Giọng triết lý nhân sinh

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Tự lực văn đoàn qua hai tác giả tiêu biểu Khái Hưng và Thạch Lam (Trang 107)

THẾ GIỚI NHÂN VẬT TRONG TRUYỆN NGẮN CỦA KHÁI HƯNG VÀ THẠCH LAM

3.3.2.Giọng triết lý nhân sinh

Mỗi nhà văn có một chất giọng riêng, nó thể hiện cái tạng, cái chất của từng người. Chứng kiến những cảnh ngộ, những ngang trái, éo le trong cuộc

sống quanh mình, nhà văn là người ghi lại những đổi thay, những biến chuyển. Nhưng một điều cần phải thừa nhận rằng, những gì viết ra hời hợt, đơn giản sẽ không có sức sống lâu bền. Từ những cảnh ngộ ấy, con người ấy, mỗi nhà văn tìm cho mình một cách thể hiện, trực tiếp, gián tiếp… nhưng phải thể hiện được ý đồ, tư tưởng của mình. Sáng tác của Khái Hưng rất đa dạng, phong phú về giọng điệu: giọng trữ tình, giọng tự sự khách quan, giọng tâm tình trầm lắng... nhưng nổi bật hơn cả là giọng triết lý trong các truyện ngắn của ông. Dường như đằng sau mỗi truyện ngắn của Khái Hưng đều toát lên một triết lý mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Những suy nghĩ, trăn trở về cuộc đời, lẽ sống được nhà văn thể hiện qua những suy nghĩ của nhân vật, từ đó gợi cho người đọc những suy tư. Truyện Hai cảnh truỵ lạc kể về một gia đình vốn giàu có nhưng chẳng may bị sa sút, người em phải lên thành phố kéo xe bò. Người anh cho rằng em mình đã làm hoen ố thanh danh của gia đình, nhưng người em đáp: "Nghèo khác, thanh danh khác. Yên phận nghèo, làm việc để sống, sao lại tổn hại đến thanh danh được. Ở đời chỉ có sự lười biếng, ỷ lại mới là bê tha". Đó cũng chính là suy nghĩ của nhà văn về cuộc sống, phải biết yêu và tôn trọng lao động.

Không chỉ triết lý về lẽ sống, Khái Hưng còn triết lý về đạo đức làm người. Truyện ngắn Bến Hòn Gai xoay quanh số phận chị Đông nhỡ dại với anh thầy giáo, đẻ con ở ruộng lúa, đặt tên con là Ruộng Lúa. Ở phần kết tác giả dùng ngay câu chuyện này để liên tưởng đến chuyện khác: "Mười hai giờ đêm, tôi lên bến Quảng Yên, đến thuê phòng ngủ ở một khách sạn. Tới nơi, tôi gặp một thiếu niên âu phục sánh vai cùng một cô gái quê hấp tấp bước lên thang gác. Tôi mỉm cười nghĩ ngẫm: Biết đâu lại không có một thằng Khách Sạn ra đời".

Triết lý về đạo đức, tình người trong tác phẩm của Khái Hưng rất chua xót. Ông nói tới sự bội bạc trong tình yêu, sự nhẹ dạ ngây thơ của những cô gái quê và nói tới hậu quả của nó. Đó là những đứa con sinh ra không được sự che chở của cha mẹ phải sống lay lắt qua ngày ở một nơi tạm bợ nào đó. Triết lý đau đáu về nhân tình của ông là lời kêu gọi thức tỉnh lương tri, phải biết sống có trách nhiệm với chính bản thân mình và với xã hội. Có lẽ những điều ông suy nghĩ, chiêm nghiệm là những điều ông hàng ngày chứng kiến, thường ngày vẫn diễn ra trong cuộc sống. Những triết lý về đạo đức, về tình người

được nhà văn chắt gạn, đúc kết từ những cảnh đời cụ thể. Đoạn kết truyện

Biến đổi, Khái Hưng để nhân vật chua chát đau đớn về lẽ đời, về những điều

mình đã chứng kiến: "Hai năm sau, Lực và Đoàn không về xem hội Keo nữa. Mà hình ảnh cô gái quê con ông đồ nho đạo đức cũng không còn phảng phất trong trí nhớ hai chàng. Bỗng hôm nay, trên đường Yên Phụ, hai chàng gặp Hiền nhởn nhơ trong bộ y phục tân thời. Cả một quãng đời phóng đãng như in sâu dấu vết lên bộ mặt dạn dày mưa gió... Lực thở dài bảo Đoàn: - Nếu quả thực những người chết vẫn quanh quất chốn dương gian, thì biết bao những linh hồn sẽ đau đớn vì những biến đổi của người sống".

Chứng kiến xã hội với bao thay đổi đảo điên, giọng triết lý của Khái Hưng cũng chua chát, chế giễu. Ở điểm này, ông gần với nhà văn hiện thực phê phán Vũ Trọng Phụng. Vũ Trọng Phụng gọi xã hội là "xã hội chó đểu". Chủ đề, kết cấu, nhân vật của ông đều bị chi phối mạnh mẽ bởi nhãn quan "vô nghĩa lý" về đời sống. Vũ Trọng Phụng triết lý về sức mạnh của đồng tiền, về thế đạo nhân tâm trong xã hội chạy theo đồng tiền. Ông thấy: "Cuộc đời chó đểu chẳng có nghĩa lý gì... mà con người ở đời chẳng ai ăn ở ra cái quái gì"; hoặc là "sự đời chung quy lại chỉ là những vòng chạy trong đèn cù, luẩn quẩn loanh quanh, và truyện không thể nào khác được". Triết lý trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng đã tố cáo mạnh mẽ chế độ bất công tàn bạo đã vùi dập quyền sống, tha hoá nhân cách con người. Khái Hưng không có chất giọng như Vũ Trọng Phụng, cái mà nhà văn chủ trương khắc họa là những cảnh đời éo le, ngang trái của lớp người tiểu tư sản nghèo, của người dân lao, động nhưng cái đáng đề cao trân trọng chính là tình cảm giữa con người với nhau. Tiếng

dương cầm là câu chuyện cảm động về gia đình của Đoàn, vợ anh bị câm,

nhưng họ vẫn sống hoà thuận bên nhau. Khái Hưng để cho Đoàn nói lên những suy nghĩ thấm thía của anh về hạnh phúc, đó cũng là triết lý của Khái Hưng về hạnh phúc ở đời. Cũng chung một suy nghĩ về hạnh phúc như thế, trong truyện ngắn Thời chưa cưới, Khái Hưng kín đáo thể hiện triết lý về tình yêu: "Hạnh phúc là phải biết giữ gìn, vun đắp, nếu không nó sẽ bị mai một theo thời gian. Đôi vợ chồng Hoàn và Phát đến ngày cưới lại thấy chán nhau, chính là do họ đã không xây đắp, vun vén hạnh phúc của mình".

Khái Hưng sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả. So với phần lớn các nhà văn khác, ông sống đầy đủ, không phải lo miếng cơm, manh áo hàng

ngày. Cho nên, ông ý thức được rất rõ vai trò của đồng tiền trong xã hội lúc đó. Đồng tiền chi phối toàn bộ đời sống con người, đồng tiền khiến người ta giả dối, lừa lọc nhau. Trong truyện Đồng xu kể về tình cảnh một anh chàng Phiên thất nghiệp, nghèo đói, chỉ có duy nhất một đồng xu là tài sản. Anh ta phải nhịn đói, nhịn khát, thèm thuồng đủ thứ. Kết thúc truyện là suy nghĩ của Phiên trong nhà lao: "Tối hôm ấy, Phiên được ăn bữa cơm đầu tiên sau hai ngày nhịn đói, bữa cơm tù. Chàng vui vẻ nghĩ thầm: Thế mới biết công dụng của đồng xu to thực!". Nguyên do là trong lúc hứng chí Phiên đã vứt đồng xu cuối cùng của mình vào một nhà giàu có. Sau đó chàng tiếc rẻ lại trèo vào nhặt lại. Người nhà đã gọi cảnh sát bắt Phiên vào tù. Chỉ vì một đồng xu mà Phiên phải vào tù. Nhưng cũng nhờ vào tù mà Phiên lại được một bữa cơm no. Truyện vừa hài hước, vừa mỉa mai. Đồng tiền không còn là phương tiện luân chuyển trong xã hội mà nó trở thành cán cân để đong đo, và nó có thể làm thay đổi tất cả. Truyện được viết bằng giọng triết lý nhẹ nhàng mà sâu sắc.

Khái Hưng còn suy ngẫm khi đặt con người trong mối quan hệ với hoàn cảnh. Ông nhận ra hoàn cảnh có thể biến đổi con người: "Đời riêng của anh Niệm tôi không biết, tôi không rõ anh ấy sống bằng cách gì, anh ấy giàu hay nghèo, khổ sở hay sung sướng. Chẳng qua nhận thấy cái buồn rầu vô hạn trong mắt anh, và ngắm cái dáng điệu rụt rè bước đi chầm chậm, tôi đoán hiểu một đời khúm núm, nhút nhát trong một gia đình quyền quý". Đọc truyện của Khái Hưng, chúng ta nhận thấy tính triết lý in đậm trong rất nhiều truyện ngắn của ông. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn Vũ Ngọc Phan đã từng nhận xét: "Khái Hưng là một nhà tiểu thuyết có chừng mực và ông có một đặc điểm là truyện ngắn của ông, ông thường ngụ ý thật cao. Như vậy mới nghe tưởng như trái ngược, nhưng không có gì trái ngược cả, về người và việc trong các truyện, Khái Hưng tả rất bình dị, nhưng ở đoạn kết bao giờ tác giả cũng để cho người đọc một cảm tưởng xa xăm man mác" [81].

Thạch Lam lại khác, tuy số lượng tác phẩm của Thạch Lam không nhiều so với nhiều nhà văn cùng thời, nhưng do Thạch Lam chú tâm khai thác khả năng (bao gồm gợi tả, gợi cảm, gợi nhớ, gợi thương, gợi suy nghĩ về mọi phương diện: Không gian, thời gian, cuộc sống, lẽ đời, đạo đức...) và nhà văn không áp đặt, không dồn ép nhân vật mà để nhân vật tự thân thể hiện hồn nhiên, giống như khả năng vốn có của nó (cái giọng dửng dưng trong Trở về, Một cơn giận, Sợi tóc,...

chẳng hạn) nên truyện có khả năng mở ra nhiều chiều, khơi dậy khả năng tiếp nhận tiềm tàng của người đọc.

Trong truyện Một cơn giận, từ sự hối lỗi của nhân vật "tôi" với gia đình người phu xe, Thạch Lam đã đúc kết nhẹ nhàng về quan hệ ứng xử của con người. Chỉ vì một cơn giận, một câu nói của anh mà gây ra đau khổ và tai hoạ cho cả một gia đình, chứng kiến cảnh đó nhân vật tôi vô cùng hối hận từ đó nảy sinh những triết lý: "Sự giận dữ có thể sai khiến ta làm những việc nhỏ nhen không ai ngờ". "Sự đó nhắc cho tôi nhớ rằng, người ta có thể tàn ác một cách rất dễ dàng". Chính những câu nói đơn giản ấy đã giúp chúng ta học được cách đối nhân xử thế, ở mọi lúc mọi nơi nếu không bình tĩnh, chúng ta sẽ phạm vào những sai lầm lớn, những sai lầm khiến lương tâm ta luôn phải cắn dứt.

Mặc dù trong truyện ngắn Thạch Lam, chất triết lý không thể hiện rõ nét trên từng câu chữ, nhưng chúng ta vẫn thấy ẩn sâu trong mỗi truyện ngắn của ông là giọng điệu triết lý kín đáo. Qua cuộc đấu tranh tư tưởng giữa một bên là đạo đức, một bên là vô đạo đức của Thành (Sợi tóc) người đọc nhận biết được các dạng biểu hiện tâm lý trong con người anh ta. Nhìn ví tiền, Thành nảy sinh ý định ăn trộm, anh phân vân "lấy mấy tờ, độ 2 tờ, tại sao lại hai?" rồi nghĩ đinh ninh "hai trăm đối với hắn chắc hẳn là bao" và "mỉm cười" biện hộ rằng nếu mất tiền Bàn chỉ nghi cho nhân tình của hắn mà thôi... Đang miên man suy nghĩ, tưởng tượng đến món tiền mình có được dễ dàng, Thành bỗng "giật mình" khi nghe tiếng ai đó mời thuốc mà cứ ngỡ ý định xấu xa của mình bị phát hiện. Nhân vật Thành được nhà văn mô tả khá kỹ lưỡng từ hành động ngập ngừng, rụt rè, do dự, những trạng thái "bồn chồn nóng ruột", "băn khoăn day dứt", "lưỡng lự" đến thái độ điềm nhiên tuy có chút "bần thần ngơ ngác". Tự mình nhìn lại bản thân, Thành ngạc nhiên vì thấy "mình hãy còn là người lương thiện không phải là kẻ ăn cắp". Vượt qua cái ngưỡng đó, anh ta thấy lòng nhẹ nhõm, thanh thản, tâm trí "giãn ra như một cây tre uốn cong trở lại cái thẳng thắn lúc thường"[13]. Đó là một triết lý thầm kín mà nhân vật tự nhận ra qua hành động của mình. Nhưng nó lại trở thành một triết lý nhân sinh đối với tất cả mọi người: Mỗi người hãy tự điều chỉnh, tự ý thức hành động của mình sao cho lương tâm mình thanh thản để con người hướng đến những điều tốt đẹp hơn. Có thể thấy, giọng điệu triết lý nhân sinh trong truyện ngắn của Thạch Lam không phải giọng chủ đạo và thường là giọng triết lý nhẹ nhàng nhưng mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

Giọng điệu là yếu tố thể hiện rõ nhất phong cách của mỗi tác giả. Trong văn xuôi giai đoạn đầu thế kỷ XX, mỗi nhà văn tìm đến cho mình một cách thể hiện mới mẻ, khác xa với những cái vốn có của giai đoạn trước. Riêng nhóm Tự lực văn đoàn với những tên tuổi Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam,… đủ để tạo nên một sự cách tân mới lạ, vừa đa dạng vừa độc đáo, đặc sắc. Sự đan xen nhiều giọng điệu của những nhà văn đó cũng là một hiện tượng dễ nhận thấy và là một thành công đáng ghi nhận. Tất cả góp phần làm nên diện mạo đa dạng của văn chương đầu thế kỷ XX. Tự lực văn đoàn, hai cây bút Khái Hưng, Thạch Lam đã góp phần quan trọng cho sự đổi mới không chỉ giọng điệu của truyện ngắn mà còn phần nào khẳng định cho một kiểu tư duy độc đáo tân kỳ, mới mẻ và riêng biệt.

Một phần của tài liệu Truyện ngắn Tự lực văn đoàn qua hai tác giả tiêu biểu Khái Hưng và Thạch Lam (Trang 107)