Khuynh hướng bộc lộ con người cá nhân

Một phần của tài liệu Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 101)

6. Bố cục của luận văn

3.3. Khuynh hướng bộc lộ con người cá nhân

Từ 1802, do đời sống kinh tế, chính trị ở Gia Định tương đối ổn định, lực lượng trí thức có điều kiện tiếp xúc với các trí thức và nhân dân trên mọi miền đất nước. Cao Huy Diệu từ Sơn Tây vào làm Đốc học Gia Định thành, Ngô Thì Vị được sung chức Đề điệu trường thi Gia Định, Nguyễn Đình Chiểu ra Huế học, Huỳnh Mẫn Đạt ở Hà Tiên ra kinh đô…; “chính trên dòng giao lưu này và theo thời gian, Gia Định cũng dần dần đi vào đời sống văn hóa toàn quốc”43. Như vậy, văn học Hán Nôm ở Gia Định cũng dần hòa vào văn học Việt Nam ở giai đoạn mà Lê Trí Viễn cho là “thống nhất có nhiều đặc điểm giống nhau, nổi bật là thi pháp trung đại đã bị phá vỡ từng mảng, một nội dung nhân đạo chủ nghĩa với then chốt là sự xuất hiện của con – người – cá – nhân…”.

Ở Nam kỳ, có lẽ Gia Định tam gia đã khởi xướng cho khuynh hướng bộc lộ nỗi niềm riêng tư trong văn chương, hay ít nhất những tâm sự cá nhân trong thi phẩm của các ông đã được bày tỏ khá rõ nét. Khi văn chương không còn được coi như một cách giải trí đơn thuần, như thứ trò chơi khiến cho cuộc sống nhẹ nhõm hơn, khi văn chương dần mất đi ý nghĩa là những bức tranh về phong hoa tuế nguyệt mà vẻ đẹp được đo đếm bằng những giá trị sẵn có mang tính khuôn mẫu, thì cũng là lúc văn chương biết tìm đến giá trị nhân văn như một cứu cánh của nó: khám phá tâm hồn, giải tỏa nỗi niềm thầm kín nơi con người. Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh, mỗi người một vẻ nhưng họ đều chọn thơ như một người bạn để tâm tình. Những tâm sự thầm kín

43

không những được bộc lộ như một quy luật tất yếu trong văn chương mà quan trọng hơn, đó chính là sự ý thức đã trở nên sâu sắc hơn về cá nhân và nhu cầu đã trở nên cháy bỏng hơn về việc bộc bạch nỗi lòng trong nghệ thuật.

Đây đó trong thơ Trịnh Hoài Đức, con người cá nhân hiện lên trong khao khát được bày tỏ. Cố nhiên, trong văn học ngay cả ở thời kì phủ nhận bản ngã, bất chấp sự che giấu cố ý của tác giả, con người cá nhân vẫn tồn tại một cách tự thân, dù ở mức độ đậm nhạt khác nhau. Song, con người cá nhân trong một số bài thơ của Trịnh Hoài Đức là con người trong tâm thế muốn được bày tỏ. Mặc dù nhiều khi, con người Hoài Đức được ông vẽ lên bằng quan niệm chính thống của Nho giáo, chẳng hạn như trong bài

Cấn Trai đề bích (Cấn Trai đề lên vách) là con người gắn với cương duy (tam cương và tứ duy), nhưng đến bài Tự trào (Tự trào), khát vọng bộc lộ chính mình đã rõ hơn và mang tính chất riêng tư hơn:

“Thiên nhược ư dư hống tiếu đoan, Sinh phùng loạn thế cưỡng danh an. Nhân nhưng mang tuế thâu nhàn nhật, Tàm quý vi tài bác hảo quan.

Nê túy nhất bôi kiêu tửu bá, Nha đồ ngũ vận ngạo thi đàn. Cận lai kiêu hãnh càn khôn lượng, Thủy tú sơn kỳ túc ngã hoan.” (Trời dường như trêu cợt ta,

Sinh gặp đời loạn mà vẫn gượng giữ vẹn được danh. Bởi vẫn năm bận rộn trộm rút lấy ngày nhàn,

Thẹn mình tài nhỏ mà lại được chức quan kha khá. Say nhà một chén kiêu căng với tửu bá,

Bôi lem nhem năm vận ngạo với đàn thơ. Gần đây đánh cuộc may rủi đo lường trời đất,

Nước đẹp núi lạ đủ cho ta vui.)

Mặc dù vẫn đề cập đến chuyện đất nước (“đời loạn”, “nước đẹp”), đến công danh (“giữ được vẹn danh”, “chức quan kha khá”), nhưng có vẻ như ở đây, Trịnh Hoài Đức đang gắng để sống với riêng mình. Mở rộng lòng với thơ, trải niềm riêng với cuộc đời, Hoài Đức và Gia Định tam gia đã làm xúc động lòng người bởi những câu thơ không còn khuôn mẫu, cứng nhắc theo lối viết cổ điển. Họ đã cởi mở hơn với thơ, với đời và với chính bản thân mình khi đem những điều riêng tư để bày tỏ, chiêm nghiệm.

Có lúc Trịnh Hoài Đức nói chuyện hoa mai để gửi gắm một suy tư (Hữu sở tư – Có điều nghĩ). Trên gò Cây Mai, ông nhìn cảnh mây ảm đạm giăng trên bầu trời lúc chiều hôm và “bồi hồi im lặng tựa vào cây ngô đồng”. Sứ bộ đến Quảng Đông, ông âm thầm lắng nghe “từng tiếng nhạn rét rơi vào thuyền côi”… Người ta vẫn còn nhớ bức tranh thấm đượm tâm trạng buồn bã của Lê Quang Định trong bài Mặc Châu giang dạ bạc (Đêm đậu thuyền sông Mặc Châu) với những màu sắc ảm đạm của nó:

“Thâm nhai tịch mịch hệ chinh bồng, Nhất điểm hàn đăng vạn lại không.” (Núi sâu vắng vẻ buộc thuyền,

Một chấm đèn lạnh mọi âm thanh vắng bặt)

Trong không gian tĩnh mịch, vắng bặt mọi âm thanh ấy, “một chấm đèn lạnh” nhỏ nhoi nói lên được rất nhiều về nỗi cô đơn, xa vắng. Lê Quang Định cũng là người bị ám ảnh bởi thời gian và không gian. Nỗi cô đơn trước cái dài rộng của không-thời gian đã trở thành một chủ đề quan trọng trong toàn bộ trước tác của nhà thơ này. Khi suy tư về thời gian và không gian cũng là khi con người ý thức được sự nhỏ bé và hạn hẹp của đời sống, nỗi cô đơn của bản thân. Ấy là lúc con người cá nhân đã được nhìn xuyên thấu mặc dầu văn học chưa đón nhận nó với tư cách một chủ thể đồng thời là một hình tượng nghệ thuật độc đáo. Còn với Ngô Nhơn Tĩnh, nỗi u sầu và khát vọng được đắm mình giữa thiên nhiên, được thảnh thơi bầu bạn với hoa, trăng, cây cỏ… đã

khiến cho Thập Anh đường thi tập của ông chan chứa cảm xúc, sâu lắng nỗi niềm và do đó mà hấp dẫn được người đọc.

Đặc biệt, trong bài Thuyết tình ái, con người cá nhân hiện lên rõ rệt với những điều nó ưa thích. Đây là một bài thơ tuyệt hay của Ngô Nhơn Tĩnh, ở đó người đọc bị lôi cuốn không chỉ vì ngôn từ đầy ý vị, vừa sâu sắc vừa phóng túng, mà còn bởi phong thái tao nhã, tự tại của con người. Con người ấy đã ý thức sâu sắc về phẩm chất, cá tính của bản thân. Không chỉ thích đọc khúc Ly Tao của người có “tấm lòng lo cho dân cho nước trăm năm canh cánh”, đó còn là người thích những thú vui bình thường, giản dị, thanh đạm:

“Xuân ái thảo đường giác thụy thiên Tĩnh quan vạn lý cẩm sơn xuyên. Mạc từ tôn tửu hoa tiền khuyến, Chỉ khủng oanh đề hựu nhất niên.”

(Mùa xuân thích nằm nhà tranh, sau khi giấc ngủ đã tỉnh lại rồi, Lặng xem muôn dặm non sông gấm vóc.

Trước khóm hoa có người mời rượu, ta cứ uống say,

Vì sợ hết mùa xuân, vắng tiếng oanh kêu, lại phải chờ một năm sau mới có) Ngô Nhơn Tĩnh đã vẽ lên trong thơ hình ảnh một con người ung dung, tự tại. Con người đó hài lòng với những thú vui giản dị nhất như nằm nhà tranh, tỉnh dậy uống rượu say, “bắt chước những đàn tuổi trẻ, làm ra vẻ người Hy Hoàng thượng cổ nằm khểnh trước cửa song cao”, ngắm trăng ở sân quế, ngắm hoa mai trên cái nền bạc trắng của tuyết mùa đông… Nhưng quan trọng hơn, đó là con người đã dám dựng lên bức chân dung của mình, phơi bày những điều nhỏ nhặt và riêng tư nhất một cách hết sức tự nhiên, say đắm.

Như vậy, mặc dù chưa lộ ra trong thơ với một nhu cầu mạnh mẽ được bộc lộ đủ để tạo nên sức mạnh giải phóng tinh thần, con người cá nhân trong sáng tác của Gia

Định tam gia đã hàm chứa những yếu tố cho một sự khởi đầu. Các thi sĩ này đã mở ra một khuynh hướng mới trong văn học với việc cởi mở hơn khi viết về những nỗi niềm riêng tư thầm kín, mạnh dạn hơn khi bộc bạch con người cá nhân của mình.

Tiểu kết chương 3

Trong dòng chảy của văn học Nam kỳ, Gia Định tam gia đã khởi xướng một khuynh hướng văn học mới với một phong cách phóng túng, hướng đến đời sống nhân dân với một tinh thần hành đạo đầy tính thực tiễn, bình dân hóa trong các cách thức biểu hiện nghệ thuật, và bắt đầu bộc lộ con người cá nhân với tất cả chiều sâu tâm hồn cũng như cá tính của nó. Bắt đầu từ Chiêu Anh Các, mạch thơ văn của “những thế hệ đi mở cõi” dấy lên trong văn học, ở đó các thi sĩ hướng đến đời sống của nhân dân lao động, đồng cảm với nỗi khổ của họ, ngợi ca vẻ đẹp và thành quả mà họ làm ra, tự hào về mảnh đất mà con người đã gây dựng bằng chính bàn tay mình. Văn chương của họ thể hiện rõ thái độ lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống mới. Dư âm thơ Chiêu Anh Các

làm rung động lòng người còn bởi phong cách phóng khoáng, ngôn từ đẹp, vừa cổ điển vừa mới mẻ. Gia Định tam gia đã thừa hưởng mạch văn cũng như phong cách ấy của

Chiêu Anh Các, đồng thời đã phát triển theo hướng gần gũi hơn với nhân dân và sâu sắc hơn trong sự phản ánh con người cá nhân. Rõ ràng ở các sáng tác của Chiêu Anh Các, hình ảnh con người vẫn còn mờ nhạt và nó chịu sức tác động mạnh mẽ của thiên nhiên, phụ thuộc vào thiên nhiên, còn trong tác phẩm của Gia Định tam gia, con người đã làm chủ cuộc sống của mình, họ được vẽ lên trong nhiều tư thế, nhiều hoạt động, nhiều trạng thái, nhiều hoàn cảnh. Con người đã trở thành hình tượng nghệ thuật quan trọng trong sáng tác của các tác giả này. Đặc biệt, nếu như trong Hà Tiên thập vịnh hay các tác phẩm khác của Chiêu Anh Các, con người cá nhân chưa được ý thức và thể hiện thì với Gia Định tam gia, nó đã được vẽ lên với ít nhiều khao khát được tỏ bày. Trên phương diện này, nội dung nhân đạo chủ nghĩa cũng như tính văn chương ở các tác phẩm của Gia Định tam gia đã phát triển thêm một bước rõ nét. Về mặt nghệ thuật,

Gia Định tam gia cũng đã cố gắng lược bỏ những câu từ khuôn sáo, những hình ảnh ước lệ khô khan của văn chương cổ để ngày càng gần gũi hơn với tiếng nói và cảm nhận của quần chúng nhân dân.

KẾT LUẬN

Giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX là một giai đoạn phức tạp của lịch sử dân tộc với những mâu thuẫn và biến cố làm thay đổi và hình thành nhiều yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa… của dân tộc cũng như ở từng địa phương. Riêng ở miền nam Việt Nam lúc bấy giờ, những xáo trộn về mọi mặt đời sống cùng với quá trình tiếp nhận không ngừng các yếu tố khác nhau của các nền văn hóa đã tạo ra bộ mặt mới cho nửa phần phía nam đất nước. Tiến trình ấy diễn ra vô cùng phức tạp và cho đến nay nhiều vấn đề vẫn còn khép kín trước sự thăm dò, nghiên cứu của con người.

Văn học, với tư cách là sự phản ánh của đời sống, sẽ giúp chúng ta dần dần bóc tách lớp sương mù có từ khoảng cách giữa hiện tại và quá khứ. Mặc dầu khoảng cách đó như một cái giếng sâu muôn đời không thể lấp được, nhưng nếu nỗ lực, chúng ta có thể soi bóng trong đó để thấy được lịch sử của chính mình. Từ nơi ấy, kí ức của chúng ta hiện lên chân thực hơn. Sự chân thực ở đây không có nghĩa như một giá trị của cứ liệu lịch sử, mà được hiểu như một giá trị của tinh thần: con người sẽ được an ủi khi lắng nghe thấy tâm hồn mình trong quá khứ. Việc tìm hiểu về sáng tác văn học của Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh – ba văn thần của triều Nguyễn, ngoài ý nghĩa trên, còn mở ra một lĩnh vực nghiên cứu thú vị, bởi không phải ngẫu nhiên mà các ông được mệnh danh là Gia Định tam gia. Thơ văn của các ông có hồn, có sức lay động lòng người, hơn nữa những đóng góp về mặt nội dung và nghệ thuật đã tạo ra một khuynh hướng mới trong văn học với một phong cách phóng khoáng khác với phong cách rập khuôn cổ điển của văn học trung đại trước đó. Đương thời, đại thi hào Nguyễn Du cũng đã nhận xét về thơ Trịnh Hoài Đức bằng một chữ “diệu”. Về Ngô Nhơn Tĩnh, trong bài Tống Ngô Nhữ Sơn công xuất trấn Nghệ An (Tiễn ông Ngô Nhữ Sơn ra làm Hiệp trấn Nghệ An), Nguyễn Du so sánh văn chương của ông hay như của tám nhà văn lớn thời Đường – Tống, làm đẹp cho cả hai nước: “Bát đại kỳ văn hoa lưỡng quốc”. Khi bình thơ Lê Quang Định, có bài Nguyễn Du nhận xét: “ý kiến siêu

việt cao xa”, có bài bình: “nhã đạm, có cổ ý”, hay “bút thái ảo hóa”… Như vậy, có thể thấy đại thi hào đánh giá rất cao về ba tác gia này.

Tuy nhiên, đề tài nghiên cứu về Gia Định tam gia chưa nhiều nếu không nói là rất ít. Vô hình trung, chúng ta đã để một khoảng trống trong việc nghiên cứu về văn học Nam bộ xưa, một nền văn học được thai nghén trên mảnh đất đang hội tụ những yếu tố làm căn bản cho sự hình thành nền văn hóa sau này. Bởi vậy, cần phải có những công trình nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa về văn chương của nhóm tác gia này. Vì điều kiện chưa cho phép, trong phạm vi đề tài một luận văn, chúng tôi chưa thể đề cập đầy đủ các vấn đề về bối cảnh lịch sử, thân thế, sự nghiệp cũng như giá trị nội dung và nghệ thuật của mảng văn chương này. Mặt khác, do không có nhiều tài liệu và do một vài nguyên nhân chủ quan khác, sự tiếp cận của chúng tôi trong phạm vi cho phép của đề tài chưa thật sâu sắc. Chúng tôi hy vọng sẽ có nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu về đề tài này sâu và đầy đủ hơn nữa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hoài Anh (biên dịch-chú giải): Gia Định tam gia, NXB Tổng hợp Đồng Nai, 2006. 2. Nguyễn Khoa Chiêm: Nam triều công nghiệp diễn chí, NXB Hội Nhà văn, 2003. 3. Nguyễn Đình Đầu: Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam kỳ lục tỉnh, NXB Trẻ, 1999.

4. Lê Quang Định: Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, Phan Đăng dịch, NXB Thuận Hóa, 2005.

5. Trịnh Hoài Đức: Gia Định thành thông chí, Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch, Viện Sử học, NXB Giáo dục, 1998.

6. Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng, Nguyễn Công Bình (chủ biên): Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1988.

7. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi… (chủ biên): Từ điển văn học (Bộ mới), NXB Thế giới, 2004.

8. Nguyễn Phạm Hùng: Văn học Việt Nam: Từ thế kỷ X đến thế kỷ XX, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2001.

9. Trần Đình Hượu: Nho giáo và văn học Việt Nam trung – cận đại, NXB Giáo dục, 1999.

10. Trần Khánh: “Bàn về thuật ngữ và khái niệm người Hoa Đông Nam Á”, Nghiên cứu Đông Nam Á, 3/1997, tr.115-124.

11. Nguyễn Khuê: Sài Gòn – Gia Định qua thơ văn xưa, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.

12. Trần Trọng Kim: Việt Nam sử lược, NXB Văn học, 2008.

13. Nguyễn Phong Nam (chủ biên): Những vấn đề lịch sử và văn chương triều Nguyễn, NXB Giáo dục, 1997.

14. Sơn Nam: Lịch sử khẩn hoang miền nam, NXB Trẻ, 2004.

16. Sơn Nam: Nói về miền nam – Cá tính miền nam – Thuần phong mỹ tục miền nam, NXB Trẻ, 2005.

17. Trần Nghĩa: “Mấy ý kiến về việc nghiên cứu cái gọi là “văn học Đàng Trong””,

Tạp chí Văn học, 4/1977, tr.49-61.

18. Phan Ngọc: Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Tập I, NXB Văn hóa xã hội, 1993.

19. Đào Trinh Nhất: Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ, Nhà in Thủy Ký,

Một phần của tài liệu Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)