Tình cảm đối với gia đình, bạn bè

Một phần của tài liệu Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 51)

6. Bố cục của luận văn

2.1.2.2.Tình cảm đối với gia đình, bạn bè

Là vị quan lớn của triều đình, phải lo việc dân việc nước, nhưng nhiều khi nỗi niềm riêng trỗi dậy mạnh mẽ trong Hoài Đức và khiến ông bâng khuâng, trăn trở. Trong bài Hoài nội (Nhớ vợ), ông bộc bạch “lòng riêng mộng tưởng hàng đêm” với những lời lẽ thật tha thiết. Nhà thơ gợi lại tích xưa trong sách Thương vân tiểu thuyết

để nói rằng “cái mộng phú quý thần tiên” cưỡi hạc bay lên thành Dương Châu “đã thành chuyện hão”. Ông thấy được hạnh phúc của Trần Trọng Tử thời Chiến quốc từ chối làm quan để cùng vợ lánh đi nơi khác, suốt ngày gánh nước trồng rau. Trong một bài khác, nhà thơ chạnh lòng khi làm khách ở đất lạ. Sự cách trở với người vợ thân yêu khiến ông đau xót, nhớ thương:

“Tinh sứ gian quan yêm dịch quán, Kinh thê bần bệnh cách phương thiên.”

(Lữ thứ hoa triêu) (Sứ giả vất vả lần chần mãi nơi quán trạm,

Người vợ từ thủa hàn vi, nghèo bệnh, cách trở phương trời) (Tiết hoa triêu nơi đất khách)

Hoài Đức đau xé ruột khi con mắc bệnh trầm kha. “Không biết tìm vị thần về nghề thuốc ở đâu”, ông chỉ biết ôm trong mình một nỗi khắc khoải xót xa vì “thương con thân tật bệnh liên miên” (Thương đệ tam tử Thiên Hóa – Đau đớn vì con thứ ba Thiên Hóa).

Với bạn bè, nhà thơ cũng một lòng nặng nghĩa như vậy. Có những bài viết về Hoàng Ngọc Uốn với những lời lẽ chan chứa tình cảm (Ký hoài Hoàng Ngọc Uốn Hối Sơn Chân Lạp hành – Bài hành Chân Lạp gửi Hoàng Ngọc Uốn, hiệu Hối Sơn; Bệnh trung đắc Hoàng Hối Sơn bệnh tín đề ký – Trong lúc bệnh được thư Hoàng Hối Sơn cũng đang bệnh, viết gửi). Với Ngô Nhơn Tĩnh và Lê Quang Định, hai người bạn thân

đồng thời cũng là bạn thơ văn cùng nhóm Bình Dương thi xã với ông, Hoài Đức dành một tình cảm thân tình, sâu sắc. Trong bài thơ viết tiễn Ngô Nhơn Tĩnh đi Quảng Đông, ông tỏ lòng mong ngày hội ngộ và bộc bạch nỗi quyến luyến: “Lệ chứa, tiếng tơ đàn buồn động xưa, nay” (“Lệ tích bi ti động cổ câm”, Tống Ngô Nhữ Sơn chi Quảng Đông – Tiễn Ngô Nhữ Sơn đi Quảng Đông). Đau xót trước nỗi oan khuất của Nhơn Tĩnh dẫn đến cái chết u uẩn của bạn, Hoài Đức than: “Nỗi oan không giãi tỏ được chết đáng thương thay” (“Bất bạch chi oan tử khả ai”). Nỗi mong chờ của ông đối với Lê Quang Định trong bài Quế Lâm đông nhật vọng thỉnh phong chánh sứ Lê Quang Định Binh bộ thượng thư (Ngày đông ở Quế Lâm mong ngóng Binh bộ thượng thư Lê Quang Định chánh sứ đoàn cầu phong) đã thực sự làm thành một khúc ca về tình bạn. “Nước ngược bãi nông”, “áo cừu mỏng tuyết đọng” khiến ông lo lắng cho bạn đang trên dặm xa. Và thật cảm động với hai câu kết bài, khi ông bày tỏ lòng mong ngóng của mình với “tin báo ngày ba mươi tới” bạn sẽ về, nhưng “lại sợ mùa đông ban ngày dài”. Trong nỗi nhớ bạn, thời gian được cảm nhận khác với thời gian thường ngày. Ngày mùa đông dài hơn các mùa khác và đó là điều làm cho sự xa cách có vẻ như mênh mang hơn. Đây chỉ có thể là nỗi lòng của một tri âm đối với một tri âm!

Khi Lê Quang Định mất, Hoài Đức không kìm nổi những giọt nước mắt: “Tích cừu dĩ phó lâm quan lễ,

Khấp vũ hoàn đa cử nhậm bi.”

(Khốc Hộ bộ thượng thư mẫn chính hầu Lê Quang Định) (Cởi áo cừu đã làm lễ nhập quan,

Vẫn còn khóc như mưa phải nâng vạt áo lau.)

(Khóc Hộ bộ thượng thư mẫn chính hầu Lê Quang Định) Câu thơ cho ta thấy tấm lòng dạt dào tình cảm của Hoài Đức đối với Lê Quang Định. Có thể thấy, không những là người gánh trên vai mình những trọng trách lớn của cả triều đại, không những là người thực hiện và lo lắng những việc lớn của dân, của nước, Hoài Đức còn mang trong mình những tình cảm hết sức đời thường, bình dị mà

vô cùng sâu sắc và cao đẹp. Nhiều khi ông còn trải lòng mình trong nỗi thương cảm với cảnh ngộ bất hạnh của những người xung quanh, như người vợ lái buôn với cuộc đời “hương tắt đèn tàn chăn gấm lạnh lùng” (Thương nhân phụ - Vợ lái buôn), người kỹ nữ mù “đã mất cái dáng mảnh khảnh thướt tha” (Manh kỹ - Người kỹ nữ mù)…

Như vậy, mảng thơ văn viết về tình cảm gia đình, bè bạn mặc dù không nhiều nhưng cũng đã góp phần giúp chúng ta hiểu hơn về con- người- thơ Trịnh Hoài Đức. Tất cả những gì từng đi vào thơ dù thoáng qua đều có ý nghĩa với tác giả của nó, đó là một ràng buộc hết sức đẹp đẽ trong văn học.

Một phần của tài liệu Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 51)