XIX, đầu thế kỷ XX
Từ nửa sau thế kỷ XVIII, chế độ phong kiến Việt Nam rơi vào khủng hoảng triền miên. Thế kỷ XIX, nhà Nguyễn tiếp tục củng cố chính thể nhà nước quân chủ theo hướng ngày càng tập quyền chuyên chế. Sự lựa chọn này đã lỗi thời nên đã kìm hãm lịch sử phát triển, tạo thêm khủng hoảng xã hội, làm triệt tiêu các yếu tố tích cực của tư tưởng dân chủ truyền thống, giảm sức sống của dân tộc.
Lo sợ trước sự phản kháng của khởi nghĩa nông dân liên tiếp nổ ra, triều Nguyễn tôn sùng hơn nữa hệ tư tưởng Hán, Tống Nho và tầng lớp hủ nho. Nhà Nguyễn bắt chước, dựa vào Trung Quốc thi hành đường lối chuyên chế tập quyền. Về đối nội, các vua quan nhà Nguyễn không chịu cải cách thể chế, ngược lại thể chế pháp luật hóa điều Lễ, luật pháp hóa đạo đức Nho giáo xây dựng thành những điều luật hà khắc để đè bẹp sự đổi mới, chống đối, chủ trương trọng nông, ức thương. Tệ nạn tham nhũng, ức hiếp ở chốn hương thôn phổ biến. Về đối ngoại, nhà Nguyễn thi hành chính sách “bế quan toả cảng”, không cho phát triển trao đổi thương nghiệp, văn hoá với nước ngoài, nhất là các nước phương Tây.
Năm 1876, trong đầu đề của một bài văn sách của khoa thi Đình, có câu: “Nước Nhật Bản theo học các nước Thái Tây mà được phú cường. Vậy nước ta có nên bắt chước không? “Nhất loạt các nho sĩ dự thi đều tâu rằng: “Nhật Bản thưở trước vẫn theo văn minh của nước Tàu, mà bây giờ thay đổi thói cũ theo nước Thái Tây, thì dầu là có phú cường, về sau này cũng hoá ra mọi rợ!”.
Với chính thể chuyên chế cộng với chính sách lạc hậu, bảo thủ kìm hãm các nhân tố dân chủ truyền thống như trên, triều đình nhà Nguyễn đã đưa nước ta suy yếu về mọi mặt, tạo điều kiện cho sự xâm lược của thực dân Pháp.
Năm 1858, thực dân Pháp tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. Trước một kẻ thù mới khác về chất, với sức mạnh súng đạn, tàu đồng, đầy mưu mô, nhà Nguyễn suy yếu về thế và lực vì những lợi ích của giai cấp mình đã nhu nhược đi đến chỗ đầu hàng. Nhiều phong trào đấu tranh vẫn nổ ra chống lại thực dân Pháp xâm lược, nhưng vẫn tôn sùng hệ tư tưởng quân chủ phong kiến, đánh đổi sinh mạng của mình vì vua. Từ năm 1884 với hiệp ước Patơnốt, xã hội Việt Nam trở thành thuộc địa, nửa phong kiến. Đây chính là những bối cảnh, điều kiện làm xuất hiện tư tưởng thể chế chính trị ở Phan Bội Châu và tác động đến sự chuyển biến tư tưởng ở ông, trong đó có tư tưởng chính thể.