Quyền sống

Một phần của tài liệu Quan niệm của C. Mác và Ph. Ăngghen về quyền con người (Trang 67)

8. Kết cấu của luận văn

2.2.1. Quyền sống

Mác và Ăngghen khẳng định: “Những tiền đề” xuất phát trong nghiên cứu của các ông là những con người, những cá nhân “con người sống”. Họ là những “những cá nhân sống, hiện thực”, những tiền đề hiện thực mà “người ta chỉ có thể bỏ qua trong trí tưởng tượng mà thôi” [47, tr 38]. Đó là những con người đang hành động, những con người bằng xương bằng thịt, không phải những con người chỉ tồn tại trong lời nói, trong ý nghĩ, trong tưởng tượng. Chính việc xác định đúng xuất phát điểm trong nghiên cứu, đối tượng thụ

63

hưởng các quyền, Mác và Ăngghen đã xây dựng nên hệ thống những quyền cơ bản cho con người.

Quyền sống được xem là quyền cao quý, thiêng liêng nhất, là cơ sở cho mọi quyền khác của con người. Tất cả những luận giải của các nhà triết học trong các học thuyết chính trị - xã hội của mình đều nhằm đến mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền sống cho con người, Mác và Ăngghen cũng không phải ngoại lệ. Cũng như các nhà triết học tiền bối, Mác và Ăngghen cho rằng quyền sống là quyền thiêng liêng của con người. Đó là quyền không ai có thể tước bỏ hay xâm phạm, là quyền được sống xứng đáng với bản chất người của mình, được sống trong hòa bình, trong hạnh phúc.

Trước hết, theo các nhà kinh điển, quyền sống là một khái niệm dùng để chỉ nhu cầu về sự tồn tại người như một “thực thể tự nhiên” và nhu cầu về sự khẳng định mình là một “sinh vật có tính loài”. Đó là quyền được “tồn tại”, “là nhu cầu khẳng định sự hiện hữu, hiện tồn của con người như một thực thể - tự nhiên – sống”. Hay nói theo cách khác, để sống, để tồn tại, con người cần phải được đảm bảo những nhu cầu vật chất thiết yếu nhất, liên quan trực tiếp đến sự sống, để duy trì, đảm bảo sự sống. Mác viết: “Tiền đề đầu tiên của toàn bộ lịch sử nhân loại thì dĩ nhiên là sự tồn tại của cá nhân những con người sống” [47 tr 29] và “tồn tại của con người là quá trình đời sống hiện thực của con người” [47, tr 37]. Hiển nhiên là quá trình lịch sử đó phải được bắt đầu từ cái nền tảng đầu tiên “con người sống”, con người phải tồn tại, phải được đảm bảo ăn, mặc, ở, đi lại...

Quan niệm về quyền sống của các nhà kinh điển không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp là sự toàn vẹn tính mạng mà còn bao hàm khía cạnh bảo đảm sự “tồn tại” của một CON NGƯỜI. Mác viết: “Cố nhiên, ăn, uống, hành vi sinh dục… cũng là chức năng thực sự của con người. Nhưng nếu tách chúng ra khỏi phạm vi những hoạt động khác của con người và biến chúng thành những mục đích cuối cùng và duy nhất thì chúng mang tính súc vật” [62, tr 133]. Hơn nữa, với Mác sống không chỉ là sự tồn tại của thể xác, “sống cách biệt và xa lánh, không có hoạt động gì về mặt tinh thần và không có gì thay

64

đổi lớn trong hoàn cảnh sinh hoạt của mình”, “về mặt tinh thần họ trầm lặng như tờ” [2, tr 334]. Điều đó có nghĩa là, sống không chỉ là sự tồn tại của thể xác sinh học mà còn phải sống về mặt tinh thần, ghi lại dấu ấn của mình trong cuộc sống. Mác không chấp nhận để con người “chỉ sống vì những lợi ích nhỏ mọn của bản thân, vì cái khung cửi, vì mảnh vườn cỏn con và không biết gì đến phong trào mạnh mẽ đang lôi cuốn toàn thể loài người ở bên ngoài xóm làng của họ”. Bởi với Mác và Ăngghen “lối sống thật ra đầy thi vị và rất ấm cúng” ấy “lại không xứng đáng với một con người”, và “thực ra họ không phải là những con người, mà chỉ là những cái máy làm việc phục vụ cho một số ít nhà quý tộc” [2, tr 334]. Con người cần sống một cuộc sống xứng đáng với bản chất người của mình. Do đó, Mác khẳng định, khi mọi người còn chưa thể đảm bảo đầy đủ cả lượng và chất cho việc ăn, mặc, ở của mình, thì họ, về căn bản, vẫn chưa được giải phóng. Bởi đó là những điều kiện căn bản nhất để đảm bảo cho con người được sống với phẩm giá của một con người.

Để sống, để tồn tại, con người trước hết cần phải có thức ăn, nước uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác…, người ta phải thực hiện hằng ngày hằng giờ để duy trì đời sống con người. Và do vậy, “hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất trong những tư liệu để thỏa mãn những nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất” [47, tr 40]. Các ông đã chứng minh rằng, chính hoạt động sản xuất vật chất của những cá nhân hiện thực ấy là điểm xuất phát của lịch sử. Bởi lẽ, một cách kinh nghiệm có thể thấy rằng, con người phải có đủ ăn, đủ mặc, ở và đi lại … thì mới có thể “làm ra lịch sử” và do vậy, “hành vi lịch sử đầu tiên” là hành vi bảo đảm sự tồn tại hiện thực của con người, nghĩa là hoạt động sản xuất vật chất, là sự sản xuất ra đời sống vật chất phục vụ chính bản thân con người.

Ở đây, các ông đã gắn quyền sống của con người với nghĩa vụ lao động. Mác và Ăngghen đã chỉ ra rằng, ngay từ đầu, để khẳng định mình là một sinh vật có tính loài, một nhân tính – tự do tách khỏi tự nhiên, đứng đối diện với giới tự nhiên thì con người cần phải lao động sản xuất. “Hành vi lịch sử đầu tiên” không có nghĩa là chỉ ở thời điểm xuất phát của lịch sử loài người mới

65

tồn tại hành vi này, mà nó vẫn tồn tại chừng nào loài người còn tồn tại, chừng nào loài người còn hướng tới sự tồn tại của bản thân mình. Quá trình lao động đó diễn ra liên tục và thúc đẩy lịch sử xã hội loài người tiến lên.

Cùng với việc khẳng định quyền sống là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của con người, Mác và Ăngghen đã lên tiếng bênh vực con người, bảo vệ quyền sống của con người, phê phán tư tưởng phản động của các nhà kinh tế học tư sản khi tuyên truyền “thuyết nhân khẩu” mang tính thù ghét nhân loại khi họ nói: “những người nghèo chúng mày có quyền sống, nhưng chỉ có quyền sống thôi, chúng mày không có quyền sinh sôi nảy nở và càng không có quyền sống như con người” [2, tr 684]. Với Mác và Ăngghen, không có gì quý giá hơn con người, quý giá như quyền sống của con người. Vậy mà, giá trị sống của con người lại bị xã hội chà đạp, xâm phạm nghiêm trọng. Đặc biệt là những người công nhân trong xã hội tư bản không có một phút rỗi rãi nào, “một người mà toàn bộ cuộc đời – không kể những lúc nghỉ do những nhu cầu thuần túy về thể xác quyết định như để ngủ, để ăn,… - bị lao động cho nhà tư bản ngốn hết, - một người như thế bị dồn vào tình trạng còn kém hơn một xúc vật để thồ. Bị kiệt sức về mặt thể xác và trở lên thô lỗ về mặt tinh thần, người đó chỉ là một cái máy để sản xuất ra của cải cho kẻ khác” [56, tr 199 - 200]. Họ sống cuộc sống chẳng khác gì một con vật, chỉ có thể sống khi được những kẻ khác cho phép. Vậy là những lời hứa của giai cấp tư sản về “tự do, bình đẳng, bác ái” trở nên vô nghĩa, chỉ là lý luận suông, ngay đến quyền sống tối thiểu cho người công nhân, họ cũng chẳng thể đảm bảo.

Với tình yêu thương và trân quý con người hết mực, các nhà kinh điển không chỉ phê phán xã hội đã chà đạp quyền con người mà còn xây dựng con đường để hiện thực hóa các quyền cơ bản của con người, để đảm bảo quyền sống cho mọi người. Đó là con đường cách mạng vô sản, xóa bỏ chế độ tư hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, thiết lập chế độ công hữu và bằng nền sản xuất xã hội ấy, mọi thành viên trong xã hội sẽ có “một cuộc sống không những hoàn toàn đầy đủ về vật chất và ngày càng phong phú hơn, mà còn

66

đảm bảo cho họ phát triển và vận dụng một cách hoàn toàn tự do và đầy đủ những năng khiếu thể lực và trí lực của họ nữa” [4, tr 392].

Và hơn thế nữa, quyền sống không phải chỉ là quyền tồn tại thuần túy mà nó còn bao hàm cả quyền phát triển. Mác viết: “Những tiền đề ấy là những con người, không phải những con người ở trong một tình trạng biệt lập và cố định tưởng tượng, mà là những con người trong quá trình phát triển – quá trình phát triển hiện thực và có thể thấy được bằng kinh nghiệm – của họ dưới những điều kiện nhất định” [47, tr 38]. Điều đó có nghĩa là Mác luôn đặt con người trong quá trình vận động và phát triển không ngừng. Con người không bao giờ tồn tại một cách biệt lập, cố định trong tưởng tượng. Quá trình đời sống hiện thực của con người là một quá trình sôi động và luôn luôn phát triển. Sự phát triển ấy có thể nhận thấy bằng kinh nghiệm của con người. Như vậy, con người muốn phát triển, trước hết con người phải hiện tồn, và để duy trì trạng thái hiện tồn của mình chỉ có thể bằng con đường duy nhất là phát triển. Hơn nữa, để con người được phát triển toàn diện bản thân, họ không những cần được đảm bảo đầy đủ các quyền kinh tế mà cần có cả những quyền chính trị, văn hóa; chỉ khi nào những quyền đó được đảm bảo, con người mới có cuộc sống đúng nghĩa “CON NGƯỜI”.

Như vậy, Mác và Ăngghen hiểu “con người sống” không đơn giản chỉ là tồn tại của một cơ thể sinh vật, tự nhiên; mà “con người sống” phải là con người đang hoạt động, đang lao động sản xuất, phải có những hoạt động tinh thần sôi nổi, phải tham gia vào đời sống xã hội. Lao động không chỉ tạo ra của cải nuôi sống con người mà còn giúp con người đứng vững trong xã hội, nâng con người lên “địa vị làm người”. Lao động làm cho con người có cuộc sống tự do, lành mạnh, chân thực, hạnh phúc và sống không uổng phí thời gian. Quyền sống là quyền quan trọng nhất trong tất cả các quyền, nó là tiền đề cho mọi quyền khác và thông qua nó mà con người sáng tạo ra toàn bộ những giá trị văn hóa của loài người.

Tóm lại, có thể thấy nhiều chân lý trong học thuyết Mác về vấn đề con người giản dị đến bất ngờ, điều đó xuất phát từ “cái sự thật hiển nhiên nhưng

67

đã bị hàng đống tư tưởng che lấp”: “Trước hết, con người cần phải ăn, uống, ở và mặc nghĩa là phải lao động, trước khi có thể đấu tranh để giành quyền thống trị, trước khi có thể hoạt động chính trị, tôn giáo, triết học…” [3, tr 166]. Đó là quyền được sống xứng đáng với bản chất con người, việc bảo tồn sự sống không phân biệt địa vị, đẳng cấp của con người. Mở rộng hơn nữa, Mác và Ăngghen đã chỉ ra rằng quyền sống không chỉ là quyền sinh tồn của mỗi người, mỗi cá nhân mà nó còn là quyền sinh tồn của một cộng đồng, một dân tộc (thậm chí của toàn nhân loại). Quan niệm về quyền sống của các ông mang tính nhân văn sâu sắc.

Một phần của tài liệu Quan niệm của C. Mác và Ph. Ăngghen về quyền con người (Trang 67)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)