6. Bố cục của luận văn
2.3.1. Tình yêu quê hương, đất nước và nỗi ưu thời mẫn thế
Trong thơ, nhiều lần Ngô Nhơn Tĩnh nói đến “một tấm lòng”, “một tấm tình” (“nhất phiến tâm”, “nhất phiến tình”), có lúc để khẳng định tình cảm sâu nặng với bạn bè thân hữu, nhưng phần lớn là để nói về tấm lòng trước sau như một đối với đất nước. Trên đường qua Trà Khúc Quảng Ngãi trong chuyến đi sang phong cho quốc vương Cao Miên, gặp nước lũ, phải dừng lại ở núi Long Đầu, buồn phiền vì chưa tiến hành được công việc, ông tự trách mình “tội cam chịu mang mệnh vua mà nán lại lâu”. Qua cầu Dự Nhượng, ông nghĩ tới người xưa với một lòng tôn kính: “mãi khiến kẻ trung thần mỗi lần đi qua cầu phải hỏi han tới”. Nhiều lần khác, ông nói về “tấm lòng lo cho dân cho nước trăm năm canh cánh” của Khuất Nguyên cũng là để bày tỏ lòng mình (“Ưu dân ưu quốc bách niên tình”, Thuyết tình ái – Nói về những điều ưa thích), “tấm lòng khảng khái, chưa đền nợ nước, luống những băn khoăn” (“vị năng khảng khái thù bang quốc”, Lưu biệt Tiên thành chư hữu – Để từ biệt các bạn ở thành Hà Tiên)… Giống Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, ông cũng thể hiện lòng trung quân trong thơ như một biểu hiện của lòng yêu nước: “Quân ân đa sủng tứ” (Ơn vua yêu ban tứ nhiều) (Kỳ thất – Bài VII), “Quân thần nhất niệm cao” (Niềm quân thần vẫn trọng) (Kỳ thập – Bài X)…
Phần lớn được viết lúc đi sứ, nên trong thơ Ngô Nhơn Tĩnh và Gia Định tam gia, niềm ly biệt, nỗi nhớ và khát vọng ngày về luôn trở đi trở lại. Có thể thấy được nỗi lòng đau đáu vì nước của Ngô Nhơn Tĩnh qua bài Nhâm Tuất niên mạnh đông sứ hành do Quảng Đông thủy trình vãng Quảng Tây, họa Trịnh Cấn Trai thứ lạp ông tam thập vận – III – Tháng mười năm Nhâm Tuất sứ bộ do đường thủy Quảng Đông đến Quảng Tây, họa thơ Trịnh Cấn Trai làm theo vần thơ lạp ông ba mươi bài – III):
“Cửu chuyển hồi trường tự khúc giang, Quan sơn thiều đệ biệt Nam bang”
(Lòng quặn chín khúc giống như sông uốn khúc, Quan san xa xôi từ biệt nước Nam).
Xa nước, nỗi nhớ được nhà thơ tỏ bày hết sức xúc động: “Khứ quốc ưu thiên vấn,
Mưu thân quý xuyết tao.” (Kỳ thập) (Xa nước buồn lo hỏi trời,
Mưu cho thân mình thẹn húp hèm rượu) (Bài X)
Giống Lê Quang Định, trong ý niệm của Ngô Nhơn Tĩnh luôn có nỗi niềm “đất khách”. Trong bài Thính vũ (Nghe mưa), ông nghe từng giọt đang thánh thót ngoài trời và cảm thương phận mình “một mình ngồi trên giường nơi đất khách”. Trong lúc đi thuyền từ Quảng Đông đến Quảng Tây, ông than về nỗi “chịu sao nổi sắc xuân đồng nội” bởi nó khiến ông nhớ tới quê hương.Trong một “đêm trở dậy”, nhà thơ trằn trọc với nỗi nhớ nhung, ngồi đếm những canh tàn. “Đêm mồng bảy tháng bảy ở đất khách”, ông cũng ngậm ngùi trông ngóng về nơi ông đã từ đó ra đi, và than thở: “Đất khách lòng quê hai độ sầu” (“Khách địa hương tâm lưỡng độ sầu”). “Mấy lần nhìn về phương nam nhớ đàn, sách” (Hồ Quảng quy chu đồ trung tác tam thập vận (tuyển ngũ thủ) – Từ Hồ Quảng thuyền về dọc đường làm ba mươi bài (chọn năm bài)), thậm chí có lần “trùm đầu cái mũ phương nam” mà vẫn “đeo sầu ở nơi quan san muôn dặm”: nỗi nhớ không vợi bớt, ngược lại càng xốn xang trong lòng khi ông nghĩ đến “cửa vua mấy lần khóa thâm nghiêm, tấm lòng thành chưa hay thấu tới” (Đồng Trần Tuấn, Hà Bình Xích Hạ chu trung tạp vịnh – Cùng hai bạn Trần Tuấn, Hà Bình chơi thuyền trên sông Xích Hạ, có bài tạp vịnh). Một câu thôi trong bài Hà Bắc đạo trung hiểu hành (Trên đường Hà Bắc đi sớm) cũng đủ cho thấy tình yêu quê hương đất nước đã trở thành nỗi ám ảnh trong ông:
“Cố quốc phân minh tục mộng hồn”
Tỉnh giữa giấc mộng để rồi khi nối lại, giấc mộng cũ chưa tan, lại đeo bám ông một cách dai dẳng và phiền muộn. Giấc mộng nối tiếp giấc mộng, nỗi nhớ nối tiếp nỗi nhớ. Tình yêu của ông đối với quê hương, đất nước thật mênh mông! Có những lần, cô đơn nơi xa xôi, ông “đối gương”, “nhìn kiếm”, cũng là đối diện với chính mình. “Mang hùng tâm đem thân đền ơn nước” (Đối kiếm – Nhìn kiếm), bởi vậy mà nỗi nhớ quê, nhớ nước khiến “tóc trắng thêm mãi” (Đối kính – Đối gương).
Nhiều lần, thơ ông tỏ rõ nỗi ưu thời mẫn thế. Trong bài Quá Hoàng Hà (Qua Hoàng Hà), ông mượn ý trong truyền thuyết (bao giờ nước sông Hoàng Hà trong, có thánh nhân ra đời, lúc bấy giờ mới thật thái bình) để chiêm nghiệm về thời thế. Là vị quan từng giữ chức Thượng thư bộ Công trong triều Nguyễn, Ngô Nhơn Tĩnh cũng mang trong mình tinh thần hành đạo. Trong bài Đáp chư hữu tặng biệt nguyên vận
(Đáp nguyên vận bài thơ các bạn tặng lúc từ biệt), ông nói rằng chưa tin mình có thể noi gương Tử Sản lo cho dân, nhưng dám bắt chước Phùng Hoan (người đời Xuân Thu, làm gia khách của Mạnh Thường quân) làm điều nghĩa. Bởi vậy, thảng hoặc xuất hiện trong thơ Ngô Nhơn Tĩnh quan niệm của ông về người anh hùng: “chí cứng rắn như sắt” trong những cơn rong ruổi nơi hồ hải, “thân mềm như bông lúc ngồi nằm”, “luân chuyển là chỗ làm thành tựu người anh hùng”, “tâm cơ” không ngừng “rân rân” (Trực Lệ đạo trung xa trung vịnh – Trên đường Trực Lệ trong xe vịnh thơ)…
Một đặc điểm đáng lưu ý trong thơ Ngô Nhơn Tĩnh là quan niệm của ông về lẽ trời, lẽ đời: sự chuyển vận. Ông thường xuyên tâm niệm về “buồn, vui, chia, hợp” (bi, hoan, ly, hợp), về sự luân chuyển, về những xoay vần của thời gian và cuộc đời, những thay đổi nay động mai tĩnh, trước phải sau sai… Điều quan trọng, đối với ông, là trong sự xoay chuyển đó, kẻ sĩ mang đức nặng chí hùng sâu phải giữ cho “thân tâm này đứng vững trong nghiên ngả” (Lữ ngụ Long Sơn Hoàng thị từ đường - Ở trọ từ đường họ Hoàng tại Long Sơn), “biết bảo tồn cái thần của mình” (Đối kính – Đối gương) và “không để mất tấm lòng ban đầu” (Chí Thủy Biện thôn – Đến thôn Thủy Biện). Có khi,
hiện thực đấu tranh chính trị trong nội bộ triều đình lúc bấy giờ đã đi vào trong thơ ông với những tình thế và quy luật của một cuộc cờ:
“Kiếp trì nhân thác loạn, Hắc bạch nhĩ phân minh. Thang Vũ sơ tàn cục, Đường Ngu tái lạc bình. Đắc tiên duy khuất chiến, Thất thế tại chuyên tranh.”
(Đối kỳ) (Bắt bí người lỡ lầm rối loạn, Quân đen trắng phân minh. Thang Võ mới tàn cuộc, Đường Ngu lại rơi vào bàn cờ.
Dành phần thắng chỉ có cách nhọc nhằn chiến đấu, Thất thế là bởi cứ chuyên tranh giành.)
(Đánh cờ)
Vậy cũng đủ thấy rằng con người ưu thời mẫn thế trong Ngô Nhơn Tĩnh luôn cất lên tiếng nói đầy trăn trở. So với Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định, tư tưởng nhập cuộc, hành đạo trong thơ Ngô Nhơn Tĩnh mờ nhạt hơn, nhưng không phải vì vậy mà nỗi lo nước thương đời của ông kém sâu sắc. Nỗi trắc ẩn này diễn ra như một quy luật trong những kẻ vốn dành cho đất nước và cuộc sống một niềm yêu lớn nhưng bên cạnh đó, thẳm sâu trong tâm thức, họ tự mình sống với những cảm giác của bản thân, tìm niềm vui hay sự giải sầu trong thiên nhiên, trong cảnh an nhàn.