Khuynh hướng bình dân hóa

Một phần của tài liệu Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 95)

6. Bố cục của luận văn

3.2.Khuynh hướng bình dân hóa

Có thể thấy khuynh hướng bình dân hóa là một trong những đặc điểm căn bản của văn nghệ miền Nam thời bấy giờ. Lý giải về điều này, Nguyễn Văn Xuân trong tác phẩm “Khi những lưu dân trở lại” đã nhấn mạnh tới yếu tố nguồn gốc dân cư và sự hình thành đời sống cộng đồng trong xã hội Đàng Trong. Cao Tự Thanh trong “Văn học Đàng Trong” lưu ý đến một khía cạnh nữa, đó là quá trình dân tộc hóa ở Việt Nam cũng như quá trình nhân dân hóa ở Đàng Trong xuất phát từ những thay đổi về hệ giá trị đã khiến cho Nho giáo, với tư cách là ý thức hệ chính trị chi phối mọi hoạt động tinh thần khác, trở nên không thuần nhất, ở đó “các yếu tố nhân dân hóa dường như lấn át yếu tố quan phương”; và tất nhiên “điều này cũng tác động tới quan niệm thẩm mỹ và hoạt động sáng tác” của các văn sĩ. Còn Nguyễn Văn Trung trong Lục châu học đã tiếp tục khai thác ý kiến của Nguyễn Văn Xuân, khu biệt với nền văn chương bác học ở Bắc Hà để khẳng định rằng ở miền Nam “họ chỉ có một dòng văn chương là dòng văn chương đại chúng”.

Nguồn gốc của cư dân Đàng Trong trước hết là những lưu dân người Việt di cư vào từ miền Bắc, và sau đó là miền Trung. Họ bao gồm, trước hết theo nghĩa gốc của từ “lưu dân” là những người bị chính quyền đày vào Nam, sau đó là những giáo dân

tránh sự đàn áp của chính quyền trong các đợt cấm đạo (1699, 1724…), những người bần cùng tự nguyện ra đi tìm cuộc sống mới ở vùng đất khác và quân lính phục viên tự nguyện ở lại. Họ phá đất khai hoang, chống lại các lực lượng đối kháng như thiên nhiên hoang dã với bao thú dữ, quân lực Đàng Ngoài hay người Chiêm Thành… Lãnh thổ Đàng Trong và cuộc sống đã hình thành trên đó là sản phẩm của một quá trình lao động cật lực từ buổi ban đầu, từ chỗ chỉ có hai bàn tay trắng, cho nên trong các tác phẩm văn chương của mình, cùng với sự thể hiện rõ nét hơi thở cuộc sống mới, người dân Đàng Trong không thể che giấu niềm tự hào về chính những điều mà họ đã tạo dựng. Mặt khác, trong hoàn cảnh mà tính chất của công việc khẩn hoang, ổn định đời sống mới không cho phép con người suy tư để tạo ra một nền văn chương bác học như ở Bắc Hà, ở đó “độc giả có thể cầm tác phẩm tự mình đọc thầm để suy tư và cái hay chính nằm trong lối xem và suy tư đó”39, đối với người Đàng Trong, “sự giải trí thật cần thiết mà môn giải trí nào cũng phải lấy dân chúng làm căn bản; mà đối tượng này không cần đọc, ngẫm nghĩ bằng xem, nghe, xúc động, cười cợt, hoa chân múa tay trước những bộ môn trình diễn, những bài thơ, vè, chuyện kể, ca hát, ca kịch v.v… rất dễ hiểu, cụ thể, vui ra vui, buồn ra buồn rõ ràng”40. Từ đấy, văn học cũng đi theo lối riêng của nó mà đối tượng hướng tới chính là đại quần chúng lao động và phương thức thể hiện là sự bình dân hóa.

Một trong những nguồn gốc cư dân Nam kỳ thời bấy giờ còn là những người nước ngoài, vì lý do chính trị hay tôn giáo đã di cư tới vùng đất mới này, đặc biệt là sự góp mặt của người Hoa và người Minh Hương. Nhiều người trong số họ đã đóng góp công lao đáng kể cho triều đình cũng như cho công cuộc khai khẩn đất hoang và xây dựng xã hội. Trong lĩnh vực văn chương, họ cũng có những đóng góp lớn mà Mạc Thiên Tứ (Mạc Thiên Tích) là đại diện tiêu biểu cho giai đoạn giữa thế kỷ XVIII. “Năm Vĩnh Hựu, Bính Thìn (1736) Mạc Thiên Tích kế tập tước cha, chiêu mộ văn sĩ,

39 Nguyễn Văn Xuân, “Khi những lưu dân trở lại”, Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân, Sđd, tr.551.

yêu chuộng từ chương, phong lưu tài vận nổi tiếng một cõi”. Tao đàn Chiêu Anh Các

mà ông sáng lập không chỉ đơn thuần là nơi gặp gỡ để sáng tác, xướng họa, bình phẩm thơ văn của các nho sĩ mà còn để truyền bá Nho học và lễ giáo phong kiến, bàn bạc về thời thế và dạy học cho các con em nhà nghèo. Lực lượng tham gia sáng tác của tao đàn này bao gồm cả người Việt và người Hoa. Ngoài những người Hoa và Minh Hương như Trần Hoài Thủy, Tô Dần đạo sĩ, Hoàng Long hòa thượng… thì phần nhiều là những người Trung Hoa sống tại nước họ, chưa từng đặt chân tới Hà Tiên. Bởi vậy, hoạt động xướng họa của nhóm Chiêu Anh Các đã tạo những ảnh hưởng tích cực tới không khí văn học không chỉ ở Hà Tiên lúc bấy giờ mà còn ở phạm vi ngoài dân tộc. Chính hình thức sinh hoạt văn chương theo kiểu tao đàn này cũng phần nào ảnh hưởng tới các sáng tác văn học, thâu nhận thêm vào đó tính tập thể và bình dân. Điều này ảnh hưởng tới văn chương Nam kỳ với sự hình thành của các thi xã như Gia Định tam gia

hay Bạch Mai sau này.

Là người Minh Hương, Trịnh Hoài Đức và Ngô Nhơn Tĩnh đã hòa nhập vào đời sống cộng đồng cư dân Việt và trên phương diện nào đó, sự gắn bó của các ông đối với mảnh đất Gia Định càng thêm phần sâu sắc khi nó còn là cơ duyên và nặng nghĩa tri ân. Lê Quang Định mồ côi từ nhỏ phải lưu lạc vào Nam, hẳn là mảnh đất ấy đối với ông cũng thiêng liêng, giàu ý nghĩa. Hoài Đức có dòng dõi từ một thương nhân, cho nên trong thơ ông còn vương lại những dấu vết của quãng đời buôn bán cũ:

“Phù tra thứ nhật như tương ngộ,

Ưng cộng Trương Khiên nhập Hán kinh” (Ngày xưa bè sứ mà may gặp,

Cũng đã theo người tới Hán kinh)

“Nguồn gốc xuất thân cùng với không gian xã hội nói trên đã đào luyện họ thành một loại trí thức của đời thường, một loại trí thức mà học vấn và tài năng thường xuyên được kiểm nghiệm qua thực tiễn hoạt động nhiều khi cả vì miếng cơm manh áo

trong cuộc sống thường nhật”41. Chính bởi vậy mà thơ của họ viết theo khuynh hướng bình dân hóa, tràn đầy hơi thở của cuộc sống đời thường, gần gũi với nhân dân.

Thơ của Mạc Thiên Tích và nhóm Chiêu Anh Các chủ yếu là ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, tự hào về cơ nghiệp được dựng xây bởi sự hào phóng của thiên nhiên và bàn tay con người. Đó là cảnh đẹp của hòn đảo nhỏ ở cửa biển Hà Tiên (Kim dự lan đào), dãy núi trùng điệp màu xanh cây lá có khu lăng mộ vị khai quốc công thần Mạc Cửu (Bình san điệp thúy), tiếng chuông chùa vang lên trong buổi sớm tĩnh mịch (Tiêu tự thần chung), cảnh thành quách hai bên bờ rạch Giang Thành (Giang Thành dạ cổ), cảnh “gió núi tung vút màu xanh lên cao đến sông trời”, “hang động thì lung linh có chứa ngọc bích” (Thạch động thôn vân)… Tuy nhiên, cảm hứng của Mạc Thiên Tích chủ yếu bắt nguồn từ cảnh vật, sự lý giải về vẻ đẹp chủ yếu từ lẽ “thiên thời địa lợi nhân hòa”. Thiên nhiên trong thơ Mạc Thiên Tích là thiên nhiên hùng vĩ, bao trùm lên cuộc sống con người, ảnh hưởng sâu sắc tới họ, chẳng hạn trong bài họa Kim dự lan đào, nhà thơ viết:

“Ngăn ngừa nước dữ khôn vùng vẫy, Che chở dân lành khỏi ngửa nghiêng”

Sự hòa hợp giữa trời và đất trong cảnh núi mây ở Thạch động thôn vân, giữa trời và nước trong cảnh đêm trăng ở Đông Hồ ấn nguyệt… cho thấy cái vĩ đại của tự nhiên trong việc tác động tới đời sống con người. Nơi chim bay về sinh sống và làm tổ cũng là nơi con người chọn để sinh nhai, bởi “đất lành chim đậu”, “biết chỗ mà nương ấy mới khôn”. Màu xanh non nước ở Lộc Trĩ chính là màu no ấm mà con người cần tìm đến bởi “đâu no thì đó là an lạc”… Trong thơ Mạc Thiên Tích, thiên nhiên hiện lên với tất cả uy quyền của nó, con người chịu sự tác động mạnh mẽ từ các quy luật ấy, và sự thành công của họ có vẻ như phụ thuộc nhiều vào sự hòa hợp với thiên nhiên.

Đến Gia Định tam gia, mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên đã có những thay đổi. Ở mức độ nào đó, con người đã chinh phục được thiên nhiên bằng chính sức

41

lao động của mình, cho nên dưới ngòi bút của Gia Định tam gia, con người đã trở thành một hình tượng xuyên suốt trong các tác phẩm. Hơn nữa, ý thức được rằng nhân dân vừa là đối tượng phản ánh vừa là đối tượng thưởng thức, các nhà thơ trong nhóm luôn hướng tới quần chúng, ca ngợi cuộc sống lao động sản xuất của họ, đồng thời trong nghệ thuật biểu hiện, lược bỏ nhiều những gì là từ chương, những khuôn sáo, gò bó của văn học cổ điển. Bài Phù Gia điếu nguyệt (Câu cá dưới trăng ở Nhà Bè) của Trịnh Hoài Đức không chỉ miêu tả cảnh câu cá, uống rượu mà còn nói lên sự gắn bó tha thiết của tác giả với không khí ấm áp của vùng ven sông ấy:

“Chu lưu thủy quốc kết phù sào, Nhàn bả hàn châm đới nguyệt sao. Cán lộng kim ba phi lộ hạ,

Nhĩ huyền thiềm quật giới phong phao.”

(Khắp vùng sông nước này đều làm tổ nổi (nhà bè), Nhân nhàn rỗi đem lưỡi câu lạnh câu cá dưới trăng. Cần câu đùa sóng vàng gợn dưới sương móc, Mồi treo cung thiềm thả theo gió)

Cảnh trồng dưa ở Tắc Khái, cảnh “đất đỏ bừa trong mây” ở Long Điền, cảnh chợ Lưới Rê ở vùng chài Bà Rịa, trẻ chăn trâu ở Tân Kinh, cảnh lao động ở làng Quất, tiếng hát ông tiều ở Hố Nai…, tất cả đi vào trong thơ Trịnh Hoài Đức với nét dáng khỏe khoắn, nhộn nhịp và sắc màu ấm áp, tươi vui. Có thể thấy ông đã hòa mình vào cuộc sống của người dân lao động, lấy chính nó – cuộc sống ấy – làm cảm hứng trong các thi phẩm của mình.

Đề tài phong hoa tuế nguyệt quen thuộc trong văn học cổ điển vẫn còn ám ảnh các thi sĩ trong Gia Định tam gia, song bên cạnh đó, hình ảnh nhân dân lao động đã trở thành nguồn cảm hứng mới, dạt dào, nhất là trong các sáng tác của Trịnh Hoài Đức. So với thơ chữ Hán của Chiêu Anh Các, được coi là “những áng thơ bác học, đạt tới phẩm chất cổ điển của văn chương truyền thống phương Đông: hàm súc trong ý tứ, sự tao

nhã về ngôn từ, sự phong phú sâu sắc trong nhiều tầng nghĩa”42, thì thơ chữ Hán của

Gia Định tam gia ít dùng thi liệu văn chương cổ điển hơn, gần gũi và giàu tình cảm hơn. Đó cũng chính là cách các thi sĩ của Gia Định hướng tới quần chúng lao động và đồng thời mở ra trong văn học khuynh hướng bình dân hóa. Nhiều bài thơ của Lê Quang Định được Ngô Thì Vị và Nguyễn Du bình là “tình tứ phiêu dật, ý thái nhẹ nhàng” (Đề mỹ nhân dao lỗ đồ - Đề bức tranh mỹ nhân bơi chèo), “không cần trau chuốt đẽo gọt” (Khách ngộ húy nhật cảm tác – Đất khách gặp ngày giỗ cảm tác)… Các bài Đối kiếm (Nhìn kiếm), Đối kỳ (Đánh cờ), Đối cầm (Đối đàn), Đối tửu (Đối rượu) của Ngô Nhơn Tĩnh tuy nói về bản thân, thậm chí nói với bản thân, nhưng cách nói của ông thật giản dị, thân tình. Ông coi rượu như một người bạn:

“Ái ngã đồng tri kỷ”

(Đối tửu) (Yêu bạn tri kỷ với ta)

(Đối rượu)

Cách ông nói về việc “đối đàn” thật đơn giản, gần gũi: “Thiểu sự phùng kim nhật, (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Tiêu nhiên đối cổ cầm.”

(Đối cầm) (Gặp hôm nay ít việc,

Thung dung đối đàn cầm cổ) (Đối đàn)

Đặc biệt, các bài thơ Nôm Đi sứ cảm tác của Trịnh Hoài Đức lại càng giản dị và gần gũi với lời nói của quần chúng lao động. Đôi khi mỗi bài thơ giống một câu chuyện được kể lại, thậm chí các bài thơ, các câu chuyện còn có mối liên hệ với nhau. Chẳng hạn trong bài thơ Nôm số XIII, Trịnh Hoài Đức mở đầu bằng câu:

“Khùng khằng lại giận đứa lăng nhăng”

42

và đến bài số XV, vẫn với giọng điệu ấy, ông viết: “Bần thần lại giận đứa xung xăng”

Các bài thơ Nôm của Trịnh Hoài Đức chưa mang lại được những giá trị nghệ thuật đáng kể nhưng lối viết giản dị, gần gũi với ngôn ngữ đời thường cho thấy ông có những nỗ lực trong việc bình dân hóa cách thức thể hiện trong văn chương, để ngày càng gắn bó hơn với đời sống nhân dân.

Một phần của tài liệu Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 95)