Khát vọng hướng tới cảnh an nhàn và vẻ đẹp thiên nhiên

Một phần của tài liệu Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 78)

6. Bố cục của luận văn

2.3.2. Khát vọng hướng tới cảnh an nhàn và vẻ đẹp thiên nhiên

Trong Gia Định tam gia, nếu Trịnh Hoài Đức là hiện thân của một nho sĩ nhập cuộc với thời thế, “khéo quyền biến, đầy trí lự”32, Lê Quang Định đắm say trong thú vui yên hà và chí trai ngang dọc, thì Ngô Nhơn Tĩnh lại là người hướng nội. Tư tưởng nhập thế của Nho giáo dường như vẫn còn quá nhiều ràng buộc với Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định, nhưng với Ngô Nhơn Tĩnh, có lẽ tính chất không thuần nhất của Nho giáo ở Gia Định thế kỉ XVIII, XIX đã ảnh hưởng mạnh tới ông. Nhà thơ hướng tới cuộc sống an nhàn với một niềm vui lớn: “Hỉ đắc thanh hương thú, thời tiêu thế lự xâm” (Mừng được thú hương thanh, luôn khuây được buồn lo ở đời) (Lữ ngụ Long Sơn Hoàng thị từ đường - Ở trọ từ đường họ Hoàng tại Long Sơn). Ông cảm thấy “thân tâm này đứng vững trong nghiêng ngả” khi ngắm cúc trong sương, nghe đàn dưới trăng. Với ông, “gửi thân vào nơi nào cũng yên ổn” nếu như biết “trước hoa nắm tay vui vẻ”, vui với thú ngâm thơ. Ông hiểu nỗi buồn của rồng “vì cuộc ao nông”, hiểu lòng người thích tìm sự yên ả trong “bóng cây rậm”. Bởi vậy, nhiều lần trong thơ, Ngô Nhơn Tĩnh coi công danh như một thứ bụi trần hay một giấc mộng mong manh, chỉ mang lại cho con người những ảo giác. Thời Chiến quốc, Lư sinh nằm mộng thấy thi đỗ tiến sĩ rồi sau đó có một sự nghiệp làm quan hiển hách. Khi ông tỉnh dậy, nồi kê trong quán vẫn chưa chín. Hóa ra công danh phú quý chỉ là giấc mộng ngắn ngủi đó thôi, giấc mộng choán lấy tâm trí con người chỉ trong thoáng chốc. Suy ngẫm về điều này, trong bài Yết Lã tiên từ (Yết đền tiên Lã Đồng Tân), Ngô Nhơn Tĩnh viết: “Ta cũng là một Lư sinh chưa muốn ngủ” (Ngã diệc Lư sinh vị dục thụy). Ở bài Trực Lệ đạo trung thần (Bụi trên đường Trực Lệ), ông lại ví con đường công danh giống như con đường mờ mịt bụi, và “trong chỗ nhiễu loạn tới tấp” biết được ai có tài tể tướng để mà phụng sự triều đình. Có lúc, ông nhận ra: “Người ở ẩn đáng cười ta, Cười ta chưa biết quay đầu” (“U nhân ưng tiếu ngã, Tiếu ngã vị hồi đầu”, Kỳ lục – Bài VI). Trong bài Khách trung tạp cảm (Tạp cảm nơi đất khách), ông viết:

“Triêu triêu vân ngoại vọng, Bất yếm thị quần phong.” (Sáng sáng nhìn ngoài mây, Cái không chán là dãy núi)

Câu thơ hết sức giản dị mà nói được cái tình của nhà thơ, khát vọng của ông trong việc tìm đến thiên nhiên để chia sẻ. Đặc biệt, bài Thuyết tình ái (Nói về những điều ưa thích) của ông vang lên như một khúc ca, rộn ràng và say đắm. Bốn mùa được mô tả với những việc làm mà nhà thơ yêu thích: mùa xuân thích nằm nhà tranh sau khi tỉnh dậy từ giấc ngủ, “lặng xem muôn dặm non sông gấm vóc”, uống rượu say khi được mời vì sợ hết mùa xuân, tiếng oanh một năm sau mới trở lại; mùa hè thích lầu có trúc mọc xung quanh để tránh nắng, có gốc hòe tỏa bóng mát bên sông, thích say rượu trong hây hây gió nam, giả làm người Hy Hoàng thượng cổ nằm khểnh trước cửa song cao; mùa thu thích ngắm trăng ở sân quế; mùa đông thích ngắm hoa mai lúc trời mưa tuyết, gọi gia đồng rót rượu và uống những chén thật đầy… Có vẻ như nhà thơ muốn quên hết mọi điều để sống với những thú vui của riêng mình. Nếu như trong Tự trào, bài thơ mang tính chất tự bạch của Trịnh Hoài Đức, nhà thơ còn vương vấn với việc giữ trọn danh tiết, thử mình trong cuộc rủi may, thì ở Thuyết tình ái, Ngô Nhơn Tĩnh hầu như chỉ nói những điều riêng tư về mình, ở đó chỉ có ông, thiên nhiên, thơ và rượu. Tất cả được ông diễn tả một cách tự nhiên, không gò bó, như tiếng hát trong lòng được gìn giữ bấy lâu nay bỗng cất lên. Bài thơ thể hiện đậm nét phong cách nghệ thuật của Ngô Nhơn Tĩnh: sâu sắc, ý vị, đằm thắm, tự nhiên, hiện đại.

Tuyệt nhiên không phải sự trốn tránh, lánh đời như các ẩn sĩ xưa đã làm khi bất mãn với thời cuộc, Ngô Nhơn Tĩnh hướng đến sự nhàn tản vì trong hồn ông có một góc luôn chờ đợi sự tĩnh lặng của thiên nhiên, cái vui thú của cuộc sống giản dị không vướng bụi trần, sự yên bình của tâm hồn, và “thú hương thanh” như một cách giải tỏa nỗi sầu muộn. Trên đường đi sứ, nhìn thấy cảnh ông tiều vội về, thuyền chài đậu nhàn

đôi bờ lau sậy, ông “thấy vui vẻ trong lòng”, thấy nỗi nhớ nhà được xoa dịu. Bởi khi đã hòa vào thiên nhiên, con người sẽ cảm thấy “đất trời cũng là một nhà”.

Nhận thấy mộng công danh không cứu rỗi được con người, thậm chí còn khiến họ thêm “phiền não” vì “một khi thành danh trăm điều ghen ghét nảy mầm”, Ngô Nhơn Tĩnh muốn “đóng cửa xa lánh thị phi” (“Bế môn viễn thị phi”, Kỳ tứ - Bài IV). Ông yêu sự nhàn nhã, tĩnh lặng và bình ổn của gió nhẹ, của “mây nổi nhàn ra khỏi núi” (Hiểu khởi – Sáng trở dậy), yêu ánh trăng lưu lại sắc trắng trên tuyết, yêu “cây phủ khói rậm bù đắp cho vẻ tiêu sơ của mùa thu”; nhìn ngắm “phong quang tốt đẹp” ấy, ông “hứng đến bè tiên niềm vui dồi dào” (Hồ Quảng quy chu đồ trung tác tam thập vận (tuyển ngũ thủ) – Từ Hồ Quảng thuyền về dọc đường làm ba mươi bài (chọn năm bài)). Quan niệm vũ trụ và thời thế luôn chuyển dời, nhưng có lẽ vì vậy mà Ngô Nhơn Tĩnh càng cảm thấy cô đơn trước sự mịt mù vô định ấy. Cho nên, ông cần sự an nhàn để cân bằng tâm hồn mình. Trong bài Chí Thủy Biện thôn (Đến thôn Thủy Biện), nhà thơ bày tỏ: “Dĩ giải yên hà thú, Hà lao mộng mị tầm” (Đã hiểu thú yên hà, hơi đâu nhọc công tìm mộng mị). Khác với Trịnh Hoài Đức và đặc biệt là Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tĩnh không ngợi ca chí hồ thỉ tang bồng, ngang dọc bốn phương của người làm trai. Ông nói: “Nhân sinh hà sự tại tha hương” (Đời người việc chi mà phải ở tha hương) (Hiểu khởi – Sáng trở dậy). Cùng có chung “nỗi lòng đất khách”, song nếu như ở Lê Quang Định chỉ đơn giản là niềm thương nhớ quê hương thì ở Ngô Nhơn Tĩnh, tâm niệm “đời người việc chi mà phải ở tha hương” đã trở thành một triết lý sống gắn với sự nhàn tản. Tuy vậy, đôi lúc triết lý ấy của ông mang bóng dáng của sự khép mình có tính chất tiêu cực. Chẳng hạn, trong bài Đối kỳ (Đánh cờ), sau khi suy ngẫm rằng chiến thắng chỉ có được do nhọc nhằn chiến đấu, và sự “thất thế là bởi cứ chuyên tranh giành”, ông có vẻ như phủ nhận sự nhập thế:

“”Kim cổ đa cao trước, Hà như tụ thủ thanh.” (Xưa nay nhiều tay cao thủ,

Sao bằng cứ thu tay trong tay áo giữ mình thảnh thơi)

Phải thừa nhận rằng Ngô Nhơn Tĩnh không hề coi danh lợi như mục đích cao để đạt tới của cuộc đời. Ông trọng niềm quân thần, tâm niệm “đem thân đền ơn nước”, “báo nước dốc hết lòng son” bởi với ông, đó là đạo lý của kẻ tôi thần. Còn danh lợi chỉ là hư không: “Lộ hữu Hàm Đan mộng giác không” (Khách đồ kiệu trung miên – Đường đất khách, ngủ trong kiệu). Thơ đi sứ của ông nhiều bài là thơ bang giao. Trong thơ bang giao của mình, Trịnh Hoài Đức tỏ ra có nhiều tính chất “nhà ngoại giao” hơn. Còn Ngô Nhơn Tĩnh, trước khi vào chầu vua Trung Hoa, lại ví trướng màn bằng lụa biếc giống như cái lồng giam hãm con người: “Minh triêu cao ngọa bích sa lung” (Ngày mai sẽ nằm cao lồng lụa biếc).

Sự phát triển không thuần nhất của Nho giáo trong bối cảnh văn hóa mang tính đặc thù của Nam bộ thế kỉ XVIII, XIX đã sản sinh ra một tầng lớp trí thức-nhà nho không chối từ những ảnh hưởng của các tôn giáo và tín ngưỡng khác. Trịnh Hoài Đức từng kết thân với hòa thượng Viên Quang, còn Ngô Nhơn Tĩnh thì ưa thích Kinh Kim Cương của nhà Phật, thiên Tiêu Dao Du trong Nam Hoa kinh của Trang Tử, kinh

Hoang Đình của Đạo gia. Trong một số bài thơ, Ngô Nhơn Tĩnh chịu ảnh hưởng của đạo Phật, đạo Lão Trang với những tư tưởng về tự tính, về kiếp luân hồi, về việc “xa lánh thị phi” và về đạo huyền vi (Du Hải Chàng tự - Chơi chùa Hải Chàng, Trụy xa nhập kinh quán dưỡng bệnh – Ngã xe vào kinh quán dưỡng bệnh, Kỳ tứ - Bài IV)… Có lẽ để giữ thăng bằng trong tâm hồn mình trước nỗi khổ đau vì “đời loạn”, trước nỗi phiền não do cái bả công danh mà ông vốn không ham muốn, trước bao nỗi buồn có trong đời, Ngô Nhơn Tĩnh đã nương nhờ đạo Phật, đạo Lão Trang để tìm nỗi thanh thản.

Một phần của tài liệu Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)