là người biết sống vì người khác, không ganh đua, không ghen tị mà biết bằng lòng với thực tế, biết gạt bỏ hạnh phúc riêng của bản thân vì lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng. Người nào muốn đề cao, duy trì quyền cá nhân trong xã hội dân sự, luôn do dự giữa bổn phận, trách nhiệm với “thiên hướng” sẽ không bao giờ là con người và người công dân. Vì vậy, để là chính mình thì cần phải hành động như khi ta nói, quả quyết về sự lựa chọn của mình và kiên định với sự lựa chọn đó[28, tr. 35-36].

Ngay từ đầu, tác giả đã nhấn mạnh rằng: “Mọi thứ từ bàn tay Tạo hoá mà ra đều tốt, mọi thứ đều suy đồi, biến chất trong bàn tay con người”[28, tr. 31].

Vì vậy, hãy để đứa trẻ phát triển một cách tự nhiên theo tiến trình phát triển sinh lý của một con người, để trẻ được trải nghiệm trong mọi sự việc, tình huống có khả năng xảy ra với nó, dù là đau đớn. Nhưng chính những điều đó lại có tác dụng thực sự trong việc hoàn thiện nhân cách của trẻ: mạnh dạn hơn, vững vàng hơn. Rousseau cho rằng, giáo dục trẻ theo quy tắc tự nhiên có vẻ như tăng gấp bội nguy hiểm nhưng thực chất lại làm giảm bớt nguy cơ.

Theo Rousseau, các bậc cha mẹ luôn tìm cách bảo tồn con mình, phòng ngừa để nó không bị chết. Nhưng vấn đề là, làm cho nó sống thì tốt hơn là ngăn cản nó chết. Mọi người chỉ nghĩ đến bảo tồn con mình, như thế không đủ, mà cần phải dạy nó cách tự bảo tồn khi là người trưởng thành. Dạy nó chịu đựng “các đòn” của số phận, dạy nó không sợ giàu sang hay nghèo khổ, dạy nó cách sống trong mọi hoàn cảnh. Ông khẳng định: Sống không phải là hít thở, mà đó là hành động, là sử dụng các khí quan, giác quan, năng lực, mọi bộ phận của cơ thể đem lại cho con người cảm giác về sự tồn tại của mình: “Người sống nhiều nhất không phải là người đã đếm được nhiều năm nhất, mà là người đã cảm nhận cuộc đời được nhiều nhất”[28, tr. 39].

Để khắc phục tính nhút nhát của trẻ, làm cho nó trở nên mạnh dạn, theo Rousseau nên dạy trẻ theo nguyên tắc tiệm tiến: “Tôi bắt đầu bằng việc chỉ cho Émile một cái mặt nạ dễ thương; sau đấy có một người nào đó đứng trước Émile úp mặt nạ này lên mặt: tôi bật cười, mọi người đều cười, và đứa trẻ cũng cười như mọi người. Dần dần tôi khiến nó quen với những mặt nạ kém dễ thương hơn, và sau cùng là các mặt nạ xấu xí. Nếu tôi khéo léo sắp xếp sự tiệm tiến, thì nó chẳng hề sợ hãi chiếc mặt nạ cuối cùng mà sẽ cười như với chiếc mặt nạ đầu tiên. Sau đó tôi không còn lo người ta làm nó sợ hãi bằng những chiếc mặt nạ nữa”[28, tr. 69].

Quyển II: Giáo dục trẻ trong giai đoạn từ 2 đến 12 tuổi, lúc này trẻ còn chưa đủ lý trí để suy xét, cho nên việc giáo dục nó bằng lý luận dài dòng, bằng những lý lẽ của bổn phận sẽ không mang lại cho chúng sự am hiểu, mà trái lại, chỉ làm cho chúng cảm thấy buồn chán và mất tự do. Cách đúng đắn nhất là không bao giờ ra lệnh cho làm điều gì cả, đừng để cho nó tưởng tượng rằng người lớn đòi hỏi một “uy quyền” nào đó đối với nó. Hãy hướng cho trẻ tự hiểu biết bản chất sự vật thông qua kinh nghiệm của chính bản thân nó.

Chẳng hạn, thay vì giữ trẻ trong căn phòng tù túng, hãy đưa nó ra giữa cánh đồng bao la, cho nó tha hồ chạy nhảy, để ở đó đứa trẻ có thể ngã cả trăm lần, song cũng nhờ đó, nó có thể học được sớm hơn cách đứng dậy, có thể có những vết bầm tím, nhưng những thương tích đó sẽ được đền bù bằng sự khoan khoái của tự do. Khi trẻ nghịch ngợm làm vỡ cửa kính, thay vì la mắng chúng, hãy để cho chúng một lần bị rét trong chính căn phòng đó, vì hình phạt duy nhất có thể ảnh hưởng đến trẻ là hình phạt xuất hiện dưới mắt nó như kết quả của hành động xấu xa của nó.

Như vậy, quan niệm tự do trong giáo dục của Rousseau là tự do trong khuôn khổ, tự do có mực thước, mà không phải là tự do vô kỷ luật.

Nhằm đảm bảo cho trẻ cảm thấy tự do và hứng thú trong việc học tập, Rousseau đưa ra phương pháp giáo dục “học mà chơi, chơi mà học”. Theo ông, việc để cho trẻ khó nhọc tự tìm tòi, khám phá thế giới sẽ kích thích ở trẻ óc sáng tạo và tinh thần tự chủ, qua đó, trẻ tự rèn luyện được về thể chất, thích ứng với mọi điều kiện của thiên nhiên.

Quyển III: Giáo dục trẻ trong giai đoạn từ 12 tuổi đến 15 tuổi

Nguyên tắc cơ bản trong giáo dục trẻ ở độ tuổi này là dạy cho trẻ đến với ý niệm về “lợi ích”. Luôn làm cho trẻ phải đặt câu hỏi “Cái đó có ích gì” trong các hành vi cuộc sống của nó. Điều đó giúp cho trẻ chủ động khi đưa ra các lựa chọn của mình trong học tập cũng như trong cuộc sống. Nói cách khác, giáo dục phải xuất phát từ quyền lợi của trẻ chứ không phải vì mục đích cao siêu nào khác bên ngoài nó. Rousseau đã chọn cho “Émile ảo” của mình nghề mộc - một nghề lao động chân tay vất vả nhưng lại kiếm được ít tiền nhất. Vì, theo ông, nếu gạt bỏ mọi thành kiến thông thường thì nghề mộc là một nghề đáng kính và quan trọng, nó làm cho con người yêu lao động, biết vượt qua những khó khăn và nhất là xây dựng được nơi người thợ sự đồng cảm với người nghèo – thành phần đông đảo nhất trong xã hội. Dường như, ở

đây, Rousseau đã gợi lại nỗi gian truân trong cuộc đời ông qua những trang giáo huấn nghiêm túc về vị trí của người lao động trong xã hội.

Quyển IV: Giáo dục trẻ trong giai đoạn từ 15 tuổi đến 20 tuổi

Émile bắt đầu được giáo dục về đạo đức và tôn giáo theo những tình cảm tự nhiên của nó, nghĩa là kích thích ở nó lòng từ bi, lòng trắc ẩn, lòng từ thiện và tất cả những tính cách hấp dẫn, dịu dàng mà con người tự nhiên ưa thích, ngăn cản những thói ghen tị, tham lam có thể bị ảnh hưởng từ xã hội.

Điều đó cho thấy, nguyên tắc giáo dục trong giai đoạn này là phát triển bản tính tự nhiên của con người, loại bỏ khỏi con người những ảnh hưởng xấu của xã hội.

Theo Rousseau, mọi người sinh ra đều bình đẳng và theo bản tính tự nhiên thì không ai sinh ra là vua, là vĩ nhân, là đình thần, là giàu có. Thêm vào đó, bản chất con người là vị kỷ, họ chỉ quyến luyến đồng loại khi ý thức về nỗi đau hơn là niềm vui. Đồng thời, người ta chỉ thương xót kẻ khác về nỗi khổ mà bản thân họ không tin mình được miễn trừ.

Tác giả cho rằng, muốn hướng thanh niên đến lòng nhân đạo, cần phải chỉ cho họ thấy được khía cạnh đau buồn của số phận và dạy cho họ hiểu rằng họ cũng có thể sa vào số phận đó. Muốn vậy, phải luôn để trẻ nhớ rằng, con người luôn như nhau trong tất cả các giai cấp. Do đó, tình yêu thương con người không nên bó hẹp trong một cộng đồng nhỏ bé, mà phải mở rộng ra tinh thần nhân loại chung, nghĩa là phải dạy cho trẻ yêu mến tất cả mọi người.

Tóm lại, ở lứa tuổi này, Émile cần được giáo dục đạo đức (trong đó có giáo dục giới tính, giáo dục thẩm mỹ,...) và giáo dục tôn giáo để bước vào thế giới của người lớn mà không ngỡ ngàng, vấp váp.

Quyển V: Émile từ 20 đến 25 tuổi. Độ tuổi khôn lớn và hôn nhân. Qua vị hôn thê của Émile, Rousseau dành riêng quyển cuối cùng nói về giáo dục các em gái.

Như vậy, xuyên suốt 5 quyển – tương ứng với 5 giai đoạn phát triển khác nhau của thời kỳ niên thiếu, từ lúc mới sinh ra cho đến khi trở thành người công dân trong xã hội, tư tưởng của Rousseau đều nhằm vào mục đích duy nhất là tạo ra một mẫu người công dân tự do cho một xã hội dân chủ lý tưởng. Với niềm khát khao tự do từ nhỏ, trong giáo dục, Rousseau cũng luôn đề cao quy tắc giáo dục tự nhiên.

Kết luận chương 1 (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Nói chung, học thuyết giáo dục của Rousseau chịu sự tác động từ những tư tưởng giáo dục của các triết gia tiền bối đi trước như: Comenxki, J.Locke,...song, chủ trương giáo dục của ông vẫn có nhiều điểm mới lạ và tiến bộ so với thời đại của ông. Có thể nói rằng, với tư cách là một nhà triết học luận bàn về giáo dục, tư tưởng giáo dục của Rousseau chịu sự chi phối bởi một thế giới quan được hình thành từ chính những đắng cay mà ông đã nếm trải trong cuộc đời gian truân của mình. Thông qua cậu học trò ảo là Émile, Rousseau đã, một mặt, lên án nền giáo dục trong chế độ phong kiến và giáo hội đương thời; mặt khác, dưới ngòi bút sắc sảo, ông được thỏa sức, tự do giãi bày lý tưởng giáo dục của mình với quần chúng - giống như nguyên lý tự do - tự nhiên trong giáo dục trẻ đã được ông trình bày rõ nét trong Émile hay là về

Chương 2:

Một phần của tài liệu Quan niệm của J.J. Rousseau về giáo dục trong Émile hay là về giáo dục (Trang 26)