Những tâm sự thầm kín

Một phần của tài liệu Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 55)

6. Bố cục của luận văn

2.1.2.4.Những tâm sự thầm kín

Là vị quan lớn triều đình, thường xuyên trong tâm trạng “lo thời thế hãy chưa yên”, nhưng đôi lúc Trịnh Hoài Đức nhận thấy cái lạnh của kiếm sắc, của cả ánh hào quang (“cổ kiếm lẫm hoa quang” (kiếm cổ lạnh hào quang), Loạn hậu quy – Trở về sau loạn). Văn chương cổ là nơi cái bản ngã được giấu đi, thay vào đó là những vấn đề của “đạo”, của thế sự, thậm chí ngay cả trăng, hoa, tùng, cúc… cũng không phải để mô tả bản thân chúng. Đặc trưng về mặt thi pháp của văn chương trung đại Việt Nam, theo GS. Lê Trí Viễn, là “tinh thần vô ngã và quy phạm”30. Tuy vậy, văn học, một lĩnh vực sáng tạo tuân theo những lô-gích tình cảm, đã vẫn dành riêng cho nó một khoảng vừa đủ để văn học vẫn được là nó chứ không biến thành một loại diễn ca hay một bài học về đạo lý, một thứ ghi chép… Nghĩa là, dù mức độ có khác nhau, văn học thời nào cũng vậy, luôn phản ánh cá tính sáng tạo cùng những điều sâu lắng, riêng tư trong tâm hồn tác giả. Thơ, có lẽ bởi dung lượng phù hợp với những xúc cảm (có thể) mong manh, chớp nhoáng; vần điệu phù hợp với sự biểu đạt các cung bậc tình cảm; và là nơi, hơn bất cứ thể loại nào khác, có thể chấp thuận nỗi buồn, cho nên các tác gia văn học cổ dù muốn hay không muốn, dù ý thức hay không ý thức, vẫn trút bỏ nỗi niềm thầm kín của họ trong thơ. Vì đặc điểm này mà thơ muôn đời là người để chia sẻ.

Thơ của Gia Định tam gia cũng vậy, nhiều bài chan chứa ý vị riêng tư. Nỗi bồi hồi, bâng khuâng của Hoài Đức trong bài Mai khâu vãn thiếu (Gò Cây Mai chiều hôm

nhìn ra xa) là một ví dụ tiêu biểu. Trong mỗi đường nét của bức tranh chiều hôm ấy đều chứa một nỗi u ẩn. “Cảnh vật tịch mịch”, còn người thì dõi tầm mắt đến không cùng. Gió đông, tiếng sáo của trẻ chăn trâu, cánh quạ, “mây giăng ảm đạm trên bầu trời thăm thẳm”… chỉ rót thêm nỗi buồn. Câu kết có sức day dứt lòng người với hình ảnh nhân vật trữ tình im lặng tựa vào cây ngô đồng. Sự chuyển động của gió, âm thanh của tiếng sáo, sắc màu u ám của mây, cái thăm thẳm vô biên của bầu trời chẳng qua chỉ là một bức tranh được vẽ bởi nỗi sầu. Thực ra cái “tịch mịch” không có trong cảnh vật, cái “ảm đạm” không có trong mây trời. Cái “tịch mịch”, “ảm đạm” ấy là ở nơi tâm hồn con người!

Ở đất khách, Hoài Đức nhìn cảnh hoa gạo bay tứ tung mà thêm sầu (Thu nhật khách trung tác – Mùa thu đất khách cảm tác). Cũng ở nơi xứ người, ông thấy tiếng nhạn nghe lạnh buốt như đang rơi vào con thuyền cô đơn (Sứ hành thứ Quảng Đông thư hoài – Sứ bộ đến Quảng Đông, viết). Hơn một lần, đêm và nỗi mộng không thành khiến ông day dứt. Một đêm như vậy, ông nói: “gió vào biết cửa có khe hở” (“Phong lai tri hộ khích”, Dạ tọa – Ngồi trong đêm). Lần khác, ông “đành lòng để cho gió bắc lọt vào màn lụa” (“Nhẫn giao sóc xuy (xúy) xâm tiêu trướng”, Sứ quán dạ ngâm – Sứ quán đêm ngâm). Như vậy, trước cùng một hiện thực (gió vào phòng), ở bài Dạ tọa

hành động “biết cửa có khe hở” diễn ra sau khi “gió vào”, mang tính bị động, thì đến bài Sứ quán dạ ngâm hành động “đành lòng để cho” gió vào của con người đã mang tính chủ động; do vậy nỗi buồn ở đây đã trở nên thẳm sâu hơn, day dứt hơn.

Có một con sông thật lạ lùng trong thơ Trịnh Hoài Đức. Đó không phải sông Hành, sông Linh Đinh mà ông từng qua, không phải dòng Bến Nghé, cũng không phải dòng sông bạc màu trăng mà ông “cùng Ngô Nhữ Sơn viết tả nỗi lòng”. Con sông lạ đó được gọi tên trong nỗi sầu của Hoài Đức khi nghe tiếng sáo:

“Sầu đồng giang cửu khúc, Giang khúc nhiễu giang thành.”

(Sầu giống như sông chín khúc, Khúc sông vòng quanh thành sông)

(Nghe sáo)

Chỉ có con sông của tâm tư mới có những khúc bao quanh thành của chính nó. Một con sông được nối dài nới rộng bởi nhiều khúc, và chắc hẳn rất sâu, rất mênh mang.

Có những khi, trước sự gièm pha đố kị của một số quan lại, võ tướng, Trịnh Hoài Đức nghĩ đến việc về ở ẩn. Ông ca ngợi cái nhàn tản, thư thái của ẩn sĩ: “Bất kham kim khí địa, Nhàn mịch hạnh hoa xuân” (Không tham nơi có hơi vàng, Nhàn tìm kiếm cái xuân của hoa hạnh) (Đề Ngô Tùng Chu u cư, Đề chỗ ở ẩn của Ngô Tòng Châu). Trong bài Tửu điếm xuân du (Xuân chơi quán rượu), ông mượn tích Đào Tiềm đời Tấn để tự hỏi lòng xem bổng lộc của quan liệu có bằng chén rượu xuân trong quán hay không:

“Giải lan vị vấn anh trần khách, Ngũ đẩu như hà tửu nhất chung?”

(Cuộc tàn hỏi khách trong trường danh lợi,

Năm đấu gạo có bằng một chung rượu hay không?”

Cùng với sự khủng hoảng của chế độ phong kiến và quá trình hình thành vùng đất mới ở Đàng Trong với sự dung nạp nhiều yếu tố văn hóa, tâm linh khác nhau, vai trò của Nho giáo trở nên mờ nhạt hơn và sắc thái của nó cũng đã khác trước. So với Đàng Ngoài, tính chất Nho giáo ở Đàng Trong thế kỉ XVII, XVIII và Nam bộ cuối thế kỉ XVIII, đầu thế kỉ XIX mềm mại, phóng túng hơn. Sự tiếp nhận phức hợp các yếu tố văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau khiến Nho giáo ở Nam bộ phát triển không thuần nhất, và các nho sĩ bên cạnh sự vận dụng Nho giáo như một ý thức hệ chính trị còn bị ảnh hưởng bởi tư tưởng của Đạo giáo, Phật giáo. Trịnh Hoài Đức có những câu thơ mang sắc màu đạo Phật:

Để ý nhữ tri bất (phầu)”

(Giang nguyệt đồng Ngô Nhữ Sơn thư hoài) (Nghĩ về lẽ sắc không như thị,

Ý sâu trong đó anh có biết không)

(Trăng sông cùng Ngô Nhữ Sơn viết tả nỗi lòng) Hình ảnh một thiền sư ung dung với việc gõ chuông, tụng kinh hàng ngày, thả hồn vào vẻ đẹp của làn liễu rủ, bóng trăng in, thấy kiếp của mỗi sinh linh giống như hạt cát trong vũ trụ, đã diễn tả nỗi lòng Hoài Đức muốn trút bỏ nỗi mệt mỏi trong trường danh lợi để sống cảnh an nhàn (Tặng Hưng Long tự Dương Tuyền lão hòa thượng – Tặng lão thiền sư Dương Tuyền ở chùa Hưng Long). Nhiều khi thơ ông bàng bạc một màu u hoài: Thu dạ đồng cố nhân thoại cựu bộ cổ vận (Đêm thu cùng cố nhân nói chuyện cũ, làm theo vận thơ cổ), Dạ khởi (Đêm trở dậy), Hành quán khiển hứng (Hứng thơ đến nơi quán dịch), Củng Cực lâu đối vũ (Lầu Củng Cực nhìn mưa)… Biết rằng “đời người vui có bến bờ” (Nhân sinh lạc hữu nhai), nhà thơ lý giải rằng đó là do cơ trời. Có những đêm, Trịnh Hoài Đức “dậy xem đêm ra làm sao”, và đó là lúc ông ngẫm nghĩ về sự đời: “Ám cơ tàng thiện ác” (Cơ trời đã ngầm chứa thiện ác) (Dạ khởi – Đêm trở dậy).

Nỗi niềm riêng đã khiến thơ Trịnh Hoài Đức trở nên sâu lắng hơn. Giống như những nốt trầm, nó khiến bản nhạc của ông có sức nặng, có sức ám ảnh đối với người đọc.

2.2. LÊ QUANG ĐỊNH

Một phần của tài liệu Sáng tác văn học của Gia Định tam gia xã thời Nguyễn (Trang 55)