6. Cấu trúc luận văn
2.1.2. Khẳng định quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người
người
Tác phẩm văn học là đứa con tinh thần của nhà văn. Mỗi tác phẩm ra đời xuất phát từ những cái nhìn khác nhau của mỗi người nghệ sĩ. Dù có chung một mẫu số là tình yêu văn chương nhưng động lực để làm nên tác phẩm của mỗi người lại hoàn toàn riêng biệt. Đối với nhà văn Nguyễn Đình Tú điều thôi thúc anh cầm bút đó là những ám ảnh về mảnh đất và con người quê hương, trong đó có cái gọi là “đặc sản Hải Phòng”. Với kinh nghiệm đã từng công tác trong ngành kiểm soát, thường ra vào làm việc với từng tội phạm khác nhau. Những con người mặc áo sọc trắng bên trong các bức tường xám mốc và những ánh mắt chất chứa ngàn vạn tâm trạng sau song sắt nhà tù luôn là những ám ảnh trở đi trở lại trong anh, như những cắt cứa suy tư, những đòi hỏi cắt nghĩa và với nhà văn thì đó là những nhân vật có hấp lực ghê gớm. Vì vậy, mà xuyên suốt các tác phẩm của Nguyễn Đình Tú người ta bắt gặp hầu hết là những nhân vật được xây dựng với số phận khá đặc biệt. Họ là những con người thuộc thế giới giang hồ, tội phạm đã nhuốm chất bụi đời. Song điều đặc biệt ở nhà văn trẻ này là anh không chỉ dừng lại ở việc miêu tả những số phận ấy mà còn đi sâu vào khẳng định quyền sống, quyền hạnh phúc của họ. Có thể thấy rằng dù nhân vật của anh có là tội phạm- những kẻ giang hồ đáng bị lên án thì trước hết họ vẫn là những con người và hưởng hạnh phúc là một đặc quyền của họ. Do đó ta rất dễ bắt gặp những sự sẻ chia, đồng cảm của tác giả Nguyễn Đình Tú, khi anh dành quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc cho những con người này.
Trước sau gì Đàn trong Hồ sơ một tử tù cũng luôn mang trong mình một khát vọng tự do mãnh liệt. Hành động Đàn chạy trốn pháp luật lên với cuộc sống nơi rừng thiêng núi độc không chỉ là cơ may để thay đổi cuộc sống nghèo khổ mà còn là minh chứng cho khát vọng tự do ở nơi anh. Muôn đời tự do vẫn là khát vọng chính đáng của con người. Trở thành một bưởng vàng khét tiếng và có máu mặt cũng là một cách để Đàn tự khẳng định mình. Cái kết cục của cuộc đời nhân vật là sự trả giá xứng đáng cho những lỗi lầm mà Đàn đã gây ra nhưng những ám ảnh mà Đàn để lại cho những nhân vật khác trong tác phẩm cũng như độc giả đã chứng
minh rằng khát vọng sống của Đàn trước sau vẫn được mọi người trân trọng. Lời khẳng định của Bằng về tình cảm của thầy Qúy dành cho Đàn đã nói lên điều ấy “trong số các học trò của thầy, thầy thương Đàn nhất” [40, tr.132]. Cũng như Bằng sau rất nhiều thăng trầm của cuộc sống, Bằng đã ngộ nhận ra rằng chính mình là một trong những nguyên nhân đầu tiên đẩy Đàn vào vòng tội lỗi. Số phận cũng bắt Bằng phải trả giá cho những ngông cuồng, dục vọng của một thời tuổi trẻ. Bằng xin được làm luật sư bào chữa cho Đàn cũng chính là mong được chuộc lại một phần lỗi lầm mình từng gây ra cho Đàn. Cùng với đó còn có các nhân vật khác như Dịu, Hiến- sư thầy Pháp Thiện…chứng tỏ cuối cùng mọi người đều hiểu và cảm thông cho Đàn. Rõ ràng nếu không bị bạn bè chơi xấu, không bị thói quan liêu, hững hờ vô cảm của những người quản lý ở trường đại học, của người lãnh đạo xã, hoặc nếu sinh ra trong một gia đình với đầy đủ cha mẹ thì cuộc đời Bạch Đàn không có kết cục buồn như vậy. Đặc biệt ở con đường tìm kiếm hạnh phúc, sự gặp gỡ Nhung chính là minh chứng rõ nhất cho thấy khát vọng được làm người của Đàn không bao giờ tắt. Chính nhờ Nhung mà Đàn có thêm nghị lực và niềm khát khao sống để đi hết hành trình số phận của mình. Nhưng cũng có thể như một niềm động viên, an ủi mà cuộc sống dành cho số phận Đàn. Niềm tin rằng Nhung và con vẫn đang sống bình yên mà người cán bộ nói với Đàn đã cho Đàn một sự ấm lòng trước khi về bên kia thế giới…
Đến Nháp, khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của các nhân vật thể hiện rõ nhất ở quá trình đấu tranh chiến thắng chính mình ở những người trẻ tuổi. Bất hạnh mà các nhân vật Nháp gặp phải đều có nguồn gốc sâu xa từ bản thân họ. Những nhân vật của cuốn tiểu thuyết này đều đi trên hành trình giải thoát mình khỏi những nỗi ám ảnh. Qúa trình ấy thực chất cũng là cách để họ khẳng định được quyền sống là chính mình dù có thể lựa chọn ấy là sai lầm và họ phải trả giá. Toàn bộ cốt truyện không có chút lý giải nào về sự nháp, nhưng tất cả trải nghiệm ấy đều như một tờ giấy dùng cho các nhân vật trẻ như Thạch, Đại, Duyên, Yến, Thảo, Trí…Họ nháp để mong tìm kiếm đáp án của cuộc đời.
Sức hấp dẫn thực sự của Nháp không nằm ở những trang viết liên quan đến sex mà lại nằm ở lớp ý nghĩa ẩn sâu dưới mạch truyện, ở những mảng bi kịch, những khát khao của các nhân vật trong quá trình tìm kiếm và khẳng định nhân cách của mình. Sex chỉ là cái cớ là nỗi ám ảnh đưa đẩy các tình tiết để Nguyễn Đình Tú đưa ra những băn khoăn, nhức nhối của giới trẻ nói riêng và những luận giải bất tận về con người nói chung. Họ phải chống chịu với những ý nghĩa, những ham muốn bản năng- mà ý chí lương tâm biết là lệch lạc đang ngày đêm hiện hữu nơi xác thân. Hành trình của nháp do đó, trở thành hành trình của những người trẻ trong công cuộc đi tìm kiếm bản ngã của riêng mình. Khát vọng giải thoát khỏi nỗi ám ảnh và khẳng định mình cũng vì thế mà trở thành một biểu hiện của khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc dù tất cả chỉ một lần nháp mà thôi.
Trong Phiên bản, quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc con người được Nguyễn Đình Tú đặt ra khá rõ nét ở nhân vật Diệu- sắc màu chủ đạo của bức tranh. Khi còn là một thiếu nữ trong trắng, ngây thơ, tình cảm đầu đời của cô đối với Nhân tuy chưa nhiều nhưng thật mơ mộng và đáng yêu biết bao. Đó cũng là cái phần trong trẻo nhất, tinh khôi nhất, đẹp đẽ nhất của đời Diệu. Đến khi trở thành Hương “ga” nổi tiếng giang hồ thành phố Ngã ba sông, Nhân vẫn luôn là hình ảnh gắn bó với những giấc mơ hoàn lương của cô. “Mỗi khi gặp Nhân, Diệu rất sợ nhìn vào đôi mắt ấy. Mỗi khi nhìn vào đó tuổi thơ của cô những ẩn ức nặng nề mà tinh khôi, những phần đời chật chội và khuất lấp, những bóng hình vay mượn, những thăm thẳm hồng hoang thiếu nữ lại len lén tìm về quanh cái vỏ não đã nhuốm màu tội ác của cô” [43, tr.156]. Nên ở một góc nào đó, Hương “ga” khao khát có Nhân bao nhiêu thì cũng khát khao được trở về là Diệu bấy nhiêu. Mối tình học trò chưa được đặt tên ấy đã đi suốt cuộc đời của Diệu dù sau này cô trở thành một nữ hoàng đen, một nhân vật có số má khét tiếng trong giới giang hồ ở thành phố Ngã ba sông và trong cả nước. Tình cảm của Nhân như ánh trăng huyền bí thấp thoáng soi rọi tâm can Diệu nhưng tiếc thay nó không thay đổi được số phận hãi hùng của cô. Khát khao có Nhân cũng chính là niềm khát khao hạnh phúc lớn nhất trong cuộc
đời của Diệu. Vì thế nó cũng là căn nguyên giúp cho cô nhận được sự xót thương, cảm thông từ phía độc giả.
Mối tình với Hưng “mã” đã thỏa mãn cho Diệu tất cả những đam mê và nhục dục thể xác của một người đàn bà nhưng Hưng “mã” lại không phải là người sẽ mang đến cho Diệu niềm hạnh phúc của người được làm vợ. Tùng “hero” một tay anh chị khét tiếng giang hồ đất Cảng mới là người cho Diệu niềm hạnh phúc ấy. Cái đám cưới xa hoa với Tùng ít nhất đã làm thỏa mãn danh dự cho Hương “ga” (tức Diệu) nhưng cuộc hôn nhân ấy không khỏi khiến bạn đọc thấy xót xa, thương cảm. Căn phòng hạnh phúc với rất nhiều vết đâm chém lẫn với những giọt nước mắt ái ân và những tiếng tặc lưỡi của đồng bọn gọi Tùng đi giết người khiến cho ta hình dung họ sống cái kiếp người thật buồn nản, đớn đau và cùng quẫn…Nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương trong Phiên bản hay hồ sơ một thanh tẩy đã nhận
định: “Phiên bản không vạch cho con người ta con đường sáng rõ để đi tới hạnh phúc…Phiên bản không chủ đích vào việc lột hiện con đường đến hạnh phúc và sự cải hối…Tiểu thuyết là một phản nhận thức bằng cách lột hiện tất cả sự phi lý và trớ trêu của cuộc đời” [44, tr. 8]. Khát khao sống, khát khao hạnh phúc của nhân vật cuối cùng cũng không thể chống lại được số phận nghiệt ngã. Chính điều đó đã khiến cho độc giả luôn thấy một niềm tin ám ảnh, day dứt khôn nguôi ngay cả khi trang sách đã gấp lại.
Trở lại với Kín, nhân vật trong tiểu thuyết này của Nguyễn Đình Tú là một nhóm trẻ vị thành niên đầy cảnh ngộ. Mỗi đứa mang trong mình một số phận đầy bi đát (đứa mồ côi, đứa lạc mẹ, đứa bị bỏ rơi, đứa đi bụi đời…). Nguyễn Đình Tú đã tập trung miêu tả những bước ngoặt lớn trong cuộc đời của những nhân vật ấy để khắc họa quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người.
Những đứa trẻ ấy không hẹn mà hội ngộ tại nhà ga Hải Thành. Số phận đã đưa chúng đến với nhau, đùm bọc, che chở cho nhau trong một toa tàu rỗng bỏ hoang và hình thành tên gọi nhóm Toa tàu. Băng nhóm chỉ thực sự trở nên đúng nghĩa khi chúng phải cùng nhau “chiến đấu” trong vùng sinh kế với các đàn anh,
đàn chị (băng nhóm của Lộc mũ bông). Không chỉ chiến đấu với các băng nhóm, chúng còn phải vùng vẫy, giẫy giụa trong cái vòng tròn mang tên gọi số phận để giành lấy quyền sống cho chính mình. Và mỗi nhân vật ấy lại có một cách phản kháng lại số phận ấy một cách khác nhau. Hoàn ngay từ đầu đã tỏ rõ ý chí không chịu khuất phục số phận khi trong đầu lúc cũng “cháy lên những ý nghĩ phản kháng”. Hoàn không bao giờ cam chịu dưới trướng một anh chị nào dù có phải “trả phí đời mình tại nhà ga Hải Thành bằng tấm thân đầy thương tích”. Phương thì ngay từ khi mới chỉ là một cô bé 13 tuổi cũng đã vùng lên vượt thoát số phận bằng nhát dao chí mạng dành cho người cha dượng bỉ ổi. Lớn lên, dù phải làm cái nghề mạt hạng nhất thì Phương vẫn tỏ rõ những nét lỳ lợm, chai sạn của mình trong cuộc đối đầu với đủ các thể loại người. Tiêu biểu và toàn diện hơn cả cho sự quẫy đạp của số phận phải kể đến nhân vật Quỳnh. Cuộc đời của Quỳnh là một hành trình dài chống chọi với số phận để giành lấy quyền sống. Ngay từ khi là một bào thai nằm trong bụng mẹ, Quỳnh đã có dấu hiệu báo trước việc muốn vùng vẫy, quẫy đạp để thoát khỏi không gian tù túng, chật hẹp trong cơ thể mẹ. Mười tuổi, cô bé bị lạc mất mẹ trong một lần cháy chợ. Để chống đỡ với số phận, Quỳnh “gia nhập” băng nhóm Toa tàu bằng cái tên Lửa Cháy. Mười ba tuổi, cô bé đã biết suy tính từng đường đi nước bước trong công cuộc chống chọi với số phận của mình. Đầu tiên là quyết định sẽ đi làm “phò” để kiếm tiền thoát khỏi thân phận bán hàng rong. Kế đến là công cuộc “bán trinh chịu” hoàn toàn chủ động của cô bé với Kiên- người anh cùng băng nhóm. Chính đoạn miêu tả sự giao thoa của hai mảnh đời bất hạnh cùng những cảm xúc thuần khiết, tinh khôi đó lại chính là bước thoát xác, chuyển mình mạnh mẽ trong ngòi bút khắc họa tính dục của nhà văn Nguyễn Đình Tú: “Hai cơ thể mới lớn mò mẫm, trưởng thành dần lên trong khoái cảm giao hợp diệu kỳ. Mùi của đơn côi trần thế, mùi của lạc loài thân phận hòa quyện vào nhau, hòa quyện trong hơi ấm tối tăm, ẩm ướt. Nước mưa vẫn cứ nhỏ lóc chóc ngoài phên cửa. Hơi lạnh bị đẩy lùi ra khỏi lớp chăn mỏng. Ngoài kia có chuyến tàu đến và đi, có toa hàng nào đang nằm chờ bốc, có vẻ mặt nào phờ phạc ngáp dài, có bao lữ khách nhìn trời chép miệng, có đám nhóc bụi đời nhìn bụng sôi réo, có bao nhiêu
người sảy nhà, lạc mẹ…tạm thời bị quên đi, bị xóa nhòa trong phút giây tìm thấy và hòa trộn của hai kẻ đang đắp chung tấm chăn mỏng sổ bông, tuột góc này. Lớp chăn ấy như tấm thảm mây đưa họ về trời. Như con đò thoát bão về nơi chốn cũ. Như loài chim én mù về lại vườn xuân. Như đứa trẻ lạc về với gia đình. Như nỗi cô đơn về trong tình bạn. Như niềm sợ hãi gặp chốn bình an. Như tay gặp tay, chân gặp chân, chồi xuân gặp mưa ngọc. Và nước mắt, nước mắt của mầm cây ứa nhựa, tách hạt nảy mầm. Nước mắt của thoát xác, đớn đau. Nước mắt của nụ cười thảng hoặc. Nước mắt của ấm nóng đêm đông. Nước mắt của bầy thú hoang ngoảnh mặt về quê nhà. Nước mắt của lần đầu làm phò. Nước mắt của một cuộc bán trinh vay mượn và dâng hiến” [44, tr. 241]. Đó là cuộc tình mang tính chất bản năng của hai kiếp người đau khổ gặp nhau nhưng lại là vết lằn sâu trong tâm trí mà mỗi người không bao giờ quên lãng. Vì vậy, sau khi trở về với gia đình nhưng Quỳnh vẫn luôn quẫy đạp trong cái thế giới của riêng mình để mong được giải thoát. Bỏ dở việc học hành rồi lao vào những cuộc chơi bời trác táng một phần nào đó cũng là cách Quỳnh dùng để chống lại thực tại- chống lại thế giới mà cha của Quỳnh đã dựng lên cho cô- một thế giới quá thừa thãi về mặt vật chất nhưng lại thiếu tình thương yêu, đồng cảm. Hành động cuối cùng của Quỳnh trong tiểu thuyết “vung tay về phía biển, chiếc thẻ ATM lượn đường vòng cung, nhỏ xíu, xa dần, rồi như chiếc lá rụng, rớt nhẹ xuống mặt biển” [44, tr.430] đã giải thoát cho cô bé khỏi một thực tại đầy bế tắc, cùng quẫn. Cái kết thúc mở của cuốn tiểu thuyết đã cho thấy một con đường mà nhân vật Quỳnh đã lựa chọn để khẳng định quyền sống trong cái bản ngã của mình.
Như vậy, quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của những nhân vật thuộc về thế giới tội phạm đã được Nguyễn Đình Tú đặt ra một cách bức thiết, róng riết trong những trang viết của mình. Qua việc thể hiện quyền sống, quyền hạnh phúc ấy, vấn đề thân phận con người cũng được làm nổi bật như một nội dung chính của tác phẩm. Qua đó người đọc cảm nhận được một điều rằng, dù thời đại nào, con người là ai và sống ở đâu thì tình yêu và hạnh phúc vẫn luôn là những giá
trị cao đẹp nhất mà trong sâu thẳm tâm hồn của mỗi con người luôn khát khao hướng tới.