3.2.1.1. Mục tiêu của biện pháp
- Nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên và học viên về vai trò, lợi ích, ý nghĩa của ứng dụng CNTT&TT trong dạy học trực tuyến, hiểu đúng bản chất DHTT như là một phương pháp học tập và tiếp cận tri thức mới phù hợp với thực tiễn, đáp ứng nhu cầu của người học và nâng cao chất lượng đào tạo. - Tạo sự nhất trí cao của toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên, trên cơ sở đó đẩy mạnh việc triển khai DHTT tới các môn học khác phù hợp với hình thức đào tạo này. - Tạo sự hứng thú, chủ động và tích cực ở mỗi học viên khi tham gia học, trên cơ sở đó đẩy mạnh nội dung học tập và lôi cuốn học viên.
78
3.2.1.2. Nội dung của biện pháp
- Nhận thức có vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo hoạt động. Nhận thức là tiền đề, cơ sở của hành động, nhận thức đúng thì hành động mới đúng. Chúng tôi chọn lựa và đề xuất biện pháp “Nâng cao nhận thức cho cán bộ, giảng viên và học viên về hoạt động dạy học trực tuyến” xem như là biện pháp có vị trí quan trọng hàng đầu và mang tính quyết định cho việc phát triển DHTT của Trường Đại học Ngoại ngữ - ĐHQG Hà Nội.
- Những đơn vị tham gia hoạt động này cần phải quan tâm, hiểu rõ vai trò của CNTT&TT trong việc đổi mới phương pháp QLGD, đổi mới PPDH thì mới có thể thúc đẩy việc triển khai DHTT đạt hiệu quả cao. Nhận thức được các vấn đề đó, mỗi cán bộ quản lý, giảng viên phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, đặc biệt là cấp quản lý cần có chiến lược phù hợp nhằm ứng dụng CNTT&TT vào giảng dạy. Người giảng viên cần vận dụng linh hoạt các PPDH có sử dụng thiết bị và CNTT. - Học viên là chủ thể rất quan trọng quyết định tới sự thành công trong việc triển khai hoạt động DHTT. Tổ chức truyền thông các chủ trương, chính sách, kế hoạch đào tạo của nhà Trường về việc DHTT là rất cần thiết, cần cụ thể hoá các chủ trương, chính sách bằng cách kế hoạch hành động, đồng thời xây dựng các quy định đánh giá ý thức tự giác, tự nguyện tham gia học tập.
- Việc trang bị và nâng cao nhận thức trong việc tiếp cận với CNTT&TT để phục vụ học tập, tự học, tự nghiên cứu của học viên cũng là một nội dung cần quan tâm. Bởi lẽ, người học chưa thấy sự hứng thú trong HTTT, một phần là do kỹ năng, hiểu biết về sử dụng thiết bị CNTT&TT hay sử dụng phần mềm bị hạn chế. Do vậy khi họ làm chủ được các thao tác thì sẽ nảy sinh mong muốn khám phá, nhận thấy sự cần thiết của việc chủ động, tự giác trong chiếm lĩnh tri thức, tận dụng tối đa những điều kiện hiện có để học tập, tìm kiếm những nguồn thông tin trên mạng Internet nhằm củng cố kiến thức và nâng cao trình độ.
79
3.2.1.3. Tổ chức thực hiện
- Tổ chức tuyên truyền hoặc cử cán bộ, giảng viên, tham gia các chương trình hội thảo, các lớp bồi dưỡng về ứng dụng CNTT&TT trong giáo dục, về DHTT v.v.. nhằm nâng cao hiểu biết về triển khai và ứng dụng CNTT&TT trong đổi mới phương pháp quản lý, dạy học, sau đó các cán bộ giảng viên được tham gia sẽ về trường phổ biến những kiến thức, hiểu biết về DHTT cho giảng viên và cán bộ trong toàn trường.
- Tổ chức các buổi hội thảo, hướng dẫn triển khai các nghị quyết, chỉ thị, văn bản hướng dẫn ứng dụng CNTT&TT, quản lý việc ứng dụng CNTT&TT trong cơ sở đào tạo, các hình thức tổ chức DHTT.
- Mời chuyên gia, giảng viên về nói chuyện, trao đổi kinh nghiệm triển khai DHTT để học hỏi kinh nghiệm, vận dụng thực tiễn. Nhà trường cần tổ chức rút kinh nghiệm triển khai một cách nghiêm túc nhằm điều chỉnh phù hợp các quy định cũng như kiểm điểm trách nhiệm tham gia tổ chức lớp học của các cá nhân, đơn vị liên quan.
- Tổ chức hướng dẫn cho toàn thể cán bộ, giảng viên và học viên cách sử dụng, thao tác trên hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến.
- Xây dựng các đề tài nghiên cứu về dạy học trực tuyến Elearning và giao nhiệm vụ cho từng đơn vị hoặc cá nhân để tìm hiểu và đề xuất các biện pháp triển khai DHTT.
- Xây dựng và áp dụng các quy định, quy chế đánh giá ý thức tham gia học tập đối với học viên, trách nhiệm đôn đốc học tập của cán bộ phụ trách lớp.
80