Trên bề mặt thực dân Pháp du nhập một lớp màng kinh tế thuộc địa cùng với việc vẫn duy trì nền kinh tế phong kiến địa chủ – tá điền tại nông thôn, bảo trợ tầng lớp tay sai cường hào làng xã để bóc lột nhân dân. Chúng cũng biến Việt Nam thành một thị trường độc quyền cho các sản phẩm của chính quốc. Để khai thác nguồn nguyên vật liệu dồi dào, bóc lột nhân công rẻ mạt, thực dân Pháp đã xây dựng phương thức sản xuất mới, tiến bộ ở Việt Nam, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa tại thuộc địa. Nhưng đó chỉ là một phương thức có tính sân sau của sản xuất tư bản chủ nghĩa thuộc địa, phụ thuộc vào chính quốc. Tuy vậy, nền kinh tế mới hình thành cũng đã tác động đến cơ cấu kinh tế cũ, nền sản xuất nông nghiệp không còn là độc tôn. Nhiều nhà máy, công trường, hầm mỏ, hải cảng mới mọc lên. Đây cũng chính là điều kiện thuận lợi để các luồng tư tưởng mới thâm nhập vào nước ta. Mặt khác, “nó cũng làm phá sản chính sách bế quan tỏa cảng của triều đình nhà Nguyễn, làm cho Việt Nam tiếp xúc được với thế giới, nhất là với châu Âu tư bản chủ nghĩa, mặc dù thực dân Pháp đã giăng một hàng rào quan thuế khá chặc chẽ và bắt buộc Việt Nam chỉ được sống với thân phận kẻ phụ thuộc, làm cái đuôi cho tư bản Pháp và chỉ được phép có quan hệ với riêng một nước Pháp mà thôi” [69, 21]. Nền kinh tế Việt Nam thời kỳ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, về căn bản là nền kinh tế tự cung, tự cấp, trên thực tế, các phương thức sản xuất lạc hậu cũ vẫn giữ một vai trò quan trọng. Lúc này trong xã hội Việt Nam đang diễn ra một cuộc cọ xát gay go giữa cái cũ và cái mới. Kết cục, nhiều khi lại là sự chiến thắng của cái cũ. Điều này khiến nhân dân vô cùng quẫn bách, tìm đường giải phóng.