6. Bố cục của luận văn
3.1. Thái độ nhập cuộc và tinh thần thực tiễn
Bị quy định bởi đặc điểm xã hội ở vùng đất mới, văn hóa ở Nam kỳ phát triển theo phương thức “ngay từ những ngày đầu hình thành của nó, đã mang tính chất rộng mở, sẵn sàng tiếp nhận những yếu tố văn hóa có nguồn gốc khác nhau”34. Xuất phát từ nhu cầu thống nhất ở một mức độ nhất định các đặc tính văn hóa từ nhiều nguồn gốc ấy, xã hội Nam kỳ dần hình thành trong nó một cơ chế vận hành bám sát các “vốn liếng” văn hóa sẵn có trên cơ sở tiếp nhận Nho giáo như một ý thức hệ chính thống.
34
Bên cạnh đó, sự tiếp cận với đội ngũ trí thức miền Bắc (như bộ phận quan lại, tướng lĩnh, quân sĩ người Thuận Quảng theo chúa Nguyễn Phước Thuần vào Nam; các nhà nho miền Trung di cư để tránh chiến tranh; “Đặng gia sử phái” từ Bình Thuận vào Nam mở trường học…) đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trí thức – nhà nho miền Nam “trưởng thành trong một khuôn mẫu truyền thống”. Trên cơ sở đó, tinh thần thực tiễn, năng động và thái độ nhập cuộc của đội ngũ trí thức này được phát huy mà trong văn học trước hết thể hiện ở niềm tự hào trước hiện thực cuộc sống mới mà chính quyền và nhân dân đã gây dựng, sự ca tụng lối hành xử trung nghĩa theo quan niệm Nho gia và khao khát được phục vụ công cuộc xây dựng xã hội với sự lãnh đạo của chính quyền nhà Nguyễn.
Thời đại các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn thường được nhìn nhận với ít nhiều định kiến, rằng có những chính sách cai trị độc đoán, lỗi thời, cố chấp khiến cho xã hội trì trệ và làm hạn chế các tiềm lực của dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những phê phán ngày càng tỏ ra khách quan hơn, gần đây các nhà nghiên cứu cũng đánh giá vai trò của nhà Nguyễn theo hướng tích cực hơn. Ngay trong Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, việc nhìn nhận triều Tây Sơn một cách khách quan (cho rằng không phải là “ngụy triều” như cách nhìn của sử chính thống triều Nguyễn) đã cho thấy không phải hoàn toàn do chủ quan mà tác giả đánh giá cao công lao “đem giang sơn về một mối, nam bắc một nhà, làm cho nước ta thành một nước lớn ở phương nam vậy” của Gia Long và vương triều Nguyễn. Thực tế cho thấy nhà Nguyễn đã để lại cho hậu thế nhiều di sản văn hóa đáng kể mà trong đó một số đã được thế giới công nhận và tôn vinh. Bởi vậy, soi rọi vào các tư liệu, thư tịch trong đó có các văn bản văn học thời bấy giờ, chúng ta sẽ công bằng hơn trong việc phán xét và sẽ hiểu hơn về lịch sử dân tộc.
Ở Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVII, lực lượng sáng tác văn học ít ỏi và số các tác phẩm hiện giờ được biết tới không nhiều. Cuối thế kỷ XVIII, sự tàn tạ nhanh chóng của triều Tây Sơn cùng với những nỗ lực không thành trong việc thay đổi bộ mặt xã hội theo cách “tự khuôn nắn theo mô hình truyền thống”, “cố gắng dung hòa với thiết
chế cũ để tự tìm cho mình sức mạnh chính trị cần thiết trên vị trí lịch sử mới”35 đã không giúp Quang Trung và vương triều của ông tạo được ảnh hưởng chính trị sâu sắc cũng như tập hợp được một lực lượng trí thức đủ lớn mạnh cho sự phát triển toàn diện của xã hội. Trong khi đó, những thắng lợi quân sự cùng với kinh nghiệm thống trị của dòng họ đã giúp Nguyễn Ánh thu hút được lực lượng trí thức – nhà nho ở Gia Định và thuyết phục được đội ngũ này ở miền Nam tích cực ủng hộ cho sự nghiệp chính trị của mình. Bởi vậy mà trong sáng tác văn học của họ, chủ đề ca ngợi phong cảnh thiên nhiên - chủ đề nổi bật trong giai đoạn văn học Đàng Trong (1600 – 1777) - vẫn được tiếp nối nhưng gắn bó hơn với niềm tự hào, ngợi ca công lao của vương triều Nguyễn. Nếu như Tư Dung vãn của Đào Duy Từ ngợi ca cảnh đẹp Tư Dung và cảnh phồn thịnh xứ Đàng Trong, bày tỏ quan niệm về lẽ “xuất xử, hành tàng” của kẻ sĩ theo tinh thần chính thống Nho gia song đồng thời cũng nêu quan điểm về “xuất thế” để giữ mình trong sạch và tránh phiền lụy, thì các tác phẩm của Gia Định tam gia luôn trong tâm thế hăm hở nhập cuộc. Họ ngợi ca “thành vàng Gia Định”, biết ơn “vua thánh” bởi cơ nghiệp đó và nguyện “dốc lòng đem thân giúp nước”, “đem hết lòng son báo thánh hoàng”. Ngay cả Ngô Nhơn Tĩnh, người từng có lúc coi việc “thu tay trong tay áo giữ mình thảnh thơi” như một lối sống tốt nhất, cũng vẫn luôn tâm niệm rằng “niềm quân thần vẫn trọng”. Khát vọng được thả hồn vào mây trời, sông núi và hưởng cảnh an nhàn của ông không mang ý nghĩa yếm thế, trốn đời, càng không phải tư tưởng bất mãn với thời cuộc của các ẩn sĩ thời xưa. Khát vọng ấy trong Ngô Nhơn Tĩnh chỉ có thể được hiểu như một biểu hiện của sự hướng nội, nói cách khác nó thuộc về một khía cạnh của cá tính. Và văn chương, với tất cả sức mạnh của sự giải phóng tinh thần, đã nâng nó lên thành một giai điệu trong các cung bậc cảm xúc nghệ thuật chứ không phải như một dấu hiệu của tư tưởng lánh đời.
Và trên tất cả, lý tưởng giúp nước lo đời của Nho giáo đã được các trí thức Nam kỳ nhất hóa với việc phục vụ cho chính quyền Nguyễn Ánh. Bài Đề Lễ công từ của
35
Lâm Tấn cho rằng sự nghiệp mở mang và xây dựng đất nước của nhà Nguyễn từ trước tới nay là do ý trời đất trao gửi, coi lực lượng đối kháng với nhà Nguyễn – lực lượng Tây Sơn – là “loạn thần”. Ngay như nhà nho Võ Trường Toản, thầy dạy của Gia Định tam gia, từ chối chốn quan trường nhưng luôn ngợi ca các trung thần đã “xả sinh thủ nghĩa” và tích cực ủng hộ tinh thần hành đạo. Nhiều bài thơ, văn tế viết để tưởng nhớ, tiếc thương sự hy sinh của quân sĩ nhà Nguyễn trong những trận chiến với Tây Sơn (như bài Trận vong tướng sĩ tế văn của Nguyễn Văn Thành), hay ca ngợi sự tuẫn tiết vì trung nghĩa của các bậc công thần nhà Nguyễn như Võ Tánh, Ngô Tùng Châu (bài
Khóc Võ Tánh của công chúa Ngọc Du, Văn tế phò mã chưởng hậu quân Võ Tánh và Lễ bộ Thượng thư Ngô Tùng Châu của Đặng Đức Siêu…). Gia Định tam gia cũng có các bài như Vô đề (Không đề) của Trịnh Hoài Đức, Võ hậu quân hỏa (Lửa của hậu quân Võ Tánh), Ngô Lễ bộ tửu (Rượu của Lễ bộ Thượng thư Ngô Tùng Chu) của Lê Quang Định ca ngợi hai bậc công thần này với những câu thơ đầy xúc cảm.
Thái độ nhập cuộc cộng với tinh thần thực tiễn đã tạo ra một không khí hào hứng, tràn khí thế trong đời sống của các trí thức – nhà nho Nam kỳ thời bấy giờ, mà ở đó việc phụng sự cho triều Nguyễn trở thành một lý tưởng cao cả. Không chỉ ủng hộ triều Nguyễn và công cuộc xây dựng xã hội về mặt tinh thần, nhiều nhà nho đã đóng góp công lao của họ trong những hoạt động thực tiễn. Ngô Tùng Châu trước khi tuẫn tiết tại thành Quy Nhơn từng làm quan Khuyến nông, sau đó là Ký lục dinh Trấn Biên. Trịnh Hoài Đức thời kỳ đầu nhậm chức Điền Tuấn sứ huyện Tân Bình coi việc mở mang vùng tam giác sông Mê kông, xác định chế độ điền thổ, lo trù biện lương hướng cho quân đội, về sau được bổ làm Ký lục dinh Trấn Định trước khi làm Tham tri bộ Hộ. Lê Quang Định trong thời gian làm Thượng thư bộ Binh còn kiêm phụ trách Khâm thiên giám lo việc lập sổ điền địa trong cả nước, sau đó khi làm Thượng thư bộ Hộ lại nắm giữ các chính sách về điền thổ, hộ khẩu, tiền thóc, bình chẩn việc phát ra, thu vào để điều hòa nguồn của cải trong cả nước. Lê Quang Định còn có công trong việc phân định lại chế độ đất đai sau chiến tranh, loạn lạc, và là một trong số những người chủ
trương lấy tên nước là Việt Nam. Ngô Nhơn Tĩnh từng theo chúa Nguyễn ra cứu thành Quy Nhơn, cùng với Nguyễn Kỳ Kế coi về việc binh lương, rồi lãnh coi việc chính trị Phú Yên, cai quản tiền và lúa để cung cấp quân nhu. Cả ba nhà thơ trong Gia Định tam gia đều giúp vua Nguyễn trong việc bang giao với Trung Hoa, và những lần đi sứ của các ông đều thành công, khiến cho vua tôi Trung Hoa phải nể phục. Mảng thơ bang giao của Gia Định tam gia không chỉ chứng tỏ công lao của các ông đối với sự nghiệp triều chính nhà Nguyễn mà còn khẳng định được giá trị nghệ thuật của nó trong sáng tác văn chương của các nhà nho Gia Định thời bấy giờ. “Trong hoạt động ngoại giao với Trung Quốc, bất cứ những văn thần Việt Nam đón tiếp các sứ giả Trung Quốc hay là các sứ thần Việt Nam được cử sang sứ Trung Quốc đều là những học giả nổi tiếng với kiến thức uyên bác và thơ chữ Hán tài giỏi”36. Những bài thơ thù đáp, giao thiệp với các nhân sĩ Trung Hoa của Gia Định tam gia cho thấy tài năng của các ông trong việc kết hợp những nguyên tắc giao tiếp với niềm riêng, ý và tình. Đặc biệt, Trịnh Hoài Đức được biết tới như một “nhà ngoại giao” khéo léo, “đầy trí lự” mà tác phẩm Bắc sứ thi tập của ông cũng thể hiện rõ điều đó.
Là các văn thần của triều đình, hơn nữa là những người đóng góp nhiều công sức thiết thực cho công cuộc xây dựng xã hội của triều Nguyễn, Gia Định tam gia hơn ai hết luôn tâm niệm về trung quân, hành đạo và bên cạnh đó là hướng tới cuộc sống của nhân dân. Hơi thở của cuộc sống mới tràn trong tác phẩm của các ông. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức hấp dẫn người đọc không chỉ bởi những ghi chép thành thực về cương vực, phong tục, sản vật của Gia Định mà còn bởi nó lột tả được cái nhịp điệu hối hả, hừng hực khí thế của con người đang xây dựng cho mình cuộc sống mới. Đó là cảnh dân cư đông đúc, nhà cửa san sát nối tiếp nhau, là cảnh tàu thuyền khắp nơi đến buôn bán, dân khắp nơi đến hội tụ… Trịnh Hoài Đức không chỉ ghi chép, ông còn cố gắng diễn tả được tinh thần của thời đại ấy. Tiếp nối “mạch văn
36 Vu Tại Chiếu, “Thơ bang giao chữ Hán Việt Nam trong sự giao lưu văn hóa Việt Nam và Trung Quốc trong lịch sử trung đại”, Tham luận tại Hội thảo quốc tế “Văn học Việt Nam trong bối cảnh giao lưu văn hóa khu vực và quốc tế” do Viện Văn học và Viện Harvard – Yenching (Hoa Kỳ) đồng tổ chức, 2006.
của những thế hệ đi mở cõi, được bắt đầu từ sĩ phu Bắc Hà như Đào Duy Từ, Nguyễn Hữu Hào đến chinh phục đất mới, có sự hòa đồng tâm hồn trí tuệ với thổ ngơi thiên nhiên con người nơi đất mới, rồi từ huyết quản mình đã viết ra dòng văn Việt mang sắc thái phương Nam”37, Chiêu Anh Các đã khiến cho mạch văn ấy được mở rộng hơn và đến lượt mình, các nhà thơ trong Gia Định tam gia phát triển lên một bước mới. Nếu như trong Hà Tiên thập vịnh của Chiêu Anh Các yếu tố thiên nhiên còn lấn át hình ảnh con người, thì các bài thơ trong Cấn Trai thi tập, Hoa Nguyên thi thảo, Thập Anh đường thi tập, bóng dáng của con người đã hiện ra như một hình tượng nghệ thuật chủ đạo. Gia Định tam thập cảnh, phân Bội Văn Vận Phủ vận (Ba mươi cảnh Gia Định chia làm theo vần trong sách Bội Văn Vận Phủ) của Trịnh Hoài Đức với Lộc Động tiều ca (Tiếng hát ông tiều ở Hố Nai), Ngư Tân sơn thị (Phiên chợ núi Bến Cá), Tiên Phố giang thôn (Làng bên sông ở Bến Tiên), Trấn Định xuân canh (Cày mùa xuân ở Trấn Định)… đã hướng đến con người và cuộc sống một cách có ý thức, và rõ ràng sự gắn bó ấy sâu sắc hơn so với các sáng tác của Chiêu Anh Các.
Theo Cao Tự Thanh, “trên phương diện nghệ thuật, tâm lý hành động nhuốm đậm màu sắc thực tiễn ấy cũng chi phối phong cách sáng tạo của các tác giả văn học Hán Nôm ở địa phương” mà ánh phản của nó chính là “cái phong cách cứng cỏi mà phóng khoáng”38 trong truyền thống nghệ thuật của bộ phận văn học này. Trịnh Hoài Đức viết thơ thương tiếc cho sự hy sinh vì nghĩa cả của Võ Tánh và Ngô Tùng Châu nhưng ông không coi đó là việc “lấy thơ mà kêu khóc”, ông nói rõ: “tôi nhân khóc các ông nên lấy thơ ghi lại tiết lớn của danh thần như thế thôi”. Viết lời tựa cho Minh bột di ngư của Mạc Thiên Tích, ông nói rằng việc in sách không phải “vì muốn thỏa mãn bệnh mê thi họa của kẻ viết mấy hàng này” mà nhằm mục đích “khiến đoàn hậu tiến còn nhớ tới ngài (Mạc Thiên Tích) luôn”. Cao Tự Thanh còn dẫn chứng về việc họa thơ theo lối “dụng vận”, dùng bộ vần “nhất đông” trong Bội Văn Vận Phủ của Trịnh
37 Hà Văn Thùy, Trấn Hà Tiên và tao đàn “Chiêu Anh Các”, NXB Văn học, 2002, tr.41.
38
Hoài Đức và Ngô Nhơn Tĩnh để thấy rằng các ông không câu nệ theo đúng từng vần của bài xướng.
Chính tinh thần thực tiễn đã khiến cho đời sống văn hóa xã hội cũng như tư tưởng của các trí thức – nhà nho Nam kỳ thời bấy giờ phát triển theo hướng khác với Bắc kỳ. Quá trình hòa vào đời sống đã mang lại cho Nho giáo Nam kỳ những màu sắc mới, trong đó có hiện tượng mà Nguyễn Văn Trung trong Lục châu học gọi là “lấy chữ nghĩa lấn át chữ trung”, và bên cạnh đó Nho giáo còn tìm cho nó cách thức hòa nhập vào thực tiễn nơi đạo Phật và các tôn giáo, tín ngưỡng khác của các tầng lớp nhân dân đương thời. Là tôi thần triều Nguyễn, các nhà thơ trong Gia Định tam gia vẫn luôn đề cao chữ “trung” và các quan điểm của Nho giáo chính thống, song đôi khi Hoài Đức cũng ưu tư nghĩ về lẽ sắc không của nhà Phật:
“Sắc không như thị tưởng, Để ý nhữ tri bất (phầu).”
(Giang nguyệt đồng Ngô Nhữ Sơn thư hoài) (Nghĩ về lẽ sắc không như thị,
Ý sâu trong đó anh có biết không)
(Trăng sông cùng Ngô Nhữ Sơn viết tả nỗi lòng) Ngô Nhơn Tĩnh cũng nhiều lúc “ý thức được về tính của mình là ở cái tâm sáng” (“kiến tính tại minh tâm”) và khao khát:
“Nguyện tương cửu phẩm liên hoa biện, Hóa tác từ hàng bỉ ngạn lâm.”
(Du Hải Chàng tự) (Nguyện đem bông hoa sen cửu phâqrm, Hóa làm bè từ sang bờ bên kia)
(Chơi chùa Hải Chàng)
Một lần “ngã xe vào kinh quán dưỡng bệnh”, Ngô Nhơn Tĩnh suy nghĩ về kiếp luân hồi và Phật pháp (Trụy xa nhập kinh quán dưỡng bệnh). Đôi khi, ông lại ngẫm
ngợi về sự phiền não của đời, ông muốn quay mặt vào vách thiền định như Bồ Đề Đạt Ma ở Ấn Độ sang Trung Quốc tu ở chùa Thiếu Lâm để “bắt đầu hiểu lòng đạo huyền vi” (Kỳ tứ - Bài IV). Như vậy, tính chất không thuần nhất của Nho giáo đã ảnh hưởng đến các tác giả văn học Nam kỳ trong đó có Gia Định tam gia, một mặt nó thể hiện tinh thần thực tiễn của các trí thức thời đó, mặt khác nó tạo cho văn chương của nhà nho một không gian rộng rãi, phóng túng hơn để thâm nhập.
Như vậy, với thái độ nhập cuộc, tinh thần hành đạo và khát vọng được đem thân giúp nước, giúp vua, các nhà thơ trong Gia Định tam gia đã thâu nhận tư tưởng Nho giáo một cách linh hoạt, không gò bó, cứng nhắc. Văn chương của họ vì vậy mà tràn hơi thở của hiện thực cuộc sống, cổ điển nhưng cũng mang những yếu tố mới, hiện đại.