Sự ảnh hưởng của cha mẹ đối với quá trình giáo dục con cái
Theo Rousseau, ngay từ khi sinh ra, đứa trẻ đã phải chịu đựng sự uốn nắn, chăm sóc, bảo vệ mang ý chí chủ quan của những bậc cha mẹ, người lớn - đó là những tập quán trái tự nhiên. Điều đó đem đến sự thay đổi tính tình, khí chất của trẻ. Trước thực trạng đó của xã hội đương thời, một trong những vấn đề mà tác giả Émile hay là về giáo dục bàn đến đầu tiên trong tác phẩm là vai trò, sự ảnh hưởng của cha mẹ đối với quá trình giáo dục trẻ; trong đó, sự giáo dục, trước hết phải thuộc về những người phụ nữ - đó là sự giáo dục đầu tiên và quan trọng hơn cả. Rousseau cho rằng, “nếu Đấng Tạo tác ra tự nhiên muốn sự giáo dục ấy thuộc về đàn ông, thì Người đã cho họ sữa để nuôi con”[28, tr. 31]. Không có mẹ thì không có con. Giữa mẹ và con có bổn phận tương hỗ; nếu ở phía này bổn phận không được làm tròn thì ở phía kia nó sẽ bị sao nhãng. Từ quy luật tự nhiên đó, với Rousseau, giáo dục con cái được xem như là thiên chức, bổn phận của người phụ nữ; họ có địa vị cao hơn, bổn phận và trách nhiệm nặng nhọc hơn so với đàn ông trong việc giáo dục con cái. Một bà mẹ coi thường bổn phận đó của mình sẽ trở thành một bà mẹ suy thoái; và việc từ chối bổn phận được coi như là sự hư hỏng đầu tiên dẫn đến mọi hậu quả liên tiếp sau này: gia đình trở nên buồn tẻ, mối quan hệ giữa các thành viên lỏng lẻo,…
Để khắc phục mọi hậu quả có thể xảy ra, theo Rousseau, sự giáo dục của các bà mẹ cần phải đảm bảo phù hợp với tự nhiên; bà mẹ sẽ ra khỏi tự nhiên khi hoặc là sao nhãng việc chăm nom con cái, hoặc là chăm nom một cách thái quá.
Vai trò của các bà mẹ càng quan trọng hơn trong việc nuôi dạy các cô con gái từ khi nó còn nhỏ cho đến khi các cô lấy chồng. Chính bà mẹ là tấm gương lớn nhất, trực tiếp nhất đối với sự hình thành tính cách, nhân cách của những bé gái.
Khi khẳng định người vú nuôi thực thụ của đứa trẻ chính là người mẹ, Rousseau đồng thời khẳng định người gia sư thực thụ của nó chính là người cha. Một người cha, khi sinh thành và nuôi dưỡng con cái, chỉ mới thực hiện một phần ba nhiệm vụ mà thôi. Người cha ấy mắc nợ giống loài những con người, mắc nợ xã hội những con người có tính hợp quần và mắc nợ quốc gia những công dân. Bất kỳ người cha nào có khả năng trả ba món nợ này mà không thực hiện thì đều có tội. Ai không thể làm tròn nghĩa vụ người cha thì không có quyền trở thành người cha.
Thừa nhận và khẳng định vai trò, sự ảnh hưởng của cha mẹ đối với giáo dục con trẻ, Rousseau cho rằng: “Nếu các vị muốn đứa trẻ giữ được hình thái bản lai của nó, xin hãy duy trì hình thái ấy ngay từ lúc nó chào đời. Nó vừa sinh ra, các vị hãy chiếm giữ ngay lấy nó, và đừng rời nó cho đến khi nó là người lớn. (…). Cha mẹ hãy đồng tình với nhau trong chức phận cũng như trong phương pháp: sao cho từ những bàn tay của người mẹ đứa trẻ chuyển sang tay của cha”[28, tr. 48].
Chịu ảnh hưởng tinh thần giáo dục của Rousseau, và bổ sung, phát triển tinh thần đó thêm hoàn thiện, nhà giáo dục học người Đức – Wilhem Von Humboldt (1767-1835) khi bàn đến vấn đề quyền trẻ em đã khẳng định: trong lập hiến, phải quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của cha mẹ đối với việc nuôi dạy con cái đến khi trưởng thành. Nhà nước phải bảo vệ quyền trẻ em trước cha mẹ để thẩm quyền của cha mẹ không được vượt quá mức bình thường[Xem:1].
Một đứa trẻ liên tiếp chuyển qua tay nhiều người thì không thể được giáo dục tốt; nhưng trong xã hội đương thời, khi có những bà mẹ từ chối bổn phận chăm nom con của mình thì việc tìm kiếm cho đứa trẻ một người vú nuôi là điều hết sức cần thiết. Rousseau cho rằng: “Việc chọn vú nuôi càng quan trọng bởi trẻ sơ sinh chẳng thể có người trông nom, dạy dỗ nào khác ngoài vú nuôi”[28, tr. 60]. Với việc chăm nom trẻ sơ sinh, thì người vú nuôi tốt nhất là người vú nuôi mới ở cữ. Đó phải là một người khỏe mạnh cả về tâm hồn lẫn thân thể. Nếu ta chọn một phụ nữ có nhiều tật xấu, trẻ sẽ phải chịu nhiều hạn chế, khó khăn trong quá trình phát triển bản thân.
Mặc dù có bàn đến vai trò và sự ảnh hưởng của người vú nuôi trong chăm sóc, dạy dỗ trẻ em; nhưng xét đến cùng, Rousseau vẫn đánh giá cao sự chăm sóc của cha mẹ đối với con cái họ, vì ông cho rằng người vú nuôi thực thụ của trẻ là người mẹ, người gia sư thực thụ của trẻ là người cha.