Bộ sách Gia Định thành thông chí – một công trình có giá trị lịch sử, địa

Một phần của tài liệu Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 40)

6. Bố cục của luận văn

2.1.1.Bộ sách Gia Định thành thông chí – một công trình có giá trị lịch sử, địa

văn hóa về vùng đất Nam bộ xưa

Được coi là sách lịch sử và địa lý chuyên tác đầu tiên về vùng đất phía nam Việt Nam, Gia Định thành thông chí đánh dấu đóng góp quan trọng của Trịnh Hoài Đức trong việc nghiên cứu, ghi chép về mảnh đất Nam kỳ. Bộ sách được đánh giá cao về mặt giá trị lịch sử, địa lý, văn hóa và được ghi nhận về mặt diễn đạt, văn phong. Các sử gia triều Nguyễn đã dựa vào bộ sách này để soạn Đại Nam thực lục (Tiền biên), Đại Nam liệt truyện (Tiền biên), Đại Nam nhất thống chí (Phần Lục tỉnh Nam bộ). Năm 1862, sau khi chiếm được ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, thực dân Pháp đã tổ chức biên dịch ngay Gia Định thành thông chí nhằm phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa của mình. Tại Trung Quốc, bộ sách cũng được xuất bản cùng với Lĩnh Nam trích quái

Hà Tiên trấn Hiệp trấn Mạc thị gia phả (1991) phục vụ việc nghiên cứu lịch sử di dân của người Hoa ở Việt Nam thời đầu nhà Thanh. Ở Việt Nam, cho đến nay, bộ sách vẫn được xem như một trong những sử liệu quan trọng nhất trong lĩnh vực nghiên cứu Nam bộ.

Về thời gian Trịnh Hoài Đức biên soạn bộ sách, giữa ý kiến của các nhà nghiên cứu chưa có sự thống nhất. Một số học giả, trong đó có Đào Duy Anh, cho rằng sách được hoàn thành trong đời Gia Long, cho nên ngay năm Minh Mạng thứ I (1820), khi Minh Mạng có chiếu cầu thư tịch cũ thì Trịnh Hoài Đức đem hiến ngay bộ này. Theo Gabriel Aubaret, học giả người Pháp, thì sách được viết vào thời Minh Mạng, khoảng những năm 1830. Học giả người Trung Quốc Dương Bảo Quân lại cho rằng việc biên soạn được tiến hành vào giữa các năm 1820 và 1822.

Gia Định vốn là tên dùng để gọi tất cả miền Nam bộ xưa. Gia Định thành bao gồm toàn vùng Nam bộ, gồm năm trấn. Gia Định thành thông chí ghi chép về miền Gia Định, tức miền Nam bộ xưa.

Vâng mệnh Gia Long, “kê khảo sự tích, cương vực, thổ sản trong địa hạt và đo xem đường sá xa gần, núi sông chỗ nào hiểm yếu hay bình thản, vẽ vào bản đồ, ghi chép biên bản theo từng khoản, cước chú rõ ràng, dâng lên để làm bình lục”, từ đó mà bộ sách được Trịnh Hoài Đức biên soạn. Nội dung của sách ghi chép lại đầy đủ và cụ thể việc hình thành các trấn, núi sông, cương vực, thành trì, khí hậu, sản vật, hoa quả, phong tục tập quán, tâm lý, tính cách, cách làm ăn, sinh hoạt của nhân dân cũng như lịch sử hình thành vùng đất Nam bộ ngày nay.

Về cấu trúc, Gia Định thành thông chí gồm sáu quyển với nội dung chính từng quyển như sau:

Quyển I, Tinh dã chí (chép về các ngôi sao). Căn cứ vào thiên văn chí và địa lý chí của các sách chính sử Trung Quốc (Hán thư, Đường thư), tác giả nhận định vị trí các đất Ngô Việt hay Dương Châu đối với các vì sao để suy luận về vị trí của đất Gia Định. Phần phụ của quyển này có giá trị thiết thực hơn với những nhận định về khí hậu, tuy có những chỗ tác giả chịu ảnh hưởng của căn bản Hán học.

Quyển II, Sơn xuyên chí (chép về núi sông). Tác giả phân biệt theo từng trấn của Gia Định để mô tả các núi sông. Các tên núi tên sông phần nhiều được ghi bằng tên chữ Hán và chú thêm tên tục bằng chữ Nôm. Bên cạnh đó, sau các địa điểm quan trọng, tác giả còn chép thêm những sự kiện lịch sử có liên quan.

Quyển III, Cương vực chí (chép về bờ cõi). Tác giả chép lịch sử khai thác đất Gia Định của chúa Nguyễn và chép về cương vực chung của đất Gia Định, cương vực từng trấn với vị trí, giới hạn, tình thế của trấn, danh sách các phủ, huyện, tổng, xã, thôn, lân.

Quyển IV, Phong tục chí (chép về phong tục). Tác giả nói về phong tục, cách ăn mặc, nhà cửa, tín ngưỡng, các lễ tết, hội hè… của Gia Định và nói về những nét đặc sắc của người mỗi trấn.

Quyển V, Vật sản chí (chép về sản vật). Quyển này nói về nông sản, tình hình ruộng đất của cả trấn, của một số huyện, tổng, thời gian cấy gặt ở mỗi nơi, các giống lúa và hoa màu, cùng với đó là các sản vật của các địa phương.

Quyển VI, Thành trì chí (chép về thành trì). Quyển này cho biết về vị trí, giới hạn, quy mô của các thành trấn lỵ và huyện lỵ, các lũy, các đồn, đền chùa, các cầu, chợ, phố xá. Đặc biệt, tác giả còn cho biết vị trí, quy mô của thành “Bát giác hình hoa sen” do Nguyễn Ánh xây dựng năm 1788 và Minh Mệnh phá sau khởi nghĩa của Lê Văn Khôi.

Trong công trình này, tác giả ghi chép một cách cẩn thận, cụ thể từ tên núi, tên sông, tên vùng đất. Ngoài ra, ông còn giải thích cặn kẽ các địa danh ấy và miêu tả tỉ mỉ phong tục và tính cách người dân miền Nam, với một lối viết giàu hình ảnh, trữ tình. Chẳng hạn ông miêu tả sông Lá Buông: “Ở về phía tây cách trấn 11 dặm rưỡi, phía trên tiếp với ba cù lao Tân Chánh, Tân Triều và Ngô, hợp lưu chảy xuống tới giữa rồi tạo ra Kính Hồ sâu rộng trong xanh, trấn áp vùng thượng du của hòn Rùa, khói sóng chờn vờn, núi sông tươi đẹp, huyền ảo như bồng lai tiên cảnh. Ở đây gồm thâu nhiều cảnh đẹp như viễn phố quy phàm (buồm về bến xa), bình sa lạc nhạn (nhạn đáp bãi cát bằng), và tình nham dạ vũ (núi tạnh, đêm mưa) khiến cho người có cảm hứng phong cảnh Tiêu Tương, vẽ thành tranh vậy”. Viết về phong tục của người Nam kỳ, ông miêu tả tỉ mỉ, chi tiết, chẳng hạn như miêu tả trò chơi đánh đu trong dịp tết nguyên đán: “Cột tre làm trụ, ở hai bên tả hữu đều trồng ba cây một chỗ chân dạng theo vòng tròn. Khoảng giữa giá đu chỗ hai càng đu đưa qua lại, hai bên tả hữu trước sau chia trồng xiên bốn cây trụ tre chân cách rộng ra, buộc chúm đầu tre vào cây giá cho chặt…”, v.v…

Rõ ràng với công trình này, Trịnh Hoài Đức xứng đáng được vinh danh như một nhà văn hóa lớn của vùng đất Nam kỳ. Nguyễn Đức Hiệp trong bài viết Vài nét về lịch sử người Minh Hương và người Hoa ở Nam bộ đã đánh giá đây là “tư liệu quý giá và phong phú nhất về lịch sử khai khẩn Nam bộ”, và “ông (Trịnh Hoài Đức) nổi tiếng và

được nhớ đến nhiều trong lịch sử không phải là vì ông là một vị đại thần dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng được trọng dụng và làm đến chức Thượng thư bộ Hộ mà là vì tác phẩm Gia Định thành thông chí có giá trị văn hóa, địa chí về miền Nam trong giai đoạn mở mang cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX. Tác phẩm duy nhất này về miền Nam thời khai hoang mở đất, cho ta những tư liệu quý giá về con người, phong tục, đất đai, địa chí, lịch sử… Nếu nhà bác học Lê Quý Đôn có Vân Đài Loại Ngữ cho Bắc và Trung bộ thì Trịnh Hoài Đức có Gia Định thành thông chí cho giai đoạn miền Nam mở đất”. Không chỉ vậy, điều khiến cho tác phẩm của Hoài Đức trở nên hấp dẫn còn bởi “mặc dù viết về lịch sử, dư địa chí, nhưng lời văn của Trịnh Hoài Đức tươi mát, giàu hình ảnh, ngôn ngữ có sức biểu cảm lớn”25.

Công việc ghi chép, biên soạn lại lịch sử, địa lý và văn hóa của một vùng đất, đặc biệt là vùng đất mới được khai hoang, là một sứ mạng lớn lao và chỉ những người có kho kiến thức đồ sộ, phong phú về mọi mặt đời sống và lịch sử của vùng đất ấy mới có thể làm được. Trịnh Hoài Đức, một người gốc Minh Hương, đã đảm nhận trọng trách ấy và thành quả mà ông đạt được đã khẳng định nhân cách văn hóa của ông trong lịch sử dân tộc, cái dân tộc mà theo nguồn gốc xuất thân ông vốn không thuộc về.

Một phần của tài liệu Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 40)