Tự lực văn đoàn trong tiến trình hiện đại hoá văn học dân tộc

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Tự lực văn đoàn qua hai tác giả tiêu biểu Khái Hưng và Thạch Lam (Trang 25)

VÀ TRUYỆN NGẮN KHÁI HƯNG, THẠCH LAM 1.1 Tự lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc

1.1.2.Tự lực văn đoàn trong tiến trình hiện đại hoá văn học dân tộc

Ngay từ khi tiếp nhận Phong hoá mới và những ngày đầu khi vừa thành lập, các nhà văn, nhà báo trong Tự lực văn đoàn do Nhất Linh đứng đầu có chủ trương và duy tân cấp tiến. Họ muốn đả phá cái xã hội Nho Phong với tập tục, lễ giáo mà thế hệ cũ gọi là quốc tuý, quốc hồn, đả phá nhất là những "hủ tục" của dân quê sau luỹ tre xanh, đả phá cái không khí sầu bi, phong thái đạo mạo, những thành kiến chán đời của lớp người đứng tuổi trong xã hội khi ấy. Thay vào đó, họ đưa ra một số quan niệm sống Âu hoá, những tư tưởng tự do cá nhân, hạnh phúc vật chất, chủ nghĩa yêu đời, “vui vẻ trẻ trung” nhất là đối với lớp người trẻ.

Quan niệm về xã hội nhân sinh ấy của Tự lực văn đoàn dần dần ngả sang mục tiêu chính trị: đả kích quan lại phong kiến, tẩy chay chế độ thực dân bù nhìn, tố cáo những bất công xã hội, đòi hỏi tự do và dân chủ. Có thể nói, lần đầu tiên trên văn đàn Việt Nam, người ta nghe thấy một tiếng nói dõng dạc và tự tin về quyền sống, quyền viết như thế. Tiếng nói ấy đã gây được tiếng vang trên văn đàn và gây được niềm tin trong độc giả. Họ đã thực hiện được những cuộc cách mạng bằng hành động thiết thực nhất: thành lập Hội Ánh sáng, đồng thời cho ra đời một tuyên ngôn làm kim chỉ nam cho mọi hành động của nhóm: "Tự lực văn đoàn họp những người đồng chí trong văn giới, người trong đoàn với nhau cốt có liên lạc về tinh thần, càng theo đuổi một tôn chỉ, hết sức giúp nhau để đạt được mục đích chung, hết sức che chở nhau trong những công cuộc có tính cách văn chương". Tôn chỉ ấy gồm 10 điều như sau:

1. Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương chứ không phiên dịch sách nước ngoài nếu những sách này chỉ có tính cách văn chương thôi, mục đích là để làm giàu thêm văn sản trong nước.

2. Soạn hay dịch những quốc sách có tư tưởng xã hội. Chú ý làm cho người và cho xã hội ngày một hay hơn lên.

3. Theo chủ nghĩa bình dân, soạn những cuốn sách có tính cách bình dân và cổ động cho người khác yêu chủ nghĩa bình dân.

4. Dùng lối văn giản dị dễ hiểu, ít chữ Nho, một lối văn thật có tính cách An Nam.

5. Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có trí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. 6. Ca tụng những nết hay vẻ đẹp của nước mà có tính cách bình dân,

khiến cho người khác đem lòng yêu nước một cách bình dân. Không có tính cách trưởng giả quí phái.

7. Trọng tự do cá nhân.

8. Làm cho người ta biết rằng đạo Khổng không hợp thời nữa.

9. Đem phương pháp khoa học Thái tây ứng dụng vào văn chương Việt Nam. 10. Theo một trong chín điều này cũng được, miễn là đừng trái ngược với những điều khác. [58].

Thực chất của mười tôn chỉ trên chính là những nguyên tắc về nội dung, nghệ thuật đồng thời là quan điểm sáng tác của Tự lực văn đoàn. Xác định rõ mục tiêu và quan điểm sáng tác, các nhà văn trong Tự lực văn đoàn đã liên tiếp gặt hái bội thu được những thành tựu lớn. Hàng loạt tác phẩm trên nhiều thể loại mới xuất hiện, gây chấn động lớn trong đời sống văn học. Các tác giả đã thể hiện ở đủ mọi thể loại: truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết, phóng sự, bút ký, tiểu luận, phê bình, thơ, kịch... đáp ứng yêu cầu của một nền văn chương hiện đại. Tuỳ theo năng lực, sở trường và điều kiện của từng thành viên, mỗi cây bút trong Tự lực văn đoàn đều đã để lại những tác phẩm có nhiều đóng góp và giữ vị trí xứng đáng trên văn đàn dân tộc. Sức sáng tạo của mỗi người trong văn đoàn không chỉ tính bằng số lượng tác phẩm mà cái chính là chất lượng. Mỗi trang viết của họ đều tiềm ẩn nhiều giá trị, thể hiện quan điểm về xã hội, nhân sinh. Trương Chính có nhận xét: "Chúng tôi căn cứ vào tôn chỉ, mục đích Tự lực văn đoàn đề ra, rồi xem xét cách họ thực hiện. Họ, mỗi người có hàng chục tác phẩm, chẳng ai giống ai, chẳng tác phẩm nào giống tác phẩm nào, chẳng hạn Khái Hưng chuyên về vấn đề gia đình, Nhất Linh thiên về vấn đề xã hội, Thạch Lam thiên về đi sâu vào tâm lý, Hoàng Đạo thiên về "cải cách nông thôn". Tú Mỡ thiên về thơ trào phúng, Thế Lữ thiên về thơ lãng mạn, tiểu thuyết đường rừng, tiểu thuyết trinh thám... Người đứng đầu là Nhất Linh, tức Nguyễn Tường Tam, viết văn hay đã đành, mà lại có óc tổ chức, có nhiều sáng kiến. Những người ghét ông cũng phải phục, muốn bắt chước cũng không bắt chước được. Nói gì thì nói, nhóm Tự lực văn đoàn của ông có một vai trò rất lớn trong sự phát triển văn học của ta những năm ba mươi" [58]. Đây cũng là sự khẳng định vị thế Tự lực văn đoàn với tư cách là một tổ chức văn học đáp ứng nhu cầu phát triển của một nền văn học mới - nền văn học Việt Nam hiện đại, nó đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình ngay trong thời kỳ đầu mà ta có thể tính từ 1932 (năm báo Phong hoá mới số 14 ra đời) đến năm 1942 (năm Thạch

Lam mất). Đây là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất, khẳng định công lao và những đóng góp của Tự lực văn đoàn, sau đó, do xa dần tôn chỉ, mục đích tiến bộ ban đầu mà văn đoàn đề ra, Tự lực văn đoàn dần bị phân hoá, thoái trào và tan rã.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Tự lực văn đoàn qua hai tác giả tiêu biểu Khái Hưng và Thạch Lam (Trang 25)