6. Cấu trúc luận văn
2.1.4. Tôn giáo điểm tựa tinh thần trong đời sống con người
Nếu sự trở lại của con người bình thường với những dục vọng liên quan đến tình dục, tính dục được xem “là một biểu hiện của dòng văn chương bừng tỉnh trước những dục vọng sống mãnh liệt của cá nhân, của những ham muốn hưởng thụ của con người sau chiến tranh” [13, tr.15] thì tôn giáo, cõi tâm linh con người là một “vùng đất hứa” mà tiểu thuyết thời Đổi mới đang nỗ lực lý giải.
Như chúng ta đã biết “tâm linh là vô thức, là trực giác hình thành tức thời ở con người, không chịu sự kiểm soát của lý trí. Hay nói cách khác tâm linh là “trạng thái tinh thần” đầy bí ẩn bên trong của con người, nó gắn với “cõi tự nghiệm” (chiều tiềm thức và vô thức). Nó gắn liền với tín ngưỡng, niềm tin và những thế lực siêu hình” [15, tr.189]. Có thể nói, văn xuôi Việt Nam cuối những năm 80 đã có những sắc thái mới mẻ theo những chuyển động, biến động của xã hội, trong đó tiểu thuyết và chất tiểu thuyết đã và đang gắn liền với quan niệm về con người trong một giai đoạn mới của văn học. Quan niệm không hoàn bị về con người trong sự băn khoăn, tìm kiếm, khám phá bản thân ở một cái nhìn tỉnh táo và nghiêm khắc đã trở thành một dạng quan niệm mở, tạo nhiều khoảng không tự do cho người
nghệ sĩ bổ sung liên tục, không ngừng nghỉ về con người sao cho chúng đủ sức thích nghi với sự phát triển của cuộc sống đương đại.
Bước vào thời đại công nghiệp cơ khí, đại quy mô cùng sự xuất hiện của chủ nghĩa duy lý cực đoan và duy học thực nghiệm, vấn đề tâm linh từ thế kỷ XX trong văn học thế giới thực sự trở thành tiếng gọi. Không phải văn học Việt Nam giai đoạn trước không xuất hiện yếu tố tâm linh, mà những linh tính, giấc mộng…chẳng qua được chọn chỉ để nhằm mục đích làm nổi bật phẩm chất người và phản ánh hiện thực. Văn học giai đoạn này, thứ tầng vỉa bí ẩn của con người tinh thần lại cho thấy một quan niệm đa chiều phức tạp ở con người.
Có thể nói, cảm hứng giải thiêng tôn giáo là cách thức tiếp cận, hóa giải để làm rõ thêm miền hiện thực trong con người mà các nhà văn giai đoạn này sử dụng chứng tỏ tâm linh vẫn tồn tại cùng với con người như một chiều kích quan trọng của con người, bởi lẽ đời sống tâm linh không phải là cái gì thần bí, “dẫu đôi khi nó cố ý khoác một cái vỏ thần bí, mà là một cái thường tồn trong con người” [8, tr.39]. Đây cũng là phương diện được các nhà tiểu thuyết đương đại khám phá, xâm nhập để lý giải chiều bí ẩn bên trong của con người.
Cuộc sống với bao sự ngổn ngang đầy bất ngờ, lý trí không thể nắm bắt, giải thích hết được. Trước một thế giới người nhiều như “một trò chơi vô tăm tích” thì có lẽ “thế giới tôn giáo” khiến người ta hoang tưởng nhưng lại muốn đi tìm nhất. Hơn nữa khi tiểu thuyết đóng vai trò “không phải là một lời tự thú của tác giả mà là một cuộc thăm dò cuộc sống con người trong cái thế giới đã trở thành cạm bẫy” [8, tr.37] thì tôn giáo sẽ có cơ hội đẩy cuộc thăm dò chiều sâu bên trong con người đi đến địa hạt tận cùng nhất.
Nhà văn Bùi Hiển trong bài tiểu luận văn học Cánh cửa sổ mở ra cõi mung lung đã viết: “Đúng ra có thể nói: mở vào. Vì cái chốn mung lung cần phải soi rọi vào ấy, lại chính là tâm hồn, tâm thức, tâm linh, là những điều gì diễn ra trong tầng sâu ý thức, trong bộ não, trái tim con người. Văn học, với chức năng của nó là khám phá bản thể con người (song song với việc khám phá ngoại giới), lẽ tự nhiên
nó rất khát khao soi tìm vào những miền uẩn áo của nội tâm, vào những động cơ thầm kín đến mức tăm tối của những ứng xử ý thức, các hiện tượng mà người ta gọi là siêu tâm lý” [59]. Đó có thể là tiếng gọi của con người thường nghe văng vẳng: “Hãy chở ta sang bờ bên kia” (thuyết lý đạo Phật). Đó là tiếng gọi của con người khi “cảm thấy rằng mình còn chưa đến đích”. Nhưng cái “bờ bên kia” ấy lại gợi chúng ta đến những liên tưởng thú vị. Nó không phải là bờ bên kia của một dòng sông, hiện hữu trong giới hạn của đất trời. Nó chính là “bờ ta” nhưng lại tồn tại trong cõi mông lung mà ta cần soi rọi, phải hướng đến trong tiếng gọi tha thiết từ cõi lòng mình. Đó là những“linh giác”, “trực cảm” những khả năng kỳ lạ mà khoa học chưa giải thích được nhưng có thể diễn đạt bằng nghệ thuật, những xúc cảm về cái linh liêng, cùng những khoảnh khắc vụt sáng của toàn bộ tâm thức như có sự mách bảo của một nhà thông thái vô hình.
PGS.TS. Nguyễn Thị Bình thì cho rằng: “Việc xem xét con người ở phần tâm linh sẽ đưa đến các giá trị nhân văn mới, nâng văn học ta lên một trình độ nhận thức có tính phổ quát và giàu ý nghĩa triết học nhân sinh” [5, tr.74]. Nói tóm lại, việc khám phá sâu vào lĩnh vực tâm linh tôn giáo, những bí ẩn khôn cùng của con người, chính là xuất phát từ một quan niệm về đời sống, từ cách nhìn đa dạng nhiều chiều về con người, từ ý muốn khám phá con người ở nhiều thang bậc giá trị, ở những mối quan hệ phong phú, qua đó đề xuất những chuẩn mực đánh giá con người hợp tự nhiên và nhân bản hơn nhằm đem lại cho văn học khả năng chiếm lĩnh đời sống phong phú. Đó cũng là cái mới khác của văn xuôi hiện nay so với giai đoạn trước.
Cùng với xu hướng phát triển chung đó của văn học, trong các tác phẩm của mình, Nguyễn Đình Tú cũng đặt con người vào trong môi trường đời sống tâm linh để soi chiếu. Có thể nói, một trong những tiêu chuẩn để Nguyễn Đình Tú trở thành “nhà văn của cái đương đại” [39, tr.70] là thái độ quan tâm nghiêm túc và đặc biệt đến đời sống tâm linh của con người. Trong bài viết Từ Hồ sơ một tử tù đến Nháp- một chặng đường tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú, Đoàn Minh Tâm phát hiện ra:
ông, đức cha…cũng thường xuyên xuất hiện với mật độ cao trong truyện ngắn và tiểu thuyết là một đặc trưng dễ nhận thấy trong văn chương của Nguyễn Đình Tú. Chùa Áng Sơn là nơi Hiến- người bạn thơ ấu của Bạch Đàn gửi gắm cuộc đời mình sau những tháng ngày tuổi thơ cực nhọc, phải bon chen để sống với đời. Và chính bản thân Bạch Đàn sau lần nói chuyện với Hiến- khi đã là nhà sư Pháp Thiện cũng có ý nương nhờ cửa Phật để xóa đi những nghiệp chướng mình gây nên với hồi ức xưa trong câu hát của ông đò: “Mênh mang một ánh nhìn hư ảo, khi Phật bà ban phước khắp muôn nơi. Phép nhiệm màu đựng trong bình nhỏ thế, đủ làm sao cho tất cả muôn người…” [40, tr.192]. Cả cuốn sách mênh mang sắc màu đạo Phật cho tới tận dòng cuối cùng: “Bây giờ nếu du khách nào đến chùa Áng Sơn sẽ không khỏi ngạc nhiên khi được biết trong đất chùa có xây một ngôi mộ cho một tử tù…nhìn dải phướn tung bay trong gió” [40, tr.192].
Sở dĩ Đàn tìm đến đạo Phật nơi cuối đời và cả khi chết vì anh tìm thấy ở sự bình yên thanh thản nhất của kiếp người với tiếng chuông chùa có tất cả một trăm linh tám tiếng, nó sẽ xua đi một trăm linh tám điều phiền não của con người và giúp Đàn nhận ra quy luật có vay, có trả tất yếu của cuộc đời, dù anh có chạy trốn, có rũ bỏ thực tại đen tối của ngày hôm nay thì tương lai vẫn là cái kết cục không tươi đẹp đang chờ đợi anh phía trước vì quá khứ Đàn đã đánh mất đi hạt mầm tốt đẹp trong tâm hồn, gieo biết bao tội ác cho con người thì làm sao dám hy vọng hạnh phúc sẽ mỉm cười với anh. Quy luật luân hồi, nhân quả của đạo Phật như một bản án thực thi lẽ công bằng của cuộc sống: “Phạm luật trời thì trời phạt, phạm luật đời thì đời trị, phạm luật người thì người đòi” [42, tr.153] không thể thanh thản nếu chưa trả hết nợ. Đây cũng là hạt nhân cơ bản trong triết lý nhà Phật giúp con người thức tỉnh và đối diện với bản ngã của chính mình. Vì vậy, chỉ có thể là nơi cửa chùa Đàn mới biết cúi đầu sám hối và cũng chỉ nhờ đạo Phật Đàn mới chịu buông tay, nhận lấy bản án cho riêng mình, kéo theo đó là sự chiêm nghiệm về một triết lý giản đơn của cuộc sống: “Trước những đôi mắt bon chen, ganh đua, trong chốn hỗn độn, háo danh, thèm lợi ai cũng thích phô trương những cái hơn người của mình. Chỉ đến khi con người đứng trước một cái chết không còn mơ tưởng gì tới cõi đời
này thì người ta mới chịu hạ vây, thu cánh, xếp hết những góc cạnh, nanh vuốt lại để an ủi, sẻ chia và thổ lộ những mất mát của chính mình. Hóa ra cuộc đời muôn mặt không dễ gì lý giải và bi kịch chỉ dành cho riêng ai mà có ở bất cứ đâu, trong mỗi con người, nằm cạnh hai chữ Hạnh Phúc. Nó là cặp bài trùng, là mặt đối lập, là phần âm nếu hạnh phúc là dương, là mùa đông nếu hạnh phúc là mùa xuân, là bóng đêm nếu hạnh phúc là ánh ngày, là tiếng khóc nếu hạnh phúc là tiếng cười, chẳng ai không có, chẳng ai không đeo mang” [40,tr.228] nên quay đầu sẽ là bờ, chối bỏ không phải là cách giải thoát khỏi hiện thực đắng cay, ngược lại càng làm ta trượt dài trong trầm luân đau khổ và đánh mất đi bản tính tốt đẹp của chính mình. Vì vậy, việc làm có ý nghĩa cuối cùng mà Đàn muốn thực hiện là đối diện với hiện thực dù hiện thực đó không phải lúc nào cũng dễ chấp nhận. Đây chính là chức năng thanh tẩy mà tôn giáo đã làm được trong tác phẩm Hồ sơ một tử tù.
Đúng như Max đã từng nói: “Tôn giáo là trái tim của một thế giới không có trái tim” [8, tr.13]. Khi thế giới đó con người chỉ tìm thấy sự mất mát, khổ đau thì tôn giáo sẽ xuất hiện như niềm an ủi, sẻ chia giúp con người mạnh mẽ hơn, có nghị lực để sống tiếp. Lúc này “tâm linh sẽ là sự thiêng liêng cao cả trong cuộc sống đời thường, là niềm tin vĩnh hằng vào giá trị tốt đẹp nơi con người và là điểm tựa vững chắc về tinh thần cho con người hôm nay và mai sau” [8, tr.14].
Với tác phẩm Bên dòng Sầu Diện, Nguyễn Đình Tú vẫn sử dụng tôn giáo làm gam màu chủ đạo trong bức tranh đời sống tâm linh của con người, nhưng nếu
Hồ sơ một từ tù tôn giáo soi chiếu ở đạo Phật trong điều kiện hòa bình thì Bên dòng Sầu Diện tác phẩm lại là hoàn cảnh đất nước có chiến tranh với sự lan toả của đạo Thiên Chúa giáo.
Ngay từ đầu tác phẩm nhân vật Minh Việt đã chào đời với sự mở rộng vòng tay của Chúa, dù anh không phải là người theo đạo nhưng sau này lý tưởng Thiên Chúa giáo vẫn luôn soi sáng, dẫn đường để chàng trai Minh Việt trải nhiều giông bão, tâm hồn vẫn trong sáng, thánh thiện như ngày nào.
Mặt khác, Bên dòng Sầu Diện, tôn giáo là cuộc giao tranh về đức tin giữa địch và ta. Bên cạnh mặt tích cực, đạo Thiên Chúa còn được cha Phăng sử dụng như một công cụ để mê hoặc lòng người nhằm kéo giáo dân về phía địch nhưng với tinh thần yêu nước của một dân tộc chính nghĩa, con người Việt Nam đã chứng tỏ bản sắc dân tộc và truyền thống văn hóa dân gian mãi là mạch chảy ngầm ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân. Nếu địch dùng giáo lý đạo Thiên Chúa để dụ dỗ thì ta lại lấy yếu tố tâm linh của những câu chuyện cổ tích xây dựng giữa đời thường để phản kháng. Sự tích núi Cô Hồn gắn với hình ảnh người đàn bà dũng cảm dám dùng liềm cắt đứt cuống họng mình vì những đồng chí trong đội quân Quốc dân đảng không chịu tấn công một cứ điểm của Pháp vào những năm trước cách mạng tháng Tám, được dựng lên như một tượng đài bất hủ để khích lệ tinh thần đấu tranh của nhân dân. Qua đó để thấy rằng bản chất tôn giáo là tốt đẹp nhưng mục đích sử dụng của con người khác nhau nên tôn giáo bị soi xét ở những góc nhìn khác nhau nhưng nhìn ở chiều nào thì chức năng chính của tôn giáo vẫn là hướng thiện và ước muốn thực thi lẽ công bằng cho con người. Vì vậy, nếu chúng ta sử dụng tôn giáo vào ý nghĩa cao đẹp thì cuộc sống con người sẽ tốt đẹp còn nếu lạm dụng nó vào những việc sai trái thì cuộc sống chỉ gặt hái thất bại và khổ đau. Sự ra đi của cha Phăng và chiến thắng hào hùng của dân tộc chính là lời minh chứng xác đáng nhất cho điều này. Hơn nữa, qua tác phẩm Bên dòng Sầu Diện, tác giả cũng muốn nhấn mạnh rằng tôn giáo có vai trò rất quan trọng trong đời sống con người, ngay cả trong điều kiện đất nước có chiến tranh vấn đề mà tưởng chừng con người cần quan tâm nhất là miếng ăn, sự sống thì yếu tố tôn giáo vẫn len lỏi vào trong từng nếp nghĩ, như một giá trị tinh thần thiết yếu luôn song hành, tồn tại cùng con người.
Trong Nháp, Nguyễn Đình Tú đã mở ra cánh cửa vào thế giới tâm linh của con người với nhiều mức độ và biểu hiện khác nhau. Ở đó niềm tin của con người vào sự ngự trị của đấng siêu hình. Đấng siêu hình đó là sự kỳ diệu của viên ngọc ước “rơi ra từ mắt các vị thiên sứ bay lượn trên những vòm hang nhà thờ…Nắm chặt nó trong tay ước gì sẽ được nấy” [42, tr. 235]. Bởi vậy mà Đại đã ôm ngọc rì rầm nguyện ước nhiều lần, cầu mong một phép màu giúp anh thoát khỏi sự cô đơn,
bất lực của cuộc sống mang lại. Cuộc đời Đại còn là sự dắt lối, đưa đường bởi các triết lý nhà Phật. Triết lý “Phạm luật đời thì đời trị. Về với cuộc đời mà không được hưởng những gì của đời thì về làm gì” [40, tr.278] đã đeo đẳng, ám ảnh Đại, để anh đối diện với sự thật trần trụi và nhận ra sai lầm, bi kịch của cuộc đời mình. Trước sự bế tắc một lần nữa với niềm tin tâm linh, Đại đã tìm tới trò bói hoa đại như niềm hy vọng cuối cùng, giúp anh giác ngộ, bỏ ý định quyên sinh, quyết tâm “quay lại tìm bờ”. Tâm linh đã trở thành chỗ dựa tinh thần để con người có thêm niềm tin và sức mạnh bước tiếp về phía trước.
Như vậy mặc dù tần số xuất hiện trong ba tiểu thuyết đậm nhạt có khác nhau nhưng nhìn chung chức năng chủ đạo của những hình tượng thế giới tâm linh ấy vẫn không ngoài nghĩa biểu tượng đã ăn sâu vào trong tâm trí của mọi người, mang ý nghĩa cứu rỗi những kiếp người lầm lạc. Ở đó họ sẽ vượt lên sự ô trọc của thế nhân, được đối diện với những gì thiêng liêng nhất, đối diện với chính mình để nảy sinh khát vọng được thanh lọc tâm hồn.
Trong Phiên bản- tự nhan đề tiểu thuyết đã đem tới không khí tâm linh trong Thiên Chúa giáo, “con người là một phiên bản của Chúa”. Ở đó người ta sống và luôn tin rằng: “Chúa có mặt ở khắp mọi nơi và Chúa sẽ cứu giúp những người hằng tin vào Chúa”. Bên cạnh đó, bao trùm lên những trang truyện, số phận của nhân vật, người đọc thấy sự chi phối của thế lực vô hình mang tên “định mệnh”. Sự tha hóa của con người cũng được giải thích do định mệnh chi phối: “Đất này dữ trai gái đều thành nghịch tặc cả…có tránh cũng chẳng được” [43, tr.84]. Tin vào định mệnh, số phận con người đã chấp nhận nó vô điều kiện, coi nó như một quy luật tất yếu để an ủi và xua tan đi hiện thực khốc kiệt mà họ đang phải đối diện.